Ta học được gì về bản thân trong đại dịch?

 

Đại dịch đang dạy cho ta vô vàn bài học khác nhau: công bình hay tình thương, sự sẻ chia và mất mát, niềm hy vọng lẫn lạc quan… Dường như mỗi người đều nghiệm ra cho mình về một điều gì đó nơi cõi lòng thẳm sâu. Và có lẽ một bài học về bản thân vẫn âm ỉ ngày đêm trong ta. Đó chính là ý nghĩa của việc trở lại làm người.

Hình như ta cũng không đủ già để nhớ về đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918. Dường như vì lý do này, ta vẫn đang phải đấu tranh từng ngày để hiểu rõ hơn về tác động của Covid-19 suốt gần 2 năm qua sau khi những bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc một dạng viêm phổi gây tò mò và lây nhiễm cao ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng ta phải hiểu nó. Như triết gia Tây Ban Nha George Santayana đã từng nói, “những người không học từ lịch sử sẽ phải lặp lại nó.” Ông trùm kinh doanh, đầu tư và nhà từ thiện người Mỹ Warren Buffett cũng cùng một cảm thức khi nói rằng, “những gì chúng ta học được từ lịch sử là mọi người không học gì từ lịch sử cả.”

Có lẽ ta cũng nghiệm được một số vấn đề rõ ràng trong suốt đại dịch này là, một dịch vụ y tế công cộng được hỗ trợ thích hợp là biện pháp bảo vệ tính mạng và đáng giá từng đồng thuế ta vẫn trả trước nay; bất bình đẳng gây thiệt hại nhiều hơn những con vi rút; bất công đầy rẫy, các chuyên gia dường như bị quên lãng, hệ thống giáo dục tỏ ra bế tắc… một đống tơ vò rối rắm.

Nhưng có một triết lý mà ta phải nhận ra về bản thân mình từ trận đại dịch này. Nó liên quan mật thiết đến nghệ thuật sống. Bài học này khởi đi từ cái nhìn của triết gia người pháp Michel de Montaigne, đồng thời cũng là thị trường của Bordeaux. Năm 1585, bệnh dịch hạch đã cướp đi tính mạng của khoảng 14 ngàn người ở Bordeauxm, tương đương với một phần ba dân số. Hãy tưởng tượng khi số ca tử vong vì Covid-19 ở Sài gòn vẫn dao động từ 250 – 300 ca mỗi ngày và chưa có dấu hiệu giảm. (Nguồn VOV)

Montaigne sống sót sau bệnh dịch hạch bằng cách chạy trốn khỏi thành phố. Sau biến cố này, ông đã trải lòng trong một bài viết mang tựa đề, ‘Học triết là học cách chết’ (To study philosophy is to learn to die). Khi suy ngẫm về cái chết của mình, ông nhận định thế này: “hiểu cái chết là chìa khóa của nghệ thuật sống.” Trong dòng tư tưởng ấy, ông nhấn mạnh thêm rằng, “người học cách chết thì không biết cách trở thành một tên nô lệ.

Ở đây, Montaigne đang muốn ám chỉ đến nhu cầu vượt qua nỗi “sợ chết” của ta. Giữa cơn cuồng phong của đại dịch, Covid-19 đã buộc ta phải ngẫm suy về khía cạnh căn bản nhất của phận người: cái chết. Đối với Montaigne, đối diện với cái chết là phương thế duy nhất để học nghệ thuật sống một cách đúng đắn. Ta chỉ trở nên sinh động khi đối mặt với cái chết khi nhìn thẳng vào nó. Có lẽ đây là điều ta có thể rút tỉa từ cuộc khủng hoảng hiện tại. Ta vô tình quên đi nghệ thuật sống, ta bị mắc kẹt, ta đắm chìm vào nhịp sống hối hả không ngừng, ta cứ phải làm việc và làm việc, ta cứ mãi chạy theo những con số vàng, những chỉ báo đẹp của năng suất. Ta đã quên.

Một lời cảnh tỉnh: không nên nhầm lẫn nghệ thuật sống với những động cơ ấu trĩ của những xung lực kiếm tìm bản thân, và nghiêng chiều theo những khoái lạc ở đời. Đó không phải là triết lý sâu sắc mà chỉ là điều gì đó thật ngớ ngẩn. Gạt sang những thứ ái kỉ, khoái lạc, ta có thể học từ bản thân giá trị đích thực của tình bạn của tình người. Điều này quan trọng thế nào trong những trải nghiệm mới bởi ta muốn chia sẻ khoảnh khắc cuộc đời với ai đó quan trọng chứ không phải vì mục đích khoe mẽ trên những nền tảng xã hội “ảo.”

Đồng điệu với nhận thức trên, triết gia Lã mã Cicero khiến ta phải ngẫm nghĩ khi nói rằng, “trong cách ly hay cô lập, ai sẽ đánh mất niềm vui thú của mình?” (in isolation, who wouldn’t lose enjoyment of all delights?) Ta biết mọi thứ về cách ly. Trong thời gian giãn cách, sống xa bạn bè, xa người thân, xa gia đình, hình như ta thấy rằng, nghệ thuật sống không thể tìm thấy trên Facebook, trên Zoom hay Youtube. Có lẽ nghệ thuật sống là nghệ thuật sống chung.

Một lý do khiến ta mất cảm thức khiến ta mất liên lạc với nghệ thuật sống là ta quá coi trọng quyền tự trị (autonomy) của mình. Điều này không hề phủ nhận sức hấp dẫn của nó là cho phép ta thể hiện bản sắc độc đáo của riêng mình. Quyền tự trị là viết tắt của quyền tự quyết, hay tự chủ, và ta coi trọng nó vì nó xác định ta là ai: đây là tôi, đây là cuộc sống của tôi, và tôi làm chủ nó.

Tuy nhiên, tự trị vẫn ẩn tàng điều gì đó tệ hại. Đó là thứ xã hội hiện đại về cái thứ “siêu” cá nhân, tiêu thụ và năng suất đang cố che giấu ta. Theo logic nhị phân, nếu tự trị tốt, thì ngược lại, nó cũng phải ẩn chứa điều gì xấu xa. Vế đối lập của tự trị là gì? Hầu hết các sách giáo khoa triết học sẽ cho ta biết rằng, điều trái ngược với tự trị là tha luật, hay quyền dị trị ( heteronomy – nhận luật từ bên ngoài). Tha luật rõ ràng là xấu, vì không ai muốn bị tước đoạt quyền tự do của mình.

Nhưng nó không chỉ đơn giản như thế. Có một khái niệm khác cũng trái ngược với quyền tự trị: nó không phải là tha luật, mà là “lệ thuộc”. Lệ thuộc không chỉ xấu mà còn là một đặc điểm không thể tránh khỏi của thân phận con người. Lệ thuộc chỉ đơn thuần là một lời nhắc nhở về những tổn thương sâu thẳm của ta, và chính lỗ hổng này làm cho khả năng kết nối giữa con người trở nên dễ hiểu. Như triết gia Judith Butler đã chỉ ra, “ta không thể hiểu tất cả tổn thương bên ngoài của một quan niệm cụ thể về các mối quan hệ.” Ta chỉ có thể là con người khi bản thân bị tổn thương từ tha nhân. Đơn giản, con người vẫn làm tổn thương nhau. Sự lệ thuộc lẫn nhau nói lên một cảm giác liên kết thường bị che khuất bởi nỗi ám ảnh về quyền tự trị của xã hội hiện đại.

Các triết gia nói với ta rằng, có những mức độ tự trị khác nhau. Nhưng thực tế, chỉ có những mức độ lệ thuộc lẫn nhau. Trong khi quyền tự trị là một lý tưởng rất hấp dẫn, nó cũng có nguy cơ làm lu mờ những nét đạo đức cao quý khác: sự lệ thuộc lẫn nhau, tính chất liên kết, đạo đức về sự chăm sóc, tình đoàn kết, cộng đồng, lòng hiếu khách, có lẽ là cả tình yêu nữa. Ta vẫn hy vọng một bài học về bản thân trong thời đại dịch này. Đó là ý nghĩa của việc trở lại làm người.

Lyeur Nguyễn

Nguồn: https://www.rte.ie/brainstorm/2021/0602/1225571-pandemic-philosophy-lessons-vittorio-bufacchi/

Kiểm tra tương tự

Vầng trăng nối liền những bàn tay và những trái tim

Từ hai tháng nay, qua chương trình trồng cây cải tạo môi trường tại trung …

Xin dạy con đường nẻo của Chúa !

  “Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA, dẫn con đi trên lối phẳng …

Một bình luận

  1. Con rất thích đọc bài viết của cha Lyeur Nguyễn và cha Cao Siêu. Con học được nhiều từ những suy tư và cách diễn tả ý tưởng của quý cha.
    Con cảm ơn quý cha rất nhiều.
    Con chúc quý cha luôn an mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *