Sự thật về bản án Huỳnh Công Lý

SỰ THẬT VỀ BẢN ÁN HUỲNH CÔNG LÝ

Lời tựa: Xung quanh cái chết của Huỳnh Công Lý (bố vợ vua Minh Mạng), phó tổng trấn Gia Định thành, xưa nay có nhiều khuất tất, nhiều người cho rằng chính Lê Văn Duyệt (trấn thủ thành Gia Định) vì chuyên quyền, không vị nể cả Minh Mạng, đã xuống tay giết Huỳnh Công Lý. Căn cứ ấy một phần được củng cố khi người ta cố bơi móc mối hiềm thù giữa Lê Văn Duyệt và Minh Mạng (vốn nổ ra sau khi Lê Văn Duyệt qua đời). Tuy nhiên, sự thật như thế nào? Bài viết sau đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sẽ cho chúng ta một lời giải đáp.


Minh Mạng và Lê Văn Duyệt hầu như hoàn toàn nhất trí trong bản án tử hình phó Tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý (HCL). Chỉ sau vụ Lê Văn Khôi và vụ xiềng mồ Lê Văn Duyệt, trong dân gian mới đồn thổi một huyền thoại ly kỳ rùng rợn quanh ngôi mộ HCL ở cánh đồng tha ma (nay là quận 3 và quận 10). Khoảng năm 1880, Trương Vĩnh Ký diễn thuyết về Sài Gòn xưa có nhắc lại chuyện: Mộ đó do Minh Mạng xây để tôn vinh HCL là bố vợ mình; Lý bị chặt đầu theo lệnh Lê Văn Duyệt; trong khi Duyệt về kinh vì công vụ, Lý giao du thân mật với các bà vợ của Duyệt; lúc trở lại nhiệm sở, Duyệt liền cho giết Lý không chứng cớ chính đáng và không vị nể Minh Mạng[1] . Sau đó, các nhà nghiên cứu Pháp, các tiểu thuyết gia lịch sử thường lấy huyền thoại này thêm vào mối mâu thuẫn sâu sắc giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt. Sự thật lịch sử hoàn toàn trái ngược thế. Xin kể theo biên niên sử:

Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1802), HCL được Nguyễn Ánh sai làm Vệ úy thuộc dinh Túc trực, coi 10 đội với 500 quân[2]. Dinh Túc trực chia ra 10 vệ. Cầm đầu dinh là một Đô thống chế (như cấp tướng nay). Cầm đầu vệ là một Vệ úy (như cấp tá nay). Lúc này, Nguyễn Ánh vừa thâu phục được Phú Xuân (Huế) và đã lấy được Quy Nhơn, xong chưa tiến quân ra Bắc. Tháng 5, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long và tháng 7 đem quân ra Bắc Hà.

– Tháng 10 năm Gia Long thứ 10 (l811) Vệ úy HCL đi làm Trấn thủ Bình Định[3].

– Tháng 9 năm Gia Long 14 ( 1815), HCL được gọi về kinh làm Tả thống chế coi 5 vệ binh. Sau 13 năm mới được thăng từ Vệ úy lên Thống chế[4] .

– Tháng 8 năm Gia Long 17 (1818), HCL được sai làm Phó tổng trấn Gia Định thành[5] phụ giúp Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức. Đương thời, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn. Đó là 3 chức cao cấp nhất Gia Định thành gồm cả 5 trấn miền Nam.

– Mùa xuân năm Gia Long 18 (1819), Trịnh Hoài Đức ghi công HCL giám đốc 11460 dân phu khai thông sông cũ Sài Gòn (tức rạch Bến Nghé từ Sài Gòn vào Chợ Lớn nay) làm cho “sâu rộng nhanh chóng, ghe thuyền đi lại . . . hát xướng ngày đêm nối nhau, thực là nơi đô hội trên bến dưới thuyền”[6]. Gia Long cho tên mới là sông An Thông – Đồng Thới, Gia Long sai trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong lấy hơn 9000 dân “đào cho kinh Vũng Gù ở cửa sông Vàm Cò Đông (Tân An) thông với sông Tiền ở Mỹ Tho)”. Cũng với kinh Vĩnh Tế, việc chuyên chở từ Sài Gòn đi lại khắp miền Nam rất thuận tiện.

Tháng 10 cùng năm, Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức chết. Gia Long cho Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân thay[7]. Nhưng đến ngày 19-12 cùng năm (Tây lịch đã sang 1820), Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Tháng 2 năm Minh Mạng 1 (1820) Nguyễn Văn Nhân xin về kinh chịu tang, cho Trịnh Hoài Đức giữ ấn quyền Tổng trấn[8].

– Tháng 5 năm Minh Mạng 1 (1820), lấy Lê Văn Duyệt làm Tổng trần Gia Định. Một tháng sau, Trịnh Hoài Đức được triệu về Kinh. Tháng 7, Duyệt sai HCL đi đánh giặc Kế cướp phá trên các đạo Quang Hóa, Quang phong và Thuận Thành (vùng biên giới Tây Ninh). HCL thắng trận[9].

Tháng 9 cùng năm, Phó tổng trấn Gia Định là HCL tham lam trái phép bị quân nhân tố cáo hơn 10 việc . Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: Không ngờ HCL quá đến thế, công trạng hắn có gì bằng các khanh,… thế mà bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội nhưng dân đã khốn khổ rồi. Đình thần hội bàn nội vụ: HCL bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành (Gia Định) mà tra xét thì tiện hơn: Vua (Minh Mạng) cho là phải, bèn hạ HCL xuống ngục, sai thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần (quan án) ở thành (Gia Định) mà xét hỏi. Rồi thấy Trấn thủ Biên Hòa là Tống Văn Khuông, ký lục là Hoàng Cung Xuân, cai bạ là Bùi Phụ Đạo vì trước thiện tiện bắt binh dân làm việc riêng cho HCL, việc phát giác, đều bị bãi[10]

Ít lâu sau, Minh Mạng lại nói: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam xảo quyệt… (như) gần đây HCL làm Phó tổng trấn Gia Định chẳng bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn . . . .

Tháng 3 năm Minh Mạng 2 (1821), lấy Trương Tiến Bửu làm Phó tổng trấn Gia Định thành (thay HCL). Bửu là người trọng hậu, giản dị và trầm tĩnh, tuổi hơn 70, khi bệ từ, Minh Mạng nói : Người lão thành từng trải thì không thể như HCL. Nhưng rộng rãi quá thì tôi tớ làm bậy, tội liên chủ nhà, nên tự răn mình thế[11].

Tháng 5 cùng năm, HCL bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền, thành thần Gia Định đã xét hỏi. Khi thành án, giao binh thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu tài sản trả lại cho binh dân. Minh Mạng nói: Gia Định là nơi đất rộng dân đông, cha ta (Gia Long) mưu tính… khôi phục cơ đồ… Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn thủ cho muôn dân yên ổn. Không may có HCL lấy tư cách đê hèn, tham bạo, ăn trái pháp luật đến muôn vạn, bắt người làm việc riêng tốn hàng nghìn, mọt dân hại nước đến thế là cùng . . . Hồi HCL làm Tả thống chế (cấm binh), . . . ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng trên bờ sông Hương, nay việc phát giác, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng từ nay biền binh bên ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy thế áp bức mà không kêu được thì cho phép đón đường xa giá (vua đi) mà tâu. Lại dụ cho đại thần văn võ nên lấy việc HCL làm răn[12].

Như vậy không hề có những chuyện Lê Văn Duyệt chuyên quyền tiền trảm hậu tấu, Lê Văn Duyệt giết HCL rồi gởi thủ cấp cho Minh Mạng hay Minh Mạng bao che tội lỗi của HCL rồi xây lăng mộ cho bố vợ mình… Huyền thoại xuyên tạc này làm giảm giá trị cả Lê Văn Duyệt lẫn Minh Mạng – hai nhân vật lớn của lịch sử cận đại Việt Nam. Nếu có mâu thuẫn giữa hai người, dù là mâu thuẫn nổ ra sau khi Lê Văn Duyệt qua đời thì đó là mâu thuẫn về chiến lược bảo vệ và phát triển dân tộc ta. Xin trân trọng nói lên một sự thật.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

 


[1] Trương Vĩnh Ký- ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1997, tr. 32 bản dịch, tr.77 bản nguyên văn tiếng Pháp.

[2] Quốc sử quán – Đại Nam thực lục (ĐNTL), T.3, Viện Sử học phiên dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 12.

[3] ĐNTL, T.4, tr. 133 .

[4] ĐNTL, T.4, tr. 258.

[5] ĐNTL, T.4 , tr. 356 .

[6] Trịnh Hoài Đức – Gia Đinh thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích, Nxb Giáo dục, 1998, tr.35.

[7] ĐNTL, T.4 , tr. 391.

[8] ĐNTL, T.5, tr. 68.

[9] ĐNTL, T.5, tr. 125

[10] ĐNTL, T.5, tr. 150.

[11]ĐNTL, T.5, tr. 202.

[12] ĐNTL, T.5, tr. 223.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *