Những tội nhân được yêu thương

Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình (Linh thao 23). Thế nhưng không phải lúc nào mỗi người cũng chọn lựa và hành động theo cùng đích ấy. Dù tin tưởng Thiên Chúa vẫn luôn quan phòng, yêu thương săn sóc, nhưng nhiều người lại hành động như thể họ chẳng được yêu thương. Vậy đâu là nguyên nhân của những thái độ và hành động chọn lựa như vậy? Và làm người ta có thể tìm lại nơi mình một con tim biết yêu thương?

Mỗi người khiêm nhường ý thức rằng mình là một tội nhân, vì sự vô ơn và bất tín. Tội lỗi chính là nguyên nhân làm con người thất bại trong việc đáp trả tình thương của Thiên Chúa và của tha nhân. Tội không đơn thuần là làm những điều xấu với chủ đích và ý hướng rõ ràng, nhưng còn là sự thờ ơ với những điều lành. Thánh I-nhã đã tìm ra gốc rễ của tội, đó là sự vô ơn. Trong tình trạng vô ơn, người ta không nhận thấy mọi thụ tạo là ân huệ đến từ Thiên Chúa để yêu mến, trân trọng và sẻ chia. Đối với Thánh nhân, vô ơn là tội lớn nhất và là gốc rễ của muôn vàn tội lỗi. Chính vô ơn đã làm con người mất đi khả năng yêu thương Thiên Chúa đã yêu thương họ.

Thái độ vô ơn cũng dẫn con người đến một nết xấu khác, đó là lòng yêu mình. Vì yêu thân xác mình và những gì thuộc về thế gian, lòng người nảy sinh những tính xấu tham, sân, si. Người ta ham muốn những thứ bản thân họ chưa có. Những thứ người ta đang sở hữu, họ lại không trân trọng và muốn đẩy ra xa mình.  Và những bổn phận cần thực hiện trong tương quan với chính mình và tha nhân, họ lại không thực hiện. Sống trong vòng luẩn quẩn của lòng yêu mình như thế, trái tim con người dần trở nên chai lì và khô cứng, chẳng thể mở ra với Thiên Chúa và với tha nhân.

Nhận thức trên đây làm ta cảm thấy đau đớn và phiền muộn. Nhưng giống như tâm tình của người con hoang đàng, sự đau đớn ấy có thể là bước khởi đầu hầu giúp ta sám hối ăn năn, từ đó trở về với Thiên Chúa. Thánh I-nhã mời gọi ta cầu nguyện để được cảm thấy đau đớn và xấu hổ, được hiểu biết sâu sắc về tội lỗi và sự quyến luyến lệch lạc trong đời sống mình. Ngài cũng mời gọi ta cầu nguyện vì sự vô ơn, và thiếu tinh thần đáp trả trước tình yêu trao hiến vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Việc cầu nguyện ấy giúp mỗi người biết chiêm ngắm Thiên Chúa, để nhờ ơn Ngài trợ lực, họ dám bỏ mình và hãm mình liên lỉ hơn.

Mọi người đều là tội nhân, nhưng được tha thứ. Tội nhân và sự tha thứ được nối kết với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người ngay cả khi họ còn là tội nhân. Giống như Người Cha Nhân Hậu, Ngài luôn ngóng trông con cái trở về. Nhưng chỉ những ai nhận ra tội lỗi của mình và đứng dậy quay về cùng Cha, người ấy mới thực sự cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Thái độ vô ơn và lòng yêu mình đã làm con người lìa xa Thiên Chúa và tha nhân, để rồi đóng khung chính mình trong cái tôi ích kỷ. Nhưng tình thương của Thiên Chúa bao la hơn tội lỗi con người. Một khi ai dám đứng lên trở về cùng Cha, người ấy sẽ cảm nghiệm tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Họ cũng sẽ thấy họ không thực sự tốt như họ nghĩ nhưng lại được yêu mến nhiều hơn họ tưởng.

Nguyễn Đương, S.J.

Bài viết sử dụng ý tưởng từ: Sách Linh Thao, Hiến Pháp Dòng Tên, và tác phẩm “Discovering Your Dream” của cha Gerald M. Fagin, SJ.

Kiểm tra tương tự

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *