Suy niệm bên máng cỏ

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

          Anh chị em thân mến, bầu khí lành lạnh của những ngày mùa đông này đưa ta đến với Bêlem, đến với một mầu nhiệm hay đúng hơn đến với một Tình yêu, vì Tình yêu bao giờ cũng mầu nhiệm. Trong giây phút thánh thiện này, cùng với muôn triệu người Kitô hữu khắp thế giới, chúng ta hãy hân hoan mừng biến cố Thiên Chúa giáng trần làm người. Chúng ta cùng dành một ít phút, để đứng trước máng cỏ, đứng như một mục đồng nghèo khó đơn sơ, lặng lẽ chiêm ngắm Tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người.

          Thật vậy, có ai đến trước máng cỏ mà không thấy lòng mình rung động, không phải vì muôn ánh đèn màu nhấp nháy, mà vì thấy mình đối diện với một Tình yêu, Tình Yêu viết hoa, vì đó là Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người. Trong giây phút ngắn ngủi của Đêm huyền diệu này, chúng ta hãy dừng chân ở Bêlem. Chúng ta cứ để cho tim mình rung động, cứ để cho trí tuệ mình mở ra trước những kích thước khôn dò của Tình yêu Thiên Chúa (Ep 3, 18-19), và nhất là cứ để cho Tình yêu ấy đưa mình đến những chuyển biến cụ thể trong đời sống hàng ngày.

          Chúng ta sẽ suy niệm về 4 điểm:

Điểm 1: TÌNH YÊU CỞI MỞ

          Thiên Chúa đã mở ra để yêu con người. Thiên Chúa có thể để mặc con người sống trong tội và chết trong tội, bởi lẽ chính con người đã hất hủi Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể khép kín trước con người. Ngài không cần gì nơi con người, ngài không thiếu gì. Ngài hoàn toàn hạnh phúc trong cuộc sống thân tình giữa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, và Ngài có thể yên nghỉ trong hạnh phúc đó. Thế nhưng Đấng có thể khép kín và có quyền khép kín lại muốn mở ra trước loài người tội lỗi, những thụ tạo bé nhỏ, trên một tinh cầu bé nhỏ, mất hút giữa vũ trụ bao la. Chính Tình Yêu đã khiến Thiên Chúa mở ra trước thế giới con người. Chính Tình Yêu đã khiến Thiên Chúa ra khỏi thế giới của mình, hay đúng hơn Thiên Chúa đã muốn đưa thế giới siêu việt, riêng tư của Ba Ngôi vào thế giới hạn hẹp của con người và như thế cũng là đưa thế giới con người vào thế giới của Thiên Chúa. Cha đã mở ra bằng cách sai Con xuống thế làm người (Ga 3, 16). Con đã mở ra bằng cách vâng phục và thực thi ý Cha (Dt 10, 5). Chúa Thánh Thần đã mở ra bằng cách đến trên Trinh Nữ Maria, để khiến bà cưu mang Con Thiên Chúa (Lc 1, 35). Bởi thế, khi đến máng cỏ, ta bắt gặp Tình yêu của cả Ba Ngôi Thiên Chúa đang mở ra cho ta. Mầu nhiệm Nhập thể là mầu nhiệm Thiên Chúa mở ra trước con người. Ngôi Con đi vào thế giới, đặt chân lên Trái Đất bé con con. Ngài trở thành công dân của nước Do Thái nhược tiểu, đang bị đế quốc Rôma đô hộ, nước này là nước Cha đã tuyển chọn và chuẩn bị từ bao đời cho đến hôm nay là thời viên mãn (Dt 1, 1tt). Thế là Thiên Chúa siêu việt, tự tại, vô phương dò thấu đã trở thành Thiên Chúa gần gũi với chúng ta. Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa dựng lều trên trái đất ( Ga 1, 14).

          Thiên Chúa đã mở ra trước con người, nhưng cả kế hoạch này sẽ bị vỡ tan một lần nữa, nếu đã không có một tâm hồn mở ra và khiêm nhu đón nhận. Tâm hồn đó là Maria. Trước lời mời của Thiên Chúa, Maria đã xin vâng, để cho Thiên Chúa có thể đi vào đời mình, để mình trở thành khí cụ phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Maria cũng đã mở ra trước tha nhân, khi Maria mau mắn đi phục vụ bà Isave gần ngày sinh nở.

          Đến với máng cỏ, chúng ta thường thấy Hài Nhi Giêsu nằm, hai tay giang rộng. cử chỉ đó vừa gợi cho ta thấy Tình Yêu cởi mở của Thiên Chúa đối với ta, vừa mời gọi ta đáp lại bằng một tình yêu tương tự.

          Hãy mở lòng ra trước Thiên Chúa, như Maria xưa, để Con Thiên Chúa qua tôi và nhờ tôi mà được cưu mang và được sinh ra cho con người hôm nay. Hãy mở lòng ra trước tha nhân, khiêm tốn đến với mọi người để cho và để nhận, để yêu và được yêu.

          Trong tâm tình đó, chúng ta hát bài Ephata ! Hãy mở ra  (Nhạc và lời của Thành Tâm). Xin Chúa cho ta một tình yêu cởi mở đối với Chúa và tha nhân.

         

Điểm 2: TÌNH YÊU ĐI BƯỚC TRƯỚC

          Thông thường trong cuộc sống, ta chỉ yêu người nào yêu ta. Ta yêu để đáp lại tình yêu của người khác, ta chào hỏi người chào hỏi ta, thế thôi (Mt 5, 46 – 47). Hơn thế nữa, khi ta yêu một người, thì thường là vì người đó đáng yêu, dễ thương hay có một đức tính nào đó khiến ta say mê. Đôi khi ta yêu một người chỉ vì người đó giàu có hay tài ba.

          Tình yêu của Thiên Chúa đối với ta thật hoàn toàn khác. Ngài yêu ta không phải vì ta đã yêu Ngài trước (1 Ga 4, 10). Chính Ngài đã đi bước trước để đến tìm ta. Ngài như người chăn chiên đi tìm con chiên ham vui mà lạc xa đàn (Lc 15, 4-7). Ngài đi tìm ta ngay chính lúc ta từ khước Tình yêu của Ngài, ngay chính lúc ta bị hư hỏng vì tội lỗi (Rm 5, 8). Như thế, Ngài yêu ta đâu phải vì ta có cái gì hay ho, hấp dẫn hay tài ba, thánh thiện. Ngài yêu ta vì chính tội lỗi của ta. Chính tội đã kéo ghì Tình Yêu Ngài xuống, chính thân phận đáng thương của ta đã khiến Thiên Chúa không thể quay mặt đi trước con người mà Ngài đã dựng nên để được hạnh phúc nhờ Ngài và bên Ngài. Bởi thế Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài, Ngôi Hai Thiên Chúa đến với con người tội lỗi. Thiên Chúa đã đi bước trước, một bước kinh khủng mà con người không dám mong cũng chẳng dám ngờ.

          Trong cuộc sống cụ thể, chúng ta thường thấy khó khăn khi phải đi bước trước, để làm hòa sau một vụ xích mích giữa vợ chồng, anh em, bạn bè, làng xóm hay giữa những đồng nghiệp. Chúa mời gọi ta để lễ vật lại, lo đi làm hòa với người cố ý gây chuyện với ta. Lời mời đó vẫn là một lời khó thực hiện (Mt 5, 23-25). Chúng ta luôn sợ hãi, sợ rằng mình sẽ phải đụng một tảng băng, hay một cái quay mặt lạnh lùng. Chúng ta sợ tình yêu của mình bị từ chối thêm một lần nữa, hay đúng ra, chúng ta không có can đảm để tự hạ mình, vì bất cứ ai đi bước trước thì đều có nghĩa mình đang cần đến người kia. Lạ lùng thay, Thiên Chúa, Đấng không hề cần đến con người, không hề lệ thuộc con người, thì lại muốn đi bước trước như thể Ngài cần đến con người.

Xin Chúa giúp ta vượt qua được nỗi sợ, tuy có vẻ hợp lý, nhưng không hợp với lối cư xử quảng đại của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường từ chối gặp gỡ một số người vì họ không hợp với ta, không có gì để ta yêu mến hay cảm phục, thậm chí họ có thể là những người tội lỗi nữa. Nhưng Thiên Chúa vẫn mời gọi ta yêu họ theo kiểu của Ngài: yêu một người không phải vì người đó đáng yêu, nhưng để người đó trở nên đáng yêu hơn vì được tôi yêu.

          Xin Chúa biến đổi trái tim chúng ta để đón Chúa và đón tha nhân.  Chúng ta cùng hát bài Để Chúa đến (Nhạc và lời của Nguyễn Duy).

Điểm 3: TÌNH YÊU KHIÊM TỐN

          Điều làm ta rung động khi bước vào máng cỏ, đó là một Tình yêu khiêm tốn. Lắm khi tôi đã yêu, đã cho đi, đã chia sẻ, nhưng kiểu yêu, kiểu cho của tôi có cái gì mang tính trịch thượng, cha chú, ân nhân, thậm chí có vẻ bố thí nữa. Ngược lại, đôi lúc tôi thẳng thừng từ chối một món quà, một đặc ân người ta cho tôi, chỉ vì thái độ của người cho làm tôi thấy danh dự mình bị xúc phạm, tự ái bị tổn thương.

          Thiên Chúa, khi yêu con người và muốn cứu con người, dù Ngài là Đấng vượt trên ta ngàn trùng, nhưng Ngài đã không muốn yêu theo kiểu người trên ban bố ơn cho kẻ dưới. Ngài yêu ta như yêu một người bạn. Ngài không cho ta của dư thừa, nhưng cho ta điều quý nhất của Ngài, đó là chính Con Một yêu dấu. Ngài không cứu độ ta một cách dễ dàng nhờ phán một lời nào đó, nhưng Ngài đã sai Con Ngài làm người, trở nên giống ta mọi đàng, trừ tội lỗi (Dt 4, 15).

          Bước đến máng cỏ là nhận ra Tình Yêu khiêm tốn của Thiên Chúa: Con Thiên Chúa làm người, nơi hang súc vật. Không một chút hào quang: Ngài sinh trong đêm tối. Không một chút quyền lực: Ngài là trẻ thơ khóc oe oe vì giá lạnh. Ngài là Tạo Hóa, nhưng bây giờ được sinh ra bởi một phụ nữ (Ga 4, 4). Ngài không đội đất chui lên hay từ trời ngự xuống. Buớc đến máng cỏ, ta nhận ra một Tình Yêu dịu dàng, mời gọi nhưng không cưỡng ép, làm rung động nhưng không làm tổn thương, một Tình yêu mộc mạc, nhưng chính cái mộc mạc của nó lại có sức lôi cuốn con người đáp lại.

          Chúng ta không những xin Chúa Giêsu ở Bêlem dạy ta biết yêu, nhưng còn biết yêu theo kiểu Thiên Chúa, nghĩa là yêu một cách khiêm tốn. Người có tình yêu khiêm tốn không đặt mình trên cao như một thần tượng, nhưng cúi xuống gần người mình yêu, lấp đi những hố sâu ngăn cách bởi địa vị, học thức, gia thế. Tình yêu khiêm tốn không làm người khác bị choáng ngợp vì mình biết nhiều, giàu nhiều, đạo đức nhiều hay có quyền nhiều hơn họ. Trái lại, Tình yêu này khiến ta ngửa tay xin ngay cả một người nghèo nhất.

          Trong tâm tình biết ơn Tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa, chúng ta cùng hát bài Chúa thương loài người  (Nhạc và lời của Tâm Bảo)

 

Điểm 4: TÌNH YÊU CHẤP NHẬN TỰ HỦY

          Khi nói đến mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô, ta thường nghĩ ngay đến việc Ngài chịu chết treo trên thập giá. Nhưng theo thánh Phaolô, Đức Kitô đã bắt đầu từ hủy ngay từ khi ngài cất tiếng khóc chào đời, chấp nhận thân phận làm người: “Đức Giêsu Kitô bản thân vốn là Thiên Chúa, đã không nghĩ phải nhất quyết giữ cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình đi, nhận lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm” (Pl 2, 6-7; x. Dt 10, 4-7).

          Công chúa Tiên Dung khi yêu anh Chử Đồng Tử nhà nghèo, thì đã sẵn sàng bỏ cả chức vị là công chúa để lấy người mình yêu, để được sống gần người yêu. Con Thiên Chúa, vì yêu con người, nên đã làm người, để được chia sẻ cùng một định mệnh với con người. Khi Ngài thành người, thì Ngài vẫn là Thiên Chúa, nhưng chắc chắn Ngài đã vui lòng để cho thiên tính vinh quang của mình tạm thời phần nào bị giới hạn và bị che khuất trước mặt người đời: đó là sự tự hủy của Con Thiên Chúa.

          Đấng Siêu Việt, Vô Hạn nay bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Đấng thiêng liêng trở thành có thân xác hữu hình. Đấng toàn năng, trở thành một trẻ thơ yếu đuối. Đấng Tự Hữu và tác sinh muôn loài (Ga 1, 3; Cl 1, 15-20) bây giờ lại được sinh ra, sống nhờ bầu sữa mẹ, lớn lên nhờ tiếng ru.

          Chấp nhận thân phận làm người là chấp nhận tự hủy. Thiên Chúa quyền uy bây giờ phải vâng phục mệnh lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Lamã Augustô (Lc 2), phải chạy trốn trước cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê đa nghi bạo ngược (Mt 2). Thiên Chúa giàu sang phải chịu chào đời trong một hang súc vật, vì không có chỗ cho Ngài trong quán trọ (Lc 2, 7). Thiên Chúa chói lòa vinh quang trên trời, khi trở nên một người bình thường, thì dân Ngài không nhận ra Ngài nữa. “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài” (Ga 1, 11).

          Đến với máng cỏ là ta gặp ngay Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm tự hủy, một Thiên Chúa yếu đuối và nghèo khó. Nhưng chính sự yếu đuối và nghèo khó của Thiên Chúa đã cuốn hút ta đến với Ngài. Bởi vì càng thấy Chúa Giêsu tự nguyện yếu đuối, khó nghèo, ta càng cảm nhận được Tình yêu của Thiên Chúa khiêm hạ. Một Tình yêu vô cùng đã làm Thiên Chúa trở nên yếu vô cùng và nghèo vô cùng. Nhưng nhờ sự nghèo khó của Ngài mà ta được nên giàu có ( 2 Cr 8, 9).

          Trong cuộc sống thực tế, chúng ta thường muốn mến Chúa, yêu người, nhưng chúng ta lại không dám tự hủy, tự xóa mình, chấp nhận những hy sinh, mất mát. Thế mà Tình yêu đích thực nào cũng đòi hỏi những từ bỏ đớn đau, những hy sinh đụng chạm đến cái gì thâm sâu nhất, quý giá nhất của ta. Nhìn Chúa Giêsu trong máng cỏ, Đấng đã yêu và dám yêu đến cùng (Ga 13, 1), chúng ta xin Ngài cho ta đừng yêu một cách nửa vời, tính toán, nhưng xin cho ta dám trả giá cao để mua được Tình Yêu chân thực.

          Mời các bạn cùng dâng lên Chúa Hài Nhi lời nguyện sau đây:

Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.

 Giữa những long đong và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.

 Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

 Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.

 Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.

 Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.

 

Kết: Chúng ta vừa trải qua những phút suy niệm trước máng cỏ, đặt mình trước tình yêu Thiên Chúa, mẫu mực của mọi Tình Yêu. Chắc chắn máng cỏ còn dạy nhiều điều cho những ai biết thinh lặng và lắng nghe trong mùa Giáng Sinh này. Ước gì niềm vui Giáng Sinh, niềm vui không dựa trên những trang trí bên ngoài, thấm vào lòng những ai dám yêu theo kiểu Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 04-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 04/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Tin tưởng nơi …

Dòng Tên Việt Nam: Thánh lễ Truyền chức Linh mục năm 2024

  Vào ngày 03 tháng 12 năm 2024, trong bầu khí hân hoan mừng kính …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *