“Nước Trời phải chịu sự mạnh bạo, và những người tàn bạo đã dùng bạo lực mà giành lấy Nước Trời” (Mt 11, 12).
Thử so sánh vẻ đẹp đơn sơ và thanh thoát của một đoá hoa hồng đang nở với những căng thẳng và bất an trong cuộc đời bạn. Cánh hoa ấy có một điều mà bạn không có, là hoàn toàn bằng lòng với chính mình. Đoá hoa không bị cài đặt chương trình từ ban đầu như bạn đã bị – chương trình bất mãn với chính mình. Vì thế, đoá hoa không mảy may bị thúc bách phải trở nên một cái gì đó hơn sự thật của mình.
Đó là lí do giải thích tại sao đoá hoa có được một vẻ đẹp không giả tạo, không có những dằng co nội tâm mà trong nhân loại chúng ta chỉ thấy nơi các trẻ nhỏ và các nhà thần bí.
Hãy xem tình trạng buồn bã của bạn. Lúc nào bạn cũng bất mãn với chính mình, muốn thay đổi chính mình. Vì thế, người bạn lúc nào cũng đầy bạo lực và không chịu được mình, mà điều này chỉ thấy xuất hiện mỗi khi bạn cố gắng thay đổi chính mình. Nếu vậy, bất cứ sự thay đổi nào bạn thực hiện cũng có kèm theo sự dằng co nội tâm.
Bạn đau khổ khi thấy người khác làm được điều mà mình không làm được, hay trở thành cái mà mình chưa trở thành.
Bạn có cảm thấy ghen tương và tức tối hay không, nếu như bạn biết bằng lòng với chính mình và không bao giờ khao khát cái mà mình không phải là? Tiếc rằng bạn bị thôi thúc trở thành một người khác, có kiến thức nhiều hơn, có vóc dáng đẹp hơn, nổi tiếng và thành công hơn. Bạn muốn trở thành người có nhiều nhân đức hơn, yêu nhiều hơn, trầm tư hơn; bạn muốn tìm được Chúa, ngày càng xích lại gần hơn với lí tưởng của mình.
Hãy nhớ lại lịch sử đáng buồn của mình khi ra sức hoàn thiện bản thân; lịch sử ấy đã kết thúc, nếu không tan tành mây khói thì cũng chỉ thành công với biết bao đau khổ và chiến đấu.
Bây giờ hãy thử hình dung bạn buộc phải thôi không còn cố gắng thay đổi bản thân mình và bất mãn với bản thân mình nữa, lúc ấy bạn có sẵn sàng đi ngủ, miễn cưỡng chấp nhận mọi sự nơi mình và chung quanh mình không?
Nhưng còn một cách khác, không cần cù đẩy mình tiến lên mà cũng không miễn cưỡng chấp nhận bỏ cuộc. Đó là tự hiểu lấy bản thân mình. Đây là một điều không dễ dàng vì muốn hiểu sự thật của mình, bạn cần phải tự do hoàn toàn khỏi mọi ham muốn thay đổi sự thật của mình để trở thành một điều gì khác.
Bạn sẽ hiểu điều này rõ hơn, khi so sánh thái độ của nhà khoa học nghiên cứu các thói quen của loài kiến nhưng không hề mảy may muốn thay đổi các thói quen ấy với thái độ của một người huấn luyện chó tìm hiểu các thói quen của chó để bắt chúng học một điều gì đó.
Nếu điều bạn đang cố gắng làm không phải là tìm cách thay đổi bản thân mình, mà chỉ là quan sát bản thân mình, nghiên cứu từng phản ứng của mình đối với con người và sự vật, không phê phán hay kết án mà cũng chẳng muốn cải tạo bản thân, sự quan sát của bạn lúc ấy sẽ không trở nên thành kiến hay thiên vị mà là bao trùm lên tất cả, sẽ không cứng ngắc với những kết luận chắc nịch mà là cởi mở và luôn luôn mới mẻ.
Sau đó, bạn sẽ thấy có một điều hết sức kì diệu xảy ra nơi mình: bạn sẽ trở nên hết sức tỉnh táo, trong suốt và hoàn toàn thay đổi.
Lúc ấy, sự thay đổi sẽ xảy ra chăng? Phải. Nơi con người bạn và trong môi trường chung quanh bạn.
Nhưng sự thay đổi ấy có không phải là do sự khéo léo và ngược xuôi vất vả của bạn, lúc nào cũng tranh giành, cũng so sánh, cũng ép uổng, cũng lên lớp, cũng lèo lái một cách bất bao dung và đầy tham vọng, sinh ra bao căng thẳng, xung đột và đối kháng giữa bạn và thiên nhiên – một quá trình sẽ làm bạn kiệt sức và thất bại như khi người ta chạy xe mà cứ đạp thắng mãi.
Nhờ sự tỉnh ngộ sáng suốt và có sức biến đổi ấy, người ta dẹp sang một bên cái tôi lúc nào cũng đòi hoạch định, lúc nào cũng tìm mình, để trao cho thiên nhiên toàn quyền tạo ra sự thay đổi như thiên nhiên đã từng làm cho đoá hoa hồng: không gượng gạo, duyên dáng, quên mình, khoẻ khoắn, không vướng một sự xung đột nội tâm nào. Nếu thay đổi nào cũng bạo tàn thì đoá hoa hồng ấy cũng sẽ bạo tàn. Nhưng phẩm chất tuyệt vời của thiên nhiên không phát sinh từ sự bất bao dung và thù ghét bản thân mình.
Chính vì thế trong cơn mưa bão quét đi tất cả mọi sự không hề có sự giận dữ, cũng không hề có loài cá nào ăn con mình để tuân thủ các định luật môi trường lạ lùng, cũng không hề có các tế bào trong thân thể con người phá huỷ nhau vì một lợi ích nào đó cao hơn.
Nếu thiên nhiên có huỷ hoại điều gì thì đó không phải là do thiên nhiên tham vọng, tham lam hay đòi bành trướng bản thân mình, mà chỉ là vì tuân thủ một định luật huyền bí nào đó nhằm lợi ích cho toàn vũ trụ hơn là chỉ lo cho sự sống còn và lành mạnh của các thành phần riêng lẻ.
Đây là thứ mạnh bạo mà chúng ta gặp thấy nơi các nhà huyền bí: mạnh bạo là vì chống lại các ý kiến và cơ chế đã ăn sâu vào xã hội và văn hoá chúng ta và nhờ đó nhìn ra những tệ đoan mà các người cùng thời với các ngài có thể mù quáng không thấy.
Cũng chính sự mạnh bạo này đã khiến cho đoá hoa hồng vươn thẳng và đương đầu với các sức mạnh thù nghịch. Đó cũng là sự mạnh bạo mà đoá hoa hồng bắt chước nhà thần bí kia: là nhẹ nhàng hưởng ứng, sau khi đã mở hết các cánh hoa ra đón lấy ánh nắng mặt trời, và sống một cách thanh thoát, thật đáng yêu, không cần phải lo lắng tìm cách làm cho tuổi đời đã được an bài cho mình kéo dài thêm một phút. Đoá hoa ấy đã sống trong hạnh phúc và duyên dáng như các cánh chim trên trời và các đoá hoa ngoài đồng nội, không chút bất an và bất mãn, ghen tị và lo âu, tranh đua và giành giật, không như thế giới hôm nay, lúc nào cũng tìm cách nắm lấy phần kiểm soát và cưỡng ép, thay vì bằng lòng với sự tỉnh ngộ ấy, trao hết mọi gánh nặng cho Thiên Chúa bày tỏ quyền năng trong thiên nhiên.
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách:Tiếng gọi yêu thương