(Lc 14, 1,7-14)
Khi bước vào một phòng họp, hoặc một hội nghị, chúng ta có thể nhận ra cấp bậc thứ hạng bằng cách quan sát nơi ngồi của mọi người. Thường thường, những người quan trọng sẽ ngồi ở những hàng ghế đầu. Và chỗ ngồi tốt nhất, thường là nơi dành cho những người chủ chốt. Có thể nói, vị trí ngồi của bạn trong một cuộc hội họp, sẽ nói lên địa vị và thân phận của bạn.
Cho nên, một cách dễ hiểu, ai trong chúng ta cũng thích ngồi chỗ tốt nhất. Có cả nghìn lẻ một lý do để biện minh cho sở thích ấy: Chỗ tốt nhất, có tầm nhìn tốt hơn, dễ quan sát hơn; Ghế ngồi tốt nhất, làm cho chúng ta cảm thấy tự tin hơn, thấy mình trở nên quan trọng hơn, và danh giá hơn; Được ngồi ở những chiếc ghế quan trọng, làm tôn thêm sức mạnh và sức nặng trong lời nói của mình trên người khác nữa….
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay,[1] Đức Giê-su không khuyến khích chúng ta chạy theo các quy tắc thế gian để đi tìm danh vọng tương xứng cho mình về xã hội và cấp bậc. Ngược lại, Ngài khuyến khích chúng ta phải hạ mình, phải khiêm tốn: „Đừng ngồi ở chỗ tốt nhất, nhưng hãy ngồi xuống ở chỗ thấp nhất.” Đây là một trong những điều kiện quan trọng để được vào Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cẩn thận, kẻo hiểu sai lời khuyên của Đức Giê-su! Ngài không có ý dạy chúng ta „giả vờ” hạ mình xuống thấp, để được tôn lên cao hơn. Không! Ngài muốn chúng ta có được lòng khiêm nhường thực sự.
Vậy sự khiêm tốn là gì? Ai mới được gọi là người khiêm tốn? Có phải khiêm tốn là tự hạ mình xuống và cho rằng mình kém cỏi? Hoặc là phủ nhận những giá trị đích thực của mình, hay cố gắng làm giảm thiểu nó đi?
Điều kiện căn bản để được nhận vào Nước Trời là phải trở nên nhỏ bé, để rồi chính Thiên Chúa là ông chủ sẽ đến và mời bạn „hãy ngồi lên ghế cao hơn.” Một nghịch lý, những ai tự coi mình là người nhỏ bé, sẽ là người sẵn sàng và mở ra, để đón nhận lời mời gọi vào Nước Trời hơn những người kiêu ngạo. Những người khiêm hạ, tự nhận mình là người không xứng đáng để được vào Nước Trời, và họ nài xin ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp. Thái độ sống này chúng ta có thể thấy nơi những người khiêm tốn: Họ nhận biết mình là người có tội; họ chân thành, không biện minh gì cả, và xin Chúa tha thứ cho các yếu kém của mình.
Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn khiêm nhường với việc cố gắng làm cho hình ảnh của mình bị tổn thương. Có những người dè dặt quá mức, họ trở nên rụt rè và sợ hãi, hoặc quá nhạy cảm về các khuyết điểm của bản thân… Vô tình, họ trở thành những kẻ khiêm tốn giả tạo. Họ nghĩ rằng, một người khiêm nhường là một người nhận lỗi về mình, cả khi mình không có lỗi; là người không nhận lời khen, dù mình xứng đáng… Chắc chắn, đây không phải là người khiêm nhường thực sự. Đúng hơn, họ là những người quá rụt rè đến độ không thể thổ lộ bản thân, hay là người quá sợ hãi, hoặc quá tự ti, quá lo lắng và xấu hổ… đến mức không dám mở lòng mình ra, không dám trao tặng món quà mình có cho người khác. Ở nơi người hiền lành và người hy sinh quên mình thường có những đặc tính này, nhưng đôi khi do quá khinh chê bản thân, họ phủ nhận tài năng của mình. Đó không phải là khiêm tốn đích thực.
Ngược lại, người khiêm nhường là người chân thật với Thiên Chúa và với chính mình. Chữ khiêm nhường có nguồn gốc từ tiếng la-tinh là humus, có nghĩa là đất. Theo ý nghĩa này, người khiêm nhường là người gần sát đất và là người có nền tảng nhất. Người khiêm nhường là người có bàn chân đạp đất, là người chân thành với chính mình, và chân thật với Thiên Chúa. Họ gặp gỡ Thiên Chúa bằng tất cả con người „trần trụi” của mình.
Thật khó để khiêm tốn, không phải vì chúng ta không đủ những thiếu sót và bất toàn để trở nên khiêm nhường, nhưng vì bên trong chúng ta luôn có một sự kiêu ngạo „đã ăn vào máu” (nằm trong bảy mối tội đầu), thường không cho chúng ta có được lòng khiêm nhường thực sự. Nói một cách đơn giản, khi chúng ta cố gắng quên mình, khiêm tốn, không đạo đức giả, thì chúng ta lại tự hào về điều đó, và rồi cảm thấy tự mãn, chúng ta lại trở nên những người đi xét đoán người khác. Hoặc đôi khi chúng ta cố gắng tự hạ mình xuống, là để chờ được tôn lên cao hơn. Để rồi, nếu không được nhìn nhận những điều đó, chúng ta thấy hậm hực ở trong lòng.
Những người khiêm tốn là những người thực sự biết mình là ai. Chính khi nhận ra con người thực của mình, họ sẽ có được cái nhìn mới như lời Đức Giê-su khuyên dạy chúng ta: Không nên mời bốn nhóm người (bạn bè, anh em, họ hàng và hàng xóm giàu có) – là những người bạn thích mời nhất, vì họ có thể trả ơn bạn; nhưng hãy mời bốn nhóm người (người nghèo, người tàn tật, người què và người mù) – họ là những người bạn ít quan tâm đến nhất, vì họ không có gì để đáp trả lại bạn. Như thế, Thiên Chúa mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn và lối sống.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra và chọn sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa. Hãy tìm cách làm hài lòng Thiên Chúa, hơn là cố gắng làm vui lòng người khác!
Xin cho mỗi người chúng con biết sống khiêm tốn, theo gương Đức Giê-su, Đấng đã từng nói: „Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng…[2] Và Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vu và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.”[3] Bắt chước lối sống khiêm nhu như Chúa: Không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác; biết dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và cho lợi ích riêng của cá nhân, mà là cho người khác và những nhu cầu của anh chị em mình.
Xin cho chúng con học được sự khiêm tốn của Chúa, để chúng con thay đổi cách nhìn, cách đánh giá và cách sống trong đời sống thường ngày. Chính lối sống khiêm tốn ấy mở cửa dẫn chúng ta vào Nước Thiên Chúa.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm C (Lc 14, 1,7-14).
[2] Mt 11,29b.
[3] Mc 10,45.
Con cảm ơn, bài viết rất là hay. Con thấy bản thân mình trong bài đọc này. Con nhìn thấy bản thân qua dè dặt, qua nhẹ cảm về các khuyết điểm bản thân, sợ hải, quá tự ti và lo lắng xấu hổ. Con là người khiêm tốn giả tạo và không có tự tin. Con xin Cha giúp con khắc phục bản thân, để trở nên người tự tin hơn. Con cũng thường xuyên cầu nguyện để tăng thêm Đức tin và sống khiêm tốn đích thực. Con cảm ơn.