Sau khoảng thời gian sống ở Is-ra-el, một du khách kể lại hai sự kiện đã làm cho anh ta ngạc nhiên. Đầu tiên, anh ta chứng kiến người chăn cừu hướng dẫn đàn cừu của mình qua dòng xe cộ đông đúc ở Giê-ru-sa-lem. Người chăn cừu vừa hát vừa huýt sáo để đàn cừu tụ tập và cùng di chuyển với nhau trên đường. Sự kiện thứ hai, khi đêm về, bốn người chăn cừu gom đàn cừu lại một chỗ, để đảm bảo sự an toàn cho các con cừu. Sáng hôm sau, từng người chăn cừu đứng riêng ra một chỗ và dùng tiếng gọi quen thuộc để gom các con cừu của mình lại. Các con cừu như những đứa trẻ ngoan ngoãn tách dần khỏi bầy cừu lớn, đến với người chủ chăn của mình và theo anh ta lên đồi kiếm ăn.
Có lẽ, một trong những công việc quan trọng đầu tiên của người chủ chăn là dạy cho các con cừu làm quen và nhận biết tiếng gọi của chủ mình. Việc học biết tiếng gọi của chủ mình, liên quan đến sự sống còn của mỗi con cừu. Nếu không biết phân biệt tiếng của chủ và tiếng của kẻ trộm, thì cừu sẽ rơi vào tay kẻ dữ. Tất nhiên, những kẻ trộm có thể giả giọng tiếng của chủ để đánh lừa và ăn trộm cừu. Nhưng những con cừu tỉnh táo sẽ nhận ra đó là tiếng giả, và không đi theo tiếng gọi ấy.
Trong sách Cựu ước, hình ảnh người mục tử được sử dụng để ẩn dụ về Thiên Chúa. Như phần mở đầu Thánh vịnh 23, vua Đa-vít nói rằng: „Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1).[1] Trong suốt chiều dài lịch sử của Is-ra-el, Thiên Chúa đã dùng những người lãnh đạo, như là người mục tử để chăm sóc và dẫn dắt dân của Ngài.[2]
Trong bài Tin Mừng hôm nay,[3] Chúa Giê-su dùng hình ảnh „Mục Tử nhân lành.”[4] „Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi… và chúng sẽ nghe tiếng tôi”. Trước đó, Đức Giê-su đã nói „chiên sẽ đi theo Ngài, vì chúng nhận biết tiếng của Ngài.”
Từ quan sát thực tế, chúng ta có thể nhận ra, các con cừu không ngốc như nhiều người thường nghĩ. Chúng biết ai là người cho chúng ăn, bảo vệ và quan tâm đến nhu cầu của chúng. Cừu có thể phân biệt giọng nói của chủ mình với những người khác. Nhưng những con cừu non mới sinh thì sao? Làm thế nào để chúng học cách nhận ra giọng nói của người chăn cừu?
Ngay từ khi sinh ra, cừu con đã có điều kiện đi theo bầy. Ở điểm này, đôi lúc các con cừu bị đánh giá thấp vì tâm lý bầy đàn của chúng, nhưng đó lại là điểm mạnh, chúng có sẵn bản năng gắn bó với nhau như một cách thế để sinh tồn. Bản năng đó cho phép bầy cừu sinh sôi nảy nở trong sự an toàn. Và ngay cả khi, những con cừu đến gia nhập vào một bầy mới, lúc đầu, chúng sẽ đi theo các con cừu khác cho đến khi chúng tự nhận ra người chủ chăn của mình.
Đây là một bức tranh tuyệt vời về chân dung người môn đệ, người được mời gọi trở nên mục tử cho những người khác. Họ là những người giúp người khác học cách nhận ra tiếng nói của Mục Tử đích thực. Một cách cụ thể, họ dẫn dắt và cùng đồng hành với những người ngoại đạo, những người mới tin, đến với Mục Tử nhân lành là Đức Giê-su.
Khi một người mới bước vào đạo, họ thường noi theo gương của những người đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, như cha xứ, trưởng nhóm nhỏ, hoặc người đã dẫn họ đến với Đức Giê-su. Sau một thời gian, nếu họ trưởng thành về mặt thiêng liêng, họ sẽ trực tiếp tìm đến Lời Hằng Sống của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su. Họ sẽ nhận ra giọng nói Chủ Chăn đích thực, và đi theo Ngài.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều tiếng gọi bao quanh và dẫn dụ làm cho chúng ta không phân biệt được đâu là tiếng nói thực sự của Thiên Chúa? Đâu là tiếng nói thực của Người Mục Tử nhân lành? Thật không dễ để trả lời. Kinh thánh nói cho chúng ta biết, Thiên Chúa là tác giả của tất cả những điều tốt lành.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su lấy hình ảnh ẩn dụ về những người chăn chiên tốt và xấu từ sách E-dê-ki-en chương 34, nói về những người chăn chiên của Is-ra-el – hình ảnh về những người lãnh đạo tôn giáo. Có những kẻ chăn chiên xấu, họ chỉ biết lo cho chính mình! „Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt.”[5] Đối lập với người chăn chiên xấu xa này, Thiên Chúa luôn luôn là người chăn chiên tốt lành.[6]
Ngày nay, có cả những mục tử tốt và mục tử xấu, cả trong giáo dân lẫn giáo sĩ. Điều làm nên sự khác biệt này là ở trái tim của người mục tử. Người mục tử tốt, là người quan tâm đến những con chiên của mình. Người mục tử tốt là người phục vụ trong sự trung thành và luôn đứng về sự thật, ngay cả khi phải đối diện với chống đối và nguy hiểm. Ngược lại, những kẻ chăn chiên xấu, là những kẻ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình. Kẻ chăn chiên xấu có thể rao giảng giáo lý sai lầm, hoặc chỉ quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện bên ngoài hơn là quan tâm đến việc xây dựng con người. Thật may mắn, Đức Giê-su khẳng định: „Ta chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Đoạn Tin Mừng này, không chỉ mời gọi chúng ta học biết lắng nghe tiếng của chủ chăn, mà còn mời gọi chúng ta hãy trở nên những mục tử tốt đối với người khác. Như các con cừu học nhận biết tiếng nói của chủ qua sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên, chúng ta được mời gọi dành thời gian cho Chúa và tập lắng nghe, tập phân định tiếng nói của Chúa trong môi trường sống thường ngày. Qua việc lãnh nhận bí tích Rửa tội, tất cả mọi người Ki-tô hữu đều được mời gọi trở nên gương sáng, trở thành người mục tử tốt cho người khác, theo gương Người Mục Tử nhân lành dám hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên.
„Mọi ơn gọi đích thực đều được sinh ra từ việc tự hiến, là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến cũng đòi hỏi phải có sự chín chắn như vậy. Dù ơn gọi của chúng ta là gì, kết hôn, độc thân hay sống trinh khiết, việc cho đi chính mình sẽ không thành toàn nếu nó chỉ dừng lại ở sự hy sinh; nếu thế, thay vì trở thành một dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu, việc cho đi chính mình sẽ có nguy cơ trở thành biểu hiện của bất hạnh, buồn bã và thất vọng.” [7]
Giu-se Trần Văn Ngữ, SJ
…………..
[1] Xem thêm: St 48,15; 49,24; Tv 28,9; 80,1; Isaia 40,11.
[2] Xem Ds 27,16-17; 2 Sa-mu-en 5,2; 7,7; 1 Sử Biên Niên 11,2; 17,6; Is 44,28.
[3] Bài Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh – Vị Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,11-18).
[4] Trong bản văn Hy-lạp, thánh sử Gio-an dùng từ „καλός” (kalos) để nói về phẩm chất của người mục tử. Từ này muốn nói rằng người mục tử không chỉ tốt, mà còn hơn thế nữa. Bản văn tiếng Việt dịch kalos là nhân lành.
[5] Ê-zê-ki-en 34,2-3
[6] Xem Ê-zê-ki-en 34,11-31
[7] Trích từ Sứ điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi – Thánh Giu-se: ước mơ của ơn gọi. (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/su-diep-dtc-phanxico-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi.html )