Nụ Hôn Trao Mẹ & Hoà Bình Công Chính đã giao duyên

 

Marc Chagall. “Đức Mẹ của ngôi làng – Madonna of the Village”. 1938-1942. Museo Nacional Thyssen-Bornemisza, Madrid.

 

 

Có một nhóm giáo dân trong một thành phố nhỏ quyết định làm một máng cỏ giáng sinh ở công trường. Họ đi xin những người hảo tâm giúp đỡ. Đứng đầu danh sách những người hảo tâm là ông chủ bút một tờ tuần báo địa phương. Ông ta ủng hộ việc này cho tới lúc cha sở phát biểu. Nhiều người, nhất là trẻ em sẽ phấn khởi nhìn thấy Chúa Hài Nhi, Đức Mẹ, thánh Giuse và cả những con vật nữa, ở đây ngay tại trung tâm thành phố.

 

Thế nhưng, ông chủ bút liền kêu to:

– Không, phải bỏ Đức Mẹ đi, đừng có bày đặt lắm chuyện làm chi.

Cha sở nghe vậy bèn nói với ông ta:

– Ông bảo gì vậy? Ông thử nói cho tôi hay: Một người sinh ra mà lại không do người mẹ, thì tôi sẽ đồng ý bỏ Đức Mẹ. Đức Mẹ phải ở với Con mình trong công trường thành phố.

 

Thật vậy, cuộc đời của chúng ta luôn cần có Đức Mẹ, bởi vì ở nơi Mẹ ta tìm được hoà bình, tìm được tín nghĩa; ở nơi Mẹ và nơi Con Mẹ là Chúa Giêsu Hài Đồng lời thánh vịnh đã trở thành hiện thực:

 

“Tín Nghĩa Ân Tình nay hội ngộ,
Hoà Bình Công Chính đã giao duyên”
(Tv 84,11).

 

Từ câu chuyện trên, mời bạn cùng tôi lật lại các trang lịch sử nghệ thuật thánh, ta nhận ra rằng các Kitô hữu của mọi thời đại đều đặc biệt kính mến Đức Mẹ, và đã vẽ nhiều bức tranh về dung mạo của Đức Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng.

Ngay từ đầu thế kỷ thứ 3, một trong những hình ảnh sớm nhất trong nghệ thuật Kitô giáo, đã thể hiện mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, như bức tranh trong hang toại đạo Priscilla ở Roma. Đó là hình ảnh Đức Mẹ lâu đời nhất trong lịch sử Kitô giáo.

 

Đặc biệt hôm nay, mời bạn cùng tôi “chạm tới” một danh hoạ người gốc Do Thái. Ông sống trong trong những năm diễn ra cuộc tàn sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tên ông là Marc Chagall, một người Belarus gốc Do Thái đã vẽ nhiều bức tranh tôn giáo theo truyền thống Kitô giáo.

 

Vào năm 1938 ông bắt đầu một bức tranh có chủ đề “Đức Mẹ của ngôi làng – Madonna of the Village”. Bức tranh này không được hoàn thành trong một thời điểm, mà trải dài trong một vài thời điểm. Khởi sự vào năm 1938 và đến năm 1940 khi Chagall tạm thời sống ở thị trấn Gordes ở Pháp để tránh cuộc tàn sát của Đức Quốc xã, ông tiếp tục vẽ bức tranh này. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hoàn thành bức tranh. Cuối cùng, ông hoàn thành bức tranh vào năm 1942, khi ông đang ở New York. Vì thế, ở bên góc trái của bức tranh, ông đã thêm chữ ký của mình và thời gian bắt đầu bức tranh được vẽ cho đến khi hoàn tất (Marc Chagall 1938-1942). Bức tranh hiện được trưng bày trong Museum Thyssen-Bornemisza, Madrid. Tây Ban Nha.

Chagall đã sống một thời gian dài ở Pháp, nơi Kitô giáo ảnh hưởng rất nhiều. Ông đã tiếp thu các yếu tố khác nhau của Kitô giáo qua bức tranh “Đức Mẹ của ngôi làng”, khi ông vẽ bức tranh đó.

 

Trong bức hình, Đức Trinh Nữ Maria được Chagall vẽ với một một kích thước rất lớn, chiếm gần như hoàn toàn phía bên phải của bức tranh, Mẹ xuất hiện trong bộ váy trắng tinh khôi. Đức Maria dường như thể hiện mình là người trung gian, mối liên kết giữa trời và đất.

 

Nếu nhìn kỹ cách phối màu của bức tranh, ta nhận ra có 03 vùng màu chính của bức tranh, bao gồm màu đen ở phía dưới đến màu xanh lam ở trung tâm và màu vàng tươi vui ở phía trên.

 

Ngôi làng hình quả cầu xuất hiện ở phía dưới bên trái không phải là Nazareth mà là Vitebsk, ngôi làng quê hương của Chagall. Làng Vitebsk được vẽ hoàn toàn với màu tối. Đó là cảnh màn đêm.

 

Tuy nhiên, điều đặc biệt là có một ngọn nến duy nhất vươn lên mang lại ánh sáng. Mẹ Maria bế Đấng Cứu Thế và hoạ sĩ “để” Mẹ và Chúa Hài Đồng xuất hiện vào ban đêm, để chiếu sáng mọi phần người đang ngồi trong bóng đêm, để đem lại niềm hy vọng cho những phận người đang sống ngôi làng của trái đất này đang bị đêm đen làm chủ và phủ lấp. Có lẽ Chagall đã nhìn thấy trong tình yêu của Đức Maria và Chúa Hài Đồng niềm hy vọng duy nhất cho các thành phố của người Do Thái, vốn đang ngày càng bị bức hại trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Hình ảnh Đức Maria và Chúa Hài Đồng đưa lại cho ta lời tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân trần đang lần bước trong tăm tối:

Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”
(Lc 1,78-79).

 

Hình ảnh Đức Maria và Chúa Hài Đồng luôn là hình ảnh đẹp nhất trong mọi hình ảnh và được rất nhiều thánh nhân ca ngợi và tán dương, như thánh Amêđê (1108-1159), là đan sĩ Xitô và cũng là giám mục, đã viết trong một bài giảng về Đức Maria: “Mẹ thấy là Con Thiên Chúa đã được trao cho Mẹ; Mẹ vui mừng khi thấy ơn cứu độ thế giới được ký thác cho mình. Mẹ nghe Thiên Chúa nói tận đáy lòng Mẹ: ‘Ta đã chọn con giữa tất cả những gì Ta đã tạo thành; Ta đã chúc phúc cho con giữa mọi người phụ nữ; Ta đã trao Con Ta vào tay con; Ta đã ký thác Con Một của Ta cho con. Đừng ngại cho bú mớm Đấng mà con đã sinh ra, hoặc nuôi dưỡng Đấng mà con đã cho chào đời. Con hãy biết rằng Người không chỉ là Thiên Chúa, mà còn là con của con. Người là Con của Ta và là con của con, Con của Ta do thần tính, con của con do nhân tính Người đã nhận lấy nơi con’. Đức Maria đã đáp lại lời mời gọi này với biết bao tâm tình tha thiết và nhiệt thành, với biết bao khiêm nhường và tôn kính, với biết bao tình yêu và tận tụy. Loài người không biết được điều này, nhưng Thiên Chúa biết, vì Người dò thấu tận tâm can (Tv 7,10)… Phúc thay Đấng đã được giao cho nhiệm vụ nuôi dưỡng Đấng che chở và nuôi nấng mọi sự, bồng bế Đấng nâng đỡ vũ trụ” (Bài giảng thứ 4 về Đức Maria; Pain Cîteaux alt.; x. SC 72, tr. 129t).

 

Trở về với bức tranh, hình ảnh Đức Mẹ bế Đấng Cứu Thế với màu trắng tinh tuyền tràn ngập toàn bộ thân mình của Mẹ còn nói với ta một sứ điệp của tình yêu tinh tuyền với sự hiến dâng tuyệt đối của Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thật vậy, Mẹ là người đầu tiên trên trần gian hiểu thấu được sứ điệp này và giờ đây Mẹ như đang trao ban sứ điệp này cho mọi người chúng ta, khi Mẹ mời gọi ta chiêm ngắm Con Mẹ – Hài Đồng Giêsu đang được Mẹ bế trên tay.

 

Ở phần giữa của bức tranh là bầu trời xanh với những đám mây phủ lấp bóng tối và khá bí ẩn.

 

Sự bí ẩn cũng hiển lộ qua hai thiên thần xuất hiện trên nền xanh này:  thiên thần màu xanh lam đang khoanh tay trước ngực với dáng vẻ về phía phải, nhưng đầu quay lại phía trái và hướng nhìn về Đức Maria và Chúa Hài Đồng, thiên thần màu trắng đang bay lượn từ trời cao, cũng hướng về Đức Maria và Chúa Hài Đồng và đang chơi kèn.

 

Trên khung cảnh màu xanh, Chagall diễn tả màu vàng của ánh sáng mặt trời đang chiếu toả. Hoà với màu vàng rực rỡ này, ta thấy các nhân vật trần thế và thần thánh. Phải chăng các nhân vật này tượng trưng cho cảnh Chúa giáng sinh?

Từ trái sang phải là: Một người đang yêu cầm bó hoa màu xanh dương quyện với màu trắng, lượn từ trên cao xuống và khuôn mặt màu xanh lá cây với tay trái đang giơ ra như đang chuẩn bị lượn xuống trao tặng bó bông cho Mẹ Maria và Đấng Cứu Thế.

 

Tiếp theo là hình con bò màu nâu hoà với màu vàng với cây đàn vĩ cầm cũng đang “lượn xuống” theo hướng Mẹ Maria và Đấng Cứu Thế.

 

Tiếp đến là hai nhân vật ở gần bên nhau, cả hai đang chú tâm về một cuốn sách nhưng cũng hướng về Mẹ Maria và Đấng Cứu Thế. Nhân vật phía sau với hai cánh màu xanh lam biểu tượng cho thiên thần, bàn tay phải với một vài ngón dơ ra chỉ về cuốn sách.Nhân vật phía trước với chiếc áo màu đỏ hoà với màu nâu, cũng với bàn tay phải cùng một vài ngón dơ ra cũng chỉ về cuốn sách. Hai nhân vật thiên và trần tạo nên khung cảnh thật trữ tình, và cả hai đang hoà chung một cung điệu để tấu lên bài ca Giáng Sinh đầu tiên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Nhân vật cuối cùng với hình dáng lớn hơn. Nửa thân người từ trời cao lượn xuống, thân mình mặc áo đỏ thẫm, tóc đen, đôi tay dang rộng và ôm lấy phần đầu của Đức Maria, dịu dàng đặt lên trán Mẹ một nụ hôn.

 

Nụ hôn của sự công chính và hoà bình trao nhau (x.Tv 84,11), nụ hôn tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho phận người hèn yếu đang chờ mong ơn cứu thoát. Phận người đó là chính bạn và tôi và muôn người đang sống trong chiến tranh, đang lẻ loi vất vưởng bên góc phố nghèo hèn, đang lạnh lẽo trong những gia đình chia ly, đang trầm mình trong đau đớn của thân xác và cô đơn của tinh thần ở các bệnh viện, các nhà hưu dưỡng, các trại mồ côi…

 

Xin cho nụ hôn của trời cao chạm đến bạn và tôi, chạm đến từng phận người đau khổ khao khát bình an, để cùng Mẹ Maria, tất cả chúng ta tìm được niềm vui và hạnh phúc viên mãn, hạnh phúc có Chúa ở cùng, hạnh phúc trào dâng trong dòng sông phúc lành của Đấng Cứu Độ.

 

Cuối cùng, trong niềm vui là được là con của Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa, ta cùng dâng lên lời cầu xin chân thành:

 

Lạy Mẫu nghi cao cả,
Sinh dưỡng Chúa cứu đời
Là Cửa Trời rộng mở
Ngôi Sao biển rạng ngời.

Xin Mẹ thương cứu trợ
Kẻ lỡ bước xa chân
Đang tìm tay nâng đỡ
Mà cải quá tự tân.

Mẹ sinh Chúa Thiên Đình,
Đấng tạo thành nên Mẹ,
Trước sau vẫn khiết trinh,
Ôi lạ lùng khôn ví!
Gáprien mừng hát,
Xin mẹ nhận lời chào,
Và dủ tình thương xót
Đoàn tội lỗi quỳ tâu.

 

(Trích kinh tối của giờ kinh Phụng Vụ).

 

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Những người ứng cứu đầu tiên trong hôn nhân”

  Bạn thân mến! Theo một nghiên cứu tâm lý trị liệu hôn nhân,  những …

ĐTC Phanxicô: Hãy đến thăm ông bà vì đó là lợi ích của các con

  Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt quan …