Phận người như chiếc lá rơi

 

Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng bên khung cửa sổ, tôi nghĩ về đời người trong cõi nhân sinh. Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành. Đời người có khác chi một chiếc lá đâu. Có những người ra đi trong hối tiếc và khổ đau. Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Người ta đã gọi hình ảnh lá rơi bằng những từ ngữ thật ý nghĩa: “lá rụng về cội”. Có lẽ vì thế mà thân phận của chiếc lá cũng thường tạo nên những suy tư về phận người thật sâu sắc.

Một tín đồ Phật giáo được giao việc đi quét lá cây, đã cảm nghiệm về cuộc sống con người qua hình ảnh của chiếc lá như sau:

“Vâng lời thầy con đi quét lá,

Lá vàng rơi lả tả khắp nơi.

Lá khô rơi như kiếp một con người,

Giờ phút cuối là về cùng cát bụi.

 

Con vừa quét sạch một gốc cây,

Quay trở lại đã thấy đầy lá rụng.

Con hỏi : nếu như gió đừng rung động,

Thì lá kia hẳn còn ở trên cành.

Một kiếp người cũng thế: quá mong manh,

Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa!

 

Tạ ơn thầy đã cho con bài học nhỏ,

Mà thâm sâu như một triết lý khôn cùng.”

(Diệu Nhân)

 

Tình cờ đọc được những câu thơ trên về chiếc lá, tôi bất chợt dừng lại với chính mình. Ôi! Đời người như chiếc lá thật quá mỏng manh và ngắn ngủi. Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc. Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai. Sức khỏe, sắc đẹp hao mòn rồi cũng theo tuổi đời năm tháng.

Nhìn lá vàng rơi, tôi chợt nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng từ chẳng thương tiếc ai. Nó đến bất ngờ làm ta bàng hoàng. Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó để ra đi với hai bàn tay trắng. Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng. Một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Thế nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi? Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn, và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, tôi nhớ lời Thánh Vịnh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16). Dù văn minh đến đâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng. Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết. Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống. Chết là một phần của sự sống, bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới, như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng. Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết. Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.

Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống. Sống và chết là kỳ công và đều bởi Thiên Chúa. Sự sống là mong manh, thế mà Thiên Chúa lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ. Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì. Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi. Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”. Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”. Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền. Như ai đó đã từng nói: “Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười, ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc, ta lại cười”.

Nhìn lá vàng rơi, tôi nhớ lời Kinh Thánh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3, 2). Trong tình yêu và sự quan phòng của Chúa, tôi cũng chỉ là một thụ tạo mỏng manh và trong kế hoạch cứu độ của Ngài, tôi được mời gọi sống thân phận con người giữa vũ trụ bao la huyền nhiệm. Phận người của tôi cũng mong manh lắm! Thiên Chúa, qua cái vòng sinh tử cuộc đời, rồi cũng sẽ đưa tôi trở về với nguồn cội vào một ngày tôi không thể biết trước được. Vì thế, tôi phải sống ơn gọi làm người của mình sao cho có ý nghĩa thật sự…

Tôi biết những bước chân tôi để lại trên mỗi hành trình đi qua đều là những dấu ấn. Dấu ấn có khi rất đẹp với bao nghĩa cử nhân ái tôi gởi trao đến mọi người, nhưng cũng có khi dấu ấn ấy là những lầm lỗi gây cho người khác những muộn phiền và nhức nhối. Dấu ấn ấy, đôi khi cũng chỉ là những hy sinh bé nhỏ, tầm thường và lặng lẽ trong cuộc sống và có thể chẳng có ai quan tâm biết đến, như chiếc lá ngoài kia rơi xuống. Tuy nhiên, trong cái nhìn của Chúa, tôi tin chắc rằng chúng sẽ có ý nghĩa và đầy giá trị.

Ước mong sao hình ảnh chiếc lá rơi luôn giúp tôi ý thức về phận người để tôi sống lời mời gọi trao ban một cách xác tín hơn.

Ước mong sao tôi luôn biết nhận ra giá trị của sự hy sinh, giá trị của yêu thương và sự thầm lặng, để tôi luôn biết hướng về Chúa trong mọi nẻo đường.

Ước mong sao dấu chân tôi để lại bên đường là những dấu chân yêu thương và tạo nên tình thân ái…..

 

                                                          Thảo Nguyên Xanh.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

 

 

 

 

.

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *