Sau hạt bụi

 

“Khi nào cát bụi hoàn nguyên thể,

Nguyện lót chân êm khách vỉa hè”

 

            Câu trích tâm huyết trong bài thơ của thầy Nguyễn Khắc Dương mà tôi đã một lần được đọc qua và câu nói ấy đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Tự vấn tâm hồn thấy thoáng chút phân vân vì ai đó cứ bảo cuộc sống là vô thường. Cát bụi là tận số cho tất cả những thứ vô thường ấy. Cụ thể cái tận số được nhắc đến ở đây chính là cái chết. Vâng! Điều hiển nhiên ai cũng thấy và không hề chối cãi vì sờ sờ trước mắt là những nắm tro mịn sau vài giờ hỏa táng; những mớ đất đen sau vài chục năm chôn vùi.

            Nhưng chết có phải là hết? Tận số của cái vô thường có phải là bức huyền trướng khổng lồ chặn đứng tất cả? Nếu chỉ dừng nơi đó thì quả thực khao khát “nguyện lót chân êm khách vỉa hè” của kẻ hữu chí thành ra vô nghĩa chăng? Phải chăng mộng ước là hạt bụi hữu lý và hữu ích lại là điều ảo tưởng?

            Không biết nữa!

            Vì đã có ai chết đi rồi… sống lại để kể về thế giới bên kia đâu mà biết! Những kẻ còn sống chỉ bàn về hiện tại hoặc tương lai có khả năng xảy ra, chứ có ai bàn về chuyện dự định sau khi chết sẽ làm gì đâu!

            Nhưng có một điều chắc chắn rằng… chết không phải là hết. Không cần luận lý đức tin cao siêu để thuyết phục người khác về điều này. Cũng chẳng cần lý luận sắc bén để thuyết phục những triết gia, học giả, giáo sư; Cũng chẳng cần cố vạch ra cái đẹp mê hồn của một thiên đàng khói trắng có thần tiên lượn vòng là là để chiêu dụ những kẻ bình dân.

            Đã là con người thì dầu là nhỏ hay lớn; dầu là kẻ thượng trí hay hạ trí; dẫu là kẻ thông minh hay ít học, dẫu là thượng tầng hay hạ tầng; dù có niềm tin tôn giáo hay vô thần… nếu không muốn tự mâu thuẫn với chính mình, thì họ sẽ thừa nhận rằng… chết không hết, nhưng nếu không hết thì còn gì? Trả lời: Không biết!

            Thậm chí, họ còn cho rằng sau hạt bụi là những huyền thoại thật đẹp, thât là điều đáng kinh ngạc làm sao! Có người xem đó chỉ là một ranh giới bên này và bên kia, nên vẫn đốt hương cúng vái để mong người bên kia về để hưởng dùng; có người vẫn tụng niệm hay cầu nguyện để linh hồn người chết mau hưởng tình trạng viên toàn. Thậm chí, có kẻ tuyên bố thẳng thừng từ chối chuyện đời sau mà vẫn thờ cúng ấy mà! Chắc là làm cho có lệ và trọn nghĩa hiếu thảo-tình thân! Mà lệ với nghĩa chẳng lẽ không động tâm chút nào hay sao?

            Nhưng cũng có người lại ước mong sống hữu ích và chết cũng chẳng ra vô ích. Nếu được hóa kiếp thì mong thành phận hữu dụng cho đời hoặc làm nhiều điều tốt lành là tiền kiếp chưa hoàn thành. Nếu được thụ hưởng tình trạng viên toàn thì họ nhớ và mong nguyện cầu cho kẻ ở thế gian. Nếu… đơn giản chỉ còn là hạt bụi thì khao khát trở thành “bụi lót chân êm khách vỉa hè” đã đủ lắm rồi.

            Dẫu chuyện đàng sau hạt bụi thì chẳng ai biết chính xác, nhưng chắc chắn hai điều: Thứ nhất, chết không là hết nhưng còn gì nữa thì không biết. Thứ hai, dẫu là cát bụi nhưng chẳng ai ngăn cấm khao khát giúp ích cho đời nếu còn cơ hội.

***

            Nhưng cái “nguyên thể” của hạt bụi sẽ giải đáp cho những gì bế tắc hoặc tạm chấp nhận nêu trên. Nguyên thể là chính nguồn cội, là chính xuất phát điểm của hạt bụi, là thành phần cơ bản nhất trong mọi thứ thành phần cấu tố nên con người.

            Như thế, một hành trình tăng trưởng được xây dựng từ hạt bụi và khi đến chóp đỉnh thì bắt đầu hành trình trở về cát bụi. Nên, có thể xem “hoàn nguyên thể” là một khao khát sâu thẳm nơi mỗi con người chăng? Sợ thì ít nhiều ai cũng sợ! Mà khao khát thì nhiều người cũng khao khát! Còn kẻ né tránh “hoàn nguyên thể” thì sao nhỉ? Vẫn về với nguyên thể thôi! Nhưng chỉ là ở một sự hài lòng của hạt bụi lót chân khách vỉa hè hay là một hạt bụi thích vấy tung vào bầu không khí vì không chịu nằm yên để làm êm gót người đi đường.

            Tôi đã và đang được chiêm ngưỡng tiến trình “hoàn nguyên thể” của mình rồi! Nó đang đến và sắp tới đích. Trong niềm tin riêng mình, tôi đã thấy có Đấng tới đích trước tôi và Đấng ấy cam đoan hứa rằng: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con”. Đấng ấy không hề xem cái chết của mình là hết, mà là cái chết đem lại vinh quang và cũng là cái chết hữu ích với lời hứa: “Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó.”

            Chợt nhận ra kiếp “hoàn nguyên thể” của Đấng Tiền Bối đã chứng tri thật là mạc khải cao sâu. Ít ra tôi biết có Đấng đã từ cõi chết sống lại kể cho tôi nghe và điều được kể thì đáng tin. Ít ra có Đấng đã cam đoan chỗ ở mai sau khi tôi về cát bụi và nơi ấy là tình trạng đoan chắc. Ít ra có Đấng đã chứng minh đàng sau cát bụi… vẫn còn hữu dụng vô vàn nếu ai kia… vẫn còn khao khát. Ít ra có Đấng cho tôi biết trở về nguyên thể đích thực chính là NGUYÊN THỂ nơi Đấng đã mạc khải ơn cứu độ đời tôi.

“Hành giả dừng chân tạm vỉa hè,

Tấm thân đất chở với trời che.

Cảm người bươn chải vòng cơm áo,

Thương người bôn ba nhịp ngựa xe.

Trần sắc mười phương đau đớn thấy,

Thế âm bốn cõi xót xa nghe.

Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể,

Nguyện lót chân êm khách vỉa hè.

Công tội trông nhờ cây khổ giá,

Vui buồn ký thác chuỗi Mân Côi.”

(Sở Nguyện – Nguyễn Khắc Dương)

 

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Ngày Lễ Các Thánh: Lời nhắc về niềm hy vọng

Tất cả những tin xấu cũng không thể ngăn cản ân sủng và lòng thương …

Hướng về các linh hồn đã khuất

  “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà …