Thấm thía

(Truyện ngắn)

1.

-“Đồ mất dạy! Đồ bụi đời phá làng phá xóm!”

Ngợi bước đi hiên ngang giữa những lời chửi rủa mà người ta dành cho cậu. Cậu đã nghe nhiều lắm những lời chửi như thế, thậm chí có hôm bị người ta đánh bầm dập.

-“Bà Sáu về dạy lại thằng con bà đi! Thứ gì mất dạy dễ sợ! Suốt ngày phá phách. Hôm trước trộm chó nhà tui, ông chồng tui trùm bao bố định nện cho chết. Dè đâu mở bao ra thấy nó.”

Lời mắng vốn ấy còn quá nhẹ. Có hôm người ta còn tới nhà bà đòi bồi thường con chó, con gà, củ khoai, thậm chí là đòi đốt nhà bà nữa. Bà Sáu đành ngậm ngùi trả tiền cho họ mà chẳng biết thằng Ngợi – con trai bà – đã gây ra những chuyện gì.

2.

 -“Ngợi con! Ngồi nghe má nói chuyện xíu đi con.”

Cậu lại ngồi bên cạnh bà Sáu. Bình thường Ngợi vẫn hiền như thế, nhưng chẳng hiểu sao khi ra ngoài đường lại trở nên một con người hoàn toàn khác. Điều mà người ta mắng vốn và điều thực tế mà bà Sáu thấy con mình là những điều ngược nhau.

-“Con quen với mấy đứa bụi đời từ hồi nào?”

-“Dạ!… Dạ!…” cậu ấp úng.

-“Nói má nghe đi con. Sao con lại…?”

-“Dạ!… Dạ!…” cậu vẫn ấp úng.

-“Sao không nói mà dạ hoài vậy? Hay con có gì khó khăn?”


Ngợi đứng lên chạy một mạch ra ngoài, về hướng đường lớn. Bà Sáu gọi nhưng cậu không quay lại. Trời đổ cơn mưa chiều khá lớn, Ngợi đằm mình trong cơn mưa. Bà chạy theo con dưới cơn mưa tầm tã.

3.

-“Ba ơi! Ba!”

Ngợi áp mặt sát ngôi mộ của ông Sáu, gọi ông liên tục dưới cơn mưa to. Hai tay cậu ôm lấy mộ, như khao khát bấu víu điều gì còn sót lại mà không được.

Ông Sáu thương Ngợi lắm vì cậu là con trai một của ông bà. Ông là lao động chính trong gia đình. Bà Sáu bị bệnh tim khá nặng, nên mọi chuyện trong nhà đều do ông Sáu gánh vác. Nhà quá nghèo không đủ để bà Sáu chữa căn bệnh hiểm nghèo của mình, chỉ đủ mua thuốc uống những lúc tim làm mệt và đôi ba lần nhập viện. Ông Sáu cố tìm mọi cách cho thằng Ngợi đi học. Chỉ có con chữ mới mong cuộc đời cậu xán lạn hơn. Cái nghèo đã vây bám ông bà đi đến sức cùng lực kiệt. Ông chấp nhận chạy vạy mượn khắp nơi để Ngợi có tiền đóng học phí, rồi trong năm cố gắng làm kiếm tiền trả nợ.

Ngày ông ra đi cũng là ngày Ngợi tròn mười sáu tuổi. Cái tuổi mà con người đáng được dung bồi bằng nhiều khía cạnh, trong đó có tình thương người cha và người mẹ, nhưng ông qua đời để lại trong cậu một lỗ hổng quá lớn. Hôm ông ra đi, bà Sáu cũng lên cơn đau tim quằn quại. Ngợi nhờ bà con trong xóm ở nhà dựng rạp và thay đồ cho ông Sáu. Còn cậu đưa bà Sáu lên trạm xá. Trở về người ta đã vuốt mắt và cho ông Sáu vào quan tài, đợi mẹ con Ngợi về nhìn mặt lần cuối thì đóng nắp.

Hoàn cảnh không cho Ngợi ngồi khóc lóc, phải làm gì đó…

4.

-“Mấy anh cho tui vay chục triệu để tui lo đám cho ba và chữa bệnh cho má.”

Ngợi tới gặp nhóm cho vay nóng trong xóm để kiếm tiền xoay sở chuyện gia đình trong lúc này. Sổ nhà đất giờ không còn, nợ mượn những chỗ khác đã chất chồng, rày khó có ai dám cho gia đình mượn vì cơ may trả được nợ quá khó, chỉ còn cậy nhờ bọn cho vay nóng.

-“Tui xin mấy anh! Giúp tui lần này! Muốn tui làm gì tui cũng làm!”

Có lẽ đây là lần đầu tiên Ngợi dám hạ sát mình và nói những lời như thế với người khác. Trước giờ cậu chỉ biết đi học chứ nào biết ông Sáu đã phải vay mượn ra sao. Giờ đây, Ngợi không còn nghĩ tới nỗi nhục nhã khi phải van xin người ta, nhưng chỉ muốn lo cho xong cái đám của ông Sáu và để lại ít tiền chữa bệnh cho bà Sáu.

-“Mày nhớ! Mày nói muốn làm gì cũng được đó nghen!” Mấy thanh niên khuôn mặt bặm trợn nhìn thẳng vô mắt Ngợi, gằn giọng như muốn xác minh điều cậu vừa hứa.

-“Hứa! Tui hứa! Làm gì tui cũng làm!”

Cầm xấp tiền chạy về, Ngợi mừng hết sức. Nhưng mọi chuyện đâu dừng lại ở đó.

Những tay cho vay cũng là nhóm xã hội đen khét tiếng. Chúng thường hoạt động phi pháp ở những vùng lân cận, còn trong xóm thì chỉ phá phách và cho vay. Ngợi bị chúng bắt gia nhập vào thế giới ngầm, cách miễn cưỡng cậu không thể làm gì trước sự ép buộc của chúng. Muốn thoát khỏi đường dây đồng nghĩa với việc trả hết nợ, mà số nợ sinh lãi cao nay lên vài chục triệu thì đào đâu ra tiền mà trả. Thêm phần cậu sợ kinh động tới mẹ lúc này thì không tốt.

Từ hồi ông Sáu mất, Ngợi bắt đầu sa vào những cuộc phá làng phá xóm cách miễn cưỡng, mà cậu là người chịu trận thay cho nhóm bụi đời ấy. Quy tắc cho người mới vào muốn chứng tỏ bản lĩnh là cậu phải đi trước và về sau trong mọi vấn đề, kể cả những lần đi đánh nhau hay trộm cắp. Đi trước dò đường, dẫn lối và móc nối để thám thính tình hình; về sau là để cả bọn an toàn còn mình cậu hy sinh chạy sau rốt. Kết quả người ta toàn bắt trúng mỗi cậu trong những vụ ấy.

5.

Chuyện Ngợi là thành viên miễn cưỡng của một băng đảng xã hội đen là điều mà ít ai trong xóm biết được. Sau mỗi phi vụ cậu trở về nhà với bà Sáu chờ phi vụ tiếp theo, cậu vẫn thương và lo lắng cho mẹ từng chút một. Nhiều hôm bà Sáu lên cơn đau tim, cậu hốt hoảng bồng bà chạy tới trạm xá. Bà con trong xóm thấy cậu làm thế, họ trề môi chê trách: “Đồ cái thứ giả nhân giả nghĩa! Quậy như quỷ bày đặt giả bộ quan tâm”.

Chẳng phải Ngợi không bực tức hay không nóng giận. Vốn tính máu me của một tay giang hồ, dù là miễn cưỡng, cũng đủ khiến cậu có thể làm bất cứ điều gì, kể cả chống trả hay thậm chí giết người. Phải chăng có gì ngăn cản Ngợi phản ứng lại?

Bà Sáu từ từ mở mắt nhìn, thấy con ngồi bên cạnh mình, hay bàn tay nắm lấy tay bà thật chặt, bà mỉm cười nhìn con. Lần nhập viện này có vẻ bà yếu hơn trước rất nhiều. Nhịp tim không đều đặn và cũng chẳng minh mẫn nữa. Đôi mắt bà mờ hẳn khi nhìn mọi vật xung quanh, thi thoảng rơi vào mê sảng kể cả ban ngày. Điện thoại trong túi Ngợi reo lên, cậu nghe điện thoại rồi ra ngoài dặn dò y tá điều gì đó, rồi cậu biến đi nhanh chóng.

6.

-“Mẹ tui! Mẹ tui sao rồi?”

Ngợi đứng trước phòng cấp cứu, có vài người đàn ông ngăn không cho cậu vào trong, nhưng khá vất vả mới ngăn được. Từ ngoài nhìn vào trong qua lớp kính, một người phụ nữ già nua, tóc tai bù xù đang nằm trên tấm băng ca kim loại xám xịt, đôi mắt nhắm nghiền. Các bác sĩ dùng hai cục kim loại đặt vào lồng ngực bà, y tá lấy một vật gì đó chụp lên mũi bà, và những dây nhợ rối rắm đang mắc vào nhiều nơi trên cơ thể bà. Ngợi không khóc, đôi mắt đỏ hiện lên những lằn gân dữ tợn. Cậu nhìn chăm chăm với sự kìm kẹp của những người đàn ông.

-“Xin lỗi anh! Chúng tôi đã cố hết sức! Xin chia buồn cùng gia đình.”

Ngợi quỳ xuống trước phòng cấp cứu, chiếc băng ca được đẩy ra, lớp khăn trắng phủ thi hài bà Sáu kín từ đầu tới chân. Tiếng két két của bánh xe băng ca như tiếng dao cứa trong lòng cậu. Dùng hết sức, Ngợi đấm thật mạnh xuống sàn nhà với tiếng hét kinh khiếp, cậu vẫn không khóc.

Ôm xác bà Sáu trở về. Trời đổ cơn mưa. Không đưa về nhà, Ngợi ra thẳng chỗ mộ ông Sáu, mình cậu lấy vá đào huyệt cho bà Sáu, rồi đặt bà xuống cạnh ông. Xong xuôi, cậu nằm giữa kẻ của hai ngôi mộ, mưa vẫn nặng hạt. Ngước mặt lên trời hứng những giọt mưa, hai bàn tay đặt lên hai bên ngôi mộ, như thể cậu muốn che chắn cho ông bà giữa cơn mưa dữ dội.

 7.

Tiếng song sắt khép lại: “Cốp… cốp…”, Ngợi giật mình bởi tiếng va chạm quá lớn. Chợt lúc này cậu nhớ lại điều mà bà Sáu đã hỏi lúc còn sống: “Con quen với mấy đứa bụi đời từ hồi nào?”; “Nói má nghe đi con, sao con lại…?”; “Sao con không nói mà dạ hoài vậy? Hay con có gì khó khăn?”

-“Má à! Giờ con trả lời má được rồi! Con không ấp úng nữa đâu. Mọi chuyện đã xong, ra tù con sẽ làm lại đời mình. Má à!”

Sâu trong ngục tối, có tiếng thút thít…

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Tìm lại nền tảng hạnh phúc gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 27 Thường niên – năm B

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA …

Thánh Phanxicô Assisi – Tình Nhân của Bí tích Thánh Thể

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những vị thánh được yêu mến nhất, ngài có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *