[Suy niệm mùa Giáng sinh]: Thứ hai 31.12


“Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.

Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.

Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”

Thật ý nghĩa khi ví Ngôi Lời là ánh sáng thật. Quả vậy, “lời” rất giống với “ánh sáng”. Lời là những âm thanh có ý nghĩa giúp con người có thể hiểu được. Mỗi ngày tai con người nghe biết bao âm thanh, và trong những âm thanh đó, có những âm thanh mang lại ý nghĩa, gọi là lời. Ánh sáng cũng thế, trong đêm tối con người không thấy rõ sự vật, không định hình được chúng là gì; khi có ánh sáng con người thấy rõ mọi sự từ màu sắc, kích thước khoảng cách và cấu trúc. Như vậy lời và ánh sáng là những gì giúp con người hiểu và tìm thấy ý nghĩa cho thế giới của mình.

Với ý nghĩa này, Con Thiên Chúa được gọi là Ngôi Lời và là Ánh Sáng thật. Ý kiến, suy tư của con người giống như những âm thanh lộn xộn, chẳng thể đem lại ý nghĩa tối hậu cho công cuộc tìm kiếm của con người, nên có thể gọi là ánh sáng giả. Như phong trào “ánh sáng” ở thế kỷ 16 chẳng hạn, chẳng dẫn con người đi đến đâu. Con người cần mặc khải, cần Lời của Thiên Chúa cho hiện hữu tối hậu của mình. Và Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Ngôi Lời là Ánh Sáng Thật theo nghĩa nhờ Ngôi Lời con người tìm ra chân lý tối hậu cho cuộc đời mình.

Và Ngôi Lời ấy, Ánh Sáng ấy, đã làm người và ở giữa chúng ta. Ôi thật quý giá biết bao! Ánh Sáng ấy “đã đến thế gian và chiếu soi mọi người.”

Ánh Sáng này không chỉ soi chiếu thế gian nhưng thế gian còn nhờ Ánh Sáng này mà có. Đây chính là mầu nhiệm sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa. Ánh Sáng đã tạo ra nhân loại và giờ đây Ánh Sáng đã làm người để chiếu soi cho từng người.

Tuy nhiên, “thế gian đã không nhận biết người”, và “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Điều này thật rõ khi nhìn vào hang đá, Chúa đã bị hắt hủi, phải chịu sinh ra trong nơi bò lừa sinh sống, chứ không được sinh trong nhà; sinh ra ngoài đồng hoang chứ không nơi làng mạc phố thị. Đó là điểm khởi, điểm kết là cái chết trên đồi Can-vê cô quạnh giữa những tên trộm cướp mà xã hội muốn loại trừ.

Hang Bê-lem hay đồi Can-vê là những hình ảnh nhắc nhở chúng ta về thực tại nơi chính mình: đó là chúng ta luôn có khuynh hướng khước từ Thiên Chúa rất mạnh. Lời và Ánh Sáng không dễ tìm được nơi cư ngụ trong lòng chúng ta.

Tại sao ư? Tại vì con người có hồn và xác. Những nhu cầu của xác rất mạnh và rõ, luôn thúc giục con người đáp ứng. Trong khi đó nhu cầu của linh hồn vừa không cấp bách vừa trừu tượng hay “thiêng liêng” nên xem ra kém ưu thế. Kém ưu thế nên luôn bị để đến ngày mai, và như có câu chuyện kể, ma quỷ cám dỗ con người tuyệt nhất bằng việc cám dỗ họ để mọi sự của phần hồn đến ngày mai rồi làm. Ánh sáng và Lời là đối tượng của linh hồn chứ không phải của thân xác, mà nếu chúng ta chưa được “sống lại thật về phần linh hồn” đề rồi “yêu mến những sự trên trời” thì xem ra Chúa vẫn mãi là Đấng mang thân phận bị khước từ.

Hiểu như thế chúng ta cũng hiểu được tại sao Chúa nói Chúa đến là để mang “gươm giáo”, và mang lại sự chia rẽ trong gia đình. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chia tay với những gì mà thân xác yêu quý nhất, gắn bó nhất, đến độ phải “từ bỏ chính mình” để rồi ưu tiên cho nhu cầu của phần hồn.

Đó là lý do tại sao các thánh, dù khác biệt nhau, nhưng đều có điểm chung là thanh thoát về phần xác và đặt ưu tiên cho phần hồn; họ là những người biết “trước tiên hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa”. Với sự ưu tiên như vậy, chúng ta sẽ lắng nghe được Ngôi Lời, sẽ tiếp nhận được ánh sáng.

Chúng ta hãy xin Chúa  cho chúng ta có can đảm để bước vào cuộc chiến đấu với chính mình để thuộc về Chúa mỗi ngày một hơn.

Uyên Thi, S.J.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 18-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 18/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 17-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 17/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *