Thẩm vấn hay điều tra? Một cái nhìn khác về cha Teilhard de Chardin

Cha Teilhard de Chardin

 

Teilhard de Chardin sinh ngày 1 tháng 5 năm 1881, là một Giê-su hữu người Pháp, một nhà địa chất học và cổ sinh vật học uyên bác, ngài đã tham dự vào việc khám phá công trình Peking, một công trình ủng hộ lý thuyết con người tiến hoá theo thuyết đa khởi nguồn.

Tuy nhiên, nỗ lực của cha trong việc nối kết điều khoa học đang nói về thuyết tiến hoá với chân lý đức tin đã dẫn đến việc ngài bị cấm giảng dạy và xuất bản sách khi ngài còn sống. Vào năm 1962, 7 năm sau khi ngài qua đời, Toà thánh đã hành một lệnh “cảnh báo” – như một lời cảnh báo chính thức, đối với các nhà huấn luyện ở các chủng viện. Lệnh cấm này nói rằng, các tác phẩm của cha chứa đựng những điều không rõ ràng có tính nguy hiểm và những lỗi nghiêm trọng.

Ban cố vấn (Toà thánh) chưa bao giờ xác định lỗi hay những điều không rõ ràng đó là gì, và – xét như là một lý thuyết – cuối cùng, đó có thể chỉ là một cách hành xử mang tính “chính trị” hầu làm suy yếu ảnh hưởng to lớn của những ý tưởng và viễn tượng của cha Teilhard vốn đang có mặt tại các cuộc thảo luận ở Công Đồng Vatican II bắt đầu từ năm 1962.

Trước cha Teilhard, Giáo hội đã luôn tìm cách “làm sao để bảo vệ Thiên Chúa, Đấng sáng tạo, chống lại thuyết tiến hoá và giờ đây vị Linh mục Dòng tên này đã nhìn thấy sự tiến hoá trong kế hoạch của Thiên Chúa”, Đức ông Melchor Sanchez de Toca, thư ký uỷ ban Giáo hoàng về Văn hoá, một chuyên gia về mối tương quan giữa khoa học và đức tin phát biểu.

Cách tiến cận của ngài mang tính đột phát vì “nó không đơn thuần là một sự hoà giải giữa khoa học và đức tin; nó là một sự nối kết, tạo ra một viễn tượng duy nhất và toàn thể bởi vì sự nguy hiểm của quá khứ chính là có một cái nhìn tách biệt triệt để” của hai yếu tố này. Ngài nói với Catholic News Service vào tháng Năm.

Ngày nay, “lệnh cấm” này hoàn toàn không thích hợp nữa vì nó chưa từng khiến mọi người ngưng việc nghiên cứu các tác phẩm của ngài, ngoài ra các thần học gia có thể lượng định về các tác phẩm đó cách rõ ràng hơn, đồng thời chỉ ra những chủ ý của các bản văn cùng những giới hạn của chúng cách chi tiết. Dẫn lời của ĐGM Sanchez:

“Cha Teilhard là một nhà nhân chủng học và là một nhà thơ có tiếng nhưng không hẳn là một triết gia hay một thần học gia giỏi, đó là lý do tại sao có những hiểu lầm về các tác phẩm ngài viết.”

Mặc dầu vậy, viễn tượng phổ quát của cha Teilhard đã gây ảnh hưởng trên các nghị phụ tại công đồng khi ra tài liệu “Gaudium et Spes” (Vui mừng và hy vọng). Chính ĐGH gần đây nhất là Chân Phước Phao-lô VI đã sử dụng nhiều tác phẩm của cha Teilhard trong các trích dẫn của mình. ĐGH Phan-xi-cô cũng đã có một chú thích về cha Teilhard trong thông điệp  “Laudato Si”. Ngài đã vay mượn ý tưởng của cha Teilhard về vẻ đẹp huyền bí của thế giới này đang được tỏ lộ và đạt tới cùng đích của nó nơi Thiên Chúa.

ĐGM Sanchez khẳng định rằng ĐHY Gianfranco Ravasi, trưởng ban về văn hóa của hội đồng,  đã đệ trình lên ĐGH Phan-xi-cô một dự thảo về việc gỡ bỏ “lệnh cấm” đó sau khi ý tưởng này được đưa ra trong phiên họp khoáng đại của hội đồng vào tháng 11 năm 2017.

Cho dù một tuyên bố chính thức về việc gỡ bỏ những lời cảnh bảo về các tác phẩm của cha Teilhard chỉ đơn thuần là một hành động mang tính biểu trưng, nó vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với những người thân của ngài và rất nhiều tổ chức đang xúc tiến nghiên cứu các tác phẩm của ngài. Đó là nhận định của David Grumett, một chuyên gia nghiên cứu về cha Teilhard và là một giảng viên lão luyện trong ngành thần học và luân lý tại Đại Học Edinburgh.

Grumett nói với CNS rằng ông hy vọng những phát hiện có tính lịch sử không mong đợi của Paul Bentley đầu năm này sẽ thúc đẩy việc gỡ bỏ những lệnh cấm. Thay vào đó, những phát hiện đó sẽ đem lại những ích lợi cho việc tiếp cận những điều cha Teilhard muốn nói với con người trong bối cảnh ngày hôm nay.

Paul Bentley được biết đến như là một diễn viên nổi tiếng trong phim “Game of Thrones”. Ông đã viết một vở kịch về việc điều tra của Vatican đối với trường hợp của cha Teilhard cùng với sáu điều khoản mà ngài phải ký tên. Ông đã tìm thấy sáu điều khoản căn bản này trong văn khố của Dòng Tên tại Rô-ma. Ông cũng đã phát hiện ra những thư từ chưa từng được công bố trước đây giữa cha Teilhard và các bề trên, các thư này cho chúng ta hiểu cách đầy đủ hơn về những suy tư của ngài.

Grumett và Bentley là đồng tác giả về một bài báo đưa tin về những khảo cứu; bài báo này sẽ được công bố trên số ra tháng 6 của Zygon, Tạp Chí Tôn Giáo và Khoa Học.

Tuy nhiên, Grumett nói: “chúng ta không chỉ thông truyền điều này cho các tạp chí hàn lâm” và trong các trường đại học mà thôi, nhưng còn thông qua văn hóa đại chúng, theo kiểu một sản phẩm kịch nghệ mà Bentley hướng tới, “để giúp mọi người nhận ra thông điệp của cha Teilhar có liên hệ” tới thế giới rộng lớn hơn, chứ không chỉ là các học giả và Kitô hữu.

Cha Teilhard “muốn giữ lòng trung thành và trung tín với Giáo hội, và ông đã ký các điều khoản” mặc dù ông do dự với khoản bốn khi cho rằng “toàn bộ nhân loại có nguồn gốc từ một ông tổ là Adam.”

“Teilhard là một nhà cổ sinh vật học, làm việc với các hóa thạch. Cha đã có rất nhiều bằng chứng về sự tiến hóa sinh học cho thấy con người đầu tiên có nguồn gốc từ nhiều dòng hậu duệ” chứ không phải từ một cặp vợ chồng, Grumett nói.

“Cha cũng thấy tội nguyên thủy như là một phần của tất cả những gì hiện hữu”, đặc biệt cha nhận thấy mọi sự kết cục rồi sẽ phân hủy hoặc suy thoái. Cha Teilhard đã hình dung thiên đàng như là một nơi hoàn hảo, vô tội; nó được xem như một tình trạng ở tương lai, “không phải là một nơi chốn có tính lịch sử của một quá khứ” kể từ khi con người sa ngã.

Theo Grumett, có những vấn đề lại đưa thần học truyền thống và khoa học lại gần nhau, chẳng hạn vấn đề tiến hóa thực sự ảnh hưởng đến “cách chúng ta hiểu về Adam và Eva, về thiên đàng.” Mặc dù vậy, sáu điều khoản và hành động kèm theo của Cha Teilhard cho thấy dù gặp khó khăn nhưng ngài luôn vâng phục Giáo hội.

Paul Mueller, một linh mục Dòng Tên, bề trên của một cộng đoàn Dòng Tên, làm việc tại Đài thiên văn Vatican và chuyên gia về khoa học tôn giáo, nói với CNS rằng những câu hỏi liên quan đến khoa học và đức tin không bao giờ được đóng khung theo kiểu câu hỏi “đúng-sai” như thể mọi người buộc phải chọn “trung thành” với một câu trả lời.

“Lòng trung thành kết cục phải dành cho chân lý – và cả khoa học và Giáo hội đều theo đuổi chân lý,” ông viết trong một email để trả lời các câu hỏi có liên quan.

Sự hiểu biết hoặc giải thích của con người trong cả hai nguồn – ‘cuốn sách’ của tự nhiên và Sách Sáng Thế – “đều hạn chế và bất toàn,” Cha Mueller nói.

“Cả hai ‘cuốn sách’ đều được viết bởi cùng một ‘tác giả’, là Thiên Chúa – cuối cùng chúng không thể loại trừ nhau, vì chân lý không thể mâu thuẫn với chân lý và Thiên Chúa không mâu thuẫn với Thiên Chúa”, cha nói thêm.

Vì vậy, Cha Mueller nói, “giả như chúng ta có vẻ thấy rằng những gì đúng về câu chuyện vườn Địa Đàng, Adam và Eva lại mâu thuẫn với những gì đúng về lý thuyết tiến hóa, thì cũng xin đừng hoảng sợ. Hãy kiên nhẫn. Tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục quan sát, tiếp tục cầu nguyện. Hãy tin vào sự hợp nhất tối thượng của chân lý.”

“Chính những người không có niềm tin vào sự hợp nhất tối thượng của chân lý đã buộc những người như Galileo và Teilhard phải ký (một số điều). Họ cũng chính là những người khẳng quyết rằng khoa học đã chứng minh rằng không có Thượng đế,” Cha Mueller nói.

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2018/05/10/inquiry-or-inquisition-another-look-father-teilhard-de-chardin

Dịch bởi: Đào Anh Tuấn, S.J.

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Nên một với vợ mình

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *