[Thần Học Vui] Giáo lý tổng quan và diễn giải – Bài 1. Mạc khải: Thiên Chúa tỏ lộ chính mình

 

Nguyễn Hai Tính, S.J.

Dẫn nhập

Quý vị và các bạn thân mến, tôi là linh mục Phanxico Xavier Nguyễn Hai Tính. Năm ngoái, chương trình Thần Học Vui cho ra loạt bài đầu tiên Dẫn Nhập Thần Học và đã được quý vị nhiệt tình quan tâm và ủng hộ. Xin tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn quý vị rất nhiều.

Ban đầu Thần Học Vui chỉ có ý hướng đến đối tượng là các học viên của các chương trình thần học chính quy, vốn thường là các chủng sinh, tu sĩ. Tuy nhiên, loạt bài đầu tiên đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều quý vị giáo dân và các bạn trẻ là những người hầu hết không theo học thần học và dường như không quen với các từ ngữ cũng như khái niệm thần học, nhưng rất quan tâm đến việc học hỏi chân lý của đạo giáo chúng ta.

Để đáp ứng nhu cầu học hiểu giáo lý của quý vị giáo dân, các giáo lý viên và các bạn trẻ, chương trình cho ra đời loạt bài hiện tại mang tên Giáo Lý Tổng Quan. Loạt bài này sẽ đề cập đến nội dung và ý nghĩa của các chân lý thiết yếu trong đức tin Kito giáo. Các chân lý thiết yếu này được tóm tắt trong Kinh Tin Kính và được giải trình trong phần tín lý của sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Như vậy, cấu trúc của loạt bài này cũng mô phỏng theo cấu trúc của phần Tín lý đó và của Kinh Tin Kính.

Đặc điểm của loạt bài này là gì? Ngoài những đặc điểm chung của chương trình Thần Học Vui là ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng, chính thống, chương trình này còn có những đặc điểm riêng như: trình bày và giải thích các chân lý đức tin cách thiết thực và gần gũi với suy nghĩ cũng như kinh nghiệm sống của người Việt Nam chúng ta hiện tại, hạn chế dùng các từ ngữ chuyên môn; đề cập đến các vấn đề mà giáo dân thường quan tâm thay vì các vấn đề mà các thần học gia hay bàn cãi; và dĩ nhiên đặc điểm quan trọng cuối cùng là … hài hước [echo !!!].

Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của chúng ta khao khát học hỏi về Ngài và ước mong hành trình này trở nên thực sự thú vị và bổ ích cho đời sống đạo của tất cả chúng ta.

Bài 1. Mạc khải: Thiên Chúa tỏ lộ chính mình

Quý vị và các bạn thân mến, không biết là mọi người có thắc mắc tại sao sách GLHTCG không trình bày và giải thích ngay các nội dung đức tin như Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa làm gì, mà lại bắt đầu bằng việc nói về con người có khả thể đón nhận Thiên Chúa, rồi sau đó, mục đầu tiên của sách giáo lý (vốn thuộc về chương 2 của đoạn I phần I) lại nói về mạc khải? [hiển thị phần này trong mục lục tổng quát sách giáo lý].

Đó là vì, tương tự như các khoa học, trước khi đi vào nội dung nghiên cứu, người ta luôn trình bày cách thức hay phương pháp mà dựa vào đó họ rút ra được các nội dung đó. Phương pháp nghiên cứu mà hợp lệ thì nội dung nghiên cứu mới chắc chắn.

Trong thần học, hay trong việc dạy giáo lý cũng vậy: trước khi đi vào tìm hiểu các nội dung của đức tin, chúng ta cần tìm hiểu về việc Giáo Hội rút ra các nội dung đó từ đâu và bằng cách nào. Câu trả lời là Giáo hội rút ra được các nội dung đó bằng việc nhận ra và đón nhận mạc khải của Thiên Chúa với thái độ đức tin. Và đó chính là lý do tại sao chúng ta bàn về mạc khải và đức tin trong bài này.

Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về mạc khải.

Khi nghe đến khái niệm mạc khải, người ta hay thắc mắc: Có mạc khải thật sao? Mạc khải là gì? Làm sao nhận ra mạc khải đó. Chúng ta cùng tìm hiểu 3 câu hỏi đó.

Hai câu hỏi đầu liên quan chặt chẽ với nhau. Câu trả lời của câu hỏi mạc khải có thật không tuỳ thuộc vào mạc khải là gì. Nếu hiểu mạc khải như là việc thiên thần có hai cánh bay đến nói với chúng ta là ngày mai xổ số sẽ ra số mấy, ngày mai mưa hay nắng, giá vàng lên hay xuống, v.v. thì rõ ràng là không có mạc khải kiểu như thế.

Mạc khải, nghĩa chữ trong tiếng Hy Lạp và La tinh có nghĩa là sự vén màn, nghĩa chữ tiếng Việt là việc tỏ lộ những điều kín ẩn. Nhưng ý nghĩa mà GH muốn nhắm đến khi dùng từ mạc khải là sự kiện THIÊN CHÚA đã và đang đến gặp gỡ con người đồng thời bày tỏ những điều liên quan đến ý định và chương trình cứu độ của Người.

Xin nhắc lại, khi nói mạc khải là gì, chúng ta cần nắm hai điểm quan trọng: mạc khải là việc 1) THIÊN CHÚA đến gặp gỡ con người và việc 2) Ngài tỏ lộ các chân lý cứu độ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu hai điểm đó, và sẽ thấy rằng đối với chúng ta, những Kitô hữu, mạc khải thực sự là có thật [echo: có thật, có thật, có thật].

  1. Trước hết chúng ta nói về việc THIÊN CHÚA đến gặp gỡ con người. Trong phần này chúng ta sẽ nói về 3 điểm: 1) THIÊN CHÚA gặp gỡ con người trong tâm hồn, cách cá vị và linh thiêng; 2) THIÊN CHÚA gặp gỡ con người trong lịch sử, qua các trung gian, đặc biệt là Đức Kitô; 3) Cuộc gặp gỡ trong lịch sử đó được ghi lại trong Kinh Thánh và được hiện tại hoá qua và trong Giáo hội.

1) Thứ nhất, THIÊN CHÚA gặp gỡ con người trong tâm hồn, cách cá vị và linh thiêng. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã ít nhiều cảm nghiệm được việc THIÊN CHÚA đến gặp gỡ mình cách cá vị. Nhưng không như sự tưởng tượng của những người chưa có hiểu biết đức tin hay kinh nghiệm đức tin, chúng ta không gặp Thiên Chúa như là gặp các đối tượng trần thế hữu hình khác. Chắc hẳn chưa ai trong chúng ta thấy trực tiếp Chúa hiện ra có mặt mũi, hình dáng hẳn hoi đến nói với ta điều này điều kia. Có lẽ cũng chưa có ai nghe thấy tiếng Chúa nói rõ vào tai ta những âm thanh như tiếng người khác nói với mình [nếu có thì chắc bạn phải đi khám tai, hoặc phải đi bác sĩ tâm lý thôi!!!].

Vì Thiên Chúa là đấng siêu việt, vô hình, nên cuộc gặp gỡ này, tuy có thể qua những trung gian hữu hình trong cuộc sống, thường xảy ra cách linh thiêng, trong tâm hồn, mà chỉ người có đức tin mới cảm nghiệm được. Đó là những lúc ta cảm nghiệm được rõ ràng Thiên Chúa có thực trong cuộc đời ta, và yêu thương ta hoặc mời gọi ta làm điều gì đó cho anh chị em; hay khi ta cảm thấy rõ ràng Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể khi ta thờ lạy và yêu mến Ngài; hoặc trong bí tích hoà giải khi ta cảm thấy Ngài như người Cha luôn yêu thương, đón nhận ta mặc cho những sai lỗi và ngoan cố của ta. Như vậy, các biến cố trong cuộc sống, các lễ nghi phụng vụ và bí tích có thể là những phương thế trung gian hữu hình qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta; và cuộc gặp gỡ này xảy ra cách linh thiêng trong nội tâm mỗi người.

2) Thứ hai, Thiên Chúa không chỉ gặp gỡ từng người chúng ta trong tâm hồn, mà còn đến gặp và nói với nhân loại chúng ta như một toàn thể. Đó là những lần Ngài đến và nói với toàn nhân loại qua các biến cố và các nhân vật trung gian trong lịch sử cứu độ, tức là các tổ phụ như Abraham và Jacob và qua các ngôn sứ, như Môse, Isaia, Jeremia, v.v. Đặc biệt, Ngài đến và nói với toàn nhân loại cách trọn vẹn, dứt khoát và cuối cùng qua Trung Gian Tối Thượng là Đức Kitô. Những lần gặp gỡ và tỏ lộ đó được ghi lại trong Kinh Thánh.

3) Chính vì thế mà chúng ta có điểm thứ 3: Cuộc gặp gỡ giữa THIÊN CHÚA và con người trong lịch sử đó được ghi lại trong Kinh Thánh, và được hiện tại hoá qua và trong Giáo hội. Kinh Thánh ghi lại những điều Thiên Chúa làm và nói với những con người cụ thể, trong những thời điểm cụ thể trong quá khứ, nhưng qua đó nhắm tới toàn nhân loại mọi thời mọi nơi, và nhằm nói với tôi ngày hôm nay. Thiên Chúa Đấng đã từng đến với nhân loại trong quá khứ, bây giờ, lại đến với từng người chúng ta ngang qua Kinh Thánh. Nhiều người trong chúng ta ít nhiều cảm nghiệm được khi đọc Kinh Thánh trong tâm tình cầu nguyện, rằng Thiên Chúa đang như nói với tôi, trong hoàn cảnh hiện tại của tôi. Qua Kinh Thánh, Ngài an ủi, khích lệ, cũng như răn dạy, thanh tẩy tôi. Nhưng kinh nghiệm này khi đọc KT chỉ thực sự xảy ra cách an toàn và đúng nghĩa khi chúng ta đọc Kinh Thánh với tâm tình của Giáo hội và khi chúng ta tham gia vào đời sống Giáo hội.

Đó là bởi vì THIÊN CHÚA vẫn tiếp tục đến với chúng ta ngày nay qua và trong GH; hay nói cách khác vì là GH của ĐK, nên GH là nơi mà THIÊN CHÚA vẫn tiếp tục thể hiện mk lịch sử của Ngài. Tại sao vậy? Vì những biến cố mk trong quá khứ đạt đỉnh cao và kết tinh nơi biến cố ĐK. Mà biến cố ĐK, đặc biệt là cuộc khổ nạn, cái chết và PS của Người giờ đây được hiện tại hoá qua các nghi lễ phụng vụ và bí tích của GH. Vì thế, những mk đã xảy ra trong quá khứ giờ đây lại được hiện tại hoá cho mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi trong và qua GH. Vậy tuy vì có tính lịch sử, mk xảy ra ở những thời điểm và nơi chốn nhất định trong quá khứ, nhưng lại có thể tiếp cận tới mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi nhờ được ghi lại trong KT và được hiện tại hoá trong GH của ĐK.

Tóm lại, thường chúng ta hay đồng hoá mạc khải với thông tin về điều này điều kia, nhưng công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng mạc khải chính yếu là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Nguyên việc Thiên Chúa hiện diện với ta thôi, chưa nói đến việc Ngài nói gì, đã là mạc khải rồi. Nguyên việc Thiên Chúa ở với ta đã có tính cứu độ rồi; sự hiện diện của Ngài mang lại cho ta sự tràn đầy, an vui và hạnh phúc.

Trong bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu nghĩa thứ hai của mạc khải là việc THIÊN CHÚA tỏ lộ các chân lý cứu độ.

XIN XEM LOẠT BÀI THẦN HỌC VUI PHẦN ĐẦU

 

Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.

 

Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google

 

YouTube Terms of Services

 

 

Kiểm tra tương tự

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *