Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (IV)

l1000540a1

Hoàng Sóc Sơn, SJ.

Chương IV: QUYẾT TÂM THEO ĐỨC KITÔ

Chữa trị

Ở gia đình, thánh I-nhã chắc chắn được bao bọc trong tình thương yêu, theo phong tục của dân tộc Basco. Anh ngài và người các cháu trai ít khi có nhà vì đang phải ra trận. Chị dâu ngài, bà chủ lâu đài Loyola lúc ấy, là một phụ nữ đạo hạnh, có thể nói là bà mẹ thứ hai của ngài, từng thay mẹ chăm sóc ngài từ lúc ngài còn nhỏ, hết lòng lo cho ngài[1]. Hơn nữa ngài là niềm hy vọng và hãnh diện của cả gia đình: chẳng những đã được học tập và phục vụ ở triều đình, ngài còn liều chết bảo vệ pháo đài Pamplona nữa. Bên cạnh ngài, gần ngài nhất vì ở cạnh phòng ngài và hằng ngày trực tiếp lo cho ngài, là hai cháu gái Magdalenita và María[2]. Ngoài ra, bà vú María de Garín và người anh linh mục Péro López chắc cũng thường xuyên đến thăm ngài. Gia đình ngài giàu có, nên có thể nói về mọi mặt, ngài được chăm sóc tận tình chu đáo[3]. Nhưng…

“Tại đây, vì bệnh tình kẻ ấy rất tồi tệ, người ta đã mời các bác sĩ và các nhà phẫu thuật từ nhiều nơi đến. Theo họ thì phải kéo cái chân ra lại, xếp lại các xương đâu vào đó, vì lần trước đã làm sai, hoặc vì khi di chuyển các xương đã xê dịch, nên không ở đúng chỗ, và như vậy thì không khỏi được. Thế là kẻ ấy bị làm thịt lần nữa. Y như những lần trước đó, lần này kẻ ấy cũng không nói một tiếng nào, cũng không tỏ dấu hiệu đau đớn nào, ngoài việc nắm chặt hai bàn tay”[4].

Vết thương của thánh I-nhã thực sự trầm trọng chứ không chỉ là

“ Nhà giàu phải một cái gai

thì bằng nhà khó gãy hai xương sườn.”[5]

Trong số những người bị thương cùng với ngài ở Pamplona sau đó có một người chết vì vết thương. Riêng ngài, cũng có lúc thầy thuốc nghĩ không còn hy vọng gì. Có thể lúc đầu nhiều thầy thuốc được mời đến chữa cho ngài, nhưng cuối cùng người được tín nhiệm là nhà phẫu thuật Martín de Iztiola, người Azpeitia[6]. Thánh I-nhã gọi hai lần giải phẫu ở Pamplona và Loyola là “làm thịt”, có lẽ vì ngài phải chịu đau đớn rất nhiều. Tuy nhiên, cách chịu đựng của ngài cho thấy khí phách một hiệp sĩ[7].

“Nhưng bệnh tình ngày càng tệ hơn. Kẻ ấy không ăn được và có những triệu chứng khác như người ta thường thấy nơi một người sắp chết. Đến lễ thánh Gioan[8], vì các bác sĩ không tin tưởng kẻ ấy sẽ hồi phục được, nên kẻ ấy được khuyên nên xưng tội. Khi kẻ ấy chịu các bí tích[9], vào chiều hôm trước lễ hai thánh Phêrô và Phaolô[10], các bác sĩ cho biết nếu đến nửa đêm mà kẻ ấy không khá hơn thì kể như là chết. Bệnh nhân vốn có lòng sùng kính thánh Phêrô[11], và Chúa thương cho kẻ ấy bắt đầu cảm thấy khá hơn ngay chính nửa đêm hôm ấy. Và bệnh tình được cải thiện nhiều đến nỗi chỉ mấy ngày sau, người ta cho rằng kẻ ấy đã thoát cơn nguy tử.”[12]

Những hàng trên đây cho thấy một bên là tình trạng nguy kịch, một bên là thái độ đức tin của ngài. Như tại pháo đài Pamplona, khi phải đối diện với cái chết, ngài thực lòng muốn được là một người Công Giáo ngoan đạo. Theo Paul Dudon, bổn mạng của dòng họ Onaz là thánh Gioan Tẩy Giả, bổn mạng của dòng họ Loyola là thánh Phêrô[13], nên hai vị ấy được ngài nhắc đến đặc biệt. Riêng đối với thánh Phêrô, ngài có lòng mộ mến cách riêng: đã khởi sự từ gia đình Loyola, lại gia tăng cùng với gia đình Don Juan ở Arévalo, rồi với gia đình Don Antonio ở Navarra[14]. Phải giải thích thế nào về việc ngài cảm thấy khá hơn ngay chính nửa đêm lễ kính thánh Phêrô và Phaolô? Ngài không nhắc gì đến thánh Phaolô, chỉ ngầm ý là ngài được chữa lành một cách khác thường nhờ thánh Phêrô. Theo Ribadeneira, thánh Phêrô là “bổn mạng và trạng sư đặc biệt” của ngài[15].

            Ngày 29.6.1521 chẳng những ngài và mọi người thân đều vui mừng vì ngài được chữa lành như một phép lạ, mà đó còn là một ngày trọng đại với chiến thắng Noáin: quân Pháp thảm bại, tướng André de Foix bị bắt sống, quân Tây Ban Nha tái chiếm Pamplona. Đặc biệt anh ngài là một trong những người tích cực tham dự chiến dịch nên được hưởng vinh quang chiến thắng. Rất có thể đó là một trong những ngày vui nhất của ngài. “Tai qua nạn khỏi”, “bĩ cực thái lai”, “thừa thắng xông lên”, ai chẳng nghĩ như vậy?Cứ bình thường, ngài có quyền hy vọng và mơ ước tiến xa trên đường công danh.

“Chẳng bao lâu, các miếng xương kết dính lại với nhau, nhưng bên dưới đầu gối lại có một cái xương chồm lên trên một cái khác, vì vậy mà chân bị rút ngắn lại, và cái xương kia nhô lên, làm cho nhìn chẳng đẹp mắt mấy. Đã quyết chí theo đuổi thế gian, và cho rằng để như vậy thì xấu xí, kẻ ấy không thể chịu được, nên hỏi các nhà phẫu thuật xem có thể cắt đi được không. Họ trả lời là có thể cắt được, nhưng sẽ phải chịu đau đớn hơn tất cả những gì kẻ ấy đã phải chịu trước đó, vì vết thương đã lành và phẫu thuật đòi hỏi nhiều thời giờ. Tuy nhiên, kẻ ấy nhất mực đòi bằng được, cho dầu người anh hoảng sợ cho biết chính anh ấy sẽ không dám để cho người ta hành hạ như vậy. Người bị thương vẫn chịu đựng với sự nhẫn nhục thường lệ. Sau khi xẻ thịt và cắt khúc xương nhô lên, người ta làm hết cách để cái chân khỏi bị rút ngắn lại. Phải dùng nhiều thuốc và máy móc để kéo chân cho dài ra lại. Kẻ ấy chịu cực hình như vậy trong nhiều ngày. Nhưng Chúa cho kẻ ấy được hồi phục.”[16]

“Đã quyết chí theo đuổi thế gian”, ngài sẵn sàng trả giá bằng việc “chịu cực hình trong nhiều ngày”. Mặc dầu ngài nhìn nhận đã được chữa lành gần như nhờ một phép lạ, tinh thần “thế gian” đã chiếm hết chỗ trong tim của ngài, Thiên Chúa chưa lọt vào được. Quan niệm về Thiên Chúa của ngài còn khá hời hợt và vụ lợi. Thực ra, ngài không chọn con đường tội lỗi hay xấu xa gì, chỉ muốn tiếp tục cuộc sống đức tin và danh dự đã gián đoạn phần nào vì vết thương. Đó là chuyện bình thường thôi. Tiền công trả cho thầy thuốc tổng cộng 13 ducados[17]. Với tài sản của gia đình Loyola, số tiền ấy chưa phải là điều đáng bận tâm.

“Kẻ ấy khỏe mạnh và tình trạng tổng quát rất khả quan, trừ việc kẻ ấy chưa thể đi đứng được, nên buộc phải ở trên giường. Thấy mình đã khỏe lại, kẻ ấy xin một số tiểu thuyết gọi là kiếm hiệp[18] để đọc cho qua ngày đoạn tháng, vì kẻ ấy vốn thích loại sách trần tục và dối trá[19] ấy. Nhưng khắp cả nhà, không tìm đâu được một cuốn nào trong số những cuốn kẻ ấy thường đọc; người ta đem đến cho kẻ ấy một cuốn về cuộc đời Đức Kitô và một cuốn về cuộc đời các thánh bằng tiếng Tây Ban Nha”[20].

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *