Tha Nhân Dưới Cái Nhìn Của Jean-Paul Sartre (phần 2/2)

images

 Jean-Paul Sartre (1905-1980)

  • Dẫn nhập
  • Tha nhân trong cái nhìn của một số triết gia
  • Hiện tượng luân hiện sinh như một cách thức tiếp cận hữu thể
  • Hữu-vị-tha (being-for-others) hay tương quan với tha nhân trong quan niệm của Sartre
  • Khuôn mặt của Levinas thách thức cái nhìn của Sartre
  • Thử trình bày một cách hiểu khác về quan điểm của Sartre đối với tha nhân
  • Kết luận

4. Khuôn mặt của Levinas thách thức cái nhìn của Sartre

Điểm nhấn quan trọng mà Levinas nói về tha nhân chính là khuôn mặt. Khuôn mặt ấy là khuôn mặt biết nói chứ không phải là một sự vật sơ cứng, ù lì: “Khuôn mặt hiện diện sống động; nó tự diễn tả mình. Một khuôn mặt biết nói.”[1] Vì thế, khuôn mặt của tha nhân không cho phép tồn tại những hình ảnh hay những tư tưởng mà trí óc tôi phác họa lên hay đo lường được về họ. Tôi không sao có thể giản lược khuôn mặt ấy xuống thành khái niệm, vì khuôn mặt của tha nhân không ở trước mặt tôi nhưng ở trên tôi.[2] Tôi không thể nào nắm bắt khuôn mặt ấy được. Nơi khuôn mặt, trọn vẹn con người của tha nhân được tỏ bày, bởi sự cao quý và nét dịu huyền của tha nhân được diễn tả nhờ khuôn mặt của họ.[3]

Thêm vào đó, khuôn mặt của tha nhân cũng toát lên sự “phản kháng lại thái độ quyền lực và hành vi chiếm hữu của tôi”.[4] Khuôn mặt ấy mời gọi tôi đi vào một cuộc đối thoại chân thành với nó. Đối diện với khuôn mặt, tôi thấy mình như bị chất vấn và bị đòi hỏi điều gì đấy vượt trên chính tôi. Nó đòi hỏi một sự công bằng, khơi dậy trong tôi tính thiện đang tiềm ẩn trong mình. Nó đòi tôi phải gánh lấy trách nhiệm về nó mà không đòi hỏi trách nhiệm từ nó ở chiều ngược lại. Có thể nói, cái nhìn của Sartre chứa đựng một tương quan thống trị-phục tùng; còn khuôn mặt của Levinas lại ẩn chứa một trách nhiệm cao cả đối với tha nhân. Trách nhiệm ấy cho thấy rằng tôi không được làm hại đến tha nhân, vì tôi hiện hữu là hiện hữu với tha nhân, và tôi sẽ chẳng tìm được ý nghĩa của mình nếu không có cái Khác. Nói tóm lại, khuôn mặt của tha nhân mời gọi tôi phải mang lấy trách nhiệm, phải đi vào tương quan ngang bằng với tha nhân, nhìn tha nhân như họ là.Khuôn mặt ấy còn là một mệnh lệnh khiến tôi không thể nào biến tha nhân thành sự vật nhưng là một nhân vị huyền nhiệm, cao cả.

Như thế, khuôn mặt của tha nhân thực sự thách đố cái nhìn của Sartre: Liệu cái nhìn có thể tước đi tự do và chủ thể tính của người khác được không, có biến tha nhân thành sự vật được không? Phải chăng tương quan với tha nhân chỉ là tương quan thống trị phục tùng, đầy những xung đột và mâu thuẫn? Với những gì mà Levinas miêu tả về khuôn mặt, phải chăng Sartre có sự lệch lạc khi nhìn về tha nhân nếu không muốn nói là trong cái nhìn ấy có ẩn chứa một sự bệnh hoạn nào đó? Thực vậy, đâu phải cái nhìn nào cũng như muốn bóc trần người khác, muốn tước đoạt tự do và chủ thể tính của tha nhân. Đôi mắt, cái nhìn vẫn là hình ảnh của một cái gì đó yêu thương, chất chứa. Những người yêu nhau chẳng cần phải nói với nhau lời nào nhưng qua cái nhìn cũng đủ gởi gắm cả trời yêu thương. Cũng thế, tương quan giữa người với người đâu chỉ có xung đột, mâu thuẫn; mặc dù ta không thể chối bỏ có những tương quan thống trị-phục tùng, xem người khác chỉ là sự vật, đồ chơi (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, mãi dâm); nhưng vẫn còn đó những tương quan cảm thông, nâng đỡ giữa người với người. Hơn nữa, với một khuôn mặt đầy tính cao cả và huyền nhiệm mà Levinas miêu tả, cái nhìn của Sartre dù có muốn tước đoạt đi tự do và chủ thể tính của tha nhân cũng không thể làm được. Khi nhìn chằm chằm vào một người và muốn biến người ấy thành sự vật, nhưng thật sự người ấy vẫn là người ấy, là một chủ thể, một nhân vị huyền nhiệm vượt lên trên cành cây ngọn cỏ, và nhất là vượt ra khỏi cái nhìn soi mói của chủ thể.

Đọc lại cuộc đời của Sartre, ta thấy ông có tuổi thơ khá bất hạnh: mồ côi bố khi mới một tuổi, phải sống với mẹ và ông ngoại. Ông ngoại rất nghiêm khắc, chỉ muốn Sartre suốt ngày nhốt mình trong thư viện để đọc sách. Vì thế, tuổi thơ của ông không hề có chơi bời, nghịch phá hay tương quan với những đứa trẻ khác. Ông là một đứa bé hoàn toàn cô độc. Stephen Priest cũng nói: “Sartre rất căm ghét tuổi thơ của mình và hầu như những tác phẩm của ông được viết ra là để chửi bới cái tuổi thơ ấy.”[5] Sau này, khi chiến tranh thế giới bùng nổ, ông lại phải chịu cảnh bắt bớ tù đày và hằng ngày phải nhìn cảnh người này áp bức, khủng bố người kia. Phải chăng chính những điều ấy đã khiến ông có cái nhìn cực đoan về tha nhân, hay nói chính xác hơn là về tương quan giữa người với người?

5. Thử trình bày một cách hiểu khác về quan điểm của Sartre đối với tha nhân

Về lý thuyết hữu thể luận, tương quan chân thành với tha nhân dưới con mắt của Sartre là vô vọng. Tuy nhiên, trong thực tế, ông là một giáo sư triết học có tương quan xã hội rộng rãi. Đặc biệt, mối tình giữa ông và bà Simone de Beauvoir rất sâu đậm mà không ai có thể chối bỏ được. Sự kiện này làm cho người viết trăn trở: Phải chăng mối tình ấy đã thật sự tha hoá ông, cướp mất tự do và chủ thể tính của ông? Nếu không, phải chăng triết lý sống mà ông có không xuất phát từ kinh nghiệm căn bản hay từ trực giác của ông mà chỉ là kết quả của việc suy tư bay bổng, hay tệ hơn đó là ảnh hưởng của một thứ tâm bệnh? Người viết không hoàn toàn nghĩ thế. Sartre rất có thể đã đưa quan điểm của ông về tha nhân tới chỗ cực đoan chỉ để muốn nhấn mạnh rằng: tương quan giữa người với người luôn hàm chứa một nguy cơ thống trị-phục tùng và đầy mâu thuẫn như thế đó. Quả vậy, ít nhiều ai cũng có kinh nghiệm bị người khác nhìn chòng chọc, soi mói. Cái nhìn ấy như biến ta thành sự vật để xem xét, phân tích chứ không còn là một con người huyền nhiệm. Đồng ý rằng có những cái nhìn yêu thương cảm thông, những vẫn còn đó những cái nhìn như muốn “ăn tươi nuốt sống” người khác. Và đôi khi, chính tôi là người bị nhìn cũng muốn trở nên giống như hình ảnh mà người khác nhìn tôi, vì tôi thích được công nhận, thích được người khác yêu thương. Thế nên, tôi cố gắng tỏ mình ra thế này thế nọ, khoác lên người tính chất này, đặc điểm kia. Tôi không thích cầu nguyện “nơi kín đáo” nhưng ra giữa “hội đường” để bề trên, anh em nhìn thấy tôi mới an lòng. Tôi sống lệ thuộc vào quan điểm hay cái nhìn của người khác. Tôi tự biến mình thành sự vật hay một hữu-tại-ngã sơ cứng dưới mắt người đời. Như vậy, một cách gián tiếp, Sartre muốn nhắn nhủ rằng tương quan chân thực chỉ đạt được khi tôi là chính mình và khi tôi biết nhìn tha nhân như chính tha nhân là. Đến những trang cuối của tác phẩm Being and Nothingness, Sartre nói đến sự chân thực (authenticity). Chân thực thì khác với tin tưởng lầm lạc (bad faith). Tin lầm là tôi tự lừa dối mình, cho rằng tôi chỉ là một hữu-tại-ngã cố định, bị động. Vì thế, tôi có thể trốn tránh tự do và trách nhiệm mà đáng ra tôi phải gánh vác. Còn chân thực là nhận ra tôi là một hữu-vị-ngã, một chủ thể của ý thức. Tôi không bị động nhưng luôn chủ động và có khả năng thay đổi chính mình. Tôi hoàn toàn tự do để tạo nên bản chất cho tôi.[6] Như vậy, với sự chân thực, tôi không mong muốn trở nên hình ảnh mà tha nhân nhìn tôi nữa. Tôi chấp nhận tôi là một hữu-vị-ngã nên sẽ thay đổi, sẽ nên khác chứ không giống với cái nhìn của tha nhân được. Tôi cũng không muốn tỏ mình ra như thế này thế nọ để được lọt vào “mắt xanh” của người khác. Khi có cái nhìn chân thực về mình, tôi cũng có một cái nhìn chân thực về tha nhân, tức là nhìn tha nhân như tha nhân là chứ không “dán nhãn” tha nhân theo sở thích của tôi. Làm như thế, tôi đã trả lại cho tha nhân khuôn mặt đúng như khuôn mặt của họ. Như vậy, tương quan giữa người với người hoàn toàn có thể xây dựng được dựa trên sự chân thành mà tôi đối với chính tôi và với tha nhân. Nếu cách hiểu ấy đúng đắn, thì quả thật, lối trình bày của Sartre rất độc đáo và thú vị; tư tưởng của ông cũng rất sâu sắc và có giá trị chứ chẳng hề xoàng xĩnh, cực đoan.

Kết luận

“Khuôn mặt là chân dung của tâm hồn mà đôi mắt làm công việc diễn giải.”[7] Levinas đã nói đến khuôn mặt như là nhân tố quan trọng để đi vào tương quan với tha nhân; còn Sartre thì đề cập đến cái nhìn. Tuy nhiên, khi đề cao khuôn mặt, Levinas có nguy cơ xây dựng hữu thể học chỉ trên cái tha mà đánh mất cái tôi. Cái nhìn của Sartre lại mang ý nghĩa thống trị, của việc biến tha nhân trở thành những hữu-tại-ngã chứ chẳng còn là “cánh cửa tâm hồn” nữa. Nhưng nếu xem khuôn mặtcái nhìn cách hỗ tương, ta sẽ có quan điểm tròn đầy hơn về tha nhân. Chính khi cái nhìn được thanh luyện, ta mới có thể nhìn chính mình và nhìn khuôn mặt của tha nhân cách đúng đắn và chân thành. Hiểu như vậy ta mới ngộ ra rằng, quan điểm của Sartre về tha nhân như một tiếng chuông cảnh tỉnh chứ đâu phải một sự đe dọa.

Vũ Đức Anh Phương, S.J.

Học viên Triết I

Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

[1] Emmanuel Levinas, ibid., tr. 66.

[2] x. ibid., tr. 50-51.

[3] x. ibid., tr. 297.

[4] x. ibid., tr. 194.

[5] Jean-Paul Sartre, Basic Writings, edited by Stephen Priest (London: Routledge, 2001), tr. 6.

[6] Bởi thế Sartre mới chủ trương: “Tồn tại có trước bản chất – Existence precedes essence” (Ibid., tr. 566).

[7]Marcus Tullius Cicero (3/1/106 – 7/12/43 BC): “The face is a picture of the mind with the eyes as its interpreter.”

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *