Sự độc thân của Đức Giêsu

Vào thời Đức Giêsu, người nào không lập gia đình là một điều hết sức kỳ lạ, nếu không muốn nói là có vấn đề. Quả vậy, đời sống độc thân khi ấy không được đề cao. Cộng đoàn Essenes sống độc thân nhưng vì lý do thuần tuý mang tính lễ nghi, hay muốn tránh đời là chủ yếu, chứ không phải hiến dâng. Sách Sáng Thế nói rằng “con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Nhưng Đức Giêsu không bao giờ ở một mình. Ngài luôn có Cha bên cạnh (x.Ga 16,32). Trọng tâm sự độc thân của Đức Giêsu chính là sự thân mật với Cha. Đức Giêsu không hề chê trách hôn nhân. Ngài còn đi dự tiệc cưới ở Cana, ăn uống vui vẻ, làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon để làm cho bữa tiệc thêm vui (x.Ga 2,1-12). Nhưng con đường kết hiệp với Cha của Giêsu là con đường độc thân. Ngài có thể có những rung cảm trước tình yêu nhân loại nhưng Ngài đã chọn ý Cha; đối với Ngài, Cha là trên hết, là bất khả thay thế, là trọn vẹn tất cả.

Đâu là ý nghĩa biểu tượng cho sự độc thân của Đức Giêsu? Đời sống các tiên tri thường có giá trị giáo huấn. Ví dụ: cô độc của Giêrêmia (x. Gr 16,10-11) đã mô tả “sự khốn nạn” của việc dân Israel lìa bỏ luật Thiên Chúa. Cái chết của vợ tiên tri Ezekien (x. Ez 24,24-27) thông báo nỗi khốn cùng của cuộc lưu đày bên Babilon. Còn sự độc thân của Đức Giêsu khai nguyên thời đại thiên sai. Đó là giờ đòi buộc phải có những hy sinh cực lớn mới có thể vào được nước Thiên Chúa (x. Lc 14,20 và x. Lc 18,29). Chính Giêsu làm gương trước cho chúng ta thấy điều đó. Sự độc thân của Giêsu là lời tiên tri về vương quốc cánh chung (x. Lc 20,35-36). Đó cũng là một trong những đường nét thể hiện tình yêu Chúa Cha dành cho con người được mặc khải qua Ngài. Ngài không diễn tả tình yêu cho một người duy nhất nhưng cho mọi người, cho toàn thể nhân loại, cho tất cả muôn loài. Nếu lập gia đình, Đức Giêsu không thể là biểu tượng cho tình yêu bao quát của Cha được.

Ta chẳng có một nguồn nào nói về sự đón nhận của thánh Giuse và Mẹ Maria về sự độc thân của Đức Giêsu, đứa con trai của mình. Hẳn là Giuse và Maria cũng bị chi phối bởi văn hoá và phong tục thời đó. Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình lập gia đình, đặc biệt là trong xã hội ngày xưa, khi mà việc sinh con đẻ cái được coi là có phúc. Nhưng các ngài cũng biết rất rõ về thân phận đặc biệt của Giêsu. Các ngài biết gốc gác thiên sai của Giêsu nhưng lại không biết là con mình sẽ thực hiện vai trò cứu thế như thế nào, theo cách thức nào. Dù sao đi nữa, con trai lớn thì phải lập gia đình. Đó là một quy luật tự nhiên mà lâu nay họ vẫn thấy. Nếu con mình cứ sống độc thân như thế thì rõ ràng, đây là một điều mà họ chẳng thể nào hiểu được. Không cưới vợ cho con mình, có khi họ còn cảm thấy có lỗi với Chúa vì đã không chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ cho chu đáo? Thế nhưng, nhờ luôn quan sát và suy gẫm những biến cố xảy đến với con, các Ngài vẫn luôn tôn trọng tự do của Giêsu. Đặc biệt là sau biến cố mười hai tuổi, lạc mất ở Đền Thờ, các Ngài càng hiểu hơn về mầu nhiệm cuộc đời của con. Rồi cứ thế, họ âm thầm chờ đợi để xem con mình sẽ tiếp tục cuộc sống ra sao. Giuse có lẽ đã qua đời trước khi Giêsu thi hành sứ vụ công khai. Ông qua đời vẫn trong tư thế của người chờ đợi.

Trong quá trình rao giảng, Đức Giêsu có giảng dạy gì về đức khiết tịnh không? Khiết tịnh hẳn không phải là một đề tài trọng yếu của giáo huấn của Người trong việc loan báo Nước Trời. Chúa Giêsu không bao giờ sử dụng từ khiết tịnh và sự tiết dục. Ngài chỉ một lần nói về danh từ ô uế (x.Mt 23,27) và tính từ ô uế mười chín lần. Nhưng hai từ này không có ý nói về tính dục. Ngài có nói đến trong sạch (x.Mt 5,8) nhưng cũng không theo nghĩa tính dục. Đức Giêsu không dùng từ truỵ lạc và từ “phạm tội ngoại tình” về tính bất khả phân ly của hôn nhân và trong bản liệt kê những sự xấu xa từ lòng người. Ngài chỉ nói về gái điếm hai lần (Mt 21,31-32 và Lc 15,13.30). Phaolo nói rất nặng về điều này ở 1Cr 6,9 và Rm 1,27 nhưng Đức Giêsu thì không. Người Pharisêu và những người chống đối Đức Giêsu thường trách Ngài nhiều điều và dù biết Ngài quen thân với nhiều phụ nữ, họ không bao giờ cho rằng Ngài là kẻ có ý đồ xấu với phụ nữ hay những gì tương tự như thế. Ta chẳng thấy Đức Giêsu lấy sự khiết tịnh của mình ra làm gương cho người khác bao giờ. Người ta coi Mt 19,10-12 là lời mời gọi sống độc thân của Chúa Giêsu nhưng Ngài thêm câu “ai hiểu được thì hiểu” làm tăng thêm vẻ bí mật. Trong khi đó, khi mời gọi sống khó nghèo Mt 19,21, Ngài không hề nói câu khó hiểu này. Dù không nói rõ, nhưng ai cũng phải công nhận nơi Chúa Giêsu có sức cảm hoá lớn.

Đâu đó, qua lời giảng dạy và cách hành xử, ta thấy được đôi nét chính yếu trong cái nhìn của Đức Giêsu về hôn nhân gia đình. Hôn nhân giữa Giuse và Maria có lẽ là một mẫu gương sáng ngời đối với Đức Giêsu. Ngài đã được dạy dỗ, được lớn lên trong môi trường tốt đẹp này. Bởi thế, Ngài đã tỏ bày sự trân trọng đối với hôn nhân (x. Mt 19,4.8). Là một con người, Ngài chắc chắn phải có kinh nghiệm rung động ở tuổi mới lớn. Rồi khi ra mắt các môn đệ, Ngài không dẫn họ đi tĩnh tâm nhưng đi dự tiệc cưới (x.Ga 2,1-12). Trong bài giảng, Ngài cũng dùng nhiều dụ ngôn liên quan đến tiệc cưới (Lc 12,35-38; Lc 14,7-11; Mt 22,1-10; Mt 15,1-13). Chắc chắn Chúa Giêsu yêu mến trẻ em và có sức lôi cuốn chúng nên chúng cứ vô tư chơi đùa với Ngài (Mc 10,14; Lc 18,15; Mc 9,36; Mt 18,3.10). Tóm lại, nếu là một người đàn ông bình thường, có sự quân bình về phái tính, chắc Chúa Giêsu cũng nghĩ đến việc mình sẽ là một người cha trong một gia đình nào đó. Thế nhưng, Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc đời Chúa Giêsu, biến nó thành một mầu nhiệm khôn tả.

Đức Giêsu không phải là một con người dị biệt so với mọi con người khác. Ngài là con người thật, theo đúng nghĩa của từ này. Ngài chắc hẳn đã trải qua những kinh nghiệm liên quan đến phái tính giống như mọi người đàn ông khác.  Nhưng Ngài đã được chọn để sống cho Nước Trời, làm minh chứng cho mầu nhiệm Nước Trời. Sự độc thân của Ngài đã là sự khai mở cho mầu nhiệm ấy.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Bài tiếp theo: Định nghĩa và ý nghĩa của vâng phục

 

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *