SUY TƯ VỀ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH

logo nam tan phuc am hoa

Giuse BCD

1.      Vấn Nạn

Trong những năm tháng gần đây, có nhiều gia đình gặp khủng hoảng hoặc đổ vỡ trong đời sống Hôn Nhân. Dẫn tới tình trạng có nhiều em nhỏ và bạn trẻ vô tình trở thành nạn nhân của sự khủng hoảng và những đổ vỡ đáng tiếc này, kèm theo những vấn nạn tiêu cực trong xã hội như các em học sinh – sinh viên bỏ học, chốn học, ăn chơi trác táng, nghiện ma túy, nghiện “Games Online” (Trò Chơi Trực Tuyến), v.v.. Hậu quả của những vấn nạn này làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội, đời sống đức tin và luân lý Kitô giáo, chẳng hạn như, quan hệ tình dục trước hôn nhân, yêu đương và quan hệ đồng tính, sống thử, nạo phái thai, lập băng đảng xã hội đen, chém giết người nơi học đường và ngoài phố xá do cơn bệnh Tâm Thần Phân Liệt của chứng nghiện “Games Online” gây ra. Chúng ta đã nghe báo đài tường thuật những vụ giết người kinh rợn ở Mỹ và Đài Loan gần đây. Điển hình nhất là vào ngày 21/5/2014, tại một trạm xe điện ngầm thuộc Thành phố Tân Đài Bắc, một nam sinh viên, 21 tuổi và đang học năm thứ hai Đại Học, đã cầm dao đâm chết bốn người và làm 21 người bị thương nặng. Ba mẹ em nói rằng em không có bạn bè, đi học về lại ngồi vào máy tính và chơi “Games Online”. Khi cảnh sát bắt em, em khai rằng em có kế hoạch thực hiện một công việc vĩ đại và dự tính thực hiện nó sau khi Tốt Nghiệp Đại Học, nhưng gần đây em rảnh rỗi và muốn thực hiện kế hoạch sớm hơn. Thế là em thực hiện “kế hoạch vĩ đại” đó, và nó đã lấy đi sinh mạng của bốn người vô tội, gây thương tích cho 21 người khác.

Với những cuộc khủng hoảng lớn trong xã hội như thế, chúng ta sẽ phải làm gì? Là người Công giáo, chúng ta suy nghĩ và hành động ra sao trước thực trạng đau buồn này để đóng góp với Giáo Hội trong việc canh tân đời sống đức tin và luân lý của từng người tín hữu và giúp xã hội loài người thuộc về Vương Quốc của Tình Thương và Sự Sống? Trước khi trả lời các câu hỏi trên, tôi thiết nghĩ chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân của những bạo lực xã hội, của sự khủng hoảng hoặc đổ vỡ trong đời sống Hôn Nhân hiện nay ra sao.

2.      Nguyên Nhân

Sau khi xảy ra sự kiện nam sinh viên giết người táo bạo ở nơi công cộng, nhiều người thuộc nhiều tầng lớp ở xã hội Đài Loan đã lên tiếng phản biện để tìm giải pháp ngăn chặn vấn nạn đáng tiếc này. Có người lý luận rằng nên kiểm soát vũ khí sát thương ở tất cả các cửa trạm xe điện ngầm. Người khác phản biện lại, không đồng ý với giải pháp trên, vì làm như thế, đất nước và con người Đài Loan mất đi tự do; hơn nữa, có thể kiểm soát vũ khí giết người ở các nhà ga nhưng không thể kiểm soát ở khắp nơi, vì thế, bạo lực vẫn có thể xảy ra ở những nơi khác, đặc biệt là nơi công cộng, đông đúc người sinh hoạt như các khu chợ đêm, phố đi bộ và giải trí, v.v.. Có người cho rằng chính phủ nên xây dựng các trạm gác và trạm bảo vệ ở tất cả các trường học và nơi công cộng. Tuy nhiên, ý kiến này cũng bị phản đối vì vô tình gây ra sự mất tự do trong việc đi lại và đời sống học tập, buôn bán ở những nơi công cộng và chi phí tài chánh cho việc này không nhỏ, cũng không thể kiểm soát hết mọi người. Có người đưa ra lời khuyên rằng không nên dùng điện thoại khi đi đường và ở những nơi công cộng, nhất là các loại điện thoại thông minh (smartphone), vì người đi đường lo tập trung vào điện thoại và không để ý tới những người xung quanh và những sự kiện đang diễn ra xung quanh họ. Nam sinh viên có thể giết và gây trọng thương nhiều người như thế là do một số các nạn nhân này chăm chú dùng điện thoại. Ý kiến này cũng chỉ đúng một phần, vì nếu kẻ giết người không dùng dao đâm, nhưng dùng bom mìn, thì dù tập trung tâm trí khi đi lại, cũng vẫn bị thiệt mạng. Như thế, đâu là nguyên nhân và phải tìm giải pháp gì để khắc phục vấn nạn này?

Với các kỹ thuật công nghiệp hiện đại và không ngừng tiến bộ, các nhà sản xuất kinh doanh đã và đang sản xuất ra nhiều vật dụng tiên tiến phục vụ con người và nhu cầu của con người. Tuy nhiên, các đồ dùng mãi mãi chỉ là đồ vật vô tri vô giác và nhằm phục vụ con người, chứ phải là những thứ thay thế con người trong mối tương quan liên vị. Các vấn đề tiêu cực xảy ra trong đời sống hằng ngày thường xuất phát từ những hành vi lệch lạc trong việc sử dụng các phương tiện phục vụ con người. Các cặp vợ chồng lo làm việc, không có giờ chia sẻ với nhau, lắng nghe tiếng nói và ưu tư của nhau. Sau giờ cơm tối, chồng lo chơi Games Online để giải trí hoặc đọc báo, xem tivi…; vợ thì nói chuyện tán ngẫu với bạn bè qua điện thoại, hoặc dùng Facebook (Twister…) để kết bạn và vui chơi trong thế giới ảo; con cái học hành thế nào và vui buồn ra sao họ chẳng để ý tới. Mỗi người một thế giới, một cách giải trí, một cách nghỉ ngơi. Đôi khi, chồng vợ nói chuyện với nhau qua một mảnh giấy viết vội trước khi đi làm, hoặc một vài tin nhắn vắn ngọn, một cuộc điện thoại gấp gáp. Con cái được chuẩn bị bữa sáng cùng một ít tiền bỏ túi và chở đến trường. Thế là xong một buổi sáng. Có nhiều vợ chồng quản lý con cái bằng cách mua sắm cho chúng một Ipad hoặc một máy tính tương đối tốt để chúng chơi Games Online thư giãn sau các giờ học và có thể ràng buộc chúng ở nhà. Cứ như thế, ngày qua ngày, các bạn trẻ chỉ biết làm bạn với các phương tiện giải trí thuộc thế giới công nghệ hiện đại. Biết được nhu cầu giải trí trí tuệ ngày càng cao, các nhà sản xuất làm ra các Games Online hấp dẫn, càng hấp dẫn và cuốn hút giới trẻ bao nhiêu thì tỷ lệ bán được sản phẩm các lớn và doanh thu càng cao, bất chấp sản phẩm ấy có phục vụ sự giải trí một cách nhân văn hay không. Vì thế, có những người thiếu đạo đức kinh doanh đã sản xuất những trò chơi bạo lực và kích thích tính dục để thu hút trẻ vị thành niên. Do đó, các bạn trẻ dần bị nghiện Games Online và sống trong thế giới ảo… dẫn tới những hậu quả tai hại như bị suy giảm thần kinh, thể trạng mỏi mệt, trầm cảm và có khi bị chứng “tâm thần phân liệt”, bằng chứng là đây đó có những vụ xả súng trong trường học, giết người nơi công cộng, trộm cướp có tổ chức nhằm vào các ngân hàng và các tòa nhà giàu sang, hiếp dâm và bạo lực gia đình, v.v..

Những ảnh hưởng xấu của các sản phẩm công nghệ hiện đại làm cho con người đánh mất dần mối tương quan liên vị trong cuộc sống. Thay vì con người cần quan tâm đến nhau, nói chuyện với nhau, gặp gỡ nhau, thì con người làm bạn với máy móc và thú vật, sống trong một thế giới ảo. Gần đây, tôi nhận thấy đời tu trì cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm công nghệ hiện đại, chẳng hạn như có nhiều tu sĩ không thể rời xa chiếc điện thoại hoặc máy tính, muốn nói gì mới nhau thì nhấc điện thoại lên gọi thay vì tốn một chút thời gian chạy tới gõ cửa phòng. Thực ra, các sản phẩm công nghệ hiện đại được làm ra là để phục vụ cho con người và đáp ứng những nhu cầu của con người. Máy tính giúp con người soạn thảo văn bản nhanh hơn, an toàn hơn, xử lý văn bản tốt hơn, nghiên cứu và học tập khi truy cứu vào các trang Web chứa những dữ liệu bổ ích, liên lạc với nhau nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc gửi thư và liên lạc trong mối tương quan gia đình hoặc kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, máy tính không phải là con người, chỉ phục vụ con người mà thôi. Nếu chúng ta làm một tấm thiệp và viết những dòng chữ yêu thương bằng chính đôi tay của mình và gửi nó tới những người chúng ta muốn trao tặng, thì người nhận được món quà và nét chữ của chúng ta sẽ cảm nhận được một tình yêu, ý nghĩa và sự trân trọng thực sự của chúng ta, bởi vì họ biết chúng ta trao tặng một món quà quý giá do chính tay chúng ta làm ra được kết tinh bởi tình yêu, thời gian và công sức. Món quà này nếu dùng máy tính để gửi đi, chúng ta chỉ mất khoảng năm phút; nhưng nếu dùng tình yêu, thời gian và công sức để tạo ra nó, chúng ta sẽ mất hai tiếng, nửa ngày hoặc vài ngày… mới tới tay người nhận. Bên cạnh yếu tố vật chất và công nghệ hiện đại, điều gây ra sự phá đổ mối tương quan con người và làm sụp đổ tương lai người trẻ, còn có hai nhân tố khác nữa, đó là nhân tố Giáo Dục và nhân tố Tâm Linh.

Giáo Dục. Nhiều gia đình quên lãng việc giáo dục con cái, dường như trao hết trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. Không ít gia đình Công giáo đề cao và chú trọng giáo dục ngoài đời hơn là giáo dục đức tin cho con cái mình, đến nỗi sẵn sàng bỏ học Giáo lý và bỏ đi dâng lễ Chúa Nhật để học thêm, học đàn, học võ, học bơi, v.v.. Hơn nữa, nền Giáo dục của Việt Nam coi trọng thành tích và thiếu yếu tố đào tạo nhân bản và tâm linh, bởi nó thuộc hệ thống giáo dục vô thần và chủ nghĩa vật chất. Với tình hình giáo dục như thế, người trẻ sẽ sống ra sao và tương lai của họ thế nào?

Tâm Linh. Như tôi vừa nói ở trên, giáo dục đã thiếu chiều kích tâm linh, nhưng đời sống gia đình cũng chưa và không thể bù đắp sự khiếm khuyết này. Các gia đình không theo tôn giáo nào (tạm gọi là vô thần) thiếu điều này đã dành, nhưng nhiều gia đình Công giáo chưa sống và thực hành đức tin trong đời sống Hôn Nhân cách cụ thể và sống động. Có những bàn thờ trong gia đình Công giáo bị màng nhện giăng mắc. Có những gia đình chưa có một quyển Kinh Thánh được đặt ở một vị trí trang trọng, tôn nghiêm. Có không ít gia đình không có bữa ăn chung và không biết tạ ơn Chúa trước và sau bữa ăn, không có giờ cầu nguyện chung, không thực hành việc giáo dục con cái theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo mà họ đã hứa trước Chúa khi cử hành Nghi Thức Hôn Phối, v.v.. Các bạn trẻ sẵn sàng bỏ thời giờ ngồi chơi Games Online, dạo chơi trên Internet, đi xem phim, nghe ca nhạc, hát Karaoke, cổ vũ bóng đá (bóng chuyền, bóng chày…), đi mua sắm, đi hội chợ, đi thẩm mỹ viện… nhưng lại thiếu thời giờ đi cầu nguyện, đọc kinh, dâng lễ, làm việc bác ái xã hội. Một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, tràn ngập sự hưởng thụ, thiếu niềm tin, vô tôn giáo… thì đâu là lý tưởng và chuẩn mực cuộc sống của con người; đâu là con đường dẫn họ gặp bình an, niềm vui và tự do đích thực; đâu là lẽ sống đem lại ý nghĩa cho đời họ?

3.      Khắc Phục – Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình

Trước một thực tế đáng buồn và đang gây ra những khủng hoảng, đổ vỡ trong đời sống gia đình, cũng như những hậu quả đáng tiếc cho người trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội và sứ mạng loan báo Tin Mừng trong ơn gọi của mỗi người Kitô hữu, tôi xin mạn phép được đưa ra một vài ý kiến với hy vọng góp phần làm giảm bớt những hậu quả không tốt trong đời sống hôn nhân, trong cuộc sống của người trẻ và trong đời sống chứng tá cho Tin Mừng của tất cả những ai là con cái Thiên Chúa.

Đầu tiên, tôi chỉ biết cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trong nước ý thức hơn tầm quan trọng của giáo dục học đường, biết mở rộng tâm hồn và ý thức hệ để cộng tác với các tôn giáo trong việc phát huy nền giáo dục nhân bản và có chiều sâu nội tâm, chú trọng phẩm chất hơn là thành tích, khuyến khích học thật và đẩy lùi “học giả”, hướng dẫn các học sinh sinh viên biết sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại cho việc học tập và nghiên cứu, kiểm duyệt tất cả các Games Online thiếu nhân bản và có xu hướng bạo lực, v.v.. Hơn thế nữa, các nhà quản lý Giáo Dục nên cởi mở cộng tác với các trường học nước ngoài để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục của họ, nhất là các trường học của các tôn giáo. Chính phủ cổ võ những người có tâm huyết với giáo dục và có khả năng tài chính, đặc biệt các tôn giáo, mở các trường tư thục và tạo điều kiện thuận lợi cho họ vận hành, thậm chí hằng năm chính phủ trích ngân quỹ quốc gia để hỗ trợ một phần tài chính cho chương trình giáo dục của các trường tư thục. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sắc tộc thiểu số được đến trường, tìm cách thu phục các giáo viên sắc tộc thiểu số để mở trường học các cấp cho người sắc tộc thiểu số với phương châm “người sắc tộc dạy cho người sắc tộc”. Mô hình giáo dục cho người thiểu số cần được nghiên cứu và phát huy để giữ gìn bản sắc dân tộc cho họ và cho đất nước. Khuyến khích các giáo viên có kinh nghiệm và giàu tình yêu giáo dục học tiếng dân tộc thiểu số để trao đổi kinh nghiệm và cộng tác với giáo viên bản địa dạy học cho các em, bởi vì các em học yếu và “ngồi nhầm lớp” là vì sự hạn chế về ngôn ngữ phổ thông và văn hóa bình dị của họ.

Đối với Giáo hội Công giáo, các vị mục tử nên bước ra khỏi cửa chuồng chiên dẫn chiên đi ăn cỏ và theo sát từng bước chiên đi, tìm kiếm những đồng cỏ tốt tươi và nguồn nước trong lành cho chiên ăn uống no nê và có sức khỏe tràn đầy. Nói cách khác, các cha xứ và các tu sĩ là những nhà giáo dục Công giáo quan trọng trong việc giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái Thiên Chúa, và cần tạo một tình bạn thân thiết giữa mục tử với đàn chiên bằng cách thường xuyên đi thăm viếng họ, thấu hiểu tình cảnh của từng con chiên, từng mái ấm của họ. Đồng thời, các ngài nên mở các khóa Bồi Dưỡng Đức Tin và Kinh Thánh cho người trẻ, các khóa Thăng Tiến Đời Sống Hôn Nhân Gia Đình cho các đôi vợ chồng trẻ, các lớp học Nhân Bản và Năng Khiếu cho thiếu nhi, các nhóm hoạt động Bác Ái Xã Hội và các khóa huấn luyện về Loan Báo Tin Mừng cho mọi thành phần trong Giáo xứ, v.v..

Các gia đình Công giáo cần có những giờ phút ở bên nhau để lắng nghe và chia sẻ nỗi niềm của nhau. Có bảy giờ sum họp yêu thương mà mỗi gia đình cần duy trì và phát huy để bảo vệ bầu khí hạnh phúc gia đình và thăng hoa mối tương quan liên vị: cùng ăn chung, cùng đọc kinh chung, cùng giải trí chung, cùng ôn tập và chia sẻ Giáo Lý Công Giáo chung, cùng đi dâng lễ chung, cùng đi tĩnh tâm chung và cùng làm việc bác ái chung. Trong đó, giờ ăn chung và giờ kinh chung là hai giờ không thể thiếu trong các gia đình Công giáo. Hai giờ này giúp mọi người trong gia đình ý thức sự hiện diện của Chúa ở giữa họ, giúp gia đình họ trở thành một Thánh Gia thu nhỏ. Trong giờ đọc kinh hoặc cầu nguyện chung, các bậc cha mẹ nên khuyến khích cả gia đình cùng lắng nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa trong suốt một ngày sống, chẳng hạn như trong giờ kinh tối, một người trong gia đình đọc đoạn Lời Chúa trong Thánh Lễ của ngày hôm sau, rồi cùng nhau thinh lặng suy niệm khoảng năm phút để lắng nghe thông điệp của Chúa gửi tới từng người cho một ngày sống kế tiếp, sau đó có thể đọc một kinh ngắn theo chủ đề của từng ngày (kinh cầu cho Gia Đình, kinh cầu cho ơn thiên triệu, kinh cầu Thánh Giuse, kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu, kinh cầu Đức Mẹ…) hoặc Lần Chuỗi Mân Côi nhưng chỉ cần suy ngắm một sự mà thôi (ví dụ như Ngắm Thứ Nhất của Năm Sự Vui: “Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà chịu thai…”), rồi kết thúc giờ kinh chung trong gia đình bằng một bài hát hay một lời kinh (“Lạy Cha”, hoặc “Sáng Danh”). Làm được như thế, Lời Chúa trở thành lương thực thần linh nuôi dưỡng đời sống tâm linh của cả gia đình. Các bậc cha mẹ cũng nên trau dồi nghệ thuật làm cha làm mẹ, làm vợ làm chồng bằng cách đọc nhiều sách viết và chia sẻ về đề tài này, đồng thời tham gia các buổi hội thảo về gia đình và tham gia sinh hoạt trong các hoạt động của Xứ Đạo để giúp con cái bắt chước những công việc tốt lành của ba mẹ, và đạt tới mức độ thân thiết với con cái như thể là bạn của chúng để chúng đủ tin cậy chia sẻ những ưu tư thầm kín.

Nếu các bậc cha mẹ chỉ chú trọng đến đời sống tâm linh của con cái thôi thì chưa đủ. Việc giáo dục nhân bản và tri thức cho con cái cũng là trách nhiệm tối quan trọng của các bậc làm cha làm mẹ, chứ không được phó thác hoàn toàn cho nhà trường. Nói đúng hơn, phụ huynh cần phối hợp cả hai sứ mạng này với nhau. Nghĩa là, một mặt thúc đẩy con cái siêng năng học tập, một mặt trau dồi nền tảng thiêng liêng và nhân đức cho con cái. Làm thế nào các bậc phụ huynh giúp con cái mình ý thức việc học là một sứ mạng Chúa gửi trao cho chúng, và con cái của họ chỉ có thể hoàn tất sứ mạng Chúa trao cách vinh quang khi chúng có lòng tin vào Chúa, có tình yêu chân thật dành cho Chúa và luôn hy vọng nơi Người. Người xưa thường nói “Khổ Học”, nghĩa là học thì rất khổ. Thế nhưng, người có tình yêu, lòng tin và hy vọng nơi Chúa thì sự khổ cực của việc học sẽ biến thành niềm vui của họ, vì họ được thông phần với sự đau khổ của Chúa Giêsu, vì họ có lý tưởng cao đẹp là học tập để có năng lực phục vụ cho sứ mạng của Chúa tốt hơn, vì họ học cho Chúa, học cho Giáo Hội, học cho các linh hồn… chứ không phải học cho riêng họ, cho lợi ích của cá nhân là có một tương lai sáng lạn, có địa vị trong xã hội, có nhiều tiền, có cuộc sống sung túc, v.v..

4.      Bước Vào Vương Quốc của Tình Thương và Sự Sống

Nói chung, để thực hiện việc Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình, mỗi người cha người mẹ, từng người con trong gia đình cần tìm cách thích hợp nhất để canh tân đời sống tâm linh của bản thân và đời sống đức tin của gia đình. Một khi các gia đình và từng thành viên trong gia đình sống Lời Chúa cách sống động và biết đặt Chúa làm trung tâm trong mọi sinh hoạt của gia đình, thì gia đình đó sẽ có đầy sức sống thần linh, có sự “quyến rũ” với các gia đình khác, từ đó trở thành những nhân chứng sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa khu xóm và giáo xứ, giữa trường học và xã hội. Từng người biết canh tân bản thân bằng các hoạt động đức tin cụ thể (như cầu nguyện, đọc kinh, Lần Chuỗi, dâng lễ mỗi ngày, sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khổ…) sẽ khó bị rơi vào cạm bẫy của Xatan, sẽ vượt thắng những cám dỗ tinh vi trong cuộc sống của xã hội công nghệ hiện đại, sẽ biết nhận định điều đúng/sai và điều đẹp/mất lòng Chúa, sẽ biết chọn và sống điều đẹp lòng Chúa nhất. Từng thành viên trong gia đình sống Lời Chúa và yêu mến bầu khí sum họp gia đình sẽ góp phần đẩy lui những tệ nạn xã hội và những xung đột, khủng hoảng, đổ vỡ trong đời sống Hôn Nhân Gia Đình. Các gia đình sống lành mạnh, thánh thiện và hạnh phúc sẽ làm cho Giáo Xứ vững mạnh. Giáo Xứ vững mạnh góp phần làm cho Giáo hội địa phương vững mạnh và Nước Thiên Chúa được vươn rộng, Danh Chúa được nhiều người biết đến, và sứ mạng tái tạo và cứu chuộc của Chúa Giêsu được hoàn tất mỹ mãn.

Giuse BCD

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Biến nỗi đau thành hành động bác ái theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lần tới khi một giáo dân hoặc thành viên trong gia đình làm điều gì …

2 Bình luận

  1. Rất cần thiết cho mọi gia đình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *