Quan niệm về ý Chúa và tự do con người trong phân định thiêng liêng

Tác giả: Lm. Phanxicô Xaviê Nguyn Hai Tính, S.J.

 

Vấn đề

Trong tiến trình phân định thiêng liêng, với mục tiêu tìm ra Ý Chúa dành cho mình, nhiều người thường hay nghĩ về Ý Chúa như là một trong những khả thể có sẵn, và phân định là làm sao tìm chọn được khả thể đó trong số nhiều khả thể khác. Như vậy, hành vi phân định giống như hành vi chọn vé xổ số hay bốc thăm trúng thưởng; chủ thể sẽ trải qua tiến trình tìm chọn Ý Chúa tương tự như cách mà họ tập trung suy nghĩ, cân nhắc, dùng cả trực giác của mình (và rất nhiều khi là cùng với việc cầu may) trong sự hồi hộp tột độ, nhằm làm sao chọn được con số thích hợp để trúng thưởng.

Với quan niệm đó, người phân định cảm thấy mình bị áp lực phải tìm chọn được khả thể đúng và luôn trong nỗi sợ phải chọn sai. Việc chọn được đúng Ý Chúa trở thành một việc khó khăn và một khả thể hiếm hoi như việc trúng xổ số, từ đó dẫn đến tâm lý ngại hoặc sợ phải đi vào tiến trình phân định, vốn được cho rằng chỉ dành cho những trường hợp rất đặc biệt của cuộc sống. Quan niệm như thế làm ta quên rằng phân định thiêng liêng còn phải trở nên như hơi thở, điều mà ta phải làm liên lỉ mỗi giây phút trong cuộc sống của ta.

Quan niệm như thế về phân định cũng gây khó khăn cho việc trả lời câu hỏi về trường hợp ta nhận ra – với tất cả sự chân thành, xác tín và ngay cả với sự chuẩn nhận đầy an ủi thiêng liêng – rằng Ý Chúa muốn cho ta bây giờ ngược lại với điều ta đã chọn trước đây sau khi đã nhận ra – cũng với tất cả sự chân thành, xác tín và an ủi thiêng liêng – rằng đó là Ý Chúa cho ta lúc đó. Cụ thể là trường hợp người trước đây đã nhận ra Chúa muốn họ sống đời tu trì và bây giờ lại nhận ra Ý Chúa muốn họ sống đời hôn nhân. Vậy đâu là Ý Chúa? Liệu Chúa có thay đổi Ý của Ngài qua thời gian chăng? Việc đổ lỗi cho tiến trình phân định hay chủ thể phân định như là nguyên nhân của sự sai lầm cũng không giải quyết vấn đề: nếu họ chọn sai (dù là lần trước hay là lần này, và nếu họ cứ lặp lại sai lầm hết lần này đến lần khác) thì họ sống làm sao được, cuộc đời họ sẽ có ý nghĩa gì khi mà họ không đi theo con đường mà Ý Chúa đã dành sẵn? Liệu điều đó có nghĩa là chỉ cần họ chọn sai một điều cụ thể nào đó thì cuộc đời họ sẽ tiêu vong?

Nói cách khác, đó là một quan niệm quá hạn hẹp nếu không muốn nói là sai lầm về phân định. Nhưng sâu xa hơn, quan niệm như thế về phân định lại bắt nguồn từ quan niệm thần học sai lệch về Ý Chúa, về sự quan phòng của Thiên Chúa và mối tương quan giữa sự quan phòng đó với tự do con người. Bài viết này trình bày nền tảng thần học của quan niệm đúng đắn về Ý Chúa và mối tương tác giữa Ý Chúa và tự do con người, với dụng ý đóng góp phần nhỏ vào việc hiểu biết hơn về việc phân định thiêng liêng.

 

Ý Chúa

 

Thần học Kinh Viện cho rằng Thiên Chúa có ngã vị, và vì thế Ngài có lý trí và tự do. Điều này, tuy rất đúng đắn và chí lý, lại thường dẫn đến quan niệm sai lầm nhân cách hoá Thiên Chúa, đồng hoá cách Ngài suy nghĩa và lựa chọn theo mẫu hành xử của con người. Bỏ qua chiều kích loại suy của khái niệm ngã vị khi nói về Thiên Chúa, quan niệm sai lầm này cho rằng Thiên Chúa cũng suy nghĩ và lựa chọn cách rời rạc như con người. Kế hoạch của Thiên Chúa được quan niệm như một loại kịch bản có sẵn, mà con người cần phải tuân theo, dù họ có tự do để chọn theo hay không.

Một quan niệm kiểu thuyết định mệnh như thế, ngoài khiếm khuyết đơn giản hoá thái quá Thiên Chúa cũng như hoạt động của Ngài, thất bại trong việc cho thấy con người, với tự do của mình, có thể viết lên vận mệnh của mình thế nào, và qua đó, thất bại trong việc cho thấy có sự tương tác giữa kế hoạch hay hoạt động của Thiên Chúa và tự do của con người thế nào.

Quan niệm đó đơn giản hoá thái quá Thiên Chúa là vì nó hàm ý rằng con người có thể hình dung và dự trù kịch bản của điều Thiên Chúa muốn. Như vậy, kế hoạch của Thiên Chúa cũng chỉ là điều nằm trong tầm nhận thức, phán đoán và dự kiến của con người. Thiên Chúa không còn là Đấng Siêu Việt nữa, mà cùng lắm chỉ là có bộ óc và cách suy nghĩ vượt trên con người về lượng chứ không hoàn toàn khác về phẩm.

Để hiểu đúng đắn hơn về Ý Chúa hay kế hoạch của Thiên Chúa, ta cần ý thức rằng Thiên Chúa không “suy nghĩ” kiểu rời rạc như con người, và vì thế, “kế hoạch” của Ngài không phải là một diễn tiến tuyến tính các biến cố nối tiếp nhau. Chúng ta không thực sự biết “suy nghĩ” của Thiên Chúa là thế nào, nhưng có thể nói cách loại suy rằng Ngài biết mọi sự cùng một trật; đối với Ngài, quá khứ và tương lai đều như hiện tại.

Chắc hẳn Ngài biết rõ ràng, tường tận, chi tiết bối cảnh, con người và cuộc đời mỗi người chúng ta. Mọi điều xảy ra cho tôi, mọi lựa chọn tôi sẽ thực hiện đều không thể nằm ngoài Ý Chúa. Ngài cũng không chỉ “biết” về cuộc đời tôi như một người quan sát bên ngoài, nhưng chính Ngài “thiết kế” nên cuộc đời đó và hiện thực hoá nó qua tự do của tôi; Ngài “biết” về cuộc đời tôi như một người trong cuộc.

 

Tự do của con người

 

Thường ta cũng hay quan niệm không chính xác về tự do như là một khả năng hay năng quyền có sẵn, tuy có thể tồn tại ở một lượng ít nhiều nào đó. Quan niệm này có hạn chế là không diễn tả được sự năng động của tự do; khó cho thấy tự do có thể lớn lên hay thui chột đi thế nào; mặt khác, nó cũng gợi lên hình ảnh về việc thực thi tự do như hoạt động có tính rời rạc, ngắt quãng bên trong hiện hữu con người chứ không phải liên tục trải dài, đan quyện cùng với và cấu thành chính hiện hữu ấy.

Thực ra, tự do không chỉ là một năng quyền tĩnh, một khả năng được quan niệm dưới dạng lượng, có sẵn đó trước khi vận hành, mà còn là một năng động vốn chỉ hiện hữu khi đang vận hành. Nói cách khác, không phải chỉ là con người có tự do rồi mới có thể hành động ngang qua những lựa chọn, mà chính trong khi họ thi hành những lựa chọn mà họ trở nên tự do. Tự do chỉ thực sự hiện hữu khi được sử dụng hay thực hành.

Thế nào là một lựa chọn và quyết định tự do? Đó là khi con người hành động phù hợp với âm giai nền tảng của hiện hữu mình, phù hợp với năng động căn bản của hiện hữu, là hướng về Thiên Chúa, Đấng làm nền cho hiện hữu của họ. Nói cách khác, khi họ chọn chính mình như chủ thể hướng về Thiên Chúa nơi Đức Kitô, là khi họ tự do nhất.

Tự do, tự bản chất, không chỉ là việc thực hiện những chọn lựa rời rạc nhỏ lẻ, mà là việc chọn lựa và hình thành chính mình trong khi quy hướng về Thiên Chúa như là Nền Tảng siêu việt của chính tự do đó[1].

Ý Chúa trong tương tác với tự do con người

 

Quan niệm hạn hẹp về Ý Chúa ở trên cũng làm mất đi tính siêu việt của Thiên Chúa, biến Ngài thành một tác nhân giới hạn, luôn trong thế cạnh tranh với ý thức tự do của con người.

Thực ra, Thiên Chúa không phải là một trong số các tác nhân của thế giới này, hoạt động trong sự cạnh tranh với các tác nhân khác[2]. Vì nếu như thế, Ngài cũng hữu hạn như các tác nhân đó và vì thế không phải là Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể hoạt động, không phải trong sự cạnh tranh, nhưng thông qua các tác nhân của thế giới. Vì duy chỉ mình Ngài là nguồn cho sự hiện hữu và hoạt động của mọi thứ trên thế giới. Các tác nhân trong thế giới hoạt động được là do và nhờ nguyên lý và năng động hay sức sống đến từ Thiên Chúa.

Người thực hành phân định thiêng liêng theo tinh thần Thánh Inhaxiô xác tín rằng Thiên Chúa sống động và không ngừng làm việc trong thế giới. Nhưng Ngài làm việc không trong thế cạnh tranh hay loại trừ nguyên nhân tính của tự do con người. Ngài đã dựng nên con người với tự do để họ hoàn toàn có thể trở thành tác nhân đích thực của thế giới và của chính vận mệnh mình. Việc Ngài hoạt động không ngừng là nhằm cổ võ và hiện thực hoá điều đó, chứ không phải để ngăn cản hay miễn trừ điều đó, không cho nó xảy ra. Ngài hoạt động liên lục trong thế giới để bảo đảm con người trở nên tác nhân thực sự của chính thế giới ấy.

 

Phân định thiêng liêng

 

Phân định thiêng liêng không hẳn là tìm chọn cho đúng (nhiều khi một cách may rủi) một trong những khả thể có sẵn. Phân định cũng không hẳn là tự mình hình thành vận mệnh của mình, như thể là không có Thiên Chúa hay Thiên Chúa dửng dưng trước sự vận hành của thế giới (quan điểm Deism)[3]. Phân định là cộng tác với Thiên Chúa, với “kế hoạch” của Ngài, để cùng Ngài hình thành vận mệnh của mình.

Phân định thiêng liêng là tiến trình hình thành và hiện thực hoá tự do, chứ không chỉ là hệ quả của tự do. Không chỉ là con người có tự do rồi mới phân định, nhưng chính trong khi phân định, họ trở nên tự do đích thực hơn. Phân định là cách con người sống hiện hữu tự do của mình trong khi hướng về Siêu Việt như nền tảng của hiện hữu ấy. Phân định và chọn lựa là cách thức con người hiện thực hoá chính mình trong tự do.

Vận mệnh con người, một mặt đã nằm trong cung lòng của Thiên Chúa không như một kịch bản sẵn có, nhưng như một huyền nhiệm, bởi vì tất cả những gì nơi Thiên Chúa đều mang đặc tính mầu nhiệm; mặt khác, vận mệnh đó cũng cần phải được vẽ nên và hiện thực hoá cách cụ thể bởi con người tự do, qua những lựa chọn và quyết định đầy tính nhân linh (với lý trí và tự do) của mình.

Chính qua việc phân định mà Ý Chúa cũng như vận mệnh đời tôi được hình thành và trở nên hiện thực cho tôi ở đây và lúc này. Chính qua việc phân định mà Thiên Chúa, qua tự do của tôi, như món quà phát xuất từ Ngài, hình thành nên vận mệnh của tôi, không như một “kịch bản” trong tưởng tượng, mà cách hiện thực ở đây và lúc này. Hay nói cách khác, khi phân định, tôi cùng với Chúa đang xây dựng cuộc đời và vận mệnh của chính tôi.

Đây là một tiến trình sống hiện hữu của tôi cách chân thực với tự do lớn nhất, chứ không chỉ là hoạt động của trí óc để tìm chọn một trong các khả thể có sẵn. Đó chính là lý do tại sao Thánh Inhaxiô yêu cầu trước khi đi vào phân định, ta cần tập cho có tự do bằng cách xin ơn bình tâm. Dĩ nhiên, ơn này chỉ có được khi một điều kiện tối quan trọng khác nữa được đáp ứng, đó là ta cần ở trong tương quan với Chúa. Chúng ta không thể phân định mà không trong bầu khí thiêng liêng, hay không có tương quan với Chúa. Nhiều người đi vào Linh Thao với mục đích là phân định lựa chọn (ơn gọi, chẳng hạn), mắc sai lầm quan niệm phân định như đơn thuần là một bài tập hay hoạt động của tâm trí, mà quên rằng họ cần phải gặp gỡ, kết hợp với Chúa trước tiên; họ cần phải tập trung cầu nguyện trước khi có thể phân định đích thực.

Nói cách khác, theo Thánh Inhaxiô, phân định thiêng liêng là tiến trình con người hiện thực hoá tự do của mình, và cách thức để có được điều đó là đi vào và sống tương quan với Chúa, từ đó xin ơn và sống sự bình tâm. Đó là cái cốt lõi của tiến trình phân định, những việc cụ thể khác như suy nghĩ, lựa chọn là hệ quả của một tiến trình sống tự do, vốn phải là bối cảnh, điều kiện và giả định của việc suy nghĩ lựa chọn. Mục đích của việc phân định không hẳn là chọn điều gì đó cụ thể, mà là tiến trình giúp tôi sống cách hiện thực tự do của tôi, bằng cách hướng về Thiên Chúa và đi vào trong tương quan mật thiết với Ngài, từ đó đạt được sự bình tâm với mọi thứ khác.

Trở lại với hai vấn nạn ở đầu bài viết, khi phân định, tôi không đơn thuần chỉ chú ý đến kết qu của lựa chọn của tôi mà thôi, mà chủ yếu sống tiến trình phân định trong ý thức và tự do hướng về Thiên Chúa. Với cách thức đó, tôi sẽ tránh được sự lo lắng không cần thiết rằng không biết làm thế nào để chọn cho đúng khả thể có sẵn đang chờ tôi, mà dồn năng lượng thiêng liêng và trần thế của tôi vào việc sống cách chân thực hết sức có thể hiện hữu tự do của tôi trong tương quan với Thiên Chúa ở đây và lúc này.

Đối với vấn nạn thứ hai, nếu như trước đây tôi nhận ra Chúa muốn tôi đi tu mà bây giờ tôi lại nhận ra Ngài muốn tôi lập gia đình, thì không phải là Ngài sai lầm hay thay đổi ý muốn, kế hoạch của Ngài về cuộc đời tôi. Nếu trong cả hai trường hợp tôi đều thực sự phân định cách chân thực và đúng đắn, thì lý giải về hiện tượng này đơn giản chỉ là: tôi cùng với Thiên Chúa đang vẽ nên vận mệnh chính tôi qua những thay đổi thế này; đi tu đã từng là một phần của vận mệnh đó và bây giờ lập gia đình là một phần của vận mệnh đó. Vận mệnh đời tôi đi ngang qua cả việc đi tu cho tới ngày nay lẫn việc lập gia đình kể từ bây giờ.

Nguồn: Phân Định Thiêng Liêng, Tạp chí Linh đạo Inhã – Dòng Tên Việt Nam, trang 153.

[1] X. K. Rahner, Foundations of Christian Faith, tr. William V. Dych

(New York: Crossroad, 1987), 35-39; 93-97.

[2] X. K. Rahner, Foundations of Christian Faith, tr. William V. Dych

(New York: Crossroad, 1987), 81-89.

[3] X. Tad Dunne, “Models of Discernment”, trong The Way. Supplement

23 (1974), 18-26.

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN 6PS: “Ở lại trong tình thương của Thầy”

Các bạn thân mến!   Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …

Một bình luận

  1. Cám ơn Lm. P. Xavier Nguyễn Hai Tính đã viết bài “Quan niệm về ý Chúa và tự do con người trong phân định thiêng liêng” rất sâu sắc.

    Thiên Chúa siêu việt, khôn dò thấu. Con người hữu hạn, không thể hiếu hết Ý Ngài. Tuy nhiên Ý Chúa được mặc khải rất nhiều trong Kinh Thánh, Cựu và Tân Ước, cho Dân Israel, Hội Thánh Chúa Kitô, và toàn thể nhân loại. Tất cả Ý của Ngài ở trong Ngôi Lời của Ngài. Ngôi Lời đã nhập thể và mặc khải Ý Thiên Chúa cho cả nhân loại.
    Qua Ngôi Lời, con người biết Ý Chúa là: con người được Thiên Chúa sáng tạo giống hình ảnh Ngài, được Ngài yêu thương, được ban cho tự do, và cho trở nên con cái của Ngài nhờ tin Chúa Kitô.
    Cả những người không biết, hoặc chưa tin Chúa Kitô cũng được cứu độ theo kế hoạch yêu thương của Ngài, tùy vào tình trạng lương tâm “làm lành lánh dữ” mà Ngài đặt trong họ, tùy tình trạng họ được giáo dục/ không được giáo dục, được nghe loan báo Tin Mừng / không đươc nghe loan báo Tin Mừng.
    Thánh Ý Chúa là kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, kế hoạch này đã có từ đời đời trong Chúa Kitô, là đưa thời gian đến mức viên mãn, muôn loài muôn vật được quy tụ dưới quyền của Chúa Kitô (x. Ep 1,9-10).
    Để con người có thể sống theo Ý Chúa, Ngài đã ban cho con người trước tiên là lương tâm hay Luật tự nhiên và Mười Điều Răn. Đó là những tiêu chuẩn căn bản để con người dựa vào đó mà “làm lành lánh dữ”, nhờ thế mà được bình an, hạnh phúc. Ngài đã ban cho con người tiêu chuẩn tột đỉnh cao quý để giúp con người nên giống Ngài đó chính là Ngôi Lời, Con Yêu Dấu của Ngài làm mẫu gương sống động. Ngôi Lời chính là Ý Chúa và là Đấng mặc khải Ý Chúa và kế hoạch của Ngài cách phổ quát cho toàn nhân loại và cho từng cá nhân: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

    Đối với những ai có tương quan cá vị, ít hay nhiều, với Thiên Chúa, thì thường được thôi thúc làm điều cao quý hơn. Điều cao quý chính là làm đẹp lòng Chúa hơn, làm vinh danh Thiên Chúa hơn. Những người có lý tưởng này thường đi vào đời tu, thánh hiến cuộc đời phụng sự Thiên Chúa. Từ đó hình thành trong Giáo Hội các bậc sống khác nhau. Trong bậc tu trì, có nhiều người đi suốt cuộc đời trong bậc độc thân thánh hiến với sự triển nở hạnh phúc. Cũng có người không hạnh phúc nhưng vẫn hãm mình ép xác để đi hết con đường. Cũng có không ít người chuyển hướng, rẽ vào một bậc sống khác. Khi rẽ hướng, đương sự chắc không tránh khỏi những trăn trở, thắc mắc cho rằng có lẽ mình đã chọn sai bậc sống, hoặc nuối tiế cho rằng đi vào đời tu mà không có sự phân định tìm ý Chúa ngay lúc đầu.
    Cũng có trường hợp lúc đầu đã phân định và thấy rõ Chúa muốn mình tu. Sau một thời gian sống đời tu, đương sự thấy mình không hạnh phúc bình an, nên lại phân định lại và thấy Chúa bằng lòng cho mình chuyển hướng. Vậy việc phân định ơn gọi (tu trì, gia đình) tìm ý Chúa muốn cho mình có ý nghĩa, giá trị nào? Kết quả ra sao? Phải chăng Ý Chúa muốn cho một người cũng thay đổi theo hoàn cảnh và tình trạng tâm hồn của người ấy? Các bề trên dòng tu, các phụ huynh nghĩ gì về việc phân định ý Chúa?

    Cám ơn Cha P. Xavier đã viết bài này, tình cờ giải tỏa những trăn trở của con.

    Vâng, Ý Chúa muốn con người được triển nở, hạnh phúc, sống dồi dào, trở nên con cái của Ngài. Như thánh Irênê nói: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống”. Do đó rất cần phân định thiêng liêng để tìm Ý Chúa muốn cho mình, để mình sống tương quan với Thiên Chúa và tha nhân trưởng thành hơn, làm vinh danh Thiên Chúa hơn, mưu ích cho tha nhân hơn. Biết Ý Chúa rồi thì phải thay đổi lối sống, ngay cả bậc sống, ngoại trừ những điều liên quan đến Điều Răn của Thiên Chúa thì không được thay đổi. Phân định còn phải thường xuyên như hơi thở, vì không thể phủ nhận sự tồn tại của ánh sáng và bóng tối trong cuộc sống trần gian này.

    Một lần nữa xin cám ơn Cha tác giả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *