[Radio Người Trẻ] Tháng 3: Tập tành chay tịnh

Chay tịnh, hãm mình thường đi ngược lại với bản tính tự nhiên của con người. Tuy nhiên, theo truyền thống tôn giáo (cả về sức khỏe), chay tịnh thường có nhiều tác dụng và ý nghĩa lớn lao. Trong tháng 3 này, cả Giáo Hội Công Giáo chính thức bước vào mùa chay tịnh. Thú thật, để tập tành hoặc trung thành trong chay tịnh, luôn là một thách đố nơi nhiều người, nhất là những người trẻ vốn có nhiều tự do để làm những điều mình thích. Tuy vậy, 6 tuần Mùa Chay luôn là thời gian thuận lợi để mỗi người ý thức và thử tập ăn chay.

“Chay tịnh là gì? và ăn chay sao có ý nghĩa?” thường là câu hỏi của nhiều người. Bạn bè tôi nói vui rằng: “thứ Tư Lễ Tro nhớ ăn chay kiêng thịt nha!” Nhưng trước đó, người ta có “thứ Ba béo”, nghĩa là cố ăn bù. Hoặc, Mùa Chay này kiêng thịt, khi vào nhà hàng, chúng ta nên gọi món cá thượng hạng, chắc không mắc lỗi ăn chay đâu! Sau Mùa Chay, chúng ta sẽ được ăn uống thỏa thuê. Bạn nghĩ sao về những lý do ấy? Tất cả những suy tính, ý hướng ấy thật không phù hợp với ý nghĩa của mùa Chay này.

Mùa Chay (Tiếng Anh: Lent, tiếng Latin: Quadragesima–tuần chay giới) bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro và kéo dài 40 ngày cho đến trước lễ Tiệc Ly vào thứ Năm Tuần Thánh. Mục đích của Mùa này là thời gian để các tín hữu sám hối. Quả thực, Giáo Hội dạy rằng: “Những ngày và mùa sám hối trong Giáo Hội toàn cầu là các ngày thứ sáu trong năm và mùa Chay.” (Giáo Luật 1250). Sám Hối để trở về:

Với Chính Mình

 Về với chính mình bằng việc ăn kiêng, hãm mình khỏi những thú vui trụy lạc. Giữ mình khỏi cuộc sống buông thả và tập bước vào con đường hẹp để đi cùng với Thiên Chúa. Bớt mua sắm và hoang phí. Thấy được nhu cầu cần và đủ cho mình. Từ những ý thức tập tành đó, Mùa Chay hy vọng mỗi người biết mình nhiều hơn và nhận ra đâu là ý nghĩa của cuộc đời. Đâu phải ăn sung mặc sướng, đâu phải nhà cao cửa rộng, đâu phải phong cách thời thượng, v.v. mới cho người ta hạnh phúc. Ngược lại, khi trở về với chính mình, con người mới có thể bước đi xa và tiến vào con đường hạnh phúc đích thực.

Về với Thiên Chúa

Tháng này là cao trào của đời sống cầu nguyện. Một khi trở về với chính mình, người tín hữu có một tâm thế tuyệt vời để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện là sợ dây nối kết con người với Đấng tạo ra họ. Dĩ nhiên có nhiều phương cách cầu nguyện được Giáo Hội gợi ra trong Mùa Chay này: Thánh lễ, kinh nguyện, chầu thánh thể, hành hương, đọc kinh, v.v. Là người trẻ, có người ngại ngùng hoặc mắc cỡ khi cầu nguyện[1]. Ngại ngùng vì họ sợ gặp chính mình và Thiên Chúa; ngại ngùng vì cho rằng cầu nguyện là chuyện của ông cha, bà sơ hoặc những người yếu đuối. Không! Đó là những cám dỗ của thế gian đang ngăn cản người trẻ đến với con đường hạnh phúc. Xin bỏ ngoài tai những lời cám dỗ ấy, để bước vào trường cầu nguyện trong mùa này.

Nơi giáo xứ, trong thanh vắng, nơi công sở hay lớp học, người ta có thể nhớ để Chúa. Đó là những “nhịp” để ý thức Thiên Chúa đang hiện diện với mình. Từ đó, Mùa Chay chắc chắn sinh nhiều hoa trái vì tâm hồn chúng ta đang lớn dần trên con đường tạ ơn, thờ phượng và chúc tụng Thiên Chúa toàn năng. Đừng quên, chính cầu nguyện mới có thể giúp chúng ta trở về với chính mình nữa!

Về với tha nhân

Không ai là một hòn đảo. Ngược lại, chúng ta cần người khác, và người khác cũng cần chúng ta. Mùa Chay cũng là lúc Giáo Hội mời gọi mỗi người nhìn đến tha nhân, nhất là những người nghèo. Họ cần chút bố thí của ta. Khi kiêng ăn uống, tiêu sài, người ta dành phần đó cho người nghèo. Làm phước, bố thí và giúp đỡ luôn mang lại cho con người niềm vui và bình an.

Chắc chắn người nghèo lúc nào quanh ta cũng có. Mùa Chay là lúc người trẻ để ý hơn đến họ. Trong ý hướng này, Mẹ Têrêsa Calcutta nhắn với mỗi người: “Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng với người nghèo là bạn quay lưng với Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người.” Hãy dùng sức trẻ và tài năng để làm cho người khác được vui hơn, bình an hơn và thấy Thiên Chúa gần gũi hơn.

Tôi tin rằng những ai trở về với chính mình và Thiên Chúa, họ cũng được mời gọi vươn tay để giúp đỡ người khác. Họ đang cần nụ cười, cần quan tâm, cầu nguyện và chút bố thí của ta.

Trong tháng Ba này, truyền thống Giáo Hội đặc biệt kính nhớ Thánh Giuse. Chính Ngài là mẫu gương cho mỗi người tập tành sống chay tịnh. Ngài luôn trở về với chính mình trong cầu nguyện với Thiên Chúa. Từ đó, Thánh Giuse có được sức mạnh và tình yêu để chăm lo cho Hài Nhi Giêsu và Đức Mẹ. Do đó, ước gì mỗi người, nhất là những người trẻ dám can đảm tập bước trên con đường thiêng liêng trong tháng này. Được như thế, chắc rằng Mùa Chay luôn có nhiều ý nghĩa trong: chay tịnh, cầu nguyện và bố thí.

Tái bút: Tại các Giáo xứ, các nhóm thường có nhiều buổi tĩnh Tâm Mùa Chay. Tôi dặn với lòng rằng: Hãy sắp xếp thời gian để lắng đọng tâm hồn, tĩnh tâm trở về. Nơi đó có Thiên Chúa, tha nhân đang đợi chờ chúng ta!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Cầu nguyện có phải là trốn tránh thực tại không?

– Người cầu nguyện thì không trốn tránh thực tại, nhưng họ mở mắt nhìn vào toàn bộ thực tại. Và từ nơi Thiên Chúa toàn năng, họ đón nhận sức mạnh để đương đầu với thực tại. (Youcat 509).

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên Việt Nam: Thánh lễ Truyền chức Linh mục năm 2024

  Vào ngày 03 tháng 12 năm 2024, trong bầu khí hân hoan mừng kính …

Viết cho các tân linh mục

  Anh em trong Chúa Kitô thân mến,   Anh mới nhận được thông báo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *