Những Kẻ Dấu Mặt

face

Dẫn nhập và đặt vấn đề

Bộ phim The Human Experience diễn tả khao khát của nhóm thanh niên muốn mở lòng ra với tha nhân; muốn dấn thân sống với những người bất hạnh. Đâu là động lực khiến nhóm thanh niên này quan tâm đến những người bất hạnh ấy?

Ở Việt Nam, có nhiều trung tâm chăm sóc bệnh nhân hiv/aids. Một trong số đó là trung tâm Mai Hoà do các soeur Nữ Tử Bác Ái phụ trách. Các soeur còn khá trẻ, và dường như soeur nào cũng vui tính và xinh đẹp cả. Ai từng đến Mai Hoà cũng dễ bắt gặp những cảnh như thế này: Bên cạnh hình dáng gầy còm, thân đầy lở loét của những bệnh nhân giai đoạn cuối là sự xinh lành, tươi vui của các soeur đang cặm cụi chăm sóc và đút từng thìa thức ăn cho các bệnh nhân. Đâu là động lực khiến các soeur chăm sóc những bệnh nhân này như người thân của mình?

Hằng tuần, tôi vẫn đi tông đồ ở trung tâm Mai Hoà. Công việc của tôi là chia sẻ giáo lý cho các bệnh nhân. Đâu là động lực khiến tôi đến với họ vào những chiều thứ bảy? Nếu như bề trên quyết định sứ vụ của tôi là chăm sóc và phục vụ những bệnh nhân hiv/aids cho đến hết đời, liệu tôi có vui vẻ và bình an đón nhận?

Như vậy, trong bài viết này, vấn đề mà tôi muốn đặt ra là: Tại sao con người lại quan tâm đến nhau? Đâu là động lực khiến ta giúp đỡ người khác? Những “kẻ dấu mặt” đằng sau những hành vi bác ái, từ thiện, làm phúc hay bố thí là gì? Có lẽ, tôn giáo và ơn gọi thánh hiến là những câu trả lời khá “nặng ký” cho vấn đề này. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết, tôi sẽ không đề cập đến tôn giáo và ơn gọi, nhưng sẽ cố gắng phân tích vấn đề trên theo cái nhìn của triết học, cụ thể là triết học về con người.

Hai lối nhìn của triết học về bản chất con người

Trong dòng chảy của triết học, dường như có hai trào lưu khá nổi bật khi nhìn về bản chất con người trong mối tương quan với người khác. Một trào lưu cho rằng bản chất con người là vị kỷ, chỉ chăm lo cho lợi ích riêng của bản thân (self-interested). Đại biểu của trào lưu này là Thomas Hobbes và nhà tâm lý học Sigmund Freud. Còn trào lưu thứ hai xem con người là hữu thể hay động vật có lý trí (rational being/animal). Việc con người hướng đến tha nhân, quan tâm và giúp đỡ những người khốn khổ thì tương hợp với lý trí, hay nói cách khác, là điều mà con người nên làm. Trong trào lưu này, ta có những đại biểu như là Plato, Immanuel Kant.

Bản chất của con người là ích kỷ

Hobbes là một triết gia theo chủ nghĩa vật chất (materialist). Ông cho rằng tất cả mọi sự trong vũ trụ chỉ là vật chất. Con người cũng là vật chất (material bodies) và hoạt động tinh thần của con người được ông giảm thiểu xuống thành hoạt động của bộ não và các dây thần kinh. Trong chiều hướng đó, ta có thể giải thích hoạt động của con người giống như những cỗ máy sinh học. Cỗ máy ấy hoạt động với những gì đã được lập trình sẵn và phần mềm lập trình ấy chính là sự ích kỷ (selfish). Con người làm bất cứ một hành động nào cũng chỉ là để thoả mãn khao khát ích kỷ của bản thân. Hobbes lấy ví dụ về việc bố thí cho người ăn xin. Ông bố thí không phải vì lòng vị tha trắc ẩn nhưng vì sự khốn khổ của người ăn xin khiến ông ray rứt và để giải toả sự ray rứt ấy, ông bố thí cho anh ta.[1]

Mạnh mẽ hơn, Freud cho rằng bản chất của con người là độc ác và ích kỷ. Con người không hề là một tạo vật hiền lành; thân thiện; ước ao tình yêu, hạnh phúc và chỉ phản kháng khi tự vệ nhưng là một tạo vật thích gây hấn. Như vậy, tha nhân không phải là đối tượng để tôi thiết lập những tương quan giao hảo, hay là những người để tôi thể hiện tình yêu nhưng là nơi để tôi thoả mãn tính gây hấn của mình.[2]

Với lối nhìn bản chất con người là ích kỷ như thế, lý do khiến con người quan tâm hay giúp đỡ người khác đơn giản chỉ vì họ làm việc mà họ muốn làm mà thôi. Nhóm thanh niên trong bộ phim dấn thân để sống với những người bất hạnh vì họ muốn thế. Hay động lực khiến các soeur chăm sóc bệnh nhân là vì các soeur muốn làm việc đó. Cũng vậy, lý do thúc đẩy tôi đến với các bệnh nhân là vì tôi muốn trò truyện với họ vào ngày cuối tuần. Tắt một lời, việc con người quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau chỉ là để thoả mãn lòng muốn của mình. Bên cạnh đó, cũng còn một lý do khác: Người ta quan tâm, giúp đỡ nhau vì sự quan tâm và giúp đỡ ấy khiến họ cảm thấy tốt về bản thân mình hay mang đến cho họ một cảm giác bình an, vui vẻ. Ngày hôm nay, người ta ồ ạt đi làm từ thiện. Nhưng thử hỏi trong số ấy, có bao nhiêu người làm từ thiện thật sự hay cũng chỉ để tìm kiếm một cảm giác bình an, thoả mãn cho bản thân mình (ví dụ: được trầm trồ khen gợi là có lòng bác ái, được quay phim phỏng vấn lên tivi, cảm thấy mình quan trọng đối với người khác…). Hay như Hobbes miêu tả: làm việc bác ái, từ thiện chỉ để giải toả cảm giác bứt rứt khi thấy sự khốn khổ của người khác mà thôi. Như vậy, với cái nhìn về bản chất con người là ích kỷ, việc quan tâm và giúp đỡ tha nhân chỉ là việc mà người ta muốn làm hoặc là để thoả mãn những khát khao riêng tư cá nhân. Tuy nhiên, lập trường này gặp nhiều phê bình và chỉ chính, đặc biệt từ những triết gia xem bản chất con người là động vật có lý trí.

Bản chất của con người là động vật có lý trí

Ông tổ của trường phái này là Plato. Ông cho rằng bản chất của con người được cấu thành từ ba yếu tố: ham muốn, tinh thần và lý trí.[3] Ba thành phần này không phải lúc nào cũng hài hoà mà luôn có sự xung khắc. Giả sử ta đang chết khát và trên bàn có một ly nước pha thuốc độc. Phần ham muốn sẽ thôi thúc ta cầm lấy uống cho thoả cơn khát, nhưng phần lý trí sẽ ngăn ta lại vì nếu uống ta sẽ chết. Đấy là sự xung khắc giữa ham muốn và lý trí. Hay khi chạy xe ngoài đường, có kẻ phóng nhanh vượt ẩu quẹt nhẹ vào ta; ta liền phóng xe thật nhanh đuổi theo để la lối và cho kẻ ấy biết rằng anh ta đã sai. Ta không dễ bị lép vế, qua mặt. Điều thúc đẩy ta làm điều này chính là phần tinh thần; còn phần lý trí lại mách bảo cho ta biết làm như thế là nguy hiểm và không đáng. Đấy là sự xung khắc giữa tinh thần và lý trí. Plato mô tả sự xung khắc giữa ba thành phần trong bản chất con người bằng một hình ảnh ẩn dụ của người đánh xe ngựa. Lý trí là người đánh xe điều khiển hai con ngựa ham muốn và tinh thần.[4] Như thế, cỗ xe sẽ đi đúng hướng và cuối cùng đạt tới hình thức toàn hảo (Forms); còn nếu để ham muốn và tinh thần điều khiển, chúng sẽ biến thành những ông chủ và con người trở thành nô lệ.

Như vậy, với cái nhìn của Plato về bản chất của con người là hữu thể có lý trí, lập trường của Hobbes và Freud sẽ bị thách thức, vì con người có thể kiểm soát phần ham muốn và tinh thần chứ không đơn giản chỉ hành động theo sự thúc đẩy của lòng muốn vị lợi (self-interested disires). Thế nên, việc quan tâm, giúp đỡ tha nhân không chỉ là việc ta muốn làm; nhưng theo sự suy xét của lý trí, đó là việc mà ta nên làm và phải làm. Theo Hobbes, việc giúp đỡ người khác xuất phát từ lòng vị kỷ, tức là từ lòng muốn. Nhưng theo Plato, việc giúp đỡ tha nhân không đến từ lòng muốn vị kỷ nhưng là đến từ sự suy xét của lý trí. Lý trí mới là nhân tố điều khiển lòng ham muốn; còn nếu ngược lại, con người sẽ ra loạn lạc, mất trật tự.

Thêm vào đó, việc quan tâm, giúp đỡ tha nhân cũng không phải là vì hành động ấy mang lại cho ta một cảm giác tốt về bản thân hay một sự bình an nào đó. Đồng ý rằng, cảm giác tốt về bản thân hay sự bình an là động lực rất lớn thúc đẩy con người quan tâm, giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nơi con người, cũng có lòng bác ái vị tha nữa. Chẳng hạn, khi thấy một đứa bé rơi xuống giếng, phản ứng ngay lập tức của ta là chạy đến cứu đứa bé mà không hề suy nghĩ gì cả. Như vậy, cảm giác tốt về bản thân hay sự bình an chỉ là những điều đến sau. Lòng nhân ái mới là điều tiên hết trong tương quan giữa người với người.

Kant nói mạnh mẽ hơn, đã là người có lý trí thì phải hành động theo Mệnh Lệnh Tuyệt Đối[5] cho dù ta có muốn hay không. Một trong những mệnh lệnh đó là: phải đối xử với người khác như là cùng đích chứ không phải như phương tiện.[6] Như vậy, việc quan tâm giúp đỡ tha nhân là vì lợi ích và sự triển nở của chính tha nhân chứ không phải là để tìm kiếm hay thoả mãn lợi ích riêng tư của bản thân. Thế nên, trong cái nhìn của Hobbes và Freud, tha nhân chỉ là phương tiện; giúp đỡ tha nhân để thoả mãn nhu cầu vị kỷ của mình. Với Kant, lối nhìn này đã đi ngược lại với Mệnh Lệnh Tuyệt Đối, và như thế, người ấy đã hành xử như một người không có lý trí.

Kết luận và trả lời cho vấn đề

Mặc dù lối nhìn của Hobbes và Freud về bản chất con người có hạn chế nhưng ta không thể phủ nhận nơi con người có lòng muốn vị kỷ. Lòng muốn này thúc đẩy con người hướng tha và giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nơi con người cũng có lòng trắc ẩn vị tha. Nếu lòng muốn vị kỷ thôi thúc con người quan tâm giúp đỡ người khác, lòng trắc ẩn vị tha cũng là một động lực không kém phần mãnh liệt. Như vậy, thực ra nơi con người có cả hai thái cực: vị kỷ và vị tha. Tuy nhiên, dù vị kỷ hay vị tha, theo Plato, chúng vẫn thuộc về phần ham muốn. Như thế, nếu phần ham muốn quyết định tương quan của con người đối với nhau sẽ dễ xảy ra: hoặc biến tha nhân thành phương tiện để thoả mãn lòng muốn vị kỷ hoặc là đánh mất chính mình vì quá hướng tha. Bởi thế, để tránh hai thái cực này, Plato và Kant nói đến lý trí hay Mệnh Lệnh Tuyệt Đối. Tức là, việc quan tâm giúp đỡ người khác không chỉ vì lòng muốn vị kỷ hay lòng trắc ẩn vị tha nhưng còn vì sự suy xét của lý trí. Với lý trí, ta quyết định giúp đỡ những người khốn khổ và bất hạnh bất chấp lòng ta có muốn hay không. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự suy xét đúng đắn của lý trí mà không có lòng muốn thúc đẩy, ta sẽ chẳng có động lực hay đủ sức mạnh để thi hành. Như vậy, động lực thôi thúc con người quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau dường như là sự tổng hoà phức tạp của cả ba yếu tố: lòng muốn vị kỷ, lòng trắc ẩn vị tha và sự suy xét của lý trí. Chính ba yếu tố này thúc đẩy nhóm thanh niên trong bộ phim dấn thân sống với những người bất hạnh, thôi thúc các soeur hết lòng chăm sóc bệnh nhân hay mời gọi tôi đến chia sẻ với những người khốn khổ vào mỗi chiều thứ bảy.

Như vậy, một khi nhận ra những động lực chi phối hành động của mình, tôi sẽ ý thức hơn trong những mối tương quan, nhất là cảnh giác hơn trước những hành động được xem là quan tâm giúp đỡ tha nhân. Quả thật, như đã phân tích ở trên, những “kẻ dấu mặt” đằng sau hành động quan tâm và giúp đỡ ấy chính là lòng vị kỷ, vị tha hay lý trí. Một khi những “kẻ dấu mặt” bị “vạch mặt”, tôi mới có thể suy xét để không biến tha nhân thành phương tiện nhằm thoả mãn lòng muốn vị kỷ; cũng như tránh thái độ luồn cúi, cả nể, đánh mất chính mình vì quá hướng tha và cũng không hành xử với người khác chỉ bằng cái đầu giống như một cỗ máy. Nhưng sẽ đúng đắn hơn nếu tôi có một thái độ hoà điệu nhịp nhàng giữa lý trí, lòng muốn và sự bác ái vị tha trong tương quan với người khác.

 Vũ Đức Anh Phương, S.J

Học Viên Triết II

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Pojman, Louis P. Who Are We? Oxford: Oxford University Press, 2006.
  2. Rachels, Stuart. The Elements Of Moral Philosophy. New York: McGraw-Hill Companies, 2010.

[1] Louis P. Pojman, Who Are We? (Oxford: Oxford University Press, 2006), p. 106.

[2] Ibid., p. 177.

[3] Ham muốn (appetite) là sự đói, khát, ham muốn tình dục và những nhu cầu thể lý khác. Tinh thần (spirit) là tính hung hãn (aggressiveness) hay sự tự khẳng định mình (self-assertiveness). Lý trí (reason) là khả năng suy tư phản tỉnh, rút ra kết luận từ những suy tư có trình tự đúng đắn.

[4] Louis P. Pojman, op.cit., pp. 49-50.

[5] Kant phân biệt hai loại mệnh lệnh: mệnh lệnh giả định (hypothetical imperatives) và mệnh lệnh tuyệt đối (categorical imperatives). Mệnh lệnh giả định: nếu tôi muốn A thì tôi làm B. Ví dụ, tôi giúp đỡ tha nhân vì tôi muốn trở thành người tốt. Nhưng mệnh lệnh tuyệt đối lại khác: Tôi phải làm A cho dù tôi có muốn hay không. Thế nên, giúp đỡ tha nhân là điều mà tôi phải làm dù tôi muốn hay không muốn. (Stuart Rachels, The Elements of Moral Philosophy (New York: McGraw-Hill Companies, 2010), p. 128.)

[6] Louis P. Pojman, op.cit., p. 128.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *