4. NHỮNG CÂU HỎI ĐẶC BIỆT: SỰ HIỆN HỮU, GIỚI TÍNH CỦA THIÊN CHÚA, VÀ VẤN ĐỀ SỰ DỮ
- Làm Sao Chúng Ta Biết Có Thiên Chúa Khi Ngài Vô Hình?
Chúng ta biết có một Thiên Chúa vì Ngài đã mặc khải chính mình Ngài cho chúng ta. Tuy nhiên, đây là tri thức của đức tin. Chúng ta tin vào Thiên Chúa là đấng đã mặc khải chính mình cho chúng ta.
- Có thể Chứng Minh Thiên Chúa Hiện Hữu không?
Thật sự là không thể hoàn toàn chứng minh được điều này theo cách theo cách “chứng minh” bình thường. Tuy nhiên có những bằng chứng đáng xem xét như sau:
- Thánh Tôma Aquinô, một nhà tư tưởng Công Giáo ảnh hưởng nhất trong lịch sử, tin rằng Thiên Chúa là “nguyên nhân đệ nhất” của việc tạo dựng. Khi chúng ta nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, chúng ta có thể tự hỏi: “Mọi sự từ đâu mà đến?” Chúng ta có thể truy nguồn tìm kiếm những nguyên nhân tự nhiên xa nhất có thể, nhưng cuối cùng chúng ta phải chấp nhận rằng phải có một đấng nào đấy không được tạo ra nhưng đấng ấy đã tạo nên mọi sự. Đấng ấy là Thiên Chúa. Thật quan trọng để lưu ý rằng Thiên Chúa không giống như bất kỳ một hữu thể. Thiên Chúa không phải là một hữu thể, nhưng chính ngài là Hữu Thể. Chính tạo dựng giả định có Đấng Tạo Hóa và Đấng ấy vô biên, không giống với bất kì tạo vật nào.
- Thêm vào đó, khi chúng ta nhìn vào vũ trụ, chúng ta có thể thấy vũ trụ được tạo dựng với một trí thông minh lạ thường. Chỉ hoạt động của thân xác con người thôi cũng đã là một phép lạ lớn hơn phép lạ Biển Đỏ. Tính thông minh nơi tạo vật cho chúng ta thấy có một Trí Thông Minh vượt trên tính thông minh có thể được thấy nơi vũ trụ. Chúng ta gọi Trí Thông Minh ấy là Thiên Chúa.
- Kinh nghiệm con người về sự thiện cũng cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Con người có tự do để sống theo chọn lựa của mình. Con người nghiệm thấy nơi mình một lời mời gọi hướng đến sự thiện, một lương tâm mách bảo con người cần phải sống thế nào. Nếu thực sự được mời gọi để sống một đời sống thiện hảo, ắt hẳn phải có một nguồn tuyệt đối nào đó về sự thiện này. Nếu không, tốt và xấu chỉ là điều con người tự mình ấn định. Nếu tôi muốn là một người đánh thuê cho một tổ chức tội phạm thì cũng tốt thôi, vì đó là lựa chọn của tôi. Chính tôi xác định điều nào tốt và điều nào xấu. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng sống như Mẹ Têrêsa thì tốt hơn là một kẻ buôn bán thuốc phiện vì chúng ta có lương tâm. Chính Lương tâm cho thấy Sự Thiện Tuyệt Đối, đó là Thiên Chúa.
- Con người nghiệm thấy mình có khả năng để suy nghĩ, để phản tỉnh, để ca ngợi vẻ đẹp và sự thiện hảo. Đây là chiều kích tâm linh của con người và chiều kích ấy cho thấy có một thực tại tâm linh tuyệt đối, đó là Thiên Chúa.
- Thiên Chúa là một người đàn ông?
Hầu hết mọi người tin Thiên Chúa là đàn ông, nhưng thần học Kitô giáo tin rằng thì Thiên Chúa là tinh thần thuần túy. Ngài không phải là thụ tạo, vì vậy Ngài không có giới tính. Thiên Chúa không phải nam cũng không phải nữ. Tuy nhiên vì chúng ta nói về Thiên Chúa như một con người, nên chúng ta thường mô tả ngài là người nam vì Thánh Kinh dùng rất nhiều hình ảnh người nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh hình ảnh người nam, còn có rất nhiều hình ảnh khác, và suy cho cùng, hình ảnh cũng chỉ là hình ảnh mà thôi. Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhưng Thiên Chúa cũng là Mẹ hết mực yêu thương chúng ta. Thật quan trọng và hữu ích khi có thể thấy được cả nam tính và nữ tính nơi Thiên Chúa.
- Nếu Thiên Chúa toàn năng, tại sao Ngài lại cho phép sự dữ xảy ra?
Lời đáp sau cùng cho vấn nạn này là không thể biết được, tuy nhiên, chúng ta có thể có một vài tia sáng về vấn đề này như sau:
- Thiên Chúa tạo dựng con người để yêu mến Ngài và người khác. Để điều này có thể xảy ra, con người phải có tự do (vì nếu không, con người chỉ như những người máy đã được lập trình.) Con người đã lạm dụng tự do của mình và đã đưa đau khổ và tội lỗi vào trần gian.
- Một số đau khổ không phải do tội mang lại. Con người mắc phải những bệnh nan y và hết sức đau đớn. Trẻ em bị chết vì động đất và tai nạn. Một số bị chết khi sinh. Tại sao Thiên Chúa không làm điều gì đó cho các em? Dường như trong khi Thiên Chúa hoàn hảo, thì thụ tạo của Ngài lại bất toàn, và sự bất toàn này đem đau khổ đến cho con người. Từ quan điểm đức tin, không có đau khổ hoặc sự dữ nào có thể vượt qua tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không thể thấy được “bức tranh toàn thể” và nơi bức tranh ấy, Thiên Chúa sẽ cứu độ tất cả những ai đau khổ qua tình yêu của Ngài.
Những Câu Hỏi Ôn Tập
- Chủ đề nào kết nối tất cả các sách Cựu Ước?
- Danh của Thiên Chúa được mặc khải cho Môsê là gì? Danh đó nói cho chúng điều gì về Thiên Chúa?
- Bài ca của dân Ít-ra-en trong sách Xuất Hành chương 15 miêu tả Thiên Chúa theo hình ảnh nào?
- Vai trò của luật là gì trong giao ước?
- Tiên tri Giêrêmia đã mường tượng luật mới như thế nào?
- Các câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế khác với những câu chuyện trong sách Enuma Elish thế nào?
- Sứ mạng của tiên tri Amót là gì? Sứ mạng đó cho chúng ta biết điều gì về Thiên Chúa?
- Hình ảnh người nữ nào được tiên tri Isaia dùng để diễn tả Thiên Chúa?
- Danh xưng “Abba” có nghĩa gì? Danh xưng cho chúng ta biết cách hiểu của Đức Giêsu về Thiên Chúa như thế nào? Câu chuyện dụ ngôn nào miêu tả đầy đủ nhất về danh xưng “Abba” này?
- Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh tự nhiên nào để nói về Thiên Chúa trong các dụ ngôn?
- Với các Kitô hữu, đâu là hình ảnh hoàn hảo nhất về Thiên Chúa?
- Gioan dùng thuật ngữ nào để diễn tả Chúa Thánh Thần? Thuật ngữ ấy cho chúng ta biết điều gì về Thánh Thần?
- Luca dùng những thuật ngữ nào để tượng trưng cho Thánh Thần? Tại sao?
- Tín điều về Ba Ngôi nói cho chúng ta điều gì về Thiên Chúa?
- Theo thần học Công Giáo, Thiên Chúa có phải là một người nam?
- Nếu Thiên Chúa toàn năng, thì tại sao Ngài không kết thúc các cuộc chiến ngay đi?