Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” Lc1, 30.

Các bạn trẻ thân mến,

Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2018 là một bước chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế giới cấp quốc tế diễn ra tại Panama vào tháng 1 năm 2019. Chặng đường mới này của cuộc hành hương của chúng ta rơi vào cùng năm mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Niên sẽ nhóm họp với chủ đề: Người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi. Đây quả là sự trùng hợp thú vị. Sự chú tâm, cầu nguyện và phản tỉnh của Giáo Hội sẽ hướng về chúng con là những người trẻ, với khao khát để đón nhận, và trên hết, để ôm lấy món quà quí giá mà chúng con đang dành cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho thế giới.

Như chúng con đã biết, chúng ta đã chọn mẫu gương và sự cầu cử của Mẹ Maria đồng hành với ta trên hành trình này, Mẹ cũng là người nữ trẻ thành Nazarét được Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Mẹ đi cùng với chúng ta hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục và hướng tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama. Nếu năm ngoái những lời chúc tụng của Mẹ hướng dẫn chúng ta, “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc1,49), thì năm nay cùng với Mẹ, chúng ta tìm kiếm, lắng nghe Lời Chúa khơi dậy lòng can đảm và ban ơn cần thiết để chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1:30). Đây là những lời của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabrien nói với Maria, một thiếu nữ bình dị tại làng nhỏ bé ở Galilê.

  1. Đừng sợ!

Chúng ta có thể hiểu được sự xuất hiện đột ngột của thiên thần với lời chào màu nhiệm: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1:28) đã làm cho Maria bối rối. Maria rất ngạc nhiên trước sự tiết lộ đầu tiên về danh tính và ơn gọi khi mà Maria vẫn chưa được ai biết đến. Mary giống những người trong Kinh Thánh, run sợ trước lời gọi nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chỉ trong chốc lát Thiên Chúa đặt trước Maria vô số kế hoạch của Ngài, và khiến Maria cảm thấy tất cả sự nhỏ bé của mình như một thụ tạo khiêm tốn. Thiên thần thấy được nơi thẳm sâu trong lòng của Mẹ, nên ngài nói: “Đừng sợ!” Thiên Chúa cũng đọc được tận trong cõi lòng của chúng ta. Thiên Chúa biết rõ những thách đố mà chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống, đặc biệt khi chúng ta đối diện với những lựa chọn cơ bản dựa trên việc chúng ta là ai, và chúng ta sẽ làm gì trong thế giới này. Đây quả là điều “rùng mình” mà chúng ta cảm thấy khi phải đối diện với những quyết định về tương lai, bậc sống và ơn gọi của chúng ta. Trong những lúc đó, chúng ta gặp bối rối và bị rất nhiều nỗi sợ hãi vây quanh.

Là những người trẻ, nỗi lo sợ của chúng con là gì? Điều gì làm chúng con lo lắng nhất? Nỗi sợ hãi “căn bản” mà nhiều người trong chúng con gặp phải là thấy mình không được yêu thương, yêu hay được đón nhận dù chúng con là ai. Ngày nay, có rất nhiều người trẻ cảm thấy cần phải khác với những gì họ thực sự là, trong nỗ lực thích ứng với chuẩn mực giả tạo và không thể đạt được. Họ liên tục “đánh bóng” hình ảnh của họ, ẩn sau chiếc mặt nạ và căn tính dối trá ấy, chính họ gần như trở thành cái tôi sống ảo. Nhiều người bị ám ảnh với việc nhận được càng nhiều “like” càng tốt. Nhiều nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn xuất hiện từ ý thức không phù hợp này. Những người khác lại sợ họ không thể tìm được an toàn về tình cảm và họ ở lại trong nỗi cô đơn. Nhiều người đối diện với bấp bênh của công việc, sợ không thể tìm thấy một vị trí chuyên môn thỏa đáng, hoặc để hoàn thành ước mơ của họ. Ngày nay, một số lượng lớn thanh thiếu niên đầy sợ hãi, cả người tin lẫn người không tin. Thật vậy, những người đón nhận món quà đức tin và tìm kiếm ơn gọi một cách nghiêm túc, họ cũng không miễn trừ khỏi sợ hãi. Một số người nghĩ rằng có lẽ Thiên Chúa đang yêu cầu hoặc tra hỏi hỏi họ quá nhiều. Có thể đi theo con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho tôi, tôi sẽ không thực sự hạnh phúc, hoặc tôi chẳng thể làm những gì Thiên Chúa đề nghị tôi. Những người khác nghĩ rằng nếu tôi đi theo con đường Thiên Chúa chỉ cho tôi, ai có thể đảm bảo rằng tôi có thể đi đến cuối con đường? Tôi sẽ nản chí thoái lui? Tôi đánh mất lòng nhiệt huyết của mình? Liệu tôi có thể kiên trì suốt cả cuộc đời tôi chăng?

Trong khoảnh khắc những nỗi hoài nghi và sợ hãi tràn ngập trái tim chúng ta, phân định là cần thiết. Phân định cho phép chúng ta lấy lại trật tự trước những bối rối trong suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, để hành động trong đường lối công minh thận trọng. Trong tiến trình này, bước đầu tiên vượt qua nỗi sợ hãi là định vị chúng một cách rõ ràng, để không phí thời gian sức lực trong việc bám lấy những bóng ma trống rỗng và vô hồn. Như thế, cha mời tất cả chúng con nhìn vào lòng mình để “đặt tên” cho những nỗi sợ của chúng con. Hãy hỏi chúng con rằng điều gì làm tôi phiền muộn, lúc này trong những điều cụ thể của cuộc đời hôm nay, điều tôi sợ nhất là gì? Điều gì cản trở và ngăn cản tôi tiến lên phía trước? Tại sao tôi thiếu can đảm để đưa ra những lựa chọn quan trọng mà tôi cần làm? Đừng sợ phải đối diện với nỗi sợ của chúng con một cách trung thực, để nhận ra chúng là gì và đối diện với chúng. Kinh Thánh cũng có những kinh nghiệm của con người về sự sợ hãi với nhiều nguyên nhân. Áp-ra-ham sợ hãi (xem Sáng Thế12, 10), Gia-Cóp sợ hãi (xem Sáng Thế 31,31, và 32, 7), và Mô-sê cũng vậy (xem Xuất Hành 2:14, 17: 4), Phêrô (xem Mt 26, 69) và các Tông Đồ cũng thế (xem Mc4, 38-40; Mt26,56). Chính Chúa Giêsu, dù không thể so sánh, cũng kinh sợ và đau khổ khủng khiếp (xem Mt 26,37; Lc22,44).

“Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” “(Mc 4,40). Khi khuyên nhủ các môn đệ của mình, Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được làm sao mà sợ hãi lại thường trở ngại cho đức tin, chứ không phải là hoài nghi. Như vậy hiểu rằng việc phân định chỉ ra nỗi sợ hãi của chúng ta và sau đó có thể giúp chúng ta vượt qua chúng, mở cho chúng ta cuộc sống và giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với những thách thức đang đến trên đường đời. Đối với chúng ta, đặc biệt là những Kitô hữu, sợ hãi không bao giờ là lời cuối cùng, nhưng đúng hơn, đó là dịp để thực thi niềm tin vào Thiên Chúa … và vào cuộc sống! Điều này có nghĩa là tin tưởng vào điều tốt lành cơ bản của sự hiện hữu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và tin tưởng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến một hồi kết tốt đẹp, thậm chí ngang qua những cảnh huống thăng trầm khiến chúng ta hoang mang. Tuy nhiên, nếu chúng ta che giấu nỗi sợ hãi, chúng ta sẽ hướng nội, khép kín để bảo vệ bản thân khỏi mọi thứ và mọi người, và chúng ta sẽ bị tê liệt. Chúng ta phải hành động! Không bao giờ đóng kín mình! Trong Kinh Thánh, cụm từ “Đừng sợ” lặp lại 365 lần với những thay đổi khác nhau, như thể nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi mọi ngày trong năm.

Phân định rất cần thiết khi ai đó đang tìm kiếm ơn gọi cho mình trong cuộc đời. Thường thì ơn gọi của chúng ta lúc đầu không rõ rằng hiển nhiên, nhưng dần dần chúng ta hiểu được nó. Phân định trong trường hợp này, không nên hiểu như là một nỗ lực cá nhân trong nội tâm, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về nội tâm của chúng ta, để củng cố chúng ta và có được sự cân bằng. Trong những trường hợp như thế, người đó có thể mạnh hơn, nhưng vẫn còn hoay hoay trong chân trời giới hạn về khả năng và quan điểm của mình. Tuy nhiên, ơn gọi là một lời gọi đến từ bên trên, và phân định trong bối cảnh này chủ yếu chính chúng ta mở lòng trước Đấng gọi mời. Vì thế, cần phải thinh lặng cầu nguyện để nghe tiếng Chúa vang lên trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa cõi lòng chúng ta như Ngài đã làm với Maria; Chúa mong muốn thiết lập tình bạn với chúng ta qua cầu nguyện, trò chuyện với chúng ta qua Sách Thánh, để ban cho chúng ta lòng thương xót trong Bí Tích Hòa Giải, và cùng ở với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Điều quan trọng là phải đối thoại và gặp gỡ tha nhân, anh chị em trong đức tin của chúng ta là những người có nhiều kinh nghiệm, để họ giúp chúng ta thấy tốt hơn và lựa chọn khôn ngoan từ những khả thể khác nhau. Khi cậu bé Samuen nghe tiếng của Đức Chúa, cậu không nhận ra điều đó ngay. Ba lần cậu chạy đến gặp thầy tư tế lớn tuổi Êli, thầy cuối cùng đưa ra lời đề nghị chính xác cho cậu trước tiếng gọi của Chúa: “Hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Ðức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1Sam 3,9). Trong những nghi ngờ của chúng con, hãy biết rằng chúng con có thể cậy dựa vào Giáo Hội. Cha biết có rất nhiều linh mục, những người nam nữ tu sĩ và giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, những người có thể trợ giúp chúng con như anh chị em trong đức tin. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ sẽ giúp chúng con hiểu rõ những nghi ngờ của chúng con và hiểu được kế hoạch ơn gọi của chính chúng con. Họ không chỉ là người linh hướng, mà còn là người giúp chúng ta mở lòng trước phong nhiêu vô biên của đời sống mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Điều quan trọng là hãy tạo không gian trong các thành phố và cộng đoàn để phát triển, để mơ ước và để nhìn vào những chân trời mới! Không bao giờ mất đi lòng nhiệt thành tận hưởng sự đồng hành và tình bạn của tha nhân, cũng như phấn khởi cùng nhau ước mơ, cùng nhau dấn bước. Kitô hữu đích thực không sợ mở lòng mình với người khác và chia sẻ những không gian quan trọng của chính mình, làm cho không gian ấy đượm tình huynh đệ. Các bạn trẻ thân mến, đừng cho phép người trẻ bị dập tắt trong bóng tối của một căn phòng khép kín mà chỉ có cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài là máy tính và điện thoại thông minh. Hãy mở rộng cánh cửa đời sống của chúng con! Hãy để thời gian và không gian của chúng con tràn ngập những mối quan hệ có ý nghĩa, những con người thực, với những người mà chúng con chia sẻ kinh nghiệm thực và cụ thể về cuộc sống hàng ngày của chúng con.

  1. Maria!

“Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ” (Is 43,1). Lý do đầu tiên không phải lo sợ là Thiên Chúa đã gọi chúng ta bằng tên. Thiên thần, sứ giả của Thiên Chúa, gọi tên Maria bằng tên. Thiên Chúa có quyền đặt tên. Trong công trình sáng tạo, Đức Chúa gọi mọi thụ tạo theo tên. Có một căn tính đằng sau cái tên, đó là cái duy nhất trong mọi thứ duy nhất, trong mỗi người duy nhất; điều ấy là mối thân tình căn bản mà chỉ Thiên Chúa thực sự biết. Quyền thánh thiêng này, Thiên Chúa chia sẻ với con người khi Ngài mời gọi con người đặt tên cho thú vật, chim trời và cho cả con cái loài người (Sáng Thế2, 19-21, và 4, 1). Nhiều nền văn hoá chia sẻ tầm nhìn kinh thánh sâu sắc này; họ nhận ra trong mỗi cái tên đều mặc khải cuộc sống sâu sắc nhiệm mầu và ý nghĩa của tồn tại.

Khi kêu gọi ai đó bằng tên, Thiên Chúa cũng tiết lộ cho người ấy biết ơn gọi của Ngài, kế hoạch thánh thiện và thành toàn của Ngài. Qua đó, người ấy trở thành món quà cho tha nhân và là duy nhất. Khi Thiên Chúa muốn mở rộng chân trời cuộc sống, Ngài đặt một tên mới cho người mà Thiên Chúa gọi, như Ngài đã làm với Simon mà Ngài quen gọi là Phêrô. Từ đó, có một tục lệ là khi bước vào Dòng tu, người tu sĩ có tên mới để cho thấy một căn tính và sứ mạng mới. Vì lời gọi của Thiên Chúa là duy nhất và rất cá nhân, nên chúng ta cần can đảm để giải thoát mình khỏi áp lực, khỏi những khuôn mẫu rập khuôn, để cuộc sống của chúng ta thật sự có thể trở thành một món quà đích thực cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.

Các bạn trẻ thân mến, được gọi theo tên là dấu chỉ của phẩm giá cao cả trong mắt Thiên Chúa, và là dấu hiệu tình yêu dành cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng con theo tên. Tất cả chúng con là “bạn” của Thiên Chúa, quý giá trong ánh mắt Ngài, đáng kính trọng và yêu thương (xem Is43,4). Hân hoan vì cuộc đối thoại mà Thiên Chúa dành cho chúng con, tiếng gọi mà Ngài ban cho và mời gọi chúng con bằng danh xưng.

  1. Bà đẹp lòng Thiên Chúa

Lý do chính tại sao Maria không cần phải sợ là vì Maria luôn làm đẹp lòng Chúa. Từ “ân sủng” nói đến thứ tình yêu tự do trao ban, không nợ nần. Chúng ta được khích lệ biết bao để biết rằng chúng ta không phải tìm kiếm sự gần gũi và sự trợ giúp của Thiên Chúa bằng cách trưng ra “Tấm bằng thuộc loại xuất sắc” với đầy tham vọng và công danh! Thiên thần nói với Maria rằng Maria đã tìm được ơn nghĩa với Thiên Chúa, chứ không phải là Maria sẽ đạt được nó trong tương lai. Và cùng cách thức của lời thiên thần nói, giúp chúng ta hiểu rằng ân sủng của Thiên Chúa là liên tục, chứ không phải là một cái gì đó hời hợt thoáng qua. Vì lý do này chúng ta không bao giờ thất bại. Ngay cả trong tương lai, ân sủng của Thiên Chúa sẽ luôn ở đó để trao ban cho chúng ta, đặc biệt trong những giây phút thử thách tăm tối.

Sự hiện diện thánh thiêng liên tục khuyến khích chúng ta ôm ấp ơn gọi của mình với lòng can đảm. Ơn gọi của chúng ta đòi hỏi một sự cam kết trung thành vốn cần được làm mới lại mỗi ngày. Hành trình ơn gọi của chúng ta không thiếu vắng thập giá: không chỉ nơi những nghi ngờ ban đầu mà còn cả những cám dỗ thường xảy ra trên đường đời. Cảm giác thấy mình không hợp với môn đệ của Đức Kitô theo ta suốt đời. Tuy nhiên, anh ấy hay cô ấy lại biết sự giúp đỡ ân sủng của Thiên Chúa.

Lời của Thiên Thần ngự trên những nỗi sợ hãi của con người, giải tỏa chúng bằng sức mạnh của Tin Mừng. Theo đó, chúng ta được báo trước: cuộc sống của chúng ta không phải là cơ hội thuần túy, hay chỉ là cuộc đấu tranh sinh tồn, mà mỗi chúng ta là một câu chuyện vốn được Thiên Chúa mến yêu. Chúng ta đã “tìm thấy ân sủng trong ánh mắt Thiên Chúa”, nghĩa là Đấng Tạo Hoá nhìn thấy vẻ đẹp độc đáo trong con người chúng ta, và Ngài có một kế hoạch tuyệt vời dành cho chúng ta. Thấy được sự chắc chắn này, tất nhiên chúng ta không giải quyết được tất cả các vấn đề, cũng không mất đi những thứ không chắc chắn. Nhưng nó có sức mạnh để biến đổi sâu sắc cuộc sống của chúng ta. Không biết về ngày mai, đối với chúng ta, không phải là một mối đe dọa tối tăm mà chúng ta cần vượt qua, nhưng là thời gian thuận lợi để chúng ta sống trọn vẹn trong ơn gọi riêng của chúng ta, và để chia sẻ nó với anh chị em của chúng ta trong Giáo Hội và trên thế giới .

  1. Hãy can đảm trong giây phút hiện tại

Từ việc chắc chắn rằng ân sủng của Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, cho chúng ta sức mạnh để can đảm trong giây phút hiện tại. Can đảm để đón lấy những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta ở đây và lúc này, trong mọi lãnh vực của đời sống. Hãy can đảm để nắm lấy ơn gọi mà Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta; hãy can đảm để sống đức tin của chúng ta mà không che giấu hoặc hạ thấp nó.

Vâng, khi chúng ta mở ra với ân sủng của Thiên Chúa, điều không thể trở thành hiện thực. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm8, 31). Ân sủng của Thiên Chúa chạm đến “lúc này” trong cuộc sống của bạn, “giữ” cho chúng con như chúng con là, với tất cả những nỗi sợ hãi và giới hạn của chúng con, nhưng nó cũng cho thấy những kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa! Chúng con cần biết rằng ai đó thực sự tin tưởng vào chúng con. Xin hãy biết rằng Đức Giáo Hoàng có lòng tin vào chúng con, Giáo Hội tin tưởng vào chúng con! Về phần mình, chúng con hãy tin tưởng vào Giáo Hội!

Đối với người trẻ, Maria được ủy thác một nhiệm vụ quan trọng, chính xác bởi vì Maria còn trẻ. Người trẻ chúng con có sức mạnh khi chúng con trải qua một giai đoạn đầy tràn năng lượng. Hãy tận dụng sức mạnh và năng lượng này để cải thiện thế giới, bắt đầu với những thực tế gần gũi nhất với chúng con. Cha muốn những trọng trách được trao cho chúng con trong Giáo Hội; hãy can đảm chuẩn bị không gian ấy cho chúng con; và chúng con có thể được chuẩn bị để thực hiện những trách nhiệm này.

Cha mời gọi chúng con một lần nữa chiêm ngắm tình yêu của Mẹ Maria: một tình yêu chăm sóc, năng động và cụ thể. Một tình yêu đầy dũng cảm và tập trung hoàn toàn vào món quà của bản thân. Giáo Hội được thấm nhuần bởi những phẩm chất của Mẹ Maria, sẽ luôn là một Giáo Hội tiến lên, vượt qua giới hạn và ranh giới của chính mình để cho ân sủng Giáo Hội nhận được trào tràn. Nếu chúng ta cho phép gương mẫu của Đức Maria thực sự đánh động chính mình, chúng ta sẽ sống chân thành, vốn là lòng nhân từ thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết và trên cả chính mình, để yêu thương những người mà chúng ta chia sẻ cuộc sống hàng ngày. Và chúng ta cũng yêu những người có vẻ khó ưa. Đó là một tình yêu phục vụ và cống hiến, trước hết hướng đến yếu đuối và nghèo hèn nhất, tình yêu biến diện mạo của chúng ta ngập tràn niềm vui.

Cha muốn kết thúc với những từ thật hay của thánh Bernard nói trong một bài giảng nổi tiếng về mầu nhiệm Truyền Tin, những lời diễn tả sự mong đợi của toàn thể nhân loại đối với lời đáp của Đức Maria: “Các con đã nghe Đức Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai; các con đã nghe điều ấy không do người nam, nhưng lại bởi Chúa Thánh Thần. Thiên thần đang chờ đợi câu trả lời … Lạy Nữ Vương, chúng con cũng đang mong chờ lời từ ái của Mẹ… Trong lời ngắn gọn của Mẹ, chúng con được canh tân để được nhớ về cuộc sống … Đây là những gì mà toàn thế giới trông đợi, chúng con phủ phục dưới chân Mẹ … Xin Mẹ nhanh nghe lời chúng con.”(Bài giảng số 4, 8-9; Opera Omnia).

Các bạn trẻ thân mến, Thiên Chúa, Giáo Hội và thế giới đang mong chờ câu trả lời của chúng con trước lời gọi độc nhất mà mỗi người nhận được trong cuộc sống này! Khi Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Panama đến gần, cha mời chúng con chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của chúng ta, với niềm vui và lòng nhiệt thành của những ai muốn tham gia vào cuộc phiêu lưu tuyệt này. Ngày Giới Trẻ Thế Giới dành cho những người can đảm! Nó không dành cho những người trẻ chỉ tìm kiếm sự thoải mái, và không dành cho những ai thoái lui khi có khó khăn phát sinh. Chúng con có chấp nhận thử thách không?

Từ Vatican, ngày 11 tháng 2 năm 2018

Chúa Nhật VI thường niên, Lễ Kính Đức Mẹ Lộ Đức

Phanxicô

Chuyên ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *