Niăm să!

Niăm să wa! Chào chú! Tôi thường được chào như thế khi đến với anh chị em K’Ho tại một số nơi trong tỉnh Lâm Đồng. Tôi đáp lại: Niăm să Kòn! Niăm să mò! Niăm să oòng!… (chào con, chào bà, chào ông…). Tiếng chào khởi đầu một cuộc gặp gỡ, một cuộc thăm viếng mà hiệu quả là niềm vui được lớn lên, tương quan yêu thương được xây dựng.

11

Gặp nhau, thường ai cũng chào. Khi gặp mà không chào được thì chắc có vấn đề. Con chào cha mẹ; cháu chào ông bà, cô dì, chú bác; anh em chào nhau; cha mẹ cũng chào con cái; cả ông bà hay các cụ các cố cũng chào cháu chắt của mình. Điều quan trọng là đặt cái gì vào trong tiếng chào.

Sứ thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng! Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc1,28). Trong lời chào ấy, có cái gì ẩn tàng sâu xa và quan trọng đến độ Maria phải bối rối tự hỏi người chào muốn nói với mình điều gì (x. Lc1,29).

Bà Elisabet nói với Đức Maria: “Khi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong lòng chị đã nhảy lên vui sướng” (Lc1,44). Vì sao? Lời chào ấy xuất phát từ một trái tim, từ một tấm lòng đang chất chứa ân sủng rạng ngời là Con Một Thiên Chúa đã làm người và đang ở với nhân loại. Có Chúa ở cùng, Mẹ đem an bình và niềm vui đến cho tha nhân. Ngay từ lời đầu tiên, người có Chúa đã đưa người khác tới hạnh phúc, làm cho cõi lòng người ấy nhận được sức mạnh đổi mới của Thánh Thần.

Như vậy, lời chào thật quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Đó cũng là lời đầu tiên tôi phải học khi tìm đến với anh chị em mình trên mọi miền của trái đất này (hay cả ở các hành tình khác nữa).

Tin Mừng nằm trong tiếng chào và trong cách chào. Dĩ nhiên, lời chào là điều căn bản của đời sống con người trong một xã hội, tức là điều thuộc về nhân bản và quan trọng nên cha ông ta mới nói “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Tuy nhiên, còn hơn thế nữa. Mỗi khi lời chào được thốt ra với tất cả tâm hồn thì nó sẽ là lời nguyện chúc để điều tốt lành đến với người tôi gặp gỡ. Tôi mang cả niềm tin và tình yêu vào trong lời chào. Tôi gửi cả niềm hy vọng đến người anh chị em của tôi. Nếu họ khám phá ra rằng, lời chào ấy cũng là lời nguyện ước cho ơn trời đổ xuống trên họ thì thật là một thông điệp của Tin Mừng. Hầu hết các tiếng chào đều chất chứa sự tốt lành, chẳng hạn: Shalom (Do thái), Niăm să (K’ho), Siăm trei (Chu-ru), Nyob yoo (H’mông), Magandang omaga (Phi), Good morning (Anh), Bonjour (Pháp), Buenos dias (Tây Ban Nha), Bon jorno (Ý), Ní hảo (Trung Hoa), v.v.

Tiếng chào cũng mang màu sắc văn hóa. Khi chào nhau, có nơi bắt tay, có nơi chắp tay cúi đầu. Có khi tiếng chào kèm theo nụ cười và ánh mắt thật tươi vui, có lúc lại đi với nét mặt nghiêm trang, kính cẩn. Bình an của Chúa đến ngang qua màu áo văn hóa địa phương. Ý thức điều này là quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, quan trọng hơn, chính tấm lòng của người chào – như lòng của Maria khi mang Giêsu và được Thần Khí thúc đẩy, mới thực sự là yếu tố đem lại niềm vui đích thực.

Hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện (1Th5,26). Thánh Phaolô dạy như thế. Chúng ta hãy xem lại mình đã chào anh chị em mình thế nào. Cái hôn thánh thiện là cái hôn có Chúa, cái hôn của tình thân ái, của lòng chân thành, cái hôn đem lại bình an, khác với cái hôn theo thủ tục, xã giao hay do xác thịt chi phối và càng khác xa với cái hôn giả dối của Giuđa đối với Thầy mình.

VKSJ – tháng 12/2014

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *