Tâm sự với cha I-nhã


4 – Hành Hương và Trở Về Đi Học (1523-1524)

Tôi ngạc nhiên:  “Đi học ở Paris?  Chẳng phải cha đã muốn ở lại Đất Thánh sao?  Chuyện gì đã xảy ra?” 

Cha I-nhã cười:  “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.  Ý con người sao qua khỏi ý Trời.  Khi khoẻ lại một chút, đầu năm sau (1523) cha lên đường đi tới Barcelona.  Đây là thời gian thuận tiện để đáp tàu từ Barcelona sang Ý, xin phép Đức Thánh Cha tại Roma, rồi phải đến Venezia vào mùa hè để đáp tàu hành hương đi Giêrusalem.  Mặc dù một số người đã tình nguyện đi với cha cho có bạn, nhưng cha quyết định đi một mình vì cha muốn thử tập ba nhân đức tin, cậy và mến.  Nếu có bạn đồng hành, khi đói sẽ nhờ người đó giúp đỡ, lúc ngã sẽ nhờ người đó nâng lên.  Và như thế, cha sẽ tin cậy và thương mến người đó, trong khi cha chỉ muốn tin cậy và yêu mến vào một mình Chúa mà thôi.  Qua nhiều thử thách cha cũng đến được Đất Thánh.

Sau khi thăm viếng một vài di tích thánh, cha tính ở lại Giêrusalem để giúp đỡ các linh hồn.  Cha đã đem theo sẵn vài lá thư giới thiệu với các cha bề trên dòng Phanxicô là quản thủ các di tích ở thánh địa.  Nhưng các cha ở đó không muốn cha ở lại vì sợ gánh nặng.  Cha nhất định không làm phiền họ, nhưng nại lý do an ninh, các cha Phanxicô yêu cầu cha chuẩn bị lên tàu đi về với nhóm hành hương.  Cha trả lời rằng cha đã quyết chí rồi và sẽ không thay đổi ý kiến vì bất cứ lý do gì.  Nghe vậy, cha giám tỉnh dòng Phanxicô cho biết người được quyền toà thánh ra lệnh trục xuất và rút phép thông công những ai không vâng lời.  Biết rằng không thể được, cha đành phải vâng lời.

Trên tàu về Venezia, sau khi thấy rõ ý Chúa không muốn cho cha ở lại Giêrusalem, cha luôn luôn cầm trí suy nghĩ phải làm gì bây giờ, và cha thấy hướng về việc đi học một thời gian để “giúp đỡ các linh hồn.”

Tôi hỏi dò: “Lúc đó chắc cha thất vọng lắm nhỉ?” 

Cha I-nhã trầm ngâm: “Thật sự lúc đầu cha cũng cảm thấy bị hụt hẫng.  Trước khi đi Giêrusalem, cha lưỡng lự chưa biết sau đó khi hành hương nên vào một tu viện hay sống như một ẩn sĩ.  Nhưng từ lúc trở về, cha bỏ cả hai ý định ấy, và dứt khoát hiến thân cho việc tông đồ. Lúc ở Manresa, cha cảm thấy được thôi thúc “giúp đỡ các linh hồn.”  Nhưng giúp như thế nào, thì cha cũng không rõ, bấy giờ thì thấy đi học thì có thể trang bị thêm kiến thức để giúp các linh hồn nhiều hơn.

Thế là cha quyết định trở về Barcelona để đi học lại.  Trước hết phải bắt đầu học lại La tinh, thứ ngôn ngữ của dân có học.  Cha trình bày ý muốn đi học với mấy người quen và một thày giáo tiểu học.  Họ đều ủng hộ cha.  Thầy giáo Ardevol tình nguyện dạy không công cho cha, còn cô Isabel tình nguyện kiếm phương tiện sống cho cha.

Ba mươi mấy tuổi đầu ngồi ê a chia động từ La tinh như các cậu học trò nhỏ, không phải là chuyện dễ dàng.  Đôi lúc cha cảm thấy đi phục vụ người nghèo dễ hơn.  Nhưng điều quan trọng là tìm ý của Chúa chứ không chiều theo sở thích của mình.  Trong hai năm cha cố gắng học rất chăm chỉ. Tuy nhiên, có một vấn đề gây khó khăn cho cha: mỗi lần cha bắt đầu cố gắng học thuộc lòng một bài nào, thì lại có những tư tưởng mới về đời sống thiêng liêng và những tư tưởng này làm cho cha thích thú đến độ không thể nào học thuộc bài được. Cha cố gắng xua đuổi tư tưởng đó mà không được.  Dần dần cha hiểu rằng đó là do ma quỷ cám dỗ.  Sau khi cầu nguyện, cha đến gặp thầy giáo và trình bày với thầy kinh nghiệm nội tâm của cha với đầy đủ chi tiết và giải thích lý do tại sao cha rất chậm tiến trong việc học hành. Rồi cha hứa với thầy giáo sẽ không bao giờ bỏ học với thầy.  Sau khi cương quyết hứa như vậy, cha không bao giờ còn bị cám dỗ nữa.

Học xong hai năm, thầy giáo nói bây giờ cha có thể theo lớp trung học được và nên đi học tại Alcalá.  Lúc đó, cha thấy học được gì thì học ngay.   Cha học một lúc luận lý học, vạn vật học, và thần học đại cương, toàn những môn khó.  Cha chưa có chương trình lâu dài để học đến nơi đến chốn, mà chỉ muốn học tắt một số điều để có thể dạy giáo lý và hướng dẫn linh thao.”

Tôi hỏi: “Vậy là cha đã bắt đầu hướng dẫn linh thao từ Alcalá.  Chưa học triết học và thần học, cha có gặp rắc rối nào với giáo quyền không?” 

Người gật đầu:  “Đúng thế, ở tại Alcalá, qua việc hướng dẫn linh thao và dạy giáo lý, cha gặt được nhiều hoa trái thiêng liêng và Danh Chúa vì thế được cả sáng.  Có nhiều người tiến khá xa trong đời sống thiêng liêng và trở nên sốt sắng.  Nhiều người khác lại bị thử thách, mỗi người mỗi khác.  Thiên hạ khắp vùng đồn đãi rất nhiều về cha.  Những tiếng đồn đó đến tai Toà Án Tôn Giáo tại Tolédo.  Khi các thanh tra đến tới Alcalá điều tra, vì không tìm được gì sai lầm trong giáo lý và lối sống, nên cha và các bạn sinh viên được phép tiếp tục làm việc không ai làm khó dễ. Tuy nhiên vì không phải là tu sĩ nên không ai được mặc đồng phục.  Bốn tháng sau lại họ mở cuộc điều tra. Tuy nhiên lần đó họ không làm khó dễ nhóm của cha, không đòi ra toà và không nói năng gì cả sau khi vụ án chấm dứt.  Mấy tháng sau, cha lại bị tống giam vì có hai mẹ con thuộc hàng quý tộc đã âm thầm đi hành hương và xin ăn trên đường.  Việc này đã gây xôn xao ở Alcalá.  Người ta cho rằng cha đã thổi cho họ ý tưởng đó, nên cho bắt cha.  Sau đó hơn một tháng thì, hai phụ nữ trở về, viên kiểm sát tới nhà giam đọc bản án rằng: ‘Không được giảng dạy đức tin cho đến khi học hành đủ trong thời gian bốn năm, vì xét thấy chưa đủ kiến thức.’ Bản án khiến cha phân vân không biết phải làm gì.  Người ta vô cớ ngăn cản không cho cha giúp các linh hồn chỉ vì chưa học hành đầy đủ.

Cha và nhóm bạn quyết định đi Salamanca để tiếp tục theo đuổi việc học.  Tại Salamanca, cha đã nhờ một linh mục Dòng Ða-Minh ở tu viện San Esteban làm linh hướng.  Mới ở được hai tuần, cha và một bạn sinh viên được mời đến dùng cơm trưa tại tu viện.  Dùng cơm xong, cha tu viện phó hỏi han cha về những điều cha giảng dạy.  Cha thưa:  ‘Có khi chúng con nói về nhân đức này hoặc nhân đức khác và khuyến khích người ta theo; có khi lại nói về các thói xấu khác nhau và lên án.’ Cha tu viện phó hỏi tiếp:  ‘Các anh không có học, mà lại nói về các nhân đức và các thói xấu à. Người ta chỉ có thể nói về các đề tài đó hoặc vì đã học hoặc vì Chúa Thánh Thần soi sáng. Nhưng các anh không có học nên chỉ nói vì có Chúa Thánh Thần soi sáng. Vậy chúng tôi muốn biết Chúa Thánh Thần đã soi sáng những gì?’ Nghe vậy, cha bắt đầu dè dặt vì nhận thấy cách lý luận đó có gì không ổn.  Im lặng một lúc, cha nói với họ cha không muốn bàn thêm về vấn đề đó nữa.  Thấy rằng không thể bắt cha nói thêm điều gì, cha tu viện phó kết luận: ‘Ðược, đã vậy thì cứ việc ở lại đây. Chúng tôi sẽ tìm cách bắt các anh khai hết.’

Ba ngày sau, cha và người bạn bị đưa đến nhà giam.  Cả hai bị nhốt riêng và bị xiềng chung bằng một cái xích, mỗi người bị buộc một chân, và cái xích bị buộc quanh cái cột ở giữa phòng.  Các bạn của cha cũng bị bắt.  Họ tra vấn cha về linh thao, và cha đưa cho họ tất cả tập vở để họ xem xét.  Vài ngày sau, cha bị điệu đến trước mặt bốn thẩm phán.  Cả bốn người xem xét bản Linh Thao và dò hỏi nhiều câu, không những về Linh Thao mà còn cả về những vấn đề thần học nữa. Thí dụ về Thiên Chúa Ba Ngôi và về phép Thánh Thể, để xem cha hiểu biết như thế nào.  Cha trả lời rành mạch mọi điều đến độ các thẩm phán không thấy có điều chi đáng trách.  Họ muốn biết làm sao cha cắt nghĩa lúc nào một hành vi xấu bị coi là tội trọng hay tội nhẹ. Sau ba tuần, họ ra phán quyết như sau:  Trong lối sống cũng như trong giáo lý của nhóm cha, các thẩm phán không tìm thấy lỗi lầm nào. Vậy nhóm cha được tiếp tục dạy giáo lý và nói về Chúa như trước, với điều kiện là không bao giờ được quả quyết: ‘Ðây là tội trọng, đây là tội nhẹ’ cho tới khi học xong bốn năm thần học.

Ngay lúc rời khỏi nhà giam, cha bắt đầu suy nghĩ và cầu xin Chúa chỉ cách giải quyết vấn đề.  Ở lại Salamanca thì cha sẽ gặp khó khăn: muốn giúp đỡ các linh hồn thì gặp trở ngại vì lệnh không cho quyết định đâu là tội trọng đâu là tội nhẹ.  Do đó cha quyết định đi Paris học.  Ở Salamanca và Barcelona, nhiều người người quen tìm cách thuyết phục cha đừng đi sang Pháp vì chiến tranh đang diễn ra tại đó.  Nhưng cha không hề cảm thấy sợ sệt.”

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *