Phương pháp siêu nghiệm: về một kiểu suy tư triết trong thần học

Bản văn này xuất hiện lần đầu trong quyển Otto Muck, A Transcendental Method, New York, 1968 bằng tiếng Anh và chỉ được xuất bản bằng tiếng Đức gần 20 năm sau. Dịch từ tiếng Đức theo „Transzendentale Methode. Zu einem philosophischen Denkstil in der Theologie“ trong tạp chí Geist und Leben 60/1, 1987, 1-2.

Karl Rahner, S. J.

Việc tiếp nhận phương pháp siêu nghiệm cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt của phong trào tân kinh viện hiểu theo nghĩa lịch sử. Việc chấm dứt này không nên hiểu như thể bản chất của di sản triết học truyền thống của thời Trung Cổ kia (nhất là từ tư tưởng của thánh Tô-ma), qua việc tiếp nhận phương pháp siêu nghiệm này, bị xem là sai hay không quan trọng nữa. Về điểm này, do có nhiều lý do khác nhau nên chắc chắn sẽ không có thêm một phát ngôn nào ở đây. Dẫu vậy bước ngoặc siêu nghiệm cũng không chỉ đơn thuần là việc đưa một mẩu học thuyết mới vào trong một hệ thống suy cho cùng „vẫn như cũ“. Đúng hơn nó là một đồ hình mới cho toàn bộ hệ thống. Và theo nghĩa ấy mà ta được phép nhã nhặn nói về sự chấm dứt của phong trào tân kinh viện, theo cách nó được trình bày trong hậu bán thế kỷ 19. Nhờ bước ngoặt này mà triết học ki-tô giáo, xét như là đệ nhất bộ môn trong Giáo Hội, ngày càng có khả năng đi vào đối thoại nhiều hơn. Công đồng Vaticano II đã coi khả năng đối thoại  như nhiệm vụ và ràng buộc của toàn thể Giáo Hội khi đối diện với nhiều lĩnh vực của thế giới.

Phương pháp siêu nghiệm có ý nghĩa lớn lao trong thần học. Trong thần học, người ta phải suy tư, nghĩa là người ta phải „làm triết“. Một nền thần học, tự hiểu như khoa biện giải về đức tin, như là intellectus fidei, phải suy tư về đối tượng nghiên cứu của mình bằng mọi phương pháp và dưới nhiều góc độ, nhiều chân trời khác nhau. Những điều này được tìm thấy trong bối cảnh tư duy của một thời đại. Phương pháp siêu nghiệm có thể đóng một vai trò đáng kể trong một nền thần học hiểu theo cách vừa nói trên. Đã hẳn trước hết là trong „thần học nền tảng“, bộ môn thần học này ngày nay không chỉ có nhiệm vụ trình bày tính khả tín một cách „khách quan“ của một bộ những sự kiện mạc khải của Thiên Chúa, mà còn học cách hiểu đúng và sâu hơn về chính con người, xét họ như là kẻ lắng nghe mặc khải tiềm ẩn của Thiên Chúa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc suy tư về những điều kiện siêu nghiệm của khả thể lắng nghe mặc khải ấy. Phương pháp siêu nghiệm cũng có vai trò trong thần học tín lý. Nhờ cách tiếp cận vấn đề theo phương pháp này mà trước hết là học thuyết về ân sủng và ki-tô học trở nên thông thoáng, cởi mở hơn. Khi ấy, điều mà chúng ta gọi là „ơn sủng thánh hóa, ơn đức tin hay nhân đức đối thần được phú ban“ tiên vàn không nên được hiểu như những xác định mang tính phạm trù (kategoriale Bestimmung) của con người (hiểu theo nghĩa cục bộ), nhưng cần được hiểu như sự xác định tiên thiên (a priori) và tràn đầy ân sủng của bản chất siêu nghiệm nơi con người. Và tương tự như thế, trong khoa ki-tô học người ta không chỉ có thể nghĩ đến một phong trào ki-tô học siêu nghiệm, tức là suy tư về chính hiện hữu được ân sủng thăng hoa của con người, một hiện hữu mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa tuyệt đối trong không gian lịch sử, mà còn có thể nghĩ đến một học thuyết về Nhập Thể mà trong đó nhiều khái niệm của một khoa nhân học siêu nghiệm có thể được sử dụng. Trên đây chỉ là vài gợi ý sơ bộ. Tuy nhiên, tôi luôn xác tín rằng, việc đón nhận phương pháp siêu nghiệm trong khoa triết học ki-tô giáo về lâu dài sẽ dẫn đến một sự biến đổi trong thần học, và cũng có nghĩa là thần học sẽ thôi mang bộ mặt tân kinh viện theo nghĩa lịch sử nữa. Vì thế, lịch sử việc tiếp nhận này sẽ có một ý nghĩa không nhỏ đối với cục diện thần học công giáo.

Chuyển dịch: Giuse Bùi Quang Minh, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *