Thư thánh Phanxicô Xavier gửi anh em Dòng Tên Rôma (Từ Cochin 15.01.1544)

“Vì thiếu người lo những việc đạo đức và thánh thiện như vậy, nên nhiều người ngoại đáng lẽ có thể theo đạo mà không theo được”

 Trọn năm 1543, thánh Phanxicô Xavier không viết thư nào: ngài miệt mài nâng đỡ đức tin các tân tòng người Parava tại Mũi Comorin. Lá thư này gây chấn động tại Châu Âu thời đó. Cha Antonio Araoz, Dòng Tên, người đồng thời với thánh Phanxicô Xavier, cho biết nhờ giảng dạy giáo lý, ngài gặt hái được bao nhiêu ở Ấn Độ, thì nhờ lá thư này, ngài cũng gặt hái được bấy nhiêu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tha thiết với Chúa, tha thiết với các linh hồn, ngài như chìm ngập giữa thế giới ngoại giáo, mất hút giữa trăm công ngàn việc. Nhìn về Châu Âu, đặc biệt là các đại học, ngài gào thét như người điên để đánh thức những người vùi đầu vào sách vở vì danh vọng và bổng lộc mà làm ngơ trước nhu cầu thiêng liêng tràn ngập ở Ấn Độ.

 Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô hằng ban ân sủng và tình yêu để giúp đỡ và phù hộ chúng ta. Amen.

  1. Tôi bỏ Bồ Đào Nha tính đến nay đã được 2 năm 9 thángế Trong thời gian đó, tôi đã viết thư cho anh em, kể cả lần này là 3 lần[1]. Từ khi đến Ân Độ này, tôi chỉ nhận được của anh em một lá thư đề ngày 13.1.1542[2], và Chúa biết là tôi vui mừng thế nào. Thư ấy mới đến tay tôi cách nay 2 tháng[3]. Thư đến Ấn Độ trễ như vậy hẳn là vì tàu phải nghỉ mùa đông ở Mozambique[4].
  2. Cha Paolo, chú Francisco Mansilhas và tôi đều khỏe mạnh. Cha Paolo đang ở Goa, tại Học Viện Đức Tin, lo cho học sinh ở đó. Chú Francisco Mansilhas và tôi đang ở với bổn đạo tại Mũi Comorin. Tôi ở với các bổn đạo này từ hơn một năm nay. Tôi phải nói với anh em là bổn đạo đông[5], mà mỗi ngày lại có thêm bổn đạo mới. Vừa đến vùng bờ biển họ cư ngụ[6], tôi ráng tìm hiểu họ biết được gì về Chúa Kitô, về các điều phải tin, tôi hỏi họ tin những gì, hoặc hiện nay là tín hữu, họ biết được gì hơn trước kia, khi họ chưa theo đạo. Thì ra họ không biết chi về đạo hết, cũng chẳng biết phải tin những gì[7]. Tôi nói, họ không hiểu, và họ nói, tôi không hiểu, vì họ nói tiếng Malabar[8], còn tôi nói tiếng Basco[9]. Do đó, tôi họp với những người có học nhất của họ , và tìm những người hiểu ngôn ngữ của chúng ta[10] và của họ. Sau nhiều ngày vất vả, chúng tôi đã dịch được ít kinh, trước hết là kinh Dấu Thánh Giá, tuyên xưng Ba Ngôi Một Chúa, rồi đến kinh Tin Kính, kinh Mười Điều Răn, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Lạy Nữ Vương và kinh Cáo Mình, từ tiếng Latinh sang tiếng Malabar. Sau khi đã dịch sang ngôn ngữ của họ, tôi học thuộc lòng các kinh, rồi đi khắp làng, tay rung chuông, để tập họp tất cả trẻ con và người lớn có thể đến được. Tập họp họ rồi, tôi dạy kinh cho họ, mỗi ngày hai lần. Tôi dạy như vậy trong một tháng. Tôi cũng bảo trẻ em dạy lại cho cha mẹ, và mọi người trong nhà cũng như lối xóm, những kinh đã học được.
  3. Đến Chúa Nhật, tôi tập họp toàn thể dân làng, nam nữ, lớn bé, để đọc kinh bằng ngôn ngữ của họ. Họ thích lắm và vui vẻ đi đọc kinh. Khởi đầu là tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi[11], sau đó họ đọc lớn tiếng kinh Tin Kính bằng ngôn ngữ của họ, tôi đọc gì, mọi người đều nhắc lại. Họ đọc kinh Tin Kính xong, mình tôi đọc lại, từng điều, mỗi điều dừng lại, rồi tiếp cho đến hết 12 điều. Tôi nhắc họ rằng theo đạo nghĩa là tin chắc chắn, không nghi ngờ gì mỗi điều trong 12 điều ấy. Vì họ           xưng mình có đạo, nên tôi hỏi họ có tin từng điều trong 12 điều ấy không. Cứ vậy, tất cả nam nữ, lớn bé, cùng trả lời lớn tiếng là tin, trong khi hai cánh tay bắt chéo trên ngực theo hình thánh giá. Tôi cho họ đọc kinh Tin Kính thường xuyên hơn các kinh khác, vì phải tin 12 điều ấy mới nói là có đạo được. Sau kinh Tin Kính, tôi dạy họ kỹ nhất là kinh Mười Điều Răn. Tôi nói với họ luật của người tín hữu chỉ gồm 10 điều. Có thể nói ai giữ các điều răn như Chúa truyền là một tín hữu tốt. Trái lại, ai không giữ là tín hữu xấu. Các bổn đạo cũng như người ngoại ai cũng thấy rõ luật Chúa Giêsu Kitô là thánh thiện và phù hợp với lý trí tự nhiên của mọi người. Dạy kinh Tin Kính và kinh Mười Điều Răn xong, tôi đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, tôi đọc đến đâu, họ nhắc lại đến đó. Chúng tôi đọc 12 kinh Lạy Cha và 12 kinh Kính Mừng để ghi nhớ 12 điều phải tin. Sau đó, chúng tôi đọc 10 kinh Lạy Cha và 10 kinh Kính Mừng, để ghi nhớ Mười Điều Răn. Chúng tôi theo thứ tự sau đây. Trước hết, chúng tôi đọc điều phải tin đầu tiên, rồi tôi cùng cầu nguyện với họ bằng ngôn ngữ của họ: “Lạy Chúa Giêsu Ki-tô là Con Thiên Chúa, xin ban ơn để chúng con tin vững vàng, không chút nghi ngờ, điều phải tin đầu tiên. ” Và để xin ơn ấy, chúng tôi đọc một kinh Lạy Cha. Đọc kinh Lạy Cha xong, chúng tôi cầu nguyện: “Lạy Đức Maria là mẹ Chúa Giêsu Kitô, xin khẩn nguyện với Chúa Giêsu ban ơn để chúng con tin vững vàng, không chút nghi ngờ, điều phải tin đầu tiên. ” Và để xin với Đức Mẹ, chúng tôi đọc kinh Kính Mừng. Trong 11 điều sau đó, chúng tôi cũng theo thứ tự ấy.
  4. Sau khi xong kinh Tin Kính cùng với 12 kinh Lạy Cha và 12 kinh Kính Mừng như trên, chúng tôi đọc kinh Mười Điều Răn như sau. Đầu tiên, tôi đọc điều răn thứ nhất và mọi người cũng đọc như tôi. Đọc xong, chúng tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin ban ơn để chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự.” Kế đến, chúng tôi cùng đọc kinh Lạy Cha. Rồi chúng tôi cầu nguyện: “Lạy Đức Maria là mẹ Chúa Giêsu Kitô, xin khẩn nguyện với Chúa Giêsu ban ơn để chúng con giữ được điều răn thứ nhất.’’ Để xin với Đức Mẹ, chúng tôi cùng đọc kinh Kính Mừng. Với chín điều răn còn lại, chúng tôi cũng theo thứ tự ấy. Vì có 12 điều phải tin, chúng tôi đọc 12 kinh Lạy Cha và 12 kinh Kính Mừng, xin Chúa ban cho chúng tôi ơn để tin. Đó là những điều tôi dạy họ bằng các kinh. Tôi giải thích cho họ là nếu họ được Chúa ban các ơn ấy, họ sẽ được Chúa ban mọi ơn khác dư dật hơn cả họ xin. Tôi cho mọi người đọc kinh Cáo Mình[12], nhất là những người sắp được rửa tội, rồi đến kinh Tin Kính. Sau khi hỏi họ về mỗi điều phải tin để biết họ có tin vững vàng không, và họ trả lời là có, tôi rửa tội cho họ. Khi muốn chấm dứt buổi đọc kinh, chúng tôi đọc kinh Lạy Nữ Vương.
  5. Trong Chúa, tôi hi vọng rằng trẻ em sẽ trở thành những người tốt hơn cha mẹ các em, vì các em tỏ ra rất thích và sẵn sàng giữ đạo, cũng như muốn học và dạy kinh cho người khác. Các em ghê sợ các tượng thần dân ngoại đến nỗi thường xuyện đánh nhau với người ngoại[13] và trách cha mẹ khi thấy họ thờ lạy tượng thần rồi các em đến mách tôi. Khi các em cho biết ở đâu có thờ tượng thần ngoài làng, tôi họp các em trong làng và cùng đi đến nơi có tượng thần. Thế là ma quỉ bị nhục nhã gấp mấy lần đã được vinh dự khi cha mẹ hay bà con các em làm và thờ tượng thần. Các em thu tượng thần, nghiền nát như tro, rồi khạc nhổ và chà đạp lên. Các em còn làm những điều khác nữa mặc dầu nói ra không tiện, nhưng phải ca ngợi các em đã trả đũa đích đáng kẻ cả gan bắt cha mẹ các em phải thờ lạy.[14] Tôi đã sống suốt bốn tháng trong một địa điểm quan trọng và đầy bổn đạo[15] để dịch kinh từ ngôn ngữ của chúng ta sang ngôn ngữ của họ và dạy cho họ.
  6.  Trong giai đoạn này, nhiều người mời tôi đến nhà họ đọc kinh cầu nguyện cho người bệnh, cũng có những người đau yếu khác đến tìm tôi. Họ không để tôi được nghỉ ngơi hay rảnh rỗi chi hết, ngoài giờ đọc Tin Mừng, dạy kinh và rửa tội cho trẻ em, còn phải dịch kinh, ấy là chưa kể an táng người qua đời. Cứ vậy, muốn đáp ứng nhu cầu của những người mời tôi hoặc đến với tôi, tôi bù đầu với công việc. Để họ đừng mất chút nào lòng tin tưởng nơi đạo và luật Chúa Kitô, tôi không được từ chối bất cứ lời yêu cầu đạo đức nào. Vì việc càng ngày càng nhiều quá sức, không thể nào lo hết được, tôi cho trẻ em thuộc kinh đến thăm người bệnh, tập họp cả nhà và lối xóm, cùng đọc kinh Tin Kính nhiều lần, cho người bệnh biết cứ tin sẽ được Chúa chữa lành[16]. Rồi đọc các kinh khác nữa. Cứ vậy, mọi người đều được đáp ứng. Trong các nhà tư cũng như ở nơi hội họp chung, tôi cho họ đọc kinh Tin Kính, kinh Mười Điều Răn, và các kinh khác. Thiên Chúa ban cho họ nhiều ơn đặc biệt như cho người bệnh được khỏe mạnh cả phần hồn lẫn phần xác, nhờ đức tin của gia đình, lối xóm, và của chính người bệnh. Chúa tỏ lòng thương rất nhiều đối với những người đau yếu, vì do họ bị bệnh mà Chúa đã gọi họ và gần như dùng đến sức mạnh để dẫn họ đến với đức tin.
  7. Xong một làng, tôi để lại một người tiếp tục công việc đã khởi sự[17], rồi đến các làng khác cũng làm y như vậy. Do đó, không bao giờ tôi thiếu những công việc đạo đức và thánh thiện ở xứ này. Nếu muôn mô tả thành quả thu lượm được khi rửa tội cho trẻ em sơ sinh và dạy dỗ những người có thể học được, tôi sẽ không bao giờ kể cho xong. Ở những nơi tôi đi qua, tôi để lại những bản viết các kinh, và cho người biết chữ viết lại, cho học thuộc lòng, rồi cho đọc hằng ngày. Tôi cũng cho mọi người tập họp vào Chúa Nhật để đọc kinh. Tại các làng, tôi đặt người phụ trách công việc này[18].
  8. Vì thiếu người lo những việc đạo đức và thánh thiện như vậy, nên nhiều người ngoại đáng lẽ có thể theo đạo mà không theo được. Rất nhiều khi tôi có ý định về bên nhà, đến các nơi người ta học hành, để gào thét như một người mất trí, đặc biệt là ở đại học Paris. Tôi muốn đến học viện Sorbonne nói với những người hiểu biết nhiều nhưng ít muốn làm cho kiến thức của mình sinh hoa kết quả: “Biết bao linh hồn không được hưởng phúc vinh quang, nhưng phải sa địa ngục, vì quí vị lơ là. ” Nếu khi trau dồi kiến thức, họ cũng được học biết Chúa sẽ đòi họ phải tính sổ thế nào về kiến thức và tài năng Chúa ban cho họ, hẳn là nhiều người sẽ được đánh động, tìm đến những phương tiện và những bài tập thiêng liêng giúp họ nhận ra và cảm thấy trong linh hồn mình những điều Chúa muốn. Họ có thể sẽ bỏ sở thích riêng mà theo ý Chúa hơn, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây. Chúa muốn con làm gì? Xin gửi con đến nơi nào Chúa muốn, và nếu Chúa thấy là thích hợp thì gửi con đến Ân Độ cũng được.” Họ sẽ được an ủi thiêng liêng biết bao! Vào giờ chết, họ sẽ trông cậy vững vàng nơi lòng từ bi của Chúa khi bị phán xét riêng, điều không ai thoát được, vì họ có thể thưa: “Lạy Chúa, Chúa đã cho con năm nén bạc, đây là năm nén khác con đã sinh lời được.”[19] Tôi sợ nhiều người trong các đại học lo có kiến thức để được phẩm chức, bổng lộc, tước vị giám mục hơn là vì muốn sống phù hợp với những đòi hỏi của phẩm chức và nhiệm vụ trong Hội Thánh. Những người đang học thường nói: “Tôi muốn có kiến thức để được bổng lộc và phẩm chức trong Hội Thánh, rồi nhờ đó tôi phụng sự Chúa.” Cứ vậy, theo các quyến luyến lệch lạc, họ chỉ sợ Chúa không muốn điều họ muốn và lựa chọn, vì các quyến luyến lệch lạc không cho phép họ lựa chọn theo thánh ý Chúa. Gần như tôi bị thúc bách viết thư cho đại học Paris, ít nữa cho hai thầy dạy chúng ta là cử nhân De Comibus[20] và tiến sĩ Le Picart[21], để cho biết là hàng ngàn hàng vạn người ngoại sẽ theo đạo, nếu có được những người không bám lấy lợi lộc riêng tư nhưng cố gắng sinh lợi cho Chúa Giêsu Kitô, nên tìm kiếm và giúp đỡ các linh hồn. Ở đây nhiều người muốn tin kính Đức Kitô đến nỗi tôi thường xuyên mỏi tay vì rửa tội, và không còn đọc nổi kinh Tin Kính, kinh Mười Điều Răn bằng ngôn ngữ của họ, cũng như các kinh khác, trừ một bài huấn từ tôi nói được bằng ngôn ngữ của họ trong đó tôi giải thích Kitô hữu nghĩa là gì, thiên đàng và địa ngục là gì, ai được lên thiên đàng, ai phải xuống địa ngục. Tôi thường đọc với họ kinh Tin Kính và kinh Mười Điều Răn hơn các kinh khác. Có những ngày tôi rửa tội nguyên một làng. Thế mà trên bờ biển này có tới 30 làng có đạo.
    Vị Tổng Trấn Ấn Độ rất thương những người theo đạo. Hằng năm ông tặng 4000 đồng tiền vàng[22] chỉ để cho những người siêng năng dạy giáo lý trong các làng mới đón nhận đức tin. Ông cũng rất quí anh em chúng ta. Ông rất mong có thêm anh em đến đây, và hình như ông đã viết thư xin với nhà vua.
  9. Năm ngoái tôi đã viết thư kể về một học viện được thành lập ở Goa và đã có nhiều học sinh thuộc nhiều ngôn ngữ, tất cả khi sinh ra thì cha mẹ còn ngoại giáo. Học viện có nhiều nhà, trong đó có những em đang học tiếng Latinh, những em khác đang học đọc và viết. Cha Paolo ở với các học sinh ấy. Hằng ngày cha dâng lễ và giải tội cho các em. Cha cũng lo về nhu cầu vật chất cho các em nữa. Học viện ấy rộng lắm, có chỗ cho 500 học sinh. Có lợi tức đủ để nuôi sống các em. Nhiều người giúp đỡ học viện, nhất là vị Tổng Trấn rất quảng đại với các em. Các tín hữu phải tạ ơn Chúa vì Học viện Đức Tin[23] này. Hi vọng, nhờ Chúa thương, chỉ ít năm nữa, số bổn đạo sẽ được nhân lên nhiều lần, và biên giới của Hội Thánh được nởi rộng nhờ những người đang học tại học viện thánh thiện ấy.
  10. Trong xứ này, giữa người ngoại, có một hạng người gọi là Bàlamôn[24]. Họ là linh hồn của quần chúng ngoại giáo. Họ phụ trách các nhà để thờ tượng thần. Đây là hạng người xấu xa nhất thế giới[25]. Có thể áp dụng cho họ lời thánh vịnh: “Xin giải thoát con khỏi tay phường bất nghĩa, bọn gian ác và phỉnh phờ.”[26] Đó là hạng người không bao giờ nói thật, tâm trí lúc nào cũng tìm cách nói dối sao cho khôn khéo, để lừa gạt những người nghèo đơn sơ và chất phác. Họ nói với những người này là các thần đòi phải mang thức này vật nọ đến dâng cúng, thực ra chính họ bịa như vậy vì muốn nuôi vợ con và gia đình. Họ làm cho những người chất phác tin rằng các thần cũng ăn uống, và nhiều người trước khi ăn sáng ăn tối đều dâng cúng một phần cho các thần. Mỗi ngày hai lần họ ăn đồ cúng, trong khi cho đánh trông đánh phách để những người khốn khổ kia tin là các thần đang ăn. Nếu thiếu, họ nói với dân chúng là các thần giận dữ vì không đủ những thứ các thần nhờ họ báo cho dân chúng. Họ đe dọa nếu dân chúng không mang đến đủ, các thần sẽ giết, sẽ bắt phải bệnh tật, hoặc sẽ cho ma quỉ đến ở trong nhà. Những người nghèo chất phác tưởng thật phải làm những gì họ đòi, vì sợ các thần trừng phạt.
  11. Những người Bàlamôn này ít học. Đức hạnh thì họ thiếu, nhưng xấu xa và gian ác thì họ thừa. Ở bờ biển này, họ ác cảm với tôi vì sợ bị lật tẩy. Khi chỉ có tôi với họ, chính họ thú thật và cho biết họ lừa gạt dân chúng thế nào. Họ không có tài sản nào khác ngoài các bức tượng đá nên phải lừa gạt dân chúng để sống[27].
    Những người Bàlamôn này cho rằng một mình tôi còn biết nhiều hơn tất cả họ họp lại. Họ gửi người đến thăm tôi, và rất lo vì tôi không nhận quà họ biếu. Họ chỉ muốn tôi đừng làm lộ bí mật. Thật ra, họ biết là chỉ có một Thiên Chúa, và họ cầu nguyện cho tôi nữa. Để đền ơn họ, tôi nói riêng với họ điều tôi suy nghĩ, và cho quần chúng đơn sơ biết họ giả bộ và lừa gạt thế nào. Tôi cứ làm như vậy đến mệt mới nghỉ. Nhiều người không còn tôn kính các thần nữa và theo đạo. Giả như không có các người Bàlamôn, có thể tất cả dân ngoại ở đây theo đạo hết. Ngôi nhà có tượng thần và người Bàlamôn gọi là đền.
    Người dân ngoại ở đây rất dốt nát, nhưng để làm điều xấu thì họ rất rành. Từ khi đến đây, tôi mới chỉ rửa tội được một người Bàlamôn thôi: đó là một thanh niên rất tốt, hiện đang dạy giáo lý cho trẻ con.
    Trên đường đi thăm các làng có đạo, tôi gặp rất nhiều đền. Có lần ở một ngôi đền kia, có hơn 200 người Bàlamôn đến gặp tôi. Trong khi bàn luận nhiều điều, tôi đặt một vấn đề như sau: Xin cho tôi biết các thần và các tượng của họ ra lệnh cho họ làm gì để được giải thoát. Họ tranh luận nhiều để xem ai trả lời. Rồi họ để một người thuộc hạng cao niên nhất trả lời. Ông già này, đã hơn 80 tuổi, nói tôi cho biết Thiên Chúa của các Kitô hữu dạy phải làm gì trước đã. Đi guốc trong bụng ông già, tôi nhất định đòi ông phải nói trước, ông buộc phải thú nhận là không biết[28]. Ông nói các thần chỉ ra lệnh làm hai điều để được đến thế giới thần linh: một là không được giết bò cái[29], con vật người Bàlamôn thờ, hai là dâng cúng phẩm vật cho người Bàlamôn coi sóc các đền. Nghe trả lời như vậy, tôi xót xa thấy ma quỉ không chế được con người, đến nỗi họ thờ lạy ma quỉ thay vì thờ phượng Thiên Chúa. Tôi đứng dậy và nói họ cứ ngồi yên. Tôi dõng dạc đọc lớn tiếng, bằng ngôn ngữ của họ, kinh Tin Kính và kinh Mười Điều Răn, sau mỗi điều ngắt một chút. Đọc kinh Mười Điều Răn xong, tôi dùng ngôn ngữ của họ cắt nghĩa thiên đàng là gì, địa ngục là gì, ai được lên thiên đàng, ai phải xuống địa ngục. Sau buổi trò chuyện ấy, tất cả mọi người Bàlamôn đứng dậy, ôm hôn tôi thắm thiết[30]. Họ nói quả thực Thiên Chúa của các Kitô hữu là Thiên Chúa thật, vì các điều răn của Chúa hoàn toàn phù hợp với lý trí tự nhiên của mọi người.
    Họ hỏi linh hồn có chết đồng thời với thân xác như thú vật không. Lúc ấy Chúa soi sáng cho tôi biết cách trả lời cho phù hợp với hiểu biết của họ. Tôi đã giúp họ hiểu rõ linh hồn bất tử, nên họ rất mừng và rất thích. Các luận cứ phải dùng đối với những người ít học này không cần tinh vi như trong bản văn của các tiến sĩ chuyên ngành trong kinh viện. Họ hỏi: Khi một người chết, linh hồn ra khỏi xác theo ngả nào? Và khi một người ngủ mơ thấy đang ở với bạn bè thân thuộc (điều này thường xảy đến với tôi: tôi thấy mình ở với anh em, những người anh em rất thân mến ạ), linh hồn người ấy có bỏ xác để đến đó không? Họ cũng hỏi tôi Thiên Chúa da trắng hay da đen, vì họ thấy có người da trắng có người da đen. Người ở đây da đen, và họ thích màu da ấy, nên họ nói Thiên Chúa cũng da đen, do đó đa số các tượng của họ đều đen. Họ thường thoa dầu lên các tượng làm cho có mùi rất khó chịu. Các tượng xấu đến nỗi chỉ cần nhìn là phát sợ rồi[31]. Họ hỏi câu nào, tôi trả lời thỏa đáng câu ấy. Nhưng khi tôi kết luận là họ phải theo đạo công giáo, vì họ đã biết sự thật, họ trả lời như nhiều người trong chúng ta thường làm: “Người ta sẽ nói thể nào về chúng tôi nếu chúng tôi thay đổi như vậy?” Ấy là chưa kể họ còn sợ không ai nuôi họ nữa.
  12. Tôi chỉ gặp được một người Bàlamôn, trong một làng ở bờ biển, có thể nói là hiểu biết, vì nghe đâu ông được học ở những trường danh tiếng. Tôi muốn được gặp riêng ông và đã gặp được. Ông nói rất nhỏ với tôi là những ai đến các trường ấy học, trước hết phải thề không được tiết lộ một số bí mật[32]. Nhưng đối với tôi, và một cách tuyệt mật, người Bàlamôn này đã tiết lộ vì coi tôi là bạn. Một trong các điều bí mật ấy là không bao giờ nói chỉ có một Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất, đang ở trên trời. Chính ông chỉ được thờ Thiên Chúa, chứ không được thờ các tượng thần, vì tượng thần là ma quỉ. Họ có cả Sách Thánh, bao gồm các điều răn. Trong các trường ở đây, cũng có ngôn ngữ riêng để dạy, tương tự tiếng Latinh bên mình[33]. Ông nói rõ với tôi các điều răn, còn giải thích đầy đủ từng điều nữa. Một điều gần như không tin được là những người thông thái còn giữ ngày Chúa Nhật nữa. Vào Chúa Nhật, họ chỉ có một lời nguyện, đọc đi đọc lại nhiều lần: ‘Om cỉrii naraina noma’, nghĩa là ‘Lạy Chúa, nhờ ơn Chúa giúp, con thờ phượng Chúa mãi mãi’[34]. Họ phải kín đáo đọc thầm lời nguyện này, vì tôn trọng lời thề. Ông cũng nói với tôi là luật tự nhiên cấm người ta cưới nhiều vợ. Theo như Sách Thánh của họ dạy, họ cũng tin sẽ có lúc mọi người phải cùng giữ một luật thôi. Người Bàlamôn này còn cho tôi biết là trong các trường ấy, người ta dạy nhiều câu thần chú nữa.
    Ông xin tôi cho biết những điều quan trọng nhất trong luật người Kitô giáo: ông hứa sẽ không tiết lộ cho ai[35]. Tôi nói với ông là tôi sẽ không cho ông biết, nếu ông không hứa trước là sẽ không giữ kín những điều quan trọng nhất trong luật người công giáo mà tôi sắp trình bày. Ông hứa sẽ nói công khai. Tôi liền nói và rất sung sướng cắt nghĩa những điều rất quan trọng này trong luật: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu”[36]. Ông viết những từ ấy bằng ngôn ngữ của ông, cùng với lời giải thích, vì tôi đọc trọn cả kinh Tin Kính. Trong khi giải thích, tôi đặt cả Mười Điều Răn vào, vì phù hợp với kinh Tin Kính. Ông nói với tôi là có đêm ông thích thú và sung sướng mơ thây mình theo đạo công giáo, trở thành bạn đồng hành của tôi và đi theo tôi. Ông xin tôi cho theo đạo chui, và còn thêm một số điều kiện vừa không chính đáng vừa sai trái nữa[37]. Do đó, tôi không chấp thuận. Trong Chúa tôi hi vọng là ông sẽ gạt bỏ các điều kiện ấy. Tôi nói ông phải dạy những người chất phác chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, là Đấng dựng nên trời đất và đang ngự trên trời. Nhưng ông không muốn làm như vậy, vì đã thề và vì sợ ma quỉ giết chết.
  13. Tôi không thấy còn gì phải viết thêm cho anh em về xứ này, ngoại trừ về những an ủi Chúa ban cho những người đến giữa dân ngoại để giúp họ tin vào Đức Kitô. Chúng tôi được an ủi mãnh liệt, đến nỗi nếu trên đời này có điều chi gọi là thỏa lòng thì chính là đây. Tôi rất thường nghe có người sống giữa các bổn đạo ỏ đây nói: “Lạy Chúa, xin đừng ban cho con tất cả các an ủi ấy ở đời này! Nếu vì Chúa nhân từ và thương xót vô biên mà ban cho con, thì xin đem con vào hưởng vinh quang Chúa. Vì một khi Chúa tự thông truyền bên trong như vậy cho con là thụ tạo, con không chịu nổi cảnh phải sống vắng bóng Chúa đâu.” Ôi! ước gì những người miệt mài với sách đèn cũng dành bấy nhiêu cố gắng để rút ra ích lợi do họ đã vất vả ngày đêm để thu thập kiến thức. Ôi! Nếu thay vì tìm được thỏa lòng nhờ hiểu những điều mình học, người sinh viên tìm trong việc giúp tha nhân biết họ cần gì để cảm nhận được Chúa, người ấy sẽ được an ủi hơn và sẵn sàng tính sổ linh hồn với Chúa hơn, vào ngày Đức Kitô sẽ hỏi: “Hãy tính sổ cho Ta biết ngươi đã quản lý tài sản Ta thế nào.”[38]
  14. Anh em rất thân mến, ở đây, để giải trí, tôi rất thường nhớ đến anh em và nhớ đến thời gian, vì Chúa quá thương, tôi được biết anh em và sống với anh em. Tôi tự biết và cảm thấy trong lòng là, đo lỗi mình, tôi đã để thời gian ấy qua đi mà không rút được ích lợi từ bao nhiêu điều chính Chúa cho anh em hiểu biết. Nhờ lời anh em cầu nguyện, và vì anh em luôn luôn nhớ đến tôi, Chúa ban cho tôi ơn rất lớn là dù xa cách anh em về thể xác, nhưng nhờ anh em nâng đỡ và giúp đỡ, Chúa cho tôi cảm thấy muôn vàn tội lỗi của mình và cho tôi sức mạnh để đến giữa dân ngoại. Tôi hết sức cảm tạ Chúa về điều ấy, và cũng cám ơn anh em nữa, những người anh em rất thân mến của tôi. Trong ngàn vạn ân sủng Chúa ban cho tôi ở đời này, và ban mỗi ngày, phải kể ơn tôi còn sống để thấy điều tôi ước mong biết bao, đó là qui luật và cách sống của chúng ta được phê chuẩn. Xin tạ ơn Chúa muôn đời, vì Chúa đã bày tỏ công khai điều trước đó Chúa đã cho tôi tớ Chúa là I-nhã, cha chúng ta, cảm nghiệm trong lòng.
    Năm ngoái tôi đã viết cho anh em về số lễ cha Paolo và tôi đã dâng tại Ấn Độ này để cầu nguyện cho Đức Hồng Y Guidiccioni. Tôi không nhớ trong năm vừa qua đã dâng bao nhiêu lễ theo ý đó. Xin cho chúng tôi biết ngài phục vụ Chúa thế nào, để chúng tôi cùng vui với anh em cũng gia tăng lòng nhiệt thành cho cha Paolo và tôi, vì chúng tôi là tuyên úy thường trực[39] của ngài. Đừng quên viết thư cho chúng tôi biết hoa trái ngài gặt hái được trong Hội Thánh.
    Để kết thúc, tôi nguyện xin Chúa đoàn tụ chúng ta trong vinh quang bất diệt trên trời, vì nhờ Chúa thương chúng ta đã đến với nhau, rồi để phục vụ Chúa, chúng ta lại phải xa nhau.
  15. Để được ơn lành ấy, chúng ta hãy xin với tất cả các linh hồn thánh thiện ở xứ này, nơi tôi đang sống, những linh hồn Chúa đã đưa vào vinh quang bất diệt sau khi chính tay tôi đã rửa tội cho, trước cả khi biết phạm tội: tôi nghĩ là có đến hơn 1000. Xin các linh hồn ấy làm trạng sư cầu bầu cho chúng ta, để Chúa ban cho chúng ta ơn này, là suốt thời gian đang phải lưu đày, chúng ta cảm nghiệm được, từ bên trong tâm hồn, và chu toàn ý muốn rất thánh của Chúa.

Cochin 15.1.1544.
Rất thân mến trong Đức Kitô,

Phanxicô Xavier.

Bản dịch: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.

 


[1]    Xem thư 13 và 15.

[2]    Thư này đã thất lạc.

[3]    Có lẽ ngài nhận được ở Goa. Sau đó, vào khoảng tháng 12, ngài rời Goa đi Cochin cùng với Francisco Mansilhas và viên thư ký của Tổng Trấn tên là Antonio Cardoso. Ngài đến Cochin ngày 3.1.1544.

[4]      Tàu Thánh Matthêu mang thư này phải nghỉ mùa đông ở Mozambique, chỉ đến Ấn Độ ngày 30.8.1543.

[5]    Chừng 20 ngàn người trong 30 làng, dọc theo hơn 100 km bờ biển.

[6]    Các sách phương tây thường gọi là Bờ Biển Ngư Dân, nhưng người Ấn Độ không bao giờ gọi như vậy. Có thể gọi chính xác nhất là bờ biển Parava theo tên của dân địa phương.

[7]    Trong thời gian từ 1535 đến 1537, một số linh mục triều và dòng Thánh Phanxicô từ Cochin đến rửa tội cho người Parava, cả trước cũng như sau đó, họ không được giảng dạy chi hết.

[8]    Đúng ra là tiếng Tamil, ngôn ngữ của dân ở nam Ấn Độ và bắc Sri Lanka.

[9]    Tiếng mẹ đẻ của thánh Phanxicô Xavier . Lưu ý là thánh Phanxicô Xavier thuộc dân Basco, một sắc tộc thiểu số ở Tây Ban Nha. Ở Ấn Độ, ngài đã cố gắng học tiếng Tamil, nhưng không kết quả lắm.

[10]    Tiếng Bồ Đào Nha lúc ấy là ngôn ngữ giao tiếp của người Châu Âu tại Ấn Độ.

[11]   Tức là làm Dấu Thánh Giá.

[12] Xem tài liệu 14,14.

[13] Nhiệt thành quá!

[14] Ngày nay chúng ta không thể chấp nhận được những điều thánh Phanxicô Xa-vi-ê gọi là đáng ca ngợi đó. Tuy nhiên, chúng ta phải thông cảm với những người sống cách chúng ta 450 năm. Thời ấy, người ta chém giết nhau vì lý do tôn giáo là chuyện bình thường, nên làm như thánh Phanxicô Xavier kể là còn “hiền” lắm!

[15] Tutticorin.

[16]  Thánh Phanxicô Xavier thường nhờ cộng tác viên, kể cả trẻ em.

[17]  Thường là một giáo lý viên người địa phương, có khi là một chủng sinh hay một tu sĩ.

[18]   Thánh Phanxicô Xavier chưa tổ chức công việc truyền giáo qui mô được, nhưng luôn luôn đặt người chịu trách nhiệm, chứ không bỏ lơ.

[19]  Mt 25,20.

[20]   Petrus de Comibus, dòng Thánh Phanxicô, sinh khoảng năm 1480, nhà giảng thuyết nổi tiếng, thân thiện với Dòng Tên, qua đời tại Paris năm 1555.

[21]   Francois Le Picart, sinh năm 1504 tại Paris, nhà giảng thuyết và giáo sư ở Sorbonne, chống các nhà cải cách Tin Lành, thân thiện với Dòng Tên, qua đời năm 1556 tại Paris, được tiếng là thánh thiện.

[22]   Gọi là fanam. Mỗi fanam vào thời thánh Phanxicô Xavier mua được ba con gà thịt.

[23]   Cũng gọi là Học viện Thánh Phaolô.

[24]   Giới kinh sư trong Ấn giáo, đẳng cấp cao nhất ưong xã hội Ấn Độ.

[25]   Thường đẳng cấp Bàlamôn có nhiều người học thức và miệt mài với con đường giải thoát. Có thể đây là trường hợp cá biệt, vả lại, thánh Phanxicô Xavier thường có thành kiến xấu (như hầu hết người công giáo Châu Âu thời đó) với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

[26]   Tv 42,1.

[27]   Ở đây thánh Phanxicô Xavier một phần đúng, một phần hiểu lầm. Ấn giáo có nhiều điểm cao siêu, giới bình dân chỉ được truyền dạy những điều dễ hiểu. Theo kinh điển, có ba con đường giải thoát: chiêm niệm, hành động và cúng bái. Đẳng cấp Bàlamôn thường theo con đường chiêm niệm, còn dân chúng theo con đường cúng bái.

[28]   Có thể là ông không biết thật, nhưng cũng có thể ông nghĩ có nói với thánh Phanxicô Xavier thì ngài cũng không tiếp thu được.

[29]   Bò vừa biết kéo cày, chở hàng, vừa cho sữa, nên là con vật rất quan trọng, gắn liền với sự sống của người thượng cổ. Vừa muốn cho quần chúng tôn trọng Thượng Đế là nguồn sống đích thực, tượng trưng cụ thể là con bò, vừa muốn bảo vệ nguồn sống cụ thể, Ấn giáo đã linh thánh hoá con bò để quần chúng dễ nhờ và dễ giữ. Mặt khác, theo Ấn giáo, không chỉ con bò mà mọi thú vật khác, thậm chí cả đến cây cỏ và cát đá, cũng như con người đều là Thượng Đế, là hiện thân của Thượng Đế. Ấn giáo là tôn giáo nhất nguyên và phiếm thần: mọi hiện hữu chỉ là một. Mỗi đồ vật, thú vật hay con người đều là hiện thân của Thượng Đế.

[30]   Phép xã giao và lịch sự bình thường thôi.

[31]   Thực ra nhiều tượng trong các đền Ấn giáo rất đẹp. Thánh Phanxicô Xavier ít khi khen cái gì đẹp. Vì coi mọi tượng thần đều là trò của ma quỉ, nên làm sao ngài thấy đẹp được!

[32]   Ấn giáo có nhiều phái. Trong một số phái, có những điều bí truyền, giới bình dân, và ngay cả những thành phần ưu tú trong các phái khác không được biết. Mỗi phái có cách thức tìm giải thoát riêng. Giới bình dân chỉ cần cúng bái, không cần biết đến những điều cao siêu bí truyền. Có thể những kẻ xấu lợi dụng điều này để lừa gạt quần chúng đơn sơ chất phác.

[33]   Tiếng Sanscrit.

[34]   Đúng ra là Om Sri Narâyana Namah: Om là một âm tiết linh thánh nguyên khởi, không định nghĩa được. Sri là thánh. Narâyana là một trong những danh hiệu của thần Vishnu. Trong ba vị thần cao cả nhất của Ấn giáo là Brahma, Vishnu và Siva, thần Vishnu được tôn kính nhiều nhất. Namah là thờ lạy.

[35]   Thánh Phanxicô Xavier và người Bàlamôn này chưa hiểu gì về tôn giáo của nhau. Người Bàlamôn nghĩ công giáo cũng như một tôn phái trong Ấn giáo, có những điều bí truyền, nên vì tôn trọng thánh Phanxicô Xavier mà hứa sẽ giữ bí mật. Trái lại, thánh nhân nghĩ người Bàlamôn giữ bí mật vì cho rằng ngài đi lừa gạt người khác.

[36]   Mc 16,16.

[37]   Một tín đồ Ấn giáo dễ dàng chấp nhận Chúa Giêsu như hoá thân của thần Vishnu, và Mười Điểu Răn là đòi hỏi của luân lý tự nhiên, đồng thời vẫn giữ nguyên niềm tín và luật lệ của Ấn giáo. Trái lại, thánh Phanxicô Xavier đòi phải từ bỏ trọn vẹn và dứt khoát, vì theo ngài, mọi sự bên ngoài Kitô giáo đều là ma quỉ hết.

[38] Lc 16,2.

[39] Có lẽ thánh Phanxicô Xavier muốn nói ngài và cha Paolo luôn dâng lễ và đọc kinh cầu nguyện cho Đức Hồng Y.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *