Sống Mùa Chay – một cảm nghiệm

Câu chuyện của chị giường bên cạnh nói với mẹ trước lúc ngủ làm tôi trằn trọc suốt đêm: “Ui mạ ơi, đi vô viện chăm con mà khổ chi là khổ, hắn kiểm tra chặt chẽ hơn là vô cung đình nữa !!! Con đưa thằng con trai vô phòng cấp cứu, hắn bắt con lại, kiểm soát đủ thứ, bắt khai báo rồi lấy cái vật nhọn nhọn chọc sâu vô mũi để lấy cái chi trong nớ con không biết nữa??? Ui !!! Hắn khó chịu chi lạ, bác sĩ nói là lấy dịch để xét nghiệm covid. Trời nạ, khổ chi mà khổ, bắt con đứng chờ mấy tiếng đồng hồ mà chưa được vô cùng thằng cu. Tội hắn lắm mạ, thấy xót lắm, hắn nhỏ, mới 16 tuổi đang đau xuất huyết dạ dày, tái xanh mặt mày mà không có người nhà đi cùng nên hắn hoảng loạn. May mà họ thấy tội nghiệp nên chăm sóc giúp, tội là họ còn vệ sinh thân thể máu me đầy người hắn nữa kìa”.

Đúng là tội thật, tôi thấy có một người trung niên chăm sóc em trai đó từng li từng tí mà cứ tưởng là cha con. Mãi đến tối, mẹ thằng cu mới được phép vào, hỏi chuyện mới biết là ông phòng bên cạnh và không có bà con họ hàng gì cả.

Cái tình người trong những lúc khó khăn cấp bách như thế thật cao đẹp.

Kể từ khi covid bùng phát đợt hai vào hè năm ngoái ở Đà Nẵng, các bệnh viện đã nhanh chóng áp dụng những biện pháp rà soát, kiểm dịch bệnh nghiêm ngặt. Bất kể ai bước vào đều phải đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách. Ngoài ra họ còn phải xét nghiệm covid để bảo đảm môi trường “sạch” trong bệnh viện. Bên cạnh đó, quy định để hạn chế người ra vào được áp dụng, chỉ có bệnh nặng mới cho phép một người nhà duy nhất vào chăm và ở cùng với bệnh nhân suốt thời gian điều trị.

Chính vì lẽ đó mà các nhân viên y tế phải vất vả hơn rất nhiều, ngoài chuyên môn khám chữa bệnh họ còn phải kiêm luôn cả việc chăm bẵm bệnh nhân nữa. Những việc làm khó khăn này đôi lúc ngay chính người nhà cũng có phần e ngại. Thế mà họ đã không ngần ngại đút ăn, vệ sinh cá nhân cho người bệnh trong tâm trạng đau yếu về thể xác và bấn loạn về tinh thần. Nhưng họ đã làm rất trách nhiệm và đầy tình yêu thương đúng với tinh thần “lương y như hiền mẫu”.

Những câu chuyện khác đầy tình người mà tôi được dịp chứng kiến các cô y tá chăm sóc bệnh nhân: “ông cố gắng nằm yên con chích thuốc nghe, ngoan con thương”, “bà ráng ăn thêm một muỗng nữa cho khỏe người rồi con cho gặp mặt con cháu”. Nghe những mẩu đối thoại đó mà cứ ngỡ họ là những người cùng huyết thống ???

Chỉ mới hai hôm đi chăm bệnh mà đã thấy rất nhiều điều tốt đẹp về tình thương giữa người với người, làm cho bản thân lạc quan hơn về cuộc sống xã hội đang bị cho là suy thoái đạo đức và thực dụng. Nhưng những gì tai nghe mắt thấy, nhìn những người dù chưa biết Chúa, chưa được nghe lời Chúa dạy: “Hãy yêu tha nhân như chính mình vậy” mà họ đã làm đúng với tinh thần đó. Họ xả thân, không ngại khó, không sợ bẩn để chăm sóc cho người lạ.

Một mẫu gương rất đẹp trong đời sống hàng ngày mà mỗi Kitô hữu cần noi theo trong công việc và cuộc sống thường nhật để sống đúng tinh thần mùa chay thánh là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Ước gì những việc đạo đức nhỏ bé như thế được nhân rộng trong cộng đồng công giáo Việt Nam xung quanh nơi ở hay chỗ làm việc thì mùa chay đối với mỗi tín hữu chắc sẽ rất đẹp và thật ý nghĩa.

Andre Phong

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Biến nỗi đau thành hành động bác ái theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lần tới khi một giáo dân hoặc thành viên trong gia đình làm điều gì …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *