Tân Phúc âm hóa gia đình tôi

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn Năm 2014 làm Năm “Tân Phúc âm hóa đời sống gia đình”, vậy đâu là gương mẫu gia đình cho chúng ta noi theo? Và tôi phải làm gì để thực sự “Phúc âm hóa” gia đình tôi?

Chắc chắn rằng không có gương mẫu nào tuyệt hảo hơn cho gia đình ngoài Thánh Gia. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse rất hòa hợp với nhau về mọi việc. Tư tưởng của các Ngài phát xuất cùng một nguồn: nguồn chân thật, khôn ngoan, công chính. Thiên Chúa là ánh sáng và là kim chỉ nam của các Ngài. Hạnh phúc cho gia đình nào biết noi gương tinh thần Thánh gia. Ảnh hưởng lòng đạo đức sẽ làm giảm đi các bất đồng ý kiến về những vấn đề thông thường. Nhưng nếu chẳng may các phần tử trong gia đình lại không đồng quan điểm về chính đời sống đạo đức, thì bầu không khí hợp nhất và hòa thuận sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây chính là đề tài quan trọng đáng suy nghĩ cho những ai muốn lập gia đình, hay người có trách nhiệm cố vấn và điều khiển gia đình. Đây cũng chính là vấn đề bậc phụ huynh phải lưu ý nếu muốn dưỡng dục con cái sống theo lý tưởng Kitô giáo là luôn giúp chúng sống trong bầu khí đức tin.

Gia đình hợp nhất là một điều tốt đẹp và quí giá vô cùng. Hạnh phúc và danh dự của mỗi phần tử trong gia đình đều lệ thuộc vào đó. Vả lại, thiếu hợp nhất, đời sống đạo đức sẽ tổn hại rất lớn.

Xã hội gồm các cá nhân tụ lại do những liên hệ tự nhiên được điều hành bởi một phẩm trật. Gia đình cũng là một xã hội và là xã hội lý tưởng nhất.

Sự kiện qui tụ các phần tử trong gia đình không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà do sự phát triển của nhiều sức sống trên cùng một thân cây. Phẩm trật gia đình phát xuất theo trật tự phát triển đó: có rễ cây và thân cây, có lá có cành và hoa trái, với một chất nhựa lưu thông khắp nơi. Còn ai có thể tưởng tượng ra được một sự hợp nhất thân mật hơn thế!

Hợp nhất là sức mạnh chính của gia đình. Duy trì hợp nhất là một trong những bổn phận trọng yếu nhất. Vả lại, hoàn thành việc hợp nhất cũng dễ dàng, vì Thiên Chúa đã cho mỗi phần tử một bản năng hợp nhất gọi là tình phu tử, tình mẫu tử, lòng hiếu thảo, tình huynh đệ. Tuy nhiên các mối tình này phát triển dần dần theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi một tình cảm khác có khuynh hướng chia rẽ: đó là cá tính muốn thoát ly để dần dần tiến tới óc vụ lợi. Ích kỷ là kẻ thù số một của gia đình. Nó làm phân tán và biến mỗi người trở thành một thế giới riêng, biệt lập với các thế giới khác.

Ngoài ra còn có những lý do khác chia rẽ gia đình như: khác biệt về tư tưởng, sở thích và tính tình. Thường thường người ta không thể tiêu diệt nổi các khác biệt ấy nên vẫn sống chung. Thêm vào đó là các nết xấu của mình cũng như của người khác: lỗi lầm của mình thường ít để ý tới, trong khi đó lại hay phóng đại lầm lỗi của người khác.

Hãy gạt bỏ mọi khác biệt, trở ngại, và mọi kẻ thù tương tự! Hãy dung hòa các sở thích, các tính tình của nhau. Hủy diệt đi các thói hư tật xấu. Mỗi cá nhân hãy tạo và duy trì cho mình một tâm hồn quảng đại vô vị lợi! Hãy hợp nhất với nhau! Đó là sự hợp nhất đáng ca ngợi vì nó do huyết mạch tạo thành và ngày một trở nên sâu đậm, thân mật, cao cả hơn. Nhờ vậy mỗi phần tử cảm thấy sống tận tâm dễ dàng, biết chia vui sẻ buồn với nhau. Nói tóm lại mỗi phần tử trong gia đình đều sống cuộc sống của tất cả mọi phần tử khác.

Lý tưởng đó không phải một sớm một chiều có thể thực hiện hoàn hảo được, nhưng cần phải cố gắng luôn, cố gắng mãi. Hãy chiêm ngưỡng gia đình duy nhất tại Nazareth và hãy can đảm lên! Vì nếu gia đình đó là gương mẫu cho tôi thì cũng là sức lực trợ giúp tôi.

Việc hòa hợp các ý kiến riêng thật là điều tốt đẹp nhưng nếu hòa hợp được các sở thích thì càng hoàn hảo hơn. Sự hòa hợp này đã thực hiện được tại Nazareth. Thánh Giuse, Mẹ Maria cũng có tất cả những sở thích như Chúa Giêsu. Sở thích của chúng ta thường tùy thuộc chúng ta hơn là các tư tưởng riêng. Tư tưởng hình thành bởi việc học hỏi, suy tư, đối thoại. Hầu như chúng du nhập từ bên ngoài. Người ta tiếp nhận nó từ môi trường sống. Trái lại sở thích là tính khí của mỗi người. Nói thế không có nghĩa là sở thích có thể chi phối và điều khiển chúng ta hoàn toàn. Vậy sở thích không tùy chúng ta, nhưng chúng ta có thể điều khiển và thay đổi chúng theo ý muốn. Nếu người ta không có quyền gạt bỏ những ý tưởng đúng đắn thì người ta có quyền hy sinh các sở thích, dù là sở thích tuyệt hảo. Mua được hòa bình và hợp nhất, một gia đình như vậy tưởng cũng không quá đắt. Dù định bắt người khác sống theo sở thích mình là một điều không nên làm: ý định ấy rất nguy hiểm. 

Hòa mình vào sở thích của tha nhân là một thái độ vừa anh hùng vừa khôn ngoan. Thánh Phanxicô đệ Salê kết luận một cách chí lý như sau: Nhờ đó người ta sẽ làm được nhiều việc mau chóng hơn. Về điểm này thái độ tôi thế nào? Tôi phải làm gì?

Thời xưa, mỗi gia đình đều có bàn thờ để dâng lễ vật. Vậy mỗi gia đình Công giáo nên có một bàn thờ để dâng các sở thích và ước vọng lên Chúa hầu mưu hạnh phúc cho mọi người.

Cũng có thể đem những điều nói về sở thích áp dụng cho tính tình. Tuy nhiên, điều khác biệt là tính tình có thể có những tật xấu. Bất cứ tật xấu nào cũng cần phải sửa chữa. Tật xấu là sự ác, mà không sự ác nào có quyền tồn tại nó là kẻ thù của hợp nhất. Vậy gia đình phải xa tránh các tật xấu. Tới đây ta hãy kiểm điểm qua một vài tật xấu bẩm sinh: bồng bột, cục cằn, gắt gỏng, thù hằn, chấp nhặt, dễ giận, kiêu ngạo, cứng đầu, thiếu thành thật, thiếu điều độ, vô trật tự, thiếu chú ý và tế nhị, qua buông trôi và suồng sã, v.v

Tật xấu thường do tập quán mà có. Tập quán là do hành động lặp đi lặp lại mà thành, chúng ta hãy có nhiều hành đôïng trái ngược, thì tập quán cũng dần dần trở thành nhân đức. Cứ kiên nhẫn xét mình từng điểm một rồi cải thiện, ta sẽ đạt đến kết quả mỹ mãn.

Bạn đừng bào chữa với câu ‘bá nhân bá tính.’ Mỗi người chúng ta phải có bổn phận điều chỉnh bản tính mình cho đúng đắn. Cũng đừng nói: ngoài xã hội thì mới dè giữ, còn trong gia đình thì được xả hơi và buông thả chứ! Vậy thì phải chăng gia đình là thùng rác chứa mọi tật xấu của chúng ta sao? Thật ra hạnh phúc tạo được trong gia đình rất đáng quí! Ai cũng chấp nhận và mong muốn như vậy. Để tiến tới hạnh phúc này, con người cần phải biết lễ độ và kiềm chế mình. Chính tập quán sẽ giúp cho sự kiềm chế ấy ngày một trở nên dễ dàng và tự nhiên. Nhờ đó người ta sẽ biết kính trọng lẫn nhau.

Dĩ nhiên mỗi phần tử trong gia đình đều có tật xấu riêng. Nếu phải sữa lỗi họ vì bổn phận bó buộc, tôi sẽ cố gắng đối phó êm dịu không gay gắt. Trường hợp không làm gì được, tôi sẽ chịu đựng quảng đại. Hơn thế nữa, tôi sẽ làm lơ không nhìn thấy. Giả như các tật xấu hiện ra quá rõ ràng, tôi sẽ dùng hình ảnh dịu dàng của Chúa Giêsu để che đậy đi. Nhìn ngắm mãi chẳng những không làm được gì mà còn thêm bực tức chống đối! Đàng khác tôi cũng phải cố gắng nhớ tới những tính tốt, cử chỉ cao thượng và tình yêu chân thành của họ, như thế sẽ giúp tôi dễ dàng chịu đựng nết xấu của họ. 

Càng chiêm ngưỡng gia đình Nazareth chúng ta càng học hỏi được nhiều bài học đáng giá. Nhờ đó chúng ta sẽ hứng thú bắt chước và biết sống hoàn toàn cho người khác. Người ta có bao giờ thấy Mẹ Maria và thánh Giuse chỉ bận tâm về tư lợi mình mà bỏ quên ích lợi của Chúa Giêsu đâu? Trái lại, người ta chỉ thấy các Ngài hoàn toàn quên mình, coi nhẹ sở thích riêng tư. Tâm trí và ánh mắt các Ngài luôn luôn để ý đến những nhu cầu bé nhỏ, những mong ước đơn sơ của người khác Việc từ bỏ và quên mình này đem lại biết bao vui sướng đích thực! Đó là niềm vui thanh khiết, cao cả và sâu xa, vì hạnh phúc là gì nếu không phải là làm cho người khác được hạnh phúc.

Nhìn vào thực tế tôi phải tìm ngay những điều cần phải sửa đổi, những tiến bộ cần thực hiện. Tôi hiểu, tôi thán phục, tôi yêu thích thái độ sống cao đẹp ấy, nhưng tôi có dám nói là tôi đã sống như thế chưa? Đời sống tôi vẫn còn nhiều ích kỷ. Tôi bận tâm lo lắng cho bản thân hơn là để ý đến tha nhân. Tôi thờ ơ trước nỗi đau khổ của người khác mà chỉ dừng lại ở đau khổ của tôi mà thôi. Tôi ít nhượng bộ trước sở thích tha nhân dù có chính đáng mấy đi nữa. Tôi dễ quên và vô ơn đối với tha nhân, nhưng lại nhớ và đòi hỏi họ phải biết ơn tôi.

Tình cảm là chất ‘xi măng’ gắn nối mọi người hợp nhất với nhau. Xi măng gắn chặt đủ mọi loại đá với nhau, thì tình cảm cũng có thể đưa những người khác nhau về tư tưởng, tính tình và sở thích xích lại gần nhau. Về phương diện này tình cảm thật lạ lùng: yêu nhau yêu cả lối đi là thế. Yêu cả lối đi nên dễ bỏ qua hết mọi tật xấu lỗi lầm, cả những lỗi lầm và tật xấu rõ ràng nhất, thậm chí có lúc còn ca tụng chúng nữa. Ôi, tình yêu thật là tuyệt diệu! tình yêu luôn tỏ ra dịu dàng và tiến tới hoàn thiện ngày một hơn. Tình yêu bao giờ cũng đem lại cho người yêu được hạnh phúc và tránh mọi hành động đưa tới đau khổ.

Ai cũng muốn  mình trở nên đáng yêu! Ước ao như thế phải chăng là ích kỷ, vì quá nghĩ tới mình và coi tình yêu như trung tâm điểm? Tình yêu có thể đòi đến những lạm dụng như thế nên phải quan tâm đề phòng! Tuy nhiên, không còn gì hợp lý hơn thế.

Yêu mà không muốn được yêu lại mới là tình yêu hoàn hảo. Dựa theo nhân đức mà quan niệm như vậy sẽ hủy diệt đi mất vẻ cao đẹp khác, đó là tình bạn. Ai cũng biết tình bạn là một cuộc trao đổi, và thông giao tài sản, mà tài sản quý báu nhất là gì nếu không phải là tình cảm! Do đó tôi yêu và phải được yêu. Yêu là bổn phận của tôi. Được yêu là quyền lợi của tôi. Yêu mà không ước ao được yêu là hành vi trái với tự nhiên, vì tình yêu nào cũng tiến tới chỗ hiệp nhất. Hơn những tình yêu khác, tình yêu gia đình bắt buộc và đòi hỏi phải hiệp nhất.

Có nhiều người yêu mà không cần được yêu lại. Đó là nhân đức cao quý. Tình bạn mà như thế chỉ còn đơn phương: một bên chết hẳn hay vắng bóng, một bên vẫn sống động qua các phát biểu tình cảm. Tình cảm lâu dài này thường thấy nơi các bậc cha mẹ và một vài tạo vật. Người ta còn thấy tình cảm đó hoàn hảo hơn trong tình yêu siêu nhiên, nhìn tất cả môi trường sống đều là những phản ảnh của Thiên Chúa.

Tình yêu Chúa phải vượt trên mọi tình yêu khác. Đó là quyền lợi của Ngài. Tuy nhiên tình yêu này không để con tim ta khô héo vì yêu Ngài. Trái tim vẫn có thể biểu lộ tâm tình riêng của mình, vì tình yêu nào cũng muốn giãi bày. Nó còn chọn những lời nói du dương ngọt ngào nhất để diễn tả. Đôi khi chỉ cần tới ánh mắt dịu hiền, cử chỉ trìu mến cũng diễn tả được tình yêu, vì đó là một ngôn ngữ thầm lặng mà nhiều ý tứ hơn cả lời nói. Gia đình là nơi thích hợp nhất để bộc lộ những tình cảm tự nhiên như thế! Cử chỉ âu yếm, thái độ thân mật có tác dụng làm cho các phần tử rời rạc xích lại gần nhau, liên kết với nhau như ban đầu. Những cử chỉ và thái độ này rất trong sạch, tuy nhiên cũng phải đề phòng để khỏi thái quá mà trở nên suy nhược và gây ra nhiều nguy hiểm.

Tôi chân thành cám ơn Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse đã giúp tôi chú ý tới bổn phận trong gia đình với những mẫu gương cao đẹp của các Ngài. Tôi xin các Ngài ghi khắc vào tâm trí tôi hình ảnh tuyệt mỹ của sự hợp nhất hoàn hảo. Tôi còn kém xa các Ngài biết bao!

Tôi muốn tiến lại gần sự hợp nhất đó. Tôi muốn hợp nhất thực sự. Đó là công cuộc đòi hỏi nhiều cố gắng kiên trì. Tôi sẽ gặp những thất bại, những quên sót, nhưng không vì thế mà tôi thất vọng!

Ngày hôm nay, tôi phải thực hiện gì đây? Chẳng hạn tôi phải: quí trọng những phẩm cách đặc biệt của một người nào đó trong gia đình tôi, và không nhìn tới lầm lỗi, nết xấu của họ. Đây thật là một quyết định tuyệt hảo.

Sưu tầm & Biên soạn

 

Kiểm tra tương tự

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Ơn Toàn Xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư

Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư – 28/7/2024, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *