Tâm tư người lính của vua Hêrôđê

Tôi rất tự hào khi được nằm trong nhóm lính đặc vụ của nhà vua. Và niềm tự hào càng lớn lao hơn mỗi khi mọi nhiệm vụ được hoàn thành xuất sắc. Thế nhưng, có lần tôi nhận được một mệnh lệnh và khi hoàn thành, tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào! Có lúc tôi trộm nghĩ: “Giá mà tôi đã chẳng là một người lính.” Bởi lẽ, khi là người lính, bổn phận của tôi là thực thi mệnh lệnh được trao. Nhưng phải chăng cứ dùng hết khả năng để chu toàn bổn phận được trao, đó là điều đúng đắn và tốt đẹp?

Thường khi làm việc tốt, tôi thấy thanh thản mỗi khi đối diện với lòng mình. Thế nhưng, mỗi khi nhớ lại nhiệm vụ ấy, tôi luôn thấy bất an. Không biết ma xui quỉ khiến thế nào mà đức vua trao cho tôi nhiệm vụ ghê sợ này: Nội trong một ngày phải giết tất cả các con trẻ ở Belem. Tôi không nghĩ mình sẽ thực thi nhiệm vụ đó, nhưng tôi đã…

Đôi lúc nhớ lại, tôi thấy mình không khác một quái thú … nhưng tôi đâu phải quái thú! Quái thú giết chóc để thỏa mãn bản năng; còn tôi, tôi đâu có làm điều đó vì mong thỏa mãn bản năng. Tôi đã chẳng sát hại những trẻ thơ ấy vì tôi lấy đó làm niềm vui, cũng chẳng vì tôi muốn chúng phải chết. Tôi chỉ làm điều mà mọi người lính phải làm: thi hành mệnh lệnh cấp trên. Liệu còn cách nào khác chăng? Có thể sẽ khác đi nếu tôi không là một người lính. Thế nên, tôi đã nhiều lần thầm ước rằng tôi đã chẳng là một người lính!

Nếu không là người lính, tôi đã chẳng phải nhận và thi hành nhiệm vụ ấy. Và tôi đã chẳng phải bất an dằn vặt. Khốn thay, tôi đã là một người lính, một người lính được trọng dụng. Và tôi đã thi hành nhiệm vụ được trao ấy! Thế nhưng, tôi có thể không là một người lính chăng? Gia đình tôi sẽ ra sao nếu người duy nhất có thể đảm đương gánh nặng tài chính lại thất nghiệp? Mẹ già, vợ yếu và con thơ lấy gì trang trải cho cuộc sống thường ngày?

Hơn nữa, tôi đâu phải người toan tính điều kinh khủng đó. Tôi chỉ thi hành mệnh lệnh được trao. Chắc hẳn người ra lệnh phải là người nhận trách nhiệm về hậu quả từ mệnh lệnh họ đưa ra; còn kẻ thừa hành như tôi chỉ phải lãnh trách nhiệm về sự hoàn thành hay bất thành của việc thực thi nhiệm vụ ấy. Hoàn thành nhiệm vụ là bổn phận của tôi, một người lính.

Sẽ ra sao nếu tôi không thi hành nhiệm vụ đó? Tôi có thể mất chức, thậm chí mất mạng. Khi đó ai sẽ lo cho gia đình tôi? Những sinh linh kia đáng thương, nhưng gia đình tôi cũng đáng thương đâu kém. Đó là máu mủ ruột thịt của tôi, nếu tôi không lo, ai sẽ lo! Những sinh linh kia đáng thương, nhưng có liên hệ ruột thịt gì với tôi. Tôi phải lãnh trách nhiệm chăm lo cho chúng sao? Tôi chỉ làm điều tôi phải làm! Tôi chỉ làm điều tôi thấy là tốt đẹp cho gia đình tôi…

Điều tôi đã làm đó có thực sự tốt cho tôi và gia đình? Sau những ngày ấy, tôi cảm nhận một bầu khí khác lạ nơi gia đình. Mẹ già, tuy không nói, nhưng khổ tâm vì đứa con mình khổ công sinh thành và dưỡng dục cho nên người, đã chẳng thực sự có lương tri của một con người lương thiện; vợ tôi bất an, con tôi hãi sợ vì phải sống bên một con người đang tâm sát hại những sinh linh bé bỏng vô tội. Biết bao tình yêu và sự chăm sóc của tôi cho gia đình cũng không thể xóa tan nỗi niềm ấy. Sự bất an luôn quẩn quanh trong gia đình, hạnh phúc có chăng chỉ là lớp vỏ bọc.

Giả như gia đình tôi đồng lòng với việc tôi đã làm đó, gia đình tôi có hạnh phúc chăng? Một gia đình mà mọi người đồng lòng với việc giết hại những sinh linh bé bỏng vô tội, gia đình ấy có tình người, có sự cảm thông, có lòng xót thương? Gia đình như thế có hạnh phúc chăng? Gia đình như thế có thể thư thái bình an sống giữa cộng đồng, xã hội chăng?

Nếu một gia đình như thế có thể sống vui vẻ thảnh thơi giữa xã hội, trước pháp luật, thì liệu rằng một xã hội đồng tình với thái độ và hành động ấy, một luật pháp làm ngơ trước việc bảo vệ con người và sự sống, xã hội ấy có là nơi con người tìm được sức sống, bình an, hạnh phúc? Pháp luật ấy có bảo vệ con người, thăng tiến công bằng xã hội?

Khi tôi có quyền có lực, tôi có thể làm mọi điều tôi thích bất kể điều ấy ảnh hưởng ra sao đối với người khác chăng? Khi tôi không muốn điều xấu cho tôi và người thân, tôi lại có thể làm điều xấu cho người khác và gia đình họ sao? Khi tôi luôn muốn điều tốt cho mình và người thân yêu, tôi lại có thể tước khỏi người khác quyền mong muốn điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình họ sao?

Có chăng một cơ hội để tôi có thể làm lại chọn lựa của mình? Giá như tôi đã làm khác đi thay vì thực thi mệnh lệnh kinh khủng đó! Tôi có thể làm gì hơn đây? Ai có thể giúp tôi?

Xã hội ngày nay vẫn còn đó biết bao những tâm tư của những người lính vua Hêrôđê nào đó. Họ có thể là một người dân, một doanh nhân, một bác sĩ, một kĩ sư, một nhà giáo,… Chọn lựa của họ có thể là sản xuất ra những nông-lâm-ngư sản gây hại cho sức khỏe người tiêu dung thay vì mang lại lợi dưỡng; có thể là kinh doanh thiếu lành mạnh thay vì lành mạnh; có thể là hủy diệt sự sống thay vì chăm sóc bảo vệ; có thể là nhồi sọ, đầu độc tâm trí thay vì khai mở tri thức, huấn luyện nhân bản;…

Phải làm sao để có thể có được những chọn lựa đúng đắn, thực sự đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình? Có cách nào để không còn những người nặng trĩu tâm tư, áy náy bất an mỗi khi nhìn lại điều mình đã và đang làm, mỗi khi đối diện với chính mình, với người thân và với nhân loại?

Vinh Sơn Phạm Văn Đoàn SJ

Kiểm tra tương tự

“Có làm mưa làm gió”

  “Có làm mưa làm gió, rồi cũng nằm đó mà thôi…” Một ông lão …

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *