[Suy Tư CN 20 TNC] Niềm khắc khoải của Chúa

(Lc.12,49 -53)

Hôm nay, thánh Luca cho chúng ta thấy một Chúa Giê su rất con người: Ngài cũng biết khắc khoải và không ngại tỏ bày tâm tư ra cùng các môn đệ! Khắc khoải của Chúa không vật vã trong lo lắng bồn chồn, nhưng mang tâm thế mong chờ. Ngài chờ đến ngày được hoàn tất của lễ đời mình trên thập giá, để qua thập giá, Ngài đem bình an, ơn cứu độ đến cho dân Ngài. Sự mong chờ khắc khoải này ví như ngọn lửa được ném vào mặt đất, với mong muốn được lan tỏa nơi lòng mỗi người niềm vui của sự giải thoát, dù biết chắc không tránh khỏi những chia rẽ, phân ly.

Quả thật, Chúa mong muốn sự hiện diện của Ngài như ngọn lửa rực cháy sẽ đẩy lùi bóng tối tội lỗi, và dĩ nhiên, đây là một cuộc chiến đầy cam go. Kết quả, chính Chúa Giêsu đã trở thành nạn nhân của những bất công, và của những chống đối xảy ra nơi lòng con người đương thời. Sự hiện diện của Ngài tạo ra hai nhóm người: một là theo, hai là chống đối.

Chúng ta cần dừng lại để suy tư một chút về sự hiện diện “gây chia rẽ” này nơi con người Đức Giêsu.Vị “hoàng tử hòa bình’ theo như lời hứa cứu độ, hôm nay tuyên bố với các môn đệ và những người theo Ngài rằng: Thầy không đến để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ. Và như thánh Luca thuật lại, chính sự hiện diện của Ngài, qua những giáo huấn và những lời giảng dạy, đã làm nảy sinh ra những hiềm khích, chia rẽ nơi tương quan con người. Vì sao vậy? Có lẽ do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Lời Chúa là lời hằng sống, và chân thật. Mà sự thật thường gây mất lòng, nhất là trong một thế giới có quá nhiều sự giả, sự dối như hôm nay. Ai tin theo Ngài thì đón nhận sự thật. Họ nói sự thật, bảo vệ cho sự thật và tố cáo những điều giả dối, và như thế cũng không tránh khỏi việc tạo ra nhiều kẻ thù cho chính mình. Vì sự thật buộc người nghe phải dừng lại, đối diện với lương tâm, lắng nghe tiếng lương tâm, và phải thay đổi. Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng dễ dàng, và không phải sự thật nào cũng được đón nhận và chấp nhận. Vì nói cho cùng, một khi đón nhận sự thật, và chịu sửa đổi, thường sẽ gây những tổn thất về một thói quen đã trở thành lối sống, và ăn sâu vào huyết quản.

Thứ hai, Lời Chúa luôn quấy rầy sự an toàn của con người.

Nếu chúng ta thường kinh nghiệm những sự an ủi, đỡ nâng qua Lời của Chúa khi gặp những khó khăn thất bại trong cuộc sống, thì cùng một cách thức ấy, Lời Chúa cũng chạm vào những góc khuất nơi cuộc sống ta, thôi thúc ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để xây dựng và đóng góp cho cộng đoàn, cho xã hội, và giáo hội. Lời đó sẽ quấy rầy ta, không cho phép ta sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, nhưng biết ra đi, dấn thân phục vụ. Và đó luôn là quyết định làm tiêu hao năng lượng và tâm huyết, cũng nhiều khi làm xáo trộn nhiều dự tính của chúng ta nữa. Nhưng bù lại, chúng ta thay vì loanh quanh với chính mình, lại có thể đi xa hơn để gặp gỡ Chúa qua sự phục vụ của mình bằng nhiều cách thức khác nhau.

Thứ ba, Lời Chúa luôn mời gọi hoán cải canh tân.

Không ai gặp Chúa mà lại không được ơn biến đổi! Chúng ta có tin như vậy không? Lời Chúa luôn có sức hút làm thay đổi tư tưởng, hành động, và cách sống của những ai biết nghe và giữ Lời Chúa vang vọng nơi cuộc sống mình. Sẽ có những đối kháng, những giằng co, những xâu xé nội tâm khi đáp lại lời mời gọi hoán cải. Những chia rẽ bên trong chúng ta còn dữ dội và mãnh liệt biết bao so với những chia rẽ bên ngoài, khi phải chọn sống những giá trị Tin Mừng và kiên quyết tránh xa dịp tội. Tuy mệt mỏi, đau khổ là vậy, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ được bình an. Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxico: Bình an của Chúa luôn gắn liền với thập giá. Còn bình an mà không có thập giá và vắng bóng đau khổ là bình an “gây mê”của thế gian, hết thuốc là hết bình an!

Cầu nguyện

Lạy Chúa, chúng con yêu hòa bình, và chúng con cầu bình an cho từng ngày sống!  Nhưng xin cho chúng con biết sáng suốt để nhận ra đâu là nguồn bình an đích thực từ nơi Chúa, và đâu là thứ bình an gây mê chóng qua do tay con người vẽ nên.

Xin cho chúng con biết để cho mình được đốt nóng bởi niềm khắc khoải mà Chúa chịu ngày hôm nay: niềm khắc khoải được dâng hiến cuộc đời cho người mình yêu! Để rồi chúng con cũng mang ngọn lửa ấy mà sưởi ấm những cõi lòng giá lạnh do bị đối xử bất công, bị phân ly, chia rẽ, và chống đối hay chỉ đơn thuần là do phải chịu những cô đơn nhất định khi chọn Chúa là Đường, là Sự thật, và là Sự Sống của mình.

Xin cho chúng con dám mặc lấy niềm khắc khoải của Chúa, mà can đảm dấn thân và đổi mới bản thân mỗi ngày. Dám chọn Chúa dù phải trả giá bằng những thập giá hằng ngày. Amen.

Sr. Quỳnh Thoại, CĐM

Kiểm tra tương tự

Ước ao được sống đời đời | Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm B

Hạnh phúc là niềm khao khát tự nhiên và chính đáng của mỗi con người. …

Câu chuyện đằng sau bức tượng hình nón thông cao gần 4 mét tại Vatican

Bức tượng hình nón thông có từ thế kỷ thứ 2 được Dante Alighieri nhắc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *