Tháng 11 – gẫm suy về cái chết

“Có làm mưa làm gió, rồi cũng nằm đó mà thôi…” Một ông lão chợt thốt lên những lời như thế khi chứng kiến cảnh đưa tang của một người đã từng có khả năng “làm mưa làm gió”. Một câu nói rất đỗi bình thường, nhưng hàm chứa cả một chân lý, một sự “ngộ ra” căn bản và nền tảng nhất của kiếp nhân gian này. Ai cũng biết là mình sẽ chết vào một ngày nào đó, ai cũng có một ý thức rất rõ ràng là “có một thời sinh ra, có một thời chết đi”, nhưng để có thể cảm được cái vô thường của cuộc đời qua hai chữ “nằm đó”, người ta phải đánh đổi rất nhiều điều.

Cái chết là dấu chấm hết cho một sự hiện hữu. Nó không là cái gì cả, chỉ đơn giản là việc vật đó, cái đó, con đó, người đó… không còn mang trong mình sự sống nữa thôi. Nếu được chọn, người ta sẽ chọn sống. Nếu như phải chết, chẳng qua chỉ là vì không còn chọn lựa nào khác, hoặc người ta chọn chết vì một giá trị thiêng liêng nào đó cao quý hơn. Nhưng dù là với lý do gì, động lực gì, cái chết cũng đưa người ta về với sự khởi đầu, một tình trạng ngang bằng nhau cho tất cả: cát bụi.

Chết đi rồi thì chẳng còn gì để bàn cãi nữa. Nhưng cái chết của người khác lại là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống. Nó đặt cho người ta câu hỏi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình, về những nỗ lực phấn đấu, về cung cách hành xử, về những gì mà người ta đang cố nắm giữ trong tay. Nó cũng đặt người ta vào mối bận tâm về các tương quan, những cảm xúc. Cái chết là một biến cố làm ta cảm nghiệm cách rõ ràng nhất về tính đơn nhất của mình. Chẳng ai có thể chết thay ta, chết dùm ta, hay đối diện cái chết với cùng một tâm trạng giống như ta. Người ta có thể chia vui sẻ buồn với ta, nhưng cái chết của ta thì chỉ một mình ta đảm nhận lấy.

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì. Người thân của tôi sẽ buồn vì mất tôi, không còn được gặp mặt và chuyện trò với tôi, nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì được hơn. Giả như có ai đó cùng chết với tôi, thì họ cũng mang lấy cái chết của họ, còn tôi chết cái chết của tôi, mỗi người tự gánh lấy phần của riêng mình.

Cái chết có thể là một “sự yên nghỉ” dành cho những ai đã lăn lộn trên hành trình dương gian này suốt một thời gian dài. Cái chết cũng có thể bị coi là một sự “quả báo” dành cho những ai đã làm không ít điều xấu xa. Nó cũng được nhìn đến như một “về nguồn” dưới nhãn quan của một cuộc trở về với nơi từ đó mình được sinh ra. Đôi khi, nó là một “sự giải thoát” khi cuộc sống này có quá nhiều nỗi chán ngán đến thê lương, buộc người ta phải tìm cho mình một cái kết. Với người lạc quan, cái chết là cửa ngõ để dẫn vào một sự hiện hữu khác, không giống như kiểu hiện hữu mà ta đang trải nghiệm: chết là cánh cửa đi vào chốn vô hình – sự bất diệt.

Tháng 11 thường gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc. Trong tháng này, thời tiết cũng thay đổi nhiều, lá bắt đầu chuyển màu rồi rụng xuống, trở về với cội đất lạnh lùng. Cảnh sắc đất trời như cũng cố khơi gợi lên một nỗi niềm nào đó. Cái “qua đi” của thời gian làm ta thấy khó chịu. Có một xung năng nào đó trong lòng mình muốn kháng cự lại điều này. Ta muốn mình còn mãi, chứ không thích bị lãng quên. Ta cảm thấy khó có thể chấp nhận định luật sinh-diệt của đất trời. Nhưng dẫu sao, con người dù quyền phép cỡ nào cũng không thể chiến thắng được nó. Biết dừng lại, chấp nhận và vui lòng đón lấy quy luật này, con người mới có thể bình an và không còn sợ hãi.

Tháng 11 mời gọi con người đi vào trong một cuộc thay da đổi thịt. Nơi đó, họ thấy được chân tướng của hiện sinh, rằng mọi cái rồi sẽ qua đi, rằng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, ngoại trừ Đấng là nền tảng cho mọi hiện hữu trên đời. Tháng 11 ảm đạm là thế, nhưng không đưa người ta vào một cõi thê lương u uất. Tháng 11 cho ta khoảng lặng để trầm mặc về cái kết của cuộc đời và phô bày ra trước mắt nhân gian hệ quả của tất cả những chọn lựa của họ. Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại. Mỗi cái chết là một sự tuôn trào của sự sống. Hạt giống được chôn vùi chính là để có một cây mới vươn lên. Có một sự sống viên mãn đang đợi ta phía trước.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 

Kiểm tra tương tự

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *