Phần VI: Cuộc Đời Đức Giêsu

The Youth of Our Lord John Rogers Herbert

Điều gì làm cho đức tin Kitô Giáo thành Kitô hữu? Tắt một lời, đó là Đức Kitô. Con tim, linh hồn và trọng tâm của đức tin Kitô Giáo là con người Đức Giêsu Kitô. Vậy nên, chúng ta chẳng thể biết được gì về Kitô Giáo hay Đạo Công Giáo nếu không tìm biết con người Đức Kitô. Vì tất cả những gì chúng ta biết về Đức Giêsu phát xuất từ bốn sách Tin Mừng, cho nên, cần phải xem xét Tin Mừng, chúng ta mới có thể hiểu sâu xa và đầy đủ hơn cốt lõi đức tin của chúng ta: đó chính là Đức Giêsu Kitô.

ĐỨC GIÊSU CỦA LỊCH SỬ, ĐỨC KITÔ CỦA ĐỨC TIN

Nhiều khi, các học giả phân biệt hai mức độ hiểu biết về Đức Kitô: Đức Giêsu của lịch sử và Đức Kitô của đức tin. “Đức Giêsu của lịch sử” là con người lịch sử của Đức Giêsu thành Na-da-rét – những biến cố trong cuộc đời của Ngài: đó là những việc Ngài đã làm, những điều Ngài đã nói và tầm ảnh hưởng của Ngài trên cuộc đời của những ai biết Ngài. Trong khi đó, “Đức Kitô của đức tin” nhắm đến những điều chúng ta tin nơi Đức Giêsu thành Na-da-rét (chẳng hạn, Ngài là Con Thiên Chúa). Trong bốn sách Tin Mừng, không chỉ là Đức Kitô của đức tin, nhưng chúng ta cũng biết về Đức Giêsu của lịch sử. Vậy nên, ở chương này sẽ tập trung về những điều chúng ta biết về Đức Giêsu. Còn một chương khác sẽ nói về những gì chúng ta tin nơi Ngài.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Khi nói về Đức Giêsu thành Na-da-rét cho người chưa bao giờ nghe về Ngài, bạn hãy liệt kê những biến cố mà chúng ta biết về Đức Giêsu (chứ không phải là những điều chúng ta tin vào Ngài).

 BỐI CẢNH THỜI ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG MÊ-SI-A, ĐỨC GIÊSU NGƯỜI DO THÁI, CÁC NHÓM DO THÁI GIÁO

Chúng ta hầu như không thể hiểu một người nếu không biết gì về bối cảnh sống của người đó. Con người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xã hội và văn hóa nơi bối cảnh họ sống. Cũng vậy, khi muốn biết Đức Giêsu, chúng ta phải biết bối cảnh Ngài đã sống.

Khi Đức Giêsu giáng sinh, Palestine là một phần của đế quốc Rôma. Người Rôma để cho Hêrôđê Cả làm vua cai trị từ năm 37 TCN đến sau khi Đức Giêsu giáng sinh không lâu. Tin Mừng Mathêu thuật lại truyện vua Hêrôđê truy sát các hài nhi vô tội ở Belem nhằm tìm cách giết vị vua mới sinh của người Do Thái. Không biết chuyện này có thực sự đã xảy ra không, những chắc chắn rằng, đó chính là tính cách của vua Hêrôđê. Ông bị ám ảnh sát hại các thành viên thân thuộc để bảo vệ quyền lực của mình.

Sau khi Hêrôđê băng hà, vương quốc của ông bị chia cắt bởi ba người con trai của ông là: Hêrôđê Antipas, Archelaus và Philip. Hêrôđê Antipas cai trị Galilê, Philip cai trị các vùng phía đông, và Archelaus cai trị một phần tư lãnh thổ vùng Idumea là Samaria và Judea. Người Do Thái căm ghét Archelaus, nên sau này người Rôma đã thay thế ông bằng một tổng trấn người Rôma. Nổi tiếng nhất chính là tổng trấn Philatô.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy hình dung thử thế nào khi sống trong một đất nước bị đô hộ bởi một đế quốc ngoại bang. Bạn nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng lên tinh thần của dân tộc thế nào?

Đấng Mê-si-a. Người Do Thái tiếp tục hy vọng rằng, một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Họ trông mong đấng Mê-si-a đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma và phục hồi lại thời oanh liệt của Ít-ra-en. Từ “Mê-si-a” có nghĩa là “đấng được xức dầu,” ngụ ý nói đến vua Đavít và các vị vua Do Thái. Các vị vua được xức dầu nhằm biểu lộ họ là những người đại diện của Thiên Chúa và quyền lực của họ tùy thuộc vào lòng trung tín của họ đối với Thiên Chúa là vị vua đích thực duy nhất của Ít-ra-en. Cuối cùng, khi chế độ quân chủ suy thoái và sụp đổ, người ta đã hy vọng rằng, Thiên Chúa sẽ sai đấng cứu độ đích thực đến. Tuy nhiên, chẳng có một dẫn chứng rõ ràng nào cho thấy đấng cứu độ sẽ đến và những điều ngài sẽ thực hiện. Vì, đối với một số người, Mê-si-a nghĩa là “ngày Đức Chúa” đến. Đó sẽ là một sự kiện mang tính quyết định đối với việc thiết lập triều đại của Thiên Chúa. Những người khác lại nghĩ, đấng cứu độ đến để giải phóng dân tộc, trong khi số khác tin rằng, khi đấng cứu độ đến, Tô-ra được tuân giữ một cách tuyệt đối trung thành. Niềm hy vọng này của người Do Thái đã được thắp lên khi Gioan bắt đầu phép rửa của ông. Có lẽ, Thiên Chúa rốt cuộc sẽ hành động vì dân của Người.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Ngày nay, người ta vẫn trông mong đấng cứu độ: một đấng nào đó hay thứ gì đó làm cho họ sống một cuộc sống dồi dào. Nền văn hóa của chúng ta, có xu hướng tạo nên những đấng cứu độ bằng sức mạnh quân sự hoặc thành công tài chính.

Những vị anh hùng của xã hội Hoa Kỳ là ai? Bạn có nghĩ những vị này chỉ cho ta cách thức tuyệt vời để thành người không?

Đức Giêsu là người Do Thái. Chính trong bối cảnh hy vọng của dân tộc mình, Đức Giêsu đã lên Ga-li-lê và bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Điều đầu tiên chúng ta phải thừa nhận đó là: Đức Giêsu là người Do Thánh chính gốc. Ngày nay, khi chúng ta chiêm ngắm những bức họa về Đức Giêsu, chúng nghĩ về nền văn hóa thời đó. Bức họa chân dung Đức Giêsu với nước da trắng ngần và đôi mắt xanh biếc đang nhìn chúng ta, không có nghĩa đó là một bức chân dung chính xác về con người Giêsu thành Na-da-rét. Ở phương Đông, Đức Giêsu được xem là người Phương Đông; Châu Phi lại nhìn Giêsu là người da đen. Những nét biểu họa mang tính nghệ thuật này muốn nói một sự thật rằng, Đức Giêsu là đấng cứu độ của toàn thể nhân loại và thân thể Đức Kitô ôm lấy tất cả các nền văn hóa của con người. Tuy nhiên, Đức Giêsu của lịch sử là người Do Thái. Ngài được cắt bì, đã cầu nguyện ở các hội đường, đã thờ phượng ở đền thờ, đã học Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và ý thức mạnh mẽ về sứ điệp của các tiên tri. Ngài được sinh ra trong bối cảnh đức tin của Ít-ra-en, nên giáo huấn và sứ điệp Ngài loan báo phải được hiểu trong chính bối cảnh đó.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Mọi thành kiến đều phi-Kitô giáo, nhưng điều quan ngại nhất chính là chủ trương bài-Do Thái. Thiên Chúa của chúng ta là người Do Thái. Mẹ Maria là người Do Thái. Thánh Phêrô và các tông đồ cũng là người Do Thái.

Đâu là cách thức chống lại thành kiến trong con người và trong xã hội của chúng ta?

Các Nhóm Do Thái Giáo. Khi đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng, có nhiều niềm tin và cách sống khác nhau trong Do Thái Giáo. Theo một nghĩa nào đó, điều này giống với Kitô Giáo ngày nay, nơi cũng có nhiều nhà chiêm niệm và hoạt động, các giáo sĩ và giáo dân, Công Giáo và Tin Lành, nữ tu và hiền mẫu. Cũng vậy, dân Ít-ra-en không phải là một nhóm thuần chủng.

Trong Tin Mừng, một trong những nhóm thường được đề cập là Nhóm Pharisêu. Đây là những người hoàn toàn tin vào Luật được giải thích bằng ngôn từ và bằng bản văn. Khoản luật được viết ra gọi là những giới luật (Tô-ra). Còn những ngôn luật là những giải thích về những điều luật được viết ra bởi các thầy thông luật (rabbi). Danh xưng “Pharisêu” có nghĩa là “những người tách biệt,” vì họ không tương quan với những kẻ kém thánh thiện hơn mình. Bốn sách Tin Mừng thường phác họa chân dung Đức Giêsu và những người Pharisêu trong sự xung đột với nhau. Người Pharisiêu phản đối cách giải thích luật của Đức Giêsu và việc Ngài giao du công khai với những người tội lỗi.

Thông thường, khi nói đến những người Pharisêu, Tin Mừng cũng đề cập đến những kinh sư. Họ là tầng lớp có học thức và là những chuyên gia về luật Do Thái Giáo. Nhiều kinh sư thuộc nhóm Pharisêu. Giống như những Pharisêu, trong Tin Mừng, các kinh sư thường được đề cập đối lập với giáo huấn và hành động của Đức Giêsu. Họ đã phẫn nộ khi Đức Giêsu giảng dạy một cách có thẩm quyền, vì các kinh sư tin rằng, luật là Nguồn đích thực duy nhất để nên công chính.

Các tư tế của Ít-ra-en được gọi là những người thuộc nhóm Xa-đốc. Đây là những người thuộc tầng lớp quý tộc, nên có tầm ảnh hưởng lớn cả về chính trị lẫn tôn giáo. Nhóm người này phụ trách đền thờ và việc phụng tự cho dân. Khác với nhóm Pharisêu, các tư tế chỉ chấp nhận các sách Luật được viết ra chứ không thêm điều nào khác. Họ chống lại nhóm Pharisêu và sự xâm phạm của nhóm này lên đời sống tôn giáo của dân. Nhân vật nỗi tiếng trong nhóm Xa-đốc là thượng tế Caipha, người chủ tọa trong bản án của Đức Giêsu và dẫn tới cái chết của Ngài.

Thời Đức Giêsu, có một nhóm người Do Thái tin rằng đế quốc Rôma phải bị trục xuất khỏi đất nước của họ. Nhóm này được gọi là những người nhiệt thành (zealots). Họ chủ trương những chiến lược mang tính khủng bố và bị người Roma và hầu hết những người Do Thái thù ghét. Thời Đức Giêsu, phong trào của những người nhiệt thành tạm lắng xuống, nhưng họ đang âm mưu một cuộc nỗi dậy chống là người Rôma vào cuối những năm 60, dẫn đến kết cục đền thờ bị phá đổ.

Một trong những nhóm được nói đến trong các Tin Mừng là người Samaria. Ngày nay, khi nghe từ “Samaria”, chúng ta thường nghĩ ngay về người Samaria nhân hậu, người đã giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn. Đây là sự châm biếm vì người Do Thái đương nhiên đã không cho rằng người Samaria lại “tốt lành” như vậy. Quả thật, họ căm ghét người Samaria. Có một sự hiềm khích lâu đời giữa người Do Thái và người Samaria. Khởi đầu, người Samaria là một thành phần trong đức tin của người Ít-ra-en, nhưng sau đó, người Samaria kết hôn với những người dân ngoại và xây đền thờ trên Núi Gêrizim. Vậy nên, khi Đức Giêsu biến người Samaria thành người hùng trong dụ ngôn Ngài kể là nhằm mục đích gây sốc. Điều này cũng sẽ giống như việc biến Martin Luther King, Jr. thành người hùng trong câu chuyện Ku Kluz Klan.

Đối với người bình dân, đức tin của họ chủ yếu xoay quanh hội đường và ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy trong tuần, ngày dành cho Thiên Chúa. Đó là ngày để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Đền thờ là nơi cầu nguyện của một địa phương. Ngày Sa-bát và hội đường là để toàn dân cử hành đức tin của Ít-ra-en và là một phần trong đời sống thường ngày của người dân.

Các hội đường không được nhầm lẫn với đền thờ. Chỉ duy nhất một đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Đền thờ đó được xây dựng ở Giêrusalem trên Núi Sion. Người Do Thái có thể hành hương tới thành thánh và đền thờ vào những dịp lễ trong năm như: Lễ Vượt Qua, Lễ Hội Mùa (Pentecost) và Lễ Hòm Bia (Tabernacles). Đức Giêsu cũng hành hương dịp lễ Vượt Qua khi Ngài bị bắt và bị kết án tử.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Các nhóm Pharisêu, nhóm Xa-đốc, nhóm người Samaria, ngày Sa-bát và đền thờ có tương ứng nào với các thành phần trong Kitô giáo?

Sau khi đã xem xét bối cảnh sống của Đức Giêsu, giờ đây chúng ta hãy hướng về chính con người của Ngài. Chúng ta thấy, bốn sách Tin Mừng thực sự không phải là những quyển tiểu sử, nhưng như thế không có nghĩa là chúng sai lầm hay không có thực. Chúng ta có thể khám phá ra điều lớn lao về Đức Giêsu từ bốn Tin Mừng, ngay cả khi không một từ hay chi tiết nào xảy ra chính xác như được mô tả.

Chúa Giêsu giáng sinh (xx. Mt 1-2 và Lc 1-2). Mọi trẻ nhỏ đều biết câu chuyện Chúa Giêsu giáng sinh. Câu chuyện Giáng Sinh cơ bản phát xuất từ hai sách Tin Mừng Lu-ca và Mát-thêu. Ngoài hai sách này, trong Tân Ước chúng ta không thấy bất cứ thông tin nào liên quan tới biến cố Chúa Giêsu giáng sinh. Theo nghiên cứu, những trình thuật về biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu, đôi khi được gọi là các trình thuật thời thơ ấu, các học giả ngày nay cho rằng, những câu chuyện đã được các tác giả định hình thành “những tin mừng –thu nhỏ (mini-gospels)” với mục đích tìm kiếm ý nghĩa hơn là sự kiện giáng sinh. Hai trình thuật này hoàn toàn khác nhau. Lu-ca đề cập đến việc sứ thần hiện ra báo tin cho Đức Maria, hành trình tới Bê-lem, con trẻ được sinh ra trong máng cỏ, các mục đồng tới thăm viếng. Trong khi đó, Mát-thêu lại không đả động gì tới những điều này. Thay vào đó, ông thuật lại việc sứ thần truyền tin cho Giuse, việc ba nhà đạo sĩ thăm viếng, và việc Hêrôđê mưu toan lấy mạng con trẻ Giêsu. Những điều này Lu-ca cũng không mảy may đề cập. Vậy, điều này nghĩa là gì? Tại sao các trình thuật lại khác nhau như thế? Bởi vì Mát-thêu và Lu-ca dựa theo “các truyền khẩu” khác nhau và nhấn mạnh những sứ điệp khác nhau. (Chúng ta sẽ thấy rõ hơn về điều này ở chương sau.) Nếu chúng ta để tâm đến những điểm chung của hai trình thuật, điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra trọng tâm của vấn đề:

  1. Đức Giêsu được thụ thai khi Giuse và Maria đã đính hôn, nhưng trước khi họ chung sống với nhau.
  2. Biến cố thụ thai là một phép lạ. Maria vẫn còn đồng trinh khi đã thụ thai.
  3. Một sứ thần hiện ra và loan báo rằng, con trẻ được cưu mang là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần và ông bà sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu.
  4. Đức Giêsu được Maria sinh ra tại Bê-lem.

Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định sự xác thực mang tính lịch sử của biến cố Đức Maria thụ thai Đức Giêsu nhưng vẫn còn trinh khiết. Giáo Hội dạy rằng, đó không phải là một câu chuyện mang tính biểu tượng, nhưng là một biến cố mầu nhiệm.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Tái khám phá về sự kiện giáng sinh của Đức Giêsu là điều không thể, nhưng những chi tiết đó thực sự chẳng mấy quan trọng. Các trình thuật trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Giáng Sinh: hài nhi hạ sinh, Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu độ dân Ngài.

Bạn cảm thấy thế nào với mùa Giáng sinh? Việc cử hành lễ Giáng Sinh còn duy trì được ý nghĩa của nó không? Trong dịp lễ này, bạn có thể làm gì để nhớ lại lý do thực sự của mùa giáng sinh?   

Các Tin Mừng không cung cấp cho chúng ta các sự kiện lịch sử về tiến trình phát triển của con người Đức Giêsu. Câu chuyện Đức Giêsu giảng dạy trong đền thờ (Lc 2, 41-52) là câu chuyện duy nhất kể về giai đoạn này. Tuy nhiên, câu chuyện này hầu như mang tính huyền thoại hơn là thực tế.

Phép Rửa của Đức Giêsu (đọc Mc 1, 1-11; Mt 3, 13-17). Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan trong lòng sông Giodan là khởi điểm cho sứ mạng công khai của Ngài. Cho tới lúc đó, chúng ta dường như chẳng biết gì về cuộc đời của Ngài. Thông tin duy nhất các Tin Mừng cung cấp chỉ biết rằng, Ngài ở Na-da-rét, làm nghề thợ mộc và tầm 30 tuổi. Tuy nhiên, sau khi chịu phép rửa, Ngài đi từ làng này qua làng khác để giảng dạy và rao giảng.

Phép rửa của ông Gioan không phải là phép rửa mà sau này người Kitô hữu lãnh nhận để trở nên Kitô hữu. Đó là phép rửa tỏ lòng sám hối. Gioan rao giảng thời kỳ Thiên Chúa hành động đang tới. Phép rửa là để chuẩn bị cho Thiên Chúa đến.

Thật khó để xác định chắc chắn lý do tại sao Đức Giêsu gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa. Dù bất cứ lý do nào thì biến cố này cũng cho chúng ta biết “dạng” đấng cứu độ mà Đức Giêsu sẽ trở nên: đó là đấng dìm chính mình vào dòng nước tội lỗi của con người. Ngài không phải là một vị vua đầy quyền lực và cao xa, cũng chẳng phải là một vị ẩn tu. Trong phép rửa, Đức Giêsu đồng hóa mình với người tội lỗi và với những thường dân Palestine.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Gioan là một ngôn sứ kêu gọi dân dứt khỏi các bận tâm thực tại để đối diện với những đòi hỏi của Thiên Chúa trong đời sống của mình. Bạn có thể nghĩ về bất cứ “Gioan Tẩy Giả” nào ngày nay?

Kiểm tra tương tự

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Sự thật dễ bị lãng quên về sự Phục sinh

Nếu không có sự Phục sinh, thì những gì chúng ta tin đều vô nghĩa. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *