Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể Thiên Chúa Mở Cửa Trời Cho Con Người – (Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ 12, 09-1-2013)

NĂM ĐỨC TIN…“Con Thiên Chúa … đã làm việc bằng đôi tay con người, đã nghĩ ngợi bằng khối óc con người, đã hành động bằng ý chí con người, đã yêu bằng trái tim con người. Người được hạ sinh bởi Đức Nữ Trinh Ma-ri-a, Người đã là một người thực sự giữa chúng ta, Người đã giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi” (Cđ Vatican II, Hiến Chế, Gaudium et spes, 22)

Phần A: 

Phần B: 

Trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sang thứ Tư ngày 09-01-2013, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ thứ 12 với chủ đề: Thiên Chúa Mở Cửa Trời Cho Con Người qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. ĐTC đã triển khai bài giáo lý qua 4 điểm suy tư phản tỉnh: Ý nghĩa của “Nhập Thể Làm Người”; Hài Nhi Giê-su là quà tặng quá đỗi lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người; Ngôi Lời Thiên Chúa không còn ngự chốn trời cao mà đã trở nên người phàm cụ thể giữa chúng ta; Nơi “Con Thiên Chúa” – Adam mới, Thiên Chúa đã chỉ rõ chân lý về con người cho con người. Dưới đây là toàn văn diễn từ của ĐTC Benedict XVI trong buổi Tiếp Kiến Chung vừa qua.

Anh chị em thân mến!

Trong Mùa Giáng Sinh này chúng ta một lần nữa dừng lại trước mầu nhiệm Thiên Chúa từ Trời cao đã giáng trần, bước vào phận xác phàm của loài người chúng ta. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã nhập thể, đã trở nên con người như chúng ta, và bởi đó Ngài đã mở đường cho ta hướng về Quê Trời, hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài.

Trong những ngày Mùa Giáng Sinh, Giáo Hội đã lặp đi lặp lại nhiều nhất cụm từ “Nhập Thể”, biến cố làm người của Thiên Chúa, nhằm diễn đạt thực tại mà chúng ta cử hành trong Lễ Giáng Sinh, đó là Con Thiên Chúa đã làm người như chúng ta, như khi chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính. Song, “Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người”, được coi là lời tuyên xưng trọng tâm niềm tin Ki-tô, rốt cuộc có ý nghĩa gì? Cụm từ “Nhập Thể” bắt nguồn từ cụm “incarnatio” trong tiếng La-tinh. Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-kia (cuối thế kỷ I), và trên hết là thánh I-rê-nê, đã dùng hạn từ này để suy tư về Lời Tựa trong Tin Mừng Gio-an, cách riêng là trong câu “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ở đây chúng ta thấy cụm từ “xác phàm” (thể theo cách dùng của người Do-thái), cụm từ này ám chỉ đến con người cách trọn nơi tính hội nhất của nó, nghĩa là con người toàn thể, nhưng lại phù hợp dưới khía cạnh phù sinh của kiếp người, đúng với thân phận nghèo hèn và chóng qua của con người.

Điều này muốn nói với chúng ta rằng ơn cứu độ từ nơi Thiên Chúa đã tự trở nên xác phàm nơi Đức Giê-su Na-da-rét. Ơn cứu độ là chính Thiên Chúa đã chạm tới con người trong thực tại tính cụ thể của nó, và trong cảnh huống ấy Thiên Chúa tự tìm tới con người. Thiên Chúa đón nhận thân phận “yếu-bệnh” của con người (vì nó đã lìa xa Ngài do chọn đàng dữ), để Ngài chữa lành nó, để trong Thánh Tử Giê-su, Ngài cho phép chúng ta được gọi Ngài bằng “Abba, Cha ơi!” và làm cho chúng ta thực trở nên những người con của Thiên Chúa. Thánh I-rê-nê đã khẳng định rằng “Đây chính là động cơ mà Ngôi Lời đã làm người, và (cho ta thấy sự thật Người là) Con Thiên Chúa thật và Con Người thật: bởi con người được bước vào thông hiệp với Ngôi Lời, nên nó cũng được đón nhận tình con thảo với Thiên Chúa, và trở nên con cái Thiên Chúa (Adversus haereses, 3,19,1: PG 7,939; x. GLGHCG, số 460).

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm” là một trong các chân lý mà chúng ta nghe quen thuộc đến nỗi chúng ta không còn cảm được tác động nhiều về sự cao cả của biến cố mà nó đang biểu lộ nữa. Và quả thực thì trong Mùa Giáng Sinh, mùa mà lời tuyên xưng ấy được lặp đi lặp lại thường xuyên hơn trong phụng vụ. Đôi khi chúng ta lại chú ý nhiều đến những hình thức bề ngoài, những “sắc màu” lễ hội, vốn là những thứ phụ họa lại biến thành tâm điểm của tin vui lớn lao Ki-tô Giáo mà chúng ta đang cử hành: Nhập Thể là một hành động mà con người hoàn toàn không hề nghĩ tới, thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện, và nơi đó con người chúng ta chỉ có thể nhập cuộc bằng đức tin.

“Logos”, có nghĩa là “Ngôi Lời” ở cùng Thiên Chúa (cung lòng Thiên Chúa), Ngôi Lời là chính Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất (x. Ga 1,1), và nhờ Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành (x. Ga 1,3), Ngôi Lời đã và đang đồng hành với con người trong lịch sử bằng ánh sáng của mình (x. Ga 1, 4-5; 1,9), Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ra, đã trở nên một người giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II khẳng định rằng: “Con Thiên Chúa … đã làm việc bằng đôi tay con người, đã nghĩ ngợi bằng khối óc con người, đã hành động bằng ý chí con người, đã yêu bằng trái tim con người. Người được hạ sinh bởi Đức Nữ Trinh Ma-ri-a, Người đã là một người thực sự giữa chúng ta, Người đã giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi” (Hiến Chế. Gaudium et spes, 22). Vì vậy thật quan trọng biết bao để khôi phục lại tính diệu kỳ này khi đặt mình trước mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta hãy để cho tính diệu kỳ của biến cố “Nhập Thể” quấn gọn lấy mình: Thiên Chúa là Thiên Chúa đích thực, Đấng sáng tạo mọi sự đã bộ hành giống như con người trên các nẻo đường đời của chúng ta, Ngài đã bước vào trong không gian và thời gian của con người, hầu thông truyền cho chúng ta chính sự sống của Ngài (x. 1 Ga 1,1-4). Và Ngài đã thực hiện cuộc bộ hành này không phải bằng thế huy hoàng của một vị chúa tể, Đấng có thể vận hành cả vụ trụ này bằng quyền năng của mình, nhưng bằng thế khiêm hạ nơi một Hài Nhi.

Tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố thứ hai. Vào dịp Giáng Sinh thì chúng ta thường trao quà cho những người thân nhất. Đôi khi, đó có thể là một cử chỉ được làm vì quy ước, nhưng cách chung thì đó là cử chỉ biểu lộ tình cảm với nhau, là một dấu chỉ của tình yêu và của lòng tự trọng. Trong lời nguyện tiền tụng của Thánh Lễ Rạng Đông Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội đã nguyện xin thế này “Lạy Cha, xin hãy nhận lấy của lễ của chúng con trong đêm đầy ánh sáng này, và vì cuộc trao đổi quà kỳ diệu này, xin hãy biến đổi chúng con trong Đức Ki-tô, Con Cha, là Đấng đã nâng con người lên cùng Cha trong vinh quang”. Vì thế, ý tưởng trao tặng chính là tâm điểm của phụng vụ, và ý tưởng ấy gợi nhắc ý thức chúng ta về cội nguồn món quà Chúa Giáng Sinh: trong đêm thánh ấy Thiên Chúa đã trở nên người phàm, Người muốn tự trở thành quà tặng cho hết thảy mọi người. Ngài đã trao tặng chính Ngài cho chúng ta. Ngài đã đón nhận nhân tính của chúng ta và rồi trao cho chúng ta thần tính của Ngài. Đây quả là quà tặng quá đỗi lớn lao. Ngay cả trong việc tặng quà cho nhau, chúng ta còn không lấy làm quan trọng giá trị vật chất của món quà lớn hay nhỏ, đắt hay rẻ, thì những ai không ra khỏi mình ra để trao ban một tí về mình, thì người ấy luôn cho đi quá ít ỏi; quả vậy, đôi khi người ta lấy tiền bạc hay nhiều thứ vật chất khác để thay thế cho tấm lòng, né tránh sự dấn thân để cho đi chính mình. Mầu nhiệm Nhập Thể vẫn chỉ ra rõ rằng Thiên Chúa không thực hiện điều ấy: Ngài đã không tặng cho chúng ta một vật gì đó, mà đã tặng chính mình Ngài cho chúng ta nơi Thánh Tử Yêu Dấu. Chúng ta hãy kiếm tìm ở đây mẫu gương cho việc tặng quà của chúng ta, để các mối tương quan của chúng ta, đặc biệt là các tương quan quan trọng nhất được hướng dẫn bởi tính vô vị lợi của tình yêu.

Tôi xin nêu lên phản tỉnh thứ ba về mầu nhiệm Nhập thể. Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta tỏ lộ cho chúng ta một mầu nhiệm chưa từng thấy về tình yêu của Thiên Chúa. Thực vậy, hành động của Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở Lời, đúng hơn chúng ta có thể nói rằng Ngài không thỏa mãn với việc chỉ nói mà còn dìm mình vào lịch sử của chúng ta, và chính Ngài nhận lấy tất cả những khó khăn cũng như thách đố của đời sống con người. Thực sự Con Thiên Chúa đã làm người, đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, trong một khoảng thời gian và địa lý cụ thể, tại Belem, trong thời hoàng đế Âu-gút-tô, đang khi Qui-ri-nô làm tổng trấn (Lc 2,1-2). Ngài lớn lên trong một gia đình, có những người bạn. Ngài thiết lập một nhóm các môn đệ, huấn luyện họ để tiếp nối sứ mạng của mình và cuối cùng kết thúc cuộc đời dương thế của mình trên thập giá. Cách thức hành động của Thiên Chúa như thế đòi hỏi chúng ta phải tự tra vấn về thực tại đời sống đức tin của chính mình. Đời sống đức tin của chúng ta không chỉ giới hạn ở việc lắng nghe, ở cảm xúc, nhưng đúng hơn là phải đi vào đời sống cụ thể, phải đụng chạm đến đời sống mỗi ngày của chúng ta và nó định hướng cho đời sống hàng ngày của mình. Thiên Chúa không dừng lại ở Lời nhưng Ngài còn chỉ cho chúng ta cách sống và chia sẻ chính đời sống của chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

Giáo lý của thánh Pi-ô X mà chúng ta đã học ngay từ thuở thiếu thời đã đặt ra một câu hỏi rất nền tảng rằng: “Để sống đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?” Thưa: “Để sống đẹp lòng Thiên Chúa chúng ta phải tin vào Chân Lý mà Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta, đồng thời chúng ta phải tuân giữ các giới răn của Ngài với sự trợ giúp của ân sủng của Ngài được nhận lãnh nhờ các bí tích và cầu nguyện”. Đức Tin có một khía cạnh nền tảng không chỉ hệ tại ở tâm trí và con tim nhưng là toàn bộ đời sống chúng ta.

Cuối cùng, tôi xin đề nghị điểm phản tỉnh cuối cùng. Thánh Gio-an đã xác nhận rằng lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời và nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành (x. Ga 1, 1-3). Rõ ràng Tác giả Tin Mừng Gio-an muốn ám chỉ đến trình thuật về sáng tạo mà chúng ta tìm thấy trong những chương đầu của Sách Sáng Thế, và ngài đã đọc lại dưới ánh sáng của Đức Ki-tô. Đây chính là tiêu chuẩn nền tảng giúp người Kitô hữu đọc Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước cần được đọc song hành và khởi đi từ Tân Ước chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa sâu xa của Cựu Ước. Chính Ngôi Lời, Đấng vẫn luôn hướng về Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa và nhờ Người và cho Người mà muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,16-17), đã làm người. Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu và vô hạn đã dìm mình vào sự hữu hạn của phận người, vào trong tạo vật của Ngài, để lôi kéo con người và tất cả tạo vật về với Ngài. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã xác nhận: “Cuộc sáng tạo thứ nhất đã tìm ra ý nghĩa và đạt tới đỉnh cao trong cuộc sáng tạo mới nơi Chúa Ki-tô, sự rực rỡ của cuộc sáng tạo mới này vượt xa vẻ huy hoàng của sáng tạo trước” (số 349). Các Giáo Phụ đã xem Đức Giê-su là Adam mới và đã nhiều lần định nghĩa Ngài là “Adam thứ hai”, hay là Adam cuối cùng, là hình ảnh hoàn thiện của Thiên Chúa. Với sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, cuộc sáng tạo mới đã diễn ra, và cuộc sáng tạo này đưa ra một câu trả lời trọn vẹn nhất cho câu hỏi “Con người là ai?”

Chỉ nơi Đức Ki-tô, kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người mới được biểu lộ một cách trọn vẹn: Ngài là con người đích thực theo Thiên Chúa. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã mạnh mẽ nhắc lại như sau: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì Adam-con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến, là Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô và là Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ”. Nơi Trẻ Thơ, là con Thiên Chúa mà chúng ta chiêm ngắm trong dịp Lễ Giáng sinh, chúng ta có thể biết gương mặt đích thực của con người. Và chỉ khi chúng ta mở ra cho những hoạt động ân sủng của Ngài và bước theo Ngài trong mỗi ngày sống của mình, chỉ khi đó chúng ta mới có thể thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Anh chị em thân mến, thời điểm này, chúng ta đang chiêm ngắm sự phong phú tuyệt vời và lớn lao của Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa chiếu sáng trên chúng ta và để Ngài biến đổi chúng ta theo hình ảnh người con yêu dấu của Ngài, Đấng đã làm người và ở giữa chúng ta.

Xin cám ơn anh chị em.

 

Từ RadoVaticana, 09-01-2013

 

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J

Augustin Nguyễn Minh Triệu, S.J.

chuyển ngữ và giới thiệu

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *