Ở tuổi tôi, người ta thế này, hay họ thế kia ? Còn tôi thì… !
Câu hỏi vẫn thường ẩn hiện bấy nay trong đầu óc, thấp thoáng trên cửa miệng, đâu đó giữa đám đông. Người ta vẫn thế đó ! Lẽ tự nhiên, ta thường ngả mình theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”.
Ở tuổi tôi,
Có người đang phải chật vật với những căn bệnh tê tái xác thân từng ngày
Có người lang thang vô định trên từng con phố ngả đường
Có người la cà trong từng tiệm nét quán bar
Có người dìm mình trong thế giới của thứ ma mãnh tội tình
Có người vật lộn với từng miếng cơm manh áo
Có người lại đầy đủ tiện nghi không khi nào thiếu chẳng lúc nào vơi
Có người chìm trong bóng đêm của tuyệt vọng
Có người lại phủ đầy ánh sáng củ hào quang danh vọng.
Đủ người đủ cảnh…
Ở tuổi tôi,
Kẻ xấu người tốt
Kẻ tối tăm người rạng rỡ
Kẻ buồn đau người hạnh phúc
Kẻ nghèo hèn người giàu sang
Kẻ gồng cùm người tự do
Kẻ đói khát người đầy dư
Kẻ khốn đốn người thảnh thơi
Kẻ làm không vơi người hưởng không kịp
Kẻ thế này người thế nọ…
Ở tuổi tôi, họ thế đó còn tôi thì sao?
Ở tuổi tôi, người ta được thế này sao tôi lại phải chịu thế kia?
Ở tuổi tôi, họ như thế kia, sao tôi lại phải thế này?
Ở tuổi tôi, người ta phải chịu thế đó, sao tôi lại được hưởng thế nọ?
Trong thế khập khiễng với người, ta đâu ngờ lại sa lầy vào nhiều cạm bẫy. Bởi nó, ta có thể sẽ không đủ tỉnh táo nhận ra thứ ảo tưởng vô nghĩa về sự hoàn hảo của con người trong suy nghĩ, nó khiến ta không dễ chấp nhận một sự thật lâu nay, “nhân vô thập toàn”. Không những thế, nó còn khiến ta dễ dàng đổ lỗi cho cuộc sống bất công, khiến ta dễ nản lòng dễ chán trường hơn bình thường. Hơn nữa, cạm bẫy ấy vô tình đẩy những đồng minh của ta thành những đối thủ thật đáng gờm.
Có lẽ chuyện so chuyện sánh vẫn còn đó, “đứng núi này trông núi nọ” không dễ mất đi vì những chuyện “tỉ ti” ấy là lẽ tự nhiên của bản tính con người. Nhưng trong cái dở lại có cái hay. Mặc dầu chuyện ấy đưa đến những kết quả chẳng mấy hay ho nhưng nó cũng góp phần làm nên con người thật của ta. Sống trong các mối tương quan khác nhau, ta thường có xu hướng “soi” vào người khác để nhận biết bản thân mình và hành xử theo những gì người khác mong đợi. Ngang qua chính những kinh nghiệm cá nhân, cũng như ảnh hưởng của những người xung quanh, ta sẽ nhận ra mình: tôi là ai? Tôi sẽ là người như thế nào? Họ muốn tôi là người như thế nào?… Nhờ chính chuyện “soi mói” nhức nhối với không ít người như thế, ta có thể nhận ra mình tốt hơn. Đó như dịp thích hợp xét lại những ý nghĩ, duyệt lại thái độ, củng cố giá trị, nhất là sự tự ý thức của ta. Những điều ấy gắn liền với hình ảnh bản thân của ta. Ta luôn biết chân nhận những giá trị cao quý của mình và sống thật với những giá trị ấy dẫu vẫn còn đầy chuyện so bì dẫu vẫn không thiếu chuyện sánh ví.
Trong cái bối rối của lối đi, ta có thể thử với cách thức 3T như một gợi ý nhỏ. Đầu tiên là tỉnh thức: dù không dễ một chút nào nhưng hãy ý thức mỗi lần so mỗi khi sánh, và cẩn thận với một thế giới bí ẩn đằng sau người khác. Thứ đến là tạ ơn: tạ ơn những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày vì điều ấy sẽ giúp ta bỏ dần cái nhìn ngang liếc dọc sang “núi” người cùng lòng ghen tị trong ta. Cuối cùng là thăng tiến: biến những lần so sánh thành cơ hội thăng tiến bản thân nhờ những người tốt và lối sống đẹp của họ. Nhờ thế, ta có thể hiểu được vai trò của ta của người trong bản hợp xướng của cuộc sống. Ta chơi thứ nhạc cụ của mình, người chơi thứ nhạc cụ của họ, nhưng mỗi người đều góp phần vào thành công của buổi biểu diễn ấy, và không ai có thể thay thế được ai.
Hơn nữa, dù người có rõ thế nào, hay ta có tỏ ra sao, thì những cái rõ cái tỏ ấy sánh sao với sự tỏ tường của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự (x. 2 Cr 2,20). Nếu nhờ tương quan với người khác giúp ta biết mình thế nào, thì tương quan với Thiên Chúa còn giúp ta hiểu thấu chính mình hơn biết bao. Mỗi thời, mỗi nơi, mỗi tuổi, ta sẽ có những nét, những giá trị riêng để khám phá sứ mạng của mình trên cõi đời này để những so sánh kia, những cái nhìn kia “khập khiễng” không lìa xa thực tế, hiện tại của mỗi người. Thiên Chúa vẫn đang nâng niu từng người, chăm sóc ta và người theo cách rất riêng. Trong Người, ta là ta chứ không phải người ta.
Lyeur Nguyễn
Xem thêm :
1. Phần Cái Tôi trong Các Thực Nghiệm Trong Tâm Lý Học Xã Hội của Gs. Ts. Trần Thị Minh Đức
2. How to Stop Comparing Yourself to Others—and Feel Happier của Gs. Preston Ni trên website psychologytoday.com
3. Stop Comparing Yourself to Others của Ts. Michael Alcee trên website psychologytoday.com
4. How to Stop Comparing Yourself to Others của Ts. Susan Biali Haas trên website psychologytoday.com
5. 3 Reasons to Stop Comparing Yourself to Others của Ts. Deborah Carr trên website psychologytoday.com