“Tây du ký”

Tuần rồi được về miền Tây dự lễ Mở Tay của các tân linh mục trong Dòng, xem như tôi lỡ một buổi đi tông đồ thăm viếng. Ấy vậy, hình như Chúa Giêsu vẫn chờ gặp tôi, cách âm thầm và kỳ thú, qua những người bạn của Chúa mà tôi gặp gỡ trong chuyến “Tây du” này.

 

1. Tôi gặp Giêsu nơi mấy em thơ lon ton xin lên xe ở bến phà Vàm Cống để mời khách đường mua vé số. Hay ở chỗ, các em lễ phép xin bác tài mở cửa, và chẳng hề chen chúc nhau. Có em gái mới học lớp 2 với mái tóc dài, đôi mắt ngây thơ và nụ cười xinh xắn khiến tôi nhớ mãi. Em đến mời tôi mua vé số: “Cậu ơi, mua giúp con một tờ với.” Em mang trên mình bộ đồng phục học sinh, nhưng trên đôi tay em là xấp vé số vẫn dầy… Nghe em gọi “cậu” mà tôi không cầm nổi nước mắt, vì em cũng độ tuổi đứa cháu gọi tôi bằng cậu. Tôi hỏi em: “Con đi bán vé số một mình hay đi với ai?” Em trả lời: “Dạ con đi một mình. Hồi còn nhỏ, lúc 3 tuổi đó cậu, con đi chung với ngoại, giờ con đi một mình được rồi.” Tôi hỏi tiếp mấy câu: “Hằng ngày con đi bán tới mấy giờ? Đi học về rồi đi bán luôn hay sao? Con ăn cơm tối chưa?” Em đáp ngay: “Dạ thường đến 8 giờ tối cậu. Nhưng mấy hôm tới là ngày lễ được nghỉ học nên con bán cho hết thì mới về ăn cơm.” Tôi lặng người đi một chút, không hỏi gì thêm, rồi mua cho em một vé. Đó là lần họa hiếm trong đời tôi tự ý mua vé số…

Giờ ngẫm lại, tôi thấy hơi tiếc vì đã không kịp nghĩ đến chuyện tặng lại cho em tờ vé số đó. Cảm ơn em đã “cho tôi một vé đi tuổi thơ.” Tôi đã khóc khi nghĩ về tuổi thơ – của tôi và của em. Chắc khác nhau nhiều. Tôi biết ơn đời và biết ơn em; vì qua em, tôi thấy mình cũng nghèo, nghèo lắm. Nghèo những bài học tuổi thơ.

Nghèo bài học cuộc sống…

Tôi còn giữ tấm vé ấy, đặt ngay ngắn trên chỗ cầu nguyện – cũng là bàn học, và nhớ đến em từng ngày. Hôm nay, tôi nhớ đến em, tôi học vì em.

2. Tôi gặp Giêsu nơi gia đình của một anh em cùng lớp. Âu cũng là duyên số, có dịp về miền Tây thăm nhà người anh em, tôi gặp luôn đứa em trai của cậu ấy đang nằm trên giường bệnh. Em bị tai nạn làm gãy xương sống, chờ phục hồi hậu phẫu chắc cũng lâu. Hai chi dưới teo lại, nhưng em vẫn tươi nở nụ cười. Nằm yên một chỗ, em vẫn nhìn đời bằng ánh mắt lạc quan tràn hy vọng. Hình như em cảm nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có gia đình, người thân và bè bạn. Từ sáng đến tối, người ta rủ nhau đến thăm hỏi động viên em, người miền quê quan tâm đến đến nhau là thế.

Tối đến cả gia đình tề tựu bên nhau quanh mâm cơm chén rượu đầm ấm. Dọn dẹp xong cả nhà đọc chung giờ kính kính Lòng Thương Xót Chúa, với ý cầu nguyện cách riêng cho “bệnh nhân”. Lâu làm rồi tôi mới được sống trong bầu không khí đạo đức bình dân của giờ kinh gia đình, miệng lắp bắp theo từng lời kính nhỏ mà khuôn mặt không giấu nổi sự thẹn thùng vì không thuộc. Màn đêm buông xuống lòng an nhiên đến lạ, tôi đi vào giấc ngủ thật êm.

Nhịp sống miền quê chậm hơn tôi nghĩ, nhưng một ngày trôi qua thật ý nghĩa, đậm đà. Cậu em bị bệnh nhắc tôi về bài học đừng chân. Vâng sẽ có những lúc trong đời tôi gặp phải những khoảng lặng để dừng chân như thế, dù có phải sở nguyện hay không. Giờ cơm, giờ kinh gia đình nhắc tôi về tình liên đới và tinh thần đơn sơ cần có. Hình như trong các mối tương quan, tôi còn đang sống vội, hững hờ và phức tạp quá!

Thế là kinh nghiệm thăm viếng người nghèo và bệnh nhân đều đủ cả. Nhưng đúng hơn là kinh nghiệm được gặp gỡ Chúa Giêsu Miệt Vườn nơi người miền Tây. Đò xuôi dọc bờ kênh tiễn người ra đường lộ về thành phố, nơi Chúa Giêsu Thành Thị đang chờ…

Huy Anh

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …