Phần VIII: Kitô học – niềm tin của Hội Thánh vào Đức Giêsu (tt)

Jesus-Christ-The-MessiahCÁC TƯỚC HIỆU CỦA ĐỨC GIÊSU TRONG TÂN ƯỚC

Một trong những cách Hội Thánh tiên khởi dùng để giải quyết câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giêsu là đặt cho Ngài các tước hiệu. Các tước hiệu này tuy có nguồn gốc từ Cựu Ước, nhưng chúng luôn cần phải được giải thích lại khi áp dụng cho Đức Giêsu.

Đấng Mêsia (Đức Kitô: Đấng được xức dầu). Ngay danh xưng của Đức Giêsu cũng vượt trên một tên gọi bình thường. Đây là một Kitô học: vì nó mô tả Đức Giêsu là ai. Lịch sử gọi tên Ngài là Giêsu Kitô. Từ Kitô dĩ nhiên không ám chỉ tên họ (tên cuối) của Đức Giêsu. Đây là một lời phát biểu về đức tin. Đức Giêsu là Đấng Kitô. Chữ “Christos” trong tiếng Hy Lạp tương đương nghĩa với chữ “Messiah” trong tiếng Do Thái. Như chúng ta thấy, khái niệm về đấng Mêsia khởi đầu với các vua Do Thái ám chỉ một nhân vật sẽ cứu dân Ítraen và phục hồi sự ưu tuyển trước đây của họ.

Danh xưng Giêsu Kitô mang nghĩa Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Nhưng thậm chí ngay cả tước hiệu đó vẫn không phù hợp với Ngài. Khi tông đồ Phêrô được Đức Giêsu hỏi: “Anh em bảo con người là ai?” Ông đáp: “Thầy là Đấng Mêsia (Đấng Kitô).” Và Phêrô đã đúng. Nhưng ông cũng sai, vì đối với Phêrô, Đấng Mêsia luôn là vị thiên sai khải hoàn: một ông vua thuộc dòng tộc Đavít sẽ phục hồi vinh quang cho Ítraen, một ông vua sẽ quy tụ mọi người thờ phượng Giavê cách đích thực. Khi Đức Giêsu mô tả chính Ngài với tư cách là Đấng Mêsia phải chịu đau khổ và chịu chết, Phêrô không thể chấp nhận, và ông bắt đầu thuyết phục Đức Giêsu. Đức Giêsu là Đấng Mêsia nhưng Ngài không phải là đấng Mêsia theo kiểu dân Ítraen đang mong đợi. Ngài là Đấng Mêsia, nhưng đồng thời chính Ngài định nghĩa cho tước hiệu Mêsia sẽ như thế nào. Khi Hội Thánh tiên khởi sử dụng danh hiệu “Mêsia” để mô tả Đức Giêsu, Hội Thánh biết rằng ý nghĩa của danh hiệu đó đã được biến đổi. Vâng, Đức Giêsu là con vua Đavít, là sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa với dân Ítraen. Nhưng đồng thời Ngài là Đấng Mêsia để giải phóng họ không phải khỏi ách thống trị của người Rôma nhưng khỏi tội lỗi. Ngài là Đấng Mêsia khi thiết lập cách thế mới trong tương quan với Thiên Chúa, cũng như một cách thế sống mới.

Đức Chúa. Một vấn đề khác Hội Thánh tiên khởi gặp phải đó là cố gắng mô tả mối tương quan giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa là Cha. Đối với người Do Thái, chỉ có một Thiên Chúa. Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Đức Giêsu không phải là Chúa Cha. Vậy bằng cách nào chúng ta có thể nói về thần tính cũng như vai trò của Đức Giêsu? Có hai danh hiệu đã giúp Hội Thánh trả lời trọn vẹn câu hỏi này.

Danh hiệu đầu tiên là “Đức Chúa.” Nếu chỉ so sánh Đức Giêsu với người công chính, người thánh thiện, vị ngôn sứ hay bậc thầy vĩ đại, thì Đức Giêsu trổi vượt hơn rất nhiều. Ngài là Đức Chúa. Ngài được Thiên Chúa tôn vinh và được cho chỗi dậy. Từ “Đức Chúa” gồm hai ý nghĩa. Nó có thể chỉ “ông chủ” xét theo quyền bính thế gian, hoặc từ đó có thể chỉ chính Thiên Chúa. Danh hiệu này được áp dụng cho Đức Giêsu sau khi phục sinh nhằm cho biết thẩm quyền của Ngài vượt trên toàn thể công trình sáng tạo. Đây chính là từ “Lord-Kyrios” được dùng để chỉ chính Thiên Chúa trong Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp. Chúng ta nhận ra đây là bài thánh thi được thánh Phaolô dùng trong thư gởi tín hữu Philíphê:

6 Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Bài thánh thi trên nhấn mạnh Đức Giêsu được phong danh hiệu Đức Chúa vì sự trung thành tuyệt đối của Ngài với Thiên Chúa qua việc vâng phục cho đến chết. Ngài được Thiên Chúa cho chỗi dậy và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên tất cả các danh hiệu. Vai trò được siêu tôn của Đức Giêsu đã được trao cho Ngài vào lúc phục sinh. Chúng ta gặp chủ đề này trong lời giảng của các Kitô hữu tiên khởi được tìm thấy trong sách Công vụ Tông đồ. Thánh Phêrô đã giảng cho đám đông vào ngày Lễ Hiện Xuống và nói: “Vậy toàn thể nhà Ítraen phải biết điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36). Cương vị Đức Chúa của Đức Giêsu bắt đầu từ thời điểm phục sinh.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Theo bài thánh thi trong thư gởi tín hữu Philíphê, Đức Giêsu được nâng lên và được tôn vinh, vì Ngài đã không tìm kiếm vinh quang hay tán dương nhưng thay vào đó Ngài tự hạ mình. Bạn có thể nghĩ ra bất kỳ ví dụ nào trong cuộc sống riêng của bạn khi bạn tìm thấy hạnh phúc đích thực qua việc đặt nhu cầu của người khác trên nhu cầu của chính bạn không?

Con Thiên Chúa. Đây chính là danh hiệu thứ hai, Hội Thánh đã dùng để diễn tả mối tương quan đặc biệt của Đức Giêsu với Chúa Cha. Chúng ta quá quen thuộc khi nghe danh hiệu này trong bối cảnh Ba Ngôi đến nỗi chúng ta gặp khó khăn để hình dung ý nghĩa nguyên thủy của nó. Đối với chúng ta, Con Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa. Nhưng thần học thời Hội Thánh sơ khai chưa phát triển tới mức đó. Trong Cựu Ước, danh hiệu con Thiên Chúa có thể ám chỉ bất cứ người nào được Thiên Chúa chúc phúc hoặc liên quan đến dân tộc Ítraen xét theo tổng thể. Một lần nữa, Hội Thánh sử dụng danh hiệu này và biến đổi ý nghĩa của nó. Sau khi phục sinh, Đức Giêsu được biết đến với tư cách là Con Thiên Chúa theo cách thức độc nhất. Một lần nữa, chính Đức Kitô là người đã mang ý nghĩa cho thuật ngữ đó. Danh hiệu này chỉ mối tương quan đặc biệt của Đức Giêsu với Chúa Cha, một danh hiệu mà tất cả các Kitô hữu nhờ ân sủng được mời gọi trở nên con Thiên Chúa. Danh hiệu này giúp Hội Thánh giải thích mối tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa và cung cấp ngôn ngữ sau này được dùng để củng cố giáo lý về Ba Ngôi.

Thư gởi tín hữu Do Thái cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa cương vị làm Con của Đức Giêsu và mối tương quan riêng của chúng ta với Thiên Chúa:

14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4,14-15).

 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Dt 5,8-9).

Cương vị làm con của Đức Giêsu ở đây được mô tả như một điều gì đó được kiện toàn qua việc Đức Giêsu trung thành với Thiên Chúa trong và qua nhân tính của Ngài. Đây là một điểm rất quan trọng vì Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa được trình bày như một mẫu gương cho toàn thể nhân loại.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái nói rằng Đức Giêsu bị cám dỗ mọi đàng như chúng ta, và nhờ đó mới học được vâng phục ý của Thiên Chúa qua đau khổ và cố gắng. Những ý tưởng này có phù hợp với hiểu biết của bạn về Đức Giêsu không? Nếu không, có lẽ bạn đã tách Đức Giêsu ra khỏi nhân tính đích thực của Ngài.

Tôi tớ của Thiên Chúa. Như chúng ta đã biết, Hội Thánh phải tìm cách giải thích ý nghĩa cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô vì thực tế chẳng ai mong đợi những điều như vậy. Một trong những cách để giải thích là nhờ sự soi sáng từ hình ảnh người tôi tớ đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia. Trong các chương 40-55, Ngôn sứ Isaia viết về một nhân vật bí ẩn được gọi là người tôi tớ của Giavê. Không ai biết chính xác vị ngôn sứ này muốn ám chỉ ai, nhưng các đoạn văn đã thuyết phục Hội Thánh tiên khởi tin rằng người tôi tớ đau khổ được mô tả đó chính là Đức Giêsu. Một cách cụ thể, các bài thơ về người tôi tớ này có thể giúp Hội Thánh hiểu về cuộc khổ nạn cũng như cái chết của Đức Giêsu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng ta đọc các đoạn văn này trong Phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh:

3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta (Is 53,3-6).

Con Người. Một trong những danh hiệu khác thường nhất của Tân Ước được tìm thấy trong các Phúc Âm là: “Con Người.” Điều này thật bất thường vì danh hiệu đó có rất ít nền tảng trong Cựu Ước (x. Đanien 7), nhưng nó lại là danh hiệu được Đức Giêsu sử dụng thường xuyên nhất để nói về chính mình. Ngài thường sử dụng danh hiệu này khi ám chỉ những đau khổ Ngài sẽ chịu. Chúng ta biết rất ít về ý nghĩa của danh hiệu này bởi vì nền tảng của nó quá mơ hồ. Có thể Đức Giêsu sử dụng danh hiệu này vì nó không hàm chứa bất kỳ dự tính mạnh mẽ rõ ràng nào, và rồi chính Ngài sẽ cho nó ý nghĩa.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *