Tâm lý bản ngã từ S. Freud đến E. Fromm

Nói đến phân tâm học, người ta thường nghĩ ngay đến Freud vì ông được xem là cha đẻ của lý thuyết và ngành phân tâm học. Sở dĩ vậy là vì Freud đã đặt nền cho việc tìm hiểu con người ở khía cạnh tâm trí và khai mở ngành học về những gì chưa được biết đến trong vô thức. Quả vậy, Freud như là người đi tìm quá khứ và lục lọi trong cõi vô thức mịt mù của một người hầu có thể hiểu hơn những biểu hiện hành vi và tính cách hiện tại của người đó.

Tiếp theo Freud, các nhà tâm lý tiếp tục con đường tìm biết tâm trí con người dựa trên những thành tựu Freud đã đạt được. Đồng thời, mỗi người mỗi cách, khám phá và phát triển thêm lý thuyết của Freud hầu đáp ứng nhiều hơn cho việc giải thích tâm trí phức tạp của con người. Có thể kể tên những người tiêu biểu như Carl Jung, Erik H. Erikson, Alfred Adler và Erik Fromm.

Bài viết này không có tham vọng trình bày chi tiết lý thuyết của tất cả các nhà tâm lý kể trên nhưng chỉ xin trình bày một cách nhìn cá nhân về con người dựa theo lý thuyết của các nhà tâm lý học phân tâm. Mục đích bài viết là phác họa một cái nhìn xuyên suốt về con người dưới lăng kính phân tâm học để thấy những thay đổi và phát triển của phân tâm học qua từng tác giả. Khởi sự với Freud qua việc quan niệm con người bị chi phối bởi bản năng và dục tính (libido), Jung với cái nhìn “siêu thoát” hơn về libido, Erikson với quan niệm bản ngã tiếp tục được phát triển trong những hoàn cảnh mới và Fromm với lý thuyết tâm lý xã hội như là một hướng khai phá trong việc tìm hiểu tâm trí con người ở cấp độ rộng hơn.

Quan Điểm Của Freud[1]

Con người bị chi phối bởi vô thức

Trong lý thuyết của Freud về phân vùng tâm trí, tâm trí con người được chia làm hai phần: ý thức và tiềm thức. Ý thức là bề nổi của tâm trí, là cái con người nắm bắt được, còn tiềm thức là cái nằm bên dưới ý thức. Tiềm thức bao gồm tiền thức và vô thức. Con người tuy có ý thức làm chủ những hành động và tư duy nhưng ý thức chỉ chiếm một phần nhỏ trong tâm trí con người. Vô thức, nơi mà ý thức cũng không thể tiếp cận và điều khiển, là bề sâu của tâm trí con người bao gồm những kinh nghiệm, cảm xúc mà bản ngã không chấp nhận và đã bị tự chế hay ức chế. Khái niệm về bản ngã sẽ được nói đến ở phần sau, tuy nhiên, có thể hiểu bản ngã như là “ông chủ” của những tư tưởng hay cảm xúc. Một khi bản ngã từ chối một yếu tố nào, nghĩa là không cho nó hiện diện ở ý thức, bằng cách tự chế hay ức chế, yếu tố đó bị dồn xuống vô thức. Ở điểm này, những gì trong vô thức dường như là những gì tâm trí con người cố gắng lãng quên hay loại bỏ khỏi ý thức.

Vô thức như một nhà kho chứa tất cả những thứ ý thức không muốn để ý tới. Hẳn nhiên những thứ trong vô thức thường không tốt đẹp gì. Đó có thể là những ước muốn chưa được thoả mãn, những tổn thương cảm xúc trong quá khứ, những lo sợ hay né tránh thực tại hay những thúc đẩy của bản năng. Dưới tác động của môi trường sống, những ranh giới của văn hoá và đạo đức, tất cả những yếu tố trên bị chủ thể loại bỏ khỏi tâm trí hay bị môi trường sống lên án khiến chúng không thể tồn tại trong ý thức. Và như thế vô thức như một mớ hỗn độn và phức tạp trong tâm trí con người.

Tuy nhiên, vô thức không phải bị lãng quên hoàn toàn nhưng trở lại ảnh hưởng trên con người ngang qua cả hành vi lẫn tư duy. Có thể nói không thể “nhìn” thấy được vô thức nhưng có thể nhận ra vô thức ngang qua những biểu hiện của nó. Biểu hiện đó thể hiện ở các hành động bộc phát, giấc mơ, mộng tưởng hay thậm chí ngang qua những biểu hiện không bình thường của tâm trí như bệnh nhiễu tâm. Như thế, vô thức như kẻ dấu mặt ngấm ngầm chi phối tâm trí con người và là nguyên nhân của những hành vi vượt tầm kiểm soát của ý thức.

Cấu trúc bản ngã

Ngoài cách tiếp cận tâm lý con người qua việc tìm hiểu tâm trí, Freud còn đưa ra lý thuyết về cấu trúc bản ngã vì Freud tin rằng các năng động nơi con người là do bản năng chi phối. Theo đó, Frued chia con người làm ba phần: bản năng, bản ngã và siêu ngã. Bản năng hay còn gọi là phi ngã là những đòi hỏi sinh lý luôn đòi hỏi được thoả mãn cách trực tiếp và có thể dưới bất cứ hình thức nào, bất chấp cả thực tiễn. Bản ngã là cái giúp con người nhận biết chính mình hay phân biệt mình với người khác và với thế giới bên ngoài. Bản ngã có nhiệm vụ điều khiển phi ngã và buộc phi ngã phải tuân theo những giới hạn của thực tiễn. Siêu ngã hình thành sau cùng nơi cấu trúc bản ngã, đó là tập hợp những yếu tố cao cấp của con người và tinh hoa của môi trường sống trong việc hướng dẫn con người. Siêu ngã biểu hiện qua lương tâm, cái tôi lý tưởng, và những giá trị đạo đức văn hóa, tôn giáo. Mục đích của siêu ngã là chống lại phi ngã và điều khiển bản ngã.

Trong ba thành phần trên, phi ngã là cái gây nhiều “vấn đề” nhất. Phi ngã hay bản năng là nguồn cho năng lực tâm lý, do đó nó nắm trong mình sức mạnh tối ưu chi phối con người. Bản năng bao gồm những nhu cầu căn bản của thể lý như ăn uống, ngủ nghỉ và truyền sinh. Những nhu cầu và ước muốn rất thể xác này như những xung lực âm ỉ nơi con người và gây sức ép cho bản ngã.

Như thế, con người, cụ thể là bản ngã, chịu sự chi phối của phi ngã và siêu ngã. Phi ngã luôn là một thế lực đòi buộc bản ngã phải hành động đáp ứng những nhu cầu của bản năng. Trong khi đó, siêu ngã như một đường ranh giới chống lại phi ngã và hạn chế những nhu cầu không phù hợp với những tiêu chuẩn thuộc về cái tôi lý tưởng. Vì vậy, bản ngã dường như luôn ở trong tình trạng “trên đe dưới búa” và một khi sự căng thẳng này trở nên quá sức chịu đựng cho bản ngã, nó sẽ tìm chạy trốn ngang qua các cơ chế tự vệ.

Sự hình thành và phát triển nhân cách

Freud đưa ra ba tiền giả định về nhân cách: nhân cách chịu ảnh hưởng bởi các kinh nghiệm tuổi thơ, bị chi phối bởi năng lực của vô thức và bản năng tính dục và những thất đoạt và xung khắc trong các nhu cầu căn bản cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách. Từ các tiền giả định đó, Freud cho rằng nhân cách con người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quá khứ, bản năng và những thất bại trong việc thoả mãn những nhu cầu. Bên cạnh đó, Freud nhấn mạnh khía cạnh dục tính như là một nguồn năng lực chi phối mạnh mẽ nhân cách con người. Chính vì thế, Freud phác họa các chặng phát triển tâm lý dựa trên việc tìm kiếm thoả mãn những nhu cầu dục tính. Mỗi giai đoạn, con người tìm thoả mãn một nhu cầu liên quan đến thể xác: giai đoạn miệng thì tìm khoái cảm bú mút, giai đoạn hậu môn tìm khoái cảm khi đại tiện,… Và nếu một trong các nhu cầu không được thoả mãn thoả đáng, có thể để lại những ham muốn hay xung lực, tồn tại ở bản năng hay vô thức, gây ảnh hưởng khi con người tiến sang giai đoạn khác.

Như thế, đối với Freud, nhân cách, tuy không hoàn toàn được xây dựng trên nền tảng bản năng và dục tính, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khía cạnh tự nhiên của con người và dường như đã được xác định sẵn bởi bản năng và những ảnh hưởng đầu đời. Môi trường và những tác động sau này không thể hay ít làm suy chuyển tính cách đã định hình. Nói cách khác, nhân cách như là kết quả của một chuỗi những giằng co của nhu cầu và thoả mãn nhu cầu nơi con người. Chính việc con người thành công hay thất bại trong việc xử lý những giằng có đó để lại những nét tính cách đặc trưng cho mỗi người.

Một khi có sự mất cân bằng trong việc giải toả các nhu cầu, con người hứng chịu những xáo trộn về tâm trí và những xung đột nơi nhân cách. Mức độ xáo trộn nặng hay nhẹ tuỳ thuộc sự bức bách và sức ép của việc thoả mãn nhu cầu đó. Nói cách khác, tuỳ thuộc năng lực dành cho nhu cầu đó. Nếu năng lực mạnh mẽ (đòi thoả mãn một nhu cầu nào đó) không được điều hợp đúng cách sẽ gây ra tác động lớn hơn một nhu cầu có nguồn năng lực kém hơn.

Trong lý thuyết của Freud, có thể phác họa một vòng tuần hoàn các nhu cầu đối với việc ảnh hưởng đến nhân cách. Một nhu cầu phát sinh từ bản năng đòi được thoả mãn, đặt trường hợp nhu cầu đó không phù hợp với hoàn cảnh sống và vì thế không được thoả mãn đúng mức. Từ đó xảy ra sự đụng độ giữa bản năng và siêu ngã nên bản ngã tìm trốn vào những cơ chế tự vệ. Kết quả là vô thức lại chịu những dấu vết mới của các xung đột và lại là nguồn chi phối nhân cách bởi những thúc đẩy của những nhu cầu chưa hoàn toàn được thoả mãn.

Quan điểm của Jung[2]

Con người là một tổng thể các yếu tố tâm trí

Trong lý thuyết của Jung, vẫn có những thành phần thuộc tâm trí như đã thấy trong lý thuyết của Freud như bản ngã, ý thức, vô thức nhưng chúng ít nhiều mang những ý nghĩa mới khác biệt so với quan điểm của Freud. Ý thức bao gồm cái tôi (ego) và cái bề ngoài (persona). Cái tôi là những gì con người ý thức, suy nghĩ, nhớ lại và cảm nhận; cái bề ngoài là hình ảnh cái tôi muốn thể hiện mình cho thế giới bên ngoài.

Vô thức bao gồm vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Vô thức cá nhân là những gì đã từng ở trong ý thức nhưng đã bị dồn nén, quên hay không thể nhớ lại. Vô thức cá nhân gồm các phức cảm: một nhóm ý tưởng gây lo lắng cho cá nhân được liên kết với nhau bởi một loại cảm giác chung. Vô thức tập thể là những kinh nghiệm được đúc kết dưới dạng những nguyên mẫu (archetypes) và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nguyên mẫu khiến con người hành xử như đã được lập trình và có thể coi như bản năng. Trong nguyên mẫu có nam hồn (animus) và nữ hồn (anima). Điều này có nghĩa cả nam và nữ đều mang tính lưỡng tính: người nam có tính nữ và người nữ có tính nam. Dĩ nhiên tỷ lệ nam tính và nữ tính không làm mất đặc tính căn bản của người đó! Một yếu tố khác trong vô thức tập thể là “bóng” (shadow). Jung dùng từ shadow để chỉ bản năng tình dục và bản năng sống xuất phát từ động vật. Nếu Freud nói con người bị chi phối bởi vô thức và dục tính, Jung cũng phần nào đống ý như thế khi coi libido là năng lực phục vụ cho các nhu cầu sinh lý căn bản nhưng chỉ là ở giai đoạn đầu đời mà thôi.

Yếu tố thâu gom mọi thành phần nói trên là bản ngã. Trong cấu trúc nhân cách theo Jung, bản ngã là tổng hợp của ý thức và vô thức để hình thành một cá vị độc nhất. Nếu nói vô thức tập thể là một nguyên mẫu được tặng ban cho con người, bản ngã là nguyên mẫu căn bản nhất. Nơi đó không còn xung khắc, không còn năng lượng thúc đẩy, nhưng đã đạt đến cân bằng và ổn định. Bản ngã đi tìm cá vị hoá và mục đích của đời sống là hiện thực hoá bản ngã. Bước đầu là cá vị hoá bằng việc phân biệt và chân nhận các thành phần của tâm hồn, sau là bước siêu vượt ngang qua việc hội nhất các thành phần này thành một tổng thể hoà hợp.

Con người và nỗ lực hiện thực hoá bản ngã

Jung trình bày tiến trình phát triển nhân cách con người qua tiến trình hiện thực hoá bản ngã, trong đó gồm hai bước: cá vị hoá và thống nhất hoá các thành phần của tâm hồn. Cá vị hoá là việc chân nhận đầy đủ các thành phần của tâm hồn và qua chức năng siêu vượt, con người đi đến thống nhất hoá các thành phần này với nhau để đi đến một sự nhất quán trong nhân cách. Tiến trình định hình nhân cách cũng trải qua các giai đoạn tuổi thơ, trưởng thành và trung niên. Đối với Jung, trung niên được xem là giai đoạn thành toàn của nhân cách khi đạt đến sự thống nhất hoá các thành phần của tâm hồn.

Động lực phát triển nhân cách, theo Jung, cũng phần nào có sự khác biệt so với quan điểm của Freud. Jung cũng cho rằng con người bị chi phối bởi bản năng (shadow) nhưng đây không phải là yếu tố chi phối chính yếu. Libido trong lý thuyết của Jung cũng mang ý nghĩa “nhẹ nhàng” hơn khi ông cho rằng libido chỉ gắn với những nhu cầu căn bản trong thời kỳ đầu phát triển của con người. Khi nhân cách đã đạt được sự thống nhất hoá, libido trở thành động lực của sự sáng tạo để cá nhân theo đuổi những giá trị cao quý khác của con người như triết học hay tôn giáo.

Ngoài ra, một yếu tố khác làm cho lý thuyết của Jung không đặt nặng yếu tố bản năng như đã thấy trong lý thuyết của Freud, đó là yếu tố viễn đích tính. Có thể nói Freud truy về quá khứ để tìm hiểu những vấn đề hiện tại, còn Jung, ngoài việc nhìn lại quá khứ, lại hướng về tương lai với những viễn tượng mà con người cần nhắm tới. Chính yếu tố viễn đích tính giúp Jung nhìn con người với cái nhìn có phần nhân bản hơn khi muốn hướng tới tương lai phía trước và hy vọng nhân cách còn cơ hội để thành toàn.

Như thế có thể thấy một bước chuyển trong trọng tâm của lý thuyết về nhân cách giữa Freud và Jung. Nếu Freud nhấn mạnh vào vô thức và bản năng tính dục trong việc ảnh hưởng đến nhân cách, Jung đề cao khía cạnh chủ động của con người trong việc cá vị hoá và tiến trình tiến tới thành toàn. Nếu Freud coi con người chủ yếu dưới lăng kính “con” thì Jung có cái nhìn “người” hơn. Nếu Freud coi nhân cách con người là tất định và khó thay đổi, Jung lại nhìn được khía cạnh tích cực hơn khi tin rằng con người có thể thay đổi chính mình để trở nên tốt hơn.

Quan điểm của Erikson[3]

Erikson và tâm lý bản ngã

Tiếp nối truyền thống phân tâm học, Erikson chắt lọc những tinh tuý và mở rộng lý thuyết của Freud khi đưa lý thuyết về những chặng phát triển của con người: mô hình biểu sinh. Nhưng trước hết là khởi đi từ quan niệm về con người mà Erikson có cái nhìn khác Freud về nhân cách con người.

Erikson chấp nhận khái niệm bản ngã trong lý thuyết của Freud nhưng ông thêm rằng bản ngã có những thuộc tính và nhu cầu của riêng nó. Bản ngã lúc đầu phục vụ vô thức và các nhu cầu bản năng nhưng theo thời gian, bản ngã phát triển những chức năng của nó và đưa ra những điều chỉnh cho chủ thể. Ví dụ bản ngã chi phối việc một người tổ chức đời sống của mình theo những hoàn cảnh và biến chuyển của xã hội.  Erikson nhấn mạnh vai trò của bản ngã trong việc điều chỉnh và phát triển nhân cách và coi bản ngã như là nguồn của sự tự thức và căn tính.

Như thế, đối với Erikson, bản ngã có chức năng điều phối và phát triển nhân cách. Đồng thời, bản ngã không bị chi phối bởi thuyết tất định nhưng phát triển ngang qua các giai đoạn của đời sống con người. Erikson khẳng định rằng bản ngã tiếp tục hình thành những đặc tính mới khi chủ thể ở vào những hoàn cảnh sống mới.

Mô hình biểu sinh

Trở lại với mô hình biểu sinh của Erikson, ông cho rằng con người trải qua tám chặng phát triển trong đó bản ngã trải qua những giai đoạn và hoàn cảnh khác nhau để hình thành nhân cách. Mỗi chặng có một nhiệm vụ phát triển một nhân đức tâm lý đặc trưng cho chặng đó. Có thể nói mỗi nhân đức như là chiếu chìa khoá mở cánh cửa của chặng tiếp theo. Nếu một nhân đức được lĩnh hội cách phù hợp sẽ là tiền đề thuận lợi để tiếp tục tốt đẹp chặng tiếp theo. Vì vậy sẽ không thực sự khôn ngoan nếu thực hiện việc đốt cháy giai đoạn hay quá chậm trễ trong việc tiến tới giai đoạn kế tiếp.

Bước ngoặc của mỗi chặng là sự khủng hoảng – thời gian quyết định của mỗi chặng khi chủ thể phải thực hiện lựa chọn hoặc là tiến tới hay thoái lui, hội nhập hay trì trệ. Nếu chọn lựa đúng đắn, bản ngã trải qua một cuộc thích ứng và hình thành nơi bản thân một nhân đức như là một thành công của chặng đó. Cứ như thế cho cả 8 chặng, từ sơ sinh cho đến khi chết, nếu các khủng hoảng được giải quyết thành công, chủ thể sở đắc các nhân đức, bản ngã được củng cố và thích ứng tạo nên nhân cách phù hợp và triển nở đối với mỗi môi trường sống.

So sánh với lý thuyết của Jung, lý thuyết của Erikson đã tiến xa hơn một bước trong tiến trình hiện thực hoá bản ngã. Trong tiến trình đó, Jung chỉ dừng lại ở việc hội nhất các thành phần tâm trí hầu chủ thể có thể đạt đến một sự quân bình cần thiết trong nhân cách. Erikson cụ thể hoá tiến trình này qua các chặng phát triển nhân cách. Qua đó, vạch ra đường hướng và nhiệm vụ cụ thể cho mỗi chặng cũng như những hướng dẫn về các khủng hoảng và cách thức vượt qua.

Lý thuyến bản ngã của Erikson, so với lý thuyết của Freud, đã có phần khác biệt quan trọng. Nếu Freud tin rằng bản năng và vô thức chi phối bản ngã, Erikson nhấn mạnh vị trí độc lập của bản ngã và khả năng tiếp tục phát triển của bản ngã cho đến giai đoạn trưởng thành. Yếu tố môi trường và chủ thể tính không có chỗ đáng kể trong phân tâm học của Freud, ngược lại, Erikson coi môi trường và sự chủ động của bản ngã trong việc vượt qua khủng hoảng để thích ứng với môi trường là những thành công có ích lợi trong việc hình thành nhân cách. Frued đặt nặng vai trò và ảnh hưởng của libido tới nhân cách còn Erikson dường như không đề cập đến yếu tố này tuy ông cũng chấp nhận bản năng có ảnh hưởng ít nhiều đến giai đoạn đầu đời. Freud khái quát sự phát triển con người theo 5 chặng dựa trên những năng động tính dục, Erikson đưa ra tiến trình 8 chặng phát triển và nêu lên những chỉ dẫn cho sự phát triển lành mạnh của mỗi chặng.

Quan điểm của Fromm[4]

Con người – hữu thể của “sự chia cắt”

Đối với Fromm, hiện hữu con người gắn liền với “sự chia cắt” và cuộc đời con người là một chuỗi những chia ly. Quả vậy, được sinh ra cũng đồng nghĩa với việc chịu sự tách lìa khỏi lòng mẹ. Đi học là rời khỏi nhà để đến trường. Và hoà vào cuộc sống là từ bỏ gia đình và chính mình để “tan” vào một cái gì đó rộng lớn hơn. Cuối cùng là chính sự chia tay với cõi đời ngang qua cái chết. Cái nhìn về con người như thế có vẻ bi quan nhưng thực ra, đằng sau sự chia cắt mới là những điều Fromm nghĩ về con người.

Sự chia cắt điều kiện hoá tình trạng con người và làm phát sinh 5 nhu cầu căn bản. Fromm cho rằng con người không dừng lại ở những nhu cầu căn bản theo quan điểm của Freud nhưng vượt xa tới những nhu cầu cao cấp hơn, những nhu cầu mà Fromm cho là thuộc về con người để rồi tìm kiếm nhu cầu cũng là lúc con người tìm câu trả lời cho hiện hữu của mình. Theo đó, con người có nhu cầu tương quan, sáng tạo, cảm thức thuộc về, cảm thức căn tính và một khung quy chiếu để hiểu thế giới. Tuy nhiên, ở mỗi nhu cầu, Fromm cũng khuyến cáo về những nguy hại mà nếu không khéo con người sẽ rơi vào thái cực tiêu cực trong khi tìm thoả mãn nhu cầu của mình.

Tự do và tâm lý xã hội theo Fromm

Trong lý thuyết của Fromm, khái niệm tự do là yếu tố nền tảng để ông xây dựng lý thuyết về tâm lý xã hội và tìm hiểu nhân cách con người sinh trưởng trong môi trường gia đình và xã hội đó. Theo Fromm, tự do là điều khó đạt được nên con người, khi có thể, thường chạy trốn tự do. Cũng nên nói thêm là tự do ở đây cần hiểu theo nghĩa tự do cá nhân trong suy nghĩ và hành xử dưới tác động của tình trạng tâm lý. Fromm nhận định rằng con người, được sinh trưởng trong những kiểu gia đình khác nhau nên có những tính cách khác nhau và vì thế cách hành xử cũng khác nhau. Vấn đề là không phải gia đình nào cũng là môi trường sống tốt nên con cái bị ảnh hưởng và nhân cách cũng được định hình từ những hoàn cảnh đầy những khiếm khuyết đó. Chính vì thế mà Fromm nói không phải ai cũng thực sự tự do trong cách hành xử của mình.

Khi con người chạy trốn tự do, họ sẽ hoà mình vào ba hình thức khác nhau: chủ nghĩa độc đoán, tính phá huỷ và chủ nghĩa xu thời. Dù ở hình thức nào đi nữa, người đó cũng đang trong tình trạng mất tự do và sẽ không có được cách hành xử phù hợp.

Fromm cho rằng kiểu gia đình có liên hệ đặc biệt với các cách thức chạy trốn tự do. Nếu tương quan gia đình mang tính cộng sinh, con cái phụ thuộc cha mẹ (hay ngược lại), một trong hai thành phần bị thao túng và mất tự do phát triển nhân cách đúng hướng. Nếu tương quan gia đình theo kiểu cô lập, cha mẹ quá khắt khe hay quá dễ dãi, con cái cũng bị thao túng hoặc mất định hướng và kết quả là nhân cách cũng không phát triển đúng hướng. Chỉ có kiểu gia đình đặt nền trên tương quan yêu thương và tự do thực sự, con cái mới có cơ hội phát triển nhân cách phù hợp và triển nở.

Từ đó, Fromm đưa ra 5 loại tính cách tương ứng với các đặc tính tương quan gia đình: loại người thụ nhận, loại người lợi dụng, loại người thu vén, loại người thực dụng, loại người triển nở.

Như thế, Fromm tìm hiểu con người từ môi trường gia đình và chất lượng các mối tương quan trong gia đình. Coi tự do là yếu tố nền tảng và yêu thương là điều tiên quyết để một nhân cách phát triển đúng đắn. Phân tâm học, trong lý thuyết của Fromm, không đơn thuần là việc tìm hiểu con người ở những khía cạnh sinh lý hay phân tâm cổ điển mà tiến tới việc nhìn con người theo lăng kính hiện sinh và nhân bản. Rõ ràng đã có sự chuyển hướng trọng tâm của cái nhìn về con người. Nếu phân tâm học cổ điển chú trọng tìm hiểu con người dưới quan điểm phân tích và mổ xẻ tâm thức, cái nhìn hiện sinh về con người đi tìm hiểu hiện hữu của con người trong những bối cảnh đặc thù để từ đó hiểu con người hơn. Con người trong quan điểm hiện sinh dường như thoát khỏi sự “ràng buộc” của cơ chế sinh lý, thay vào đó là những phân tích về tâm tư tình cảm và sự cảm thông cho những nhân cách bị khiếm khuyết. Chính trong bối cảnh đó mà Fromm đề cao giá trị của tình yêu và tự do trong việc hình thành nhân cách. Ông cũng ước vọng về một xã hội nơi đó con người bình đẳng, tự do và hết lòng quan tâm đến nhau. Khi đó con người không còn là những thực thể bị tất định trong sự chi phối của bản năng nhưng là những chủ thể sở đắc những nhân cách triển nở và chân thành.

Phê bình phân tâm học

Dưới quan điểm khoa học

Khoa học đặt vấn đề với phân tâm học về khía cạnh khoa học của các lý thuyết phân tâm. Cụ thể là ở tính chính xác và có thể kiểm chứng của các kết luận về tâm trí con người. Phân tâm học thường bị lên án ở khía cạnh đã nhìn con người như những thực thể động vật thuần tuý. Coi yếu tố bản năng, vô thức và năng động tính dục chi phối con người và xem nhẹ yếu tố chủ thể và tự do. Trong khi đó những yếu tố như vô thức, bản năng rất khó kiểm chứng hay đo đạc bằng phương pháp thực nghiệm của khoa học. Phương pháp chính yếu của phân tâm học lại dựa trên những trường hợp cá nhân riêng lẻ và đối tượng nghiên cứu lại là những kinh nghiệm gắn với những hoàn cảnh đặc thù.

Cụ thể, lý thuyết của Freud và của Jung bị đặt vấn đề bởi khoa học về vấn đề phương pháp nghiên cứu. Khoa học cho rằng lý thuyết của Freud khó kiểm chứng vì những yếu tố vô thức, bản năng và năng lực dục tính rất khó đo đạc hay đánh giá bằng phương pháp thực nghiệm. Hơn nữa, lý thuyết của Freud chủ yếu tìm về những biến cố ở quá khứ và như thế là phán đoán về những gì đã xảy ra. Như thế thì dễ hơn là phán đoán về những gì chưa xảy ra.[5]

Trong lý thuyết của Jung, vấn đề bị phê phán là tính huyền nhiệm trong kết luận về sự trùng phùng. Jung nói về vô thức tập thể và coi sự trùng phùng có nền tảng từ Atman, cái nền tảng ngầm của con người. Về điều này chẳng thể đưa ra một chứng cứ khoa học nào.

Biện minh cho phân tâm học

Cho dù phân tâm học chịu những phê phán bởi những tiêu chuẩn khoa học, thiết nghĩ rằng phê bình phân tâm học cũng là lúc đặt lại vấn đề nên hiểu phân tâm học như thế nào và từ những đóng góp của ngành học này liệu có cần một cái nhìn quân bình hơn cho phân tâm học.

Mục đích của phân tâm học là đi tìm hiểu tâm trí con người và qua đó hiểu hơn về cách hành xử hay nhân cách hiện tại của con người. Như thế, thật khó để có một dụng cụ khoa học nào đảm nhận được chức năng đo đạc tâm trí con người theo những số liệu chính xác. Lý do thật đơn giản là tâm trí quá phức tạp và con người là một thực thể sống trong những hoàn cảnh nhất định nên sẽ chẳng có một tiêu chí đồng nhất cho mọi người. Như thế nếu quá khắt khe với phân tâm học ở chỗ đòi hỏi những số liệu và phương pháp khoa học thực nghiệm, phân tâm học sẽ mất đi tính chất căn bản là phân tích tâm trí con người mà trở thành ngành khoa học đo đạc những biến đổi sinh vật lý của tâm trí mà thôi.

Trở lại với lịch sử phân tâm học, có thể thấy cho đến khi Freud đưa ra lý thuyết của mình, chưa có nhà tâm lý học nào tiếp cận tâm trí con người và đưa ra cách thức trị liệu các chứng rối loạn tâm lý hiệu quả như ông. Có thể cái nhìn của Freud hơi tập trung vào năng lực dục tính trong việc khái quát nhân cách con người, nhưng những đóng góp mang tính mở đường của ông trong khái niệm vô thức, bản năng và libido đã khai sáng rất nhiều trong việc giúp con người hiểu chính bản thân mình. Hơn nữa, suốt chiều dài lịch sử của ngành phân tâm học, những khiếm khuyết của những người đi trước được dần khắc phục bởi những người kế cận. Nếu Freud chỉ khai thác khía cạnh sinh vật nơi con người thể hiện qua khả năng dục tính thì Jung hướng đến những mục đích cao đẹp hơn đối với loại năng lực này. Nếu Freud coi con người bị tất định bởi vô thức và bản năng, Jung lại cho rằng con người cũng có phần chủ động và nhân cách có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Erikson tiến hơn một bước nữa trong việc giúp con người định hình nhân cách bằng cách chỉ ra những giai đoạn và nhiệm vụ cụ thể cũng như những hướng dẫn mang tính định hướng. Đến lượt Fromm, ông khoác cho phân tâm học một diện mạo mới khởi đi từ những thúc bách và nhu cầu của môi trường sống đặc thù. Khái niệm tự do chi phối toàn bộ lý thuyết của Fromm và kinh nghiệm chia cắt là điểm khởi xuất cho hành trình tìm kiếm tự do.

Có thể thấy lịch sử phân tâm học trải qua những chuyển biến và chắt lọc không ngừng, mục đích không gì khác là để hiểu con người hầu phục vụ con người hữu hiệu hơn. Có lẽ chính vì thế mà phân tâm học tiến từ một ngành học tìm phân tích tâm trí đơn thuần khoa học đến việc quan niệm con người như những hữu thể hiện sinh. Những hiện hữu gắn liền với những giá trị nhân văn cao cả và luôn hướng đến những gì tốt đẹp cho nhân loại. Trong cái nhìn này, ta có thể hiểu hơn về Fromm khi lý thuyết của ông không chỉ đơn thuần thuộc về phân tâm học. Từ kinh nghiệm cá nhân, Fromm khái quát thành lý thuyết nhân cách về những trăn trở và khắc khoải của kinh nghiệm chia cắt. Để từ đó, giúp con người hiểu hơn thế nào là tự do đích thực và để có tự do như thế, con người cần được nuôi dưỡng và phát triển như thế nào. Cái nhìn hiện sinh về con người không biến lý thuyết của ông thành tâm lý hiện sinh nhưng đi phân tích tâm trí con người dưới lăng kính hiện sinh. Đi tìm một phương thức trị liệu nhấn mạnh đến tương qua yêu thương và tôn trọng tự do của nhau. Qua đó đồng cảm và trân trọng những giá trị đạo đức, tinh thần cũng như biết cảm thông hơn trước những khiếm khuyết trong nhân cách con người.

Nếu nói mỗi lý thuyết tâm lý là kết quả “tâm bệnh” của mỗi tâm lý gia, kết quả từ việc người đó thực sự trải qua những chứng bệnh tâm lý và sau đó rút ra bài học cho mình, thì không thể tham vọng một lý thuyết hoàn hảo và phổ quát. Vì thế, mỗi nhà tâm lý chỉ có thể tìm hiểu một khía cạnh của tâm trí con người. Hiểu như thế để thấy phân tâm học cũng đã nỗ lực tìm kiếm và phát triển hầu đem lại lợi ích lớn nhất cho con người.

Phân tâm học, với những khám phá về phương pháp trị liệu tâm thần và lý thuyết tìm hiểu nhân cách con người, mở ra một hướng đi mới trong việc tìm hiểu con người, đặc biệt ở khía cạnh tâm trí. Freud như là người mở đường với lý thuyết phân tâm học cổ điển. Người tiên phong bao giờ cũng là người chịu nhiều áp lực và phê bình. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, Freud và lý thuyết của ông vẫn còn được nhắc tới và áp dụng để tìm hiểu nhân cách và trị liệu tâm bệnh con người.

Lịch sử phân tâm học cho thấy những thay đổi và tiến bộ không ngừng của lý thuyết phân tâm học. Những người nối tiếp Freud đã bổ túc và phát triển lý thuyết ban đầu của ông để có được cái nhìn đầy đủ hơn các phương diện của tâm trí con người. Nếu nói phân tâm học cũng là một ngành khoa học thì đồng nghĩa với việc chấp nhận những khiếm khuyết và bất toàn của nó. Nói cách khác, chẳng có khoa học nào tuyệt đối, vì vậy phân tâm học cũng phần nào lột tả tâm trí con người mà thôi.

Con người, có thể thật mong manh nếu nhìn dưới khía cạnh sinh học hay tâm thần, vẫn hội tụ những điều phức tạp và thiêng liêng không dễ để có thể tìm hiểu rạch ròi. Những giới hạn của khoa học, trong đó có phân tâm học, trong việc tìm hiểu con người không hẳn là những thất bại, đúng hơn điều đó trả lại cho con người sự cao cả vốn có của họ và khoa học cũng là để phục vụ cho con người mà thôi.

Nguyễn Mai Kha S.J.

 

 

Thư Mục

  • LIMINGCO, Delia and TRIA,Geraldine, Personality, Quezon City, the Philippines, Ken Inc. 1999.
  • Dr. BOEREE, C. George, Theories of Personality, Shippenburg, USA, Shippenburg University, 2005.

HERGENHAHN, B. R., Nhập Môn Lịch Sử Tâm Lý Học, Hà Nội, NXB Thống Kê, 2003, Ch. X


[1] x. Delia LIMINGCO and Geraldine TRIA, Personality, Quezon City, the Philippines, Ken Inc. 1999, tr. 17-27. Và Dr. C. George BOEREE, Theories of Personality,Shippenburg,USA,ShippenburgUniversity, 2005, tr. 22-55.

[2] x. Goerge BOEREE, op. cit., tr. 60-88.

[3] x. Delia LIMPINGCO and Geraldine TRIA, op. cit., tr. 41-47.

[4] ibid., tr. 64-67.

[5] x. B. R. HERGENHAHN, Nhập Môn Lịch Sử Tâm Lý Học, Hà Nội, NXB Thống Kê, 2003, tr. 591-592

Kiểm tra tương tự

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Vẻ đẹp của lời cầu nguyện

“Cầu nguyện là thiết lập tình bạn với Chúa, bằng cách thường xuyên trò chuyện …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *