Nỗi khổ riêng

Một thoáng ngắm nhìn cuộc đời, dường như cái khổ không tha một người nào. Có lẽ hễ làm người là khổ. Cái khổ bám đuổi cuộc đời người ta không dời. Cái khổ luôn rình rập để hạ gục họ không thôi. Trong bể khổ của kiếp nhân sinh, cái khổ lại mang những sắc thái rất khác nhau nơi từng người. Dù là nam hay nữ, dù quyền thế hay tầm thường, dù giàu sang hay nghèo khó, thì người nào cũng có nỗi khổ riêng của mình.

Có những cái khổ được nhìn thấy rất rõ, nhưng cũng có những nỗi khổ khuất dạng đâu đây. Nó là những bí mật thật khó bật mí, là những nỗi khổ tâm không dễ nói ra. Đâu đó sau một nụ cười, một thành công, và cả một cuộc sống viên mãn vẫn ẩn tàng những giọt nước mắt thật trớ trêu. Đó có thể là một mối hận ngay cả với người thân cận, một mối oan làm tan nát cả cuộc đời, một nỗi xấu hổ chẳng dám thổ lộ, một sai lầm kìm chân tiến bước, một nỗi nhục gục đầu suốt kiếp, một khuyết điểm mang bao hiểm họa, một mối thù có đi tù cũng chẳng hết… Đó dường như là định mệnh dành sẵn cho mỗi người. Nó có thể đến từ một chốc sai lầm, một lần lơ đãng… Chỉ cần sai một ly mà đi một dặm ư? Chỉ một điều bất tín là vạn sự bất tin chăng? Nó có thể ập đến như một cơn bão một cơn giông mà không hề báo trước chẳng kịp làm chi. Nó có thể là thứ người gây ra đời làm tới… Dù thế nào, nó cũng đã đến, đi vào trong cuộc sống, và trở thành mảng tối của cuộc đời ta.

Nỗi khổ ấy là vết thương thấu tận tâm can. Nó như một cái dằm không dễ lấy ra, và chỉ cần chạm nhẹ cũng khiến ta phải rùng mình. Hay chăng một lời nói bâng khuâng, một hình bóng đi ngang, một hành động làm sống dậy cả một bầu trời kí ức, hay một biến cố thách đố lý trí người ta…Thậm chí chỉ cần một thoáng nghĩ suy cũng đủ làm cho ta ứa lệ cũng đủ khiến ta dằn lòng. Ta cảm giác hãi sợ lắng lo khi nhắc tới lúc chạm vào. Nó không thể tránh nhưng lòng ta cũng chẳng đành. Nó khơi dậy cả một nỗi lòng mà ta cứ muốn cất giấu cứ muốn đậy che. Hình như ta càng né càng tránh thì đời cứ trao người cứ gửi. Nỗi lòng ấy tuôn trào mà lòng ta cứ muốn gào thét mong được hét lên. Ta rên siết, quằn quại trong nỗi sợ hãi của bốn bức tường tâm hồn. Lúc ấy, ai hiểu cho lòng ta – người nào thấu dạ này. Nó giày xéo đeo bám khiến ta tự làm méo mó mình – làm ta tự héo hắt con tim. Ta im lặng để nó lên tiếng, ta yên thân để nó trở thành “kẻ tâm thần”.

Nỗi khổ ấy gây ra bao điều chướng tai gai mắt trong đời mà ta đâu muốn chẳng mong. Nó làm ta né điều này khiến ta tránh thứ kia. Nó như một thùng thuốc nổ khiến ta phải dè chừng mà đôi khi nổ tung trong những dịp ta không ngờ người không hiểu. Và còn nhiều tai hại nghi ngại hơn nữa nhưng nỗi khổ ấy cũng cho ta nhiều điều có tình có lý ở đời. Tuy nhiên, nó dạy cho ta biết đón nhận những người khác, nhất là những người ta không thích không ưa, vì mỗi người đều có nỗi khổ riêng của mình. Nó cũng dạy ta bài học về lòng cảm thông trước nỗi đau khổ của những người xung quanh. Như ta, họ cũng rất cần được đón nhận, rất mong được cảm thông. Nhờ thế, ta cũng dần gạt bỏ nơi mình những thành kiến, những kỳ thị và dẫn đưa ta tới lối thoát cho chính mình.

Nhưng việc đón nhận chuyện cảm thông không hề dễ dàng. Không phải cứ hiểu cái điều, “người nào cũng có nỗi khổ riêng của mình”, là có thể đón nhận có thể cảm thông. Nó vượt xa hơn những gì ta hiểu những điều ta nhận ra. Điều ấy chỉ bắt đầu khi ta biết đón nhận, biết cảm thông với chính mình. Đó là một hành trình chữa lành, một nỗ lực tha thứ cho bản thân. Có người gửi gắm nỗi lòng nơi những trang nhật ký. Có người tìm bạn kiếm bè để sẻ chia để trút bầu tâm sự. Có người tìm thấy lối thoát nhờ một câu nói, một cuốn sách, một bài giảng, một Thánh lễ… Hơn hết, có nhiều người giao hòa chính mình nhờ Thiên Chúa bởi Người thấu suốt tâm can nỗi lòng mỗi người chúng ta. Một khóa tĩnh tâm, một lần linh thao, giờ cầu nguyện, phút hồi tâm… Trong cảm thức thiêng liêng của mỗi người, ta tin Thiên Chúa vẫn đang chữa lành những vết thương lâu ngày ấy ngang qua những cách thức ấy. Dường như chỉ tương quan với Người, ta không những khám phá hơn sâu thẳm tâm hồn mình mà còn được kết hợp với Đấng hằng yêu thương ta. Chỉ trong Người, ta mới có thể tìm được phương thuốc chữa trị hữu hiệu nhất cho vết thương lòng của mình.

Dù người hay đời có bỏ ta đi nữa thì ta luôn có Chúa ở cùng, và Người không bao giờ bỏ rơi ta. Cho dù ta có xấu hổ vì nỗi khổ ấy, có sợ hãi vì nỗi lòng này, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương ta và Người luôn muốn chữa lành tâm hồn của mỗi người. Qua hành trình chữa lành, ta sẽ sống trọn hảo hơn kiếp phàm nhân lầm than của mình và an nhiên giữa một đời đầy thử thách này.

Lyeur Nguyễn

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *