Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (kết)

Venezia cởi mở

 

Kẻ ấy ở lại Bologna ít lâu vì ốm đau, rồi đi Venezia, vẫn theo cách ấy[67].

Vẫn theo cách thức ấy nghĩa là đi bộ và ăn xin trên đường. Trong thư gởi cha Diego Cazador, viết ngày 12.2.1536, thánh I-nhã cho biết: “Hai tuần trước lễ Giáng Sinh, tôi ở Bologna, phải nằm liệt giường một tuần vì đau dạ dày, lạnh, và sốt. Thế là tôi quyết định đi Venizia, và đã đến đây được một tháng rưỡi, nói chung là sức khỏe tốt hơn nhiều.[68]

            Trong thời gian ở Venezia, kẻ ấy hướng dẫn Linh Thao và nói chuyện về đời sống thiêng liêng. Đặc biệt kẻ ấy hướng dẫn Linh Thao cho một số người có tiếng như cha Pietro Contarini, cha Gasparo de Dotti, một người Tây Ban Nha tên là Rozas. Cũng có một người Tây Ban Nha nữa là cha Hoces, liên hệ nhiều với kẻ hành hương, và cả với vị giám mục Cette nữa. Mặc dầu cha ấy cũng mong tập Linh Thao, nhưng chẳng khởi sự làm chi hết. Cuối cùng, cha ấy quyết định bắt đầu tập, và được 3 hay 4 ngày, cha ấy mới bộc lộ tâm tình với kẻ hành hương: cha ấy sợ là trong Linh Thao sẽ được dạy một giáo thuyết sai lạc, như cha ấy nghe có người nói. Vì thế, cha ấy đã đem theo một số sách để có thể tham khảo, nếu bị lừa gạt. Cha ấy được lợi ích rất nhiều nhờ Linh Thao, và cuối cùng quyết định theo cách sống của kẻ hành hương. Chính cha ấy là người qua đời trước nhất[69].

            Venezia là một thành phố rất độc đáo về địa dư cũng như về lịch sử[70]. Đây là lần thứ ba thánh I-nhã đến Venezia, nên chắc là ngài đã khá quen. Ngài ở đâu? “Tôi sống trong nhà một người thông thái và tốt bụng: tôi nghĩ không ở đâu hơn được.”[71] Có lẽ đó là Andrea Lippomani, một người nổi tiếng là đạo đức và bác ái, sau này sẽ sáng lập học viện đầu tiên của Dòng Tên tại Padova. “Tình trạng sức khỏe không cho phép tôi chịu thiếu thốn hay những mệt nhọc thể lý khác ngoài việc học.”[72] Ngài được nuôi ăn ở để yên tâm học hành. Ở Venezia không có đại học, nên ngài phải tự học một mình. Được vị tổng đại diện Jacobo Cazador giáo phận Barcelona mời về đó giảng, ngài trả lời: “Đó là điều con rất mong ước… nhưng con phải học xong đã, tức là phải đợi đến Mùa Chay năm tới.[73]

            Khác với Paris lúc ấy đàn áp những người muốn cải cách, Venezia được coi là vùng đất tự do: vừa là thành trì của phong trào Tin Lành ở Ý vừa là điểm xuất phát của nhiều nỗ lực canh tân Hội Thánh Công Giáo.

Ngay từ năm 1513, dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô X, trước khi có phong trào Tin Lành, một bản bản điều trần 6 chương, do hai người Venezia là Tommaso Giustinani (+ 1528) và Vincenzo Quirini (+1514) soạn, đã đề ra một kế hoạch rộng lớn về cải cách toàn diện Hội Thánh[74]: hoán cải người Do Thái, người ngoại giáo và người Hồi Giáo; đoàn kết các nước Công Giáo; canh tân toàn diện đời sống tín hữu; phải bắt đầu công cuộc cải tổ từ Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma. Bản điều trần viết rất thẳng thắn: “Hội Thánh của Thiên Chúa không phải là một đế quốc trần gian, nhưng là cộng đồng tín hữu do Đức Giáo Hoàng thay mặt Đức Kitô đứng đầu. Đức Giáo Hoàng không phải là một viên quản lý tài sản vật chất, nhưng là người phân phát những ân huệ thiêng liêng và vĩnh cửu của Thiên Chúa.”

            Cũng như trên toàn “nước Ý”[75], ở Venezia phong trào canh tân được khởi đầu với các hội đoàn giáo dân với dấu đặc trưng là hoạt động bác ái và từ thiện. Nổi bật nhất là Hội Tình Yêu Thiên Chúa (Compagnia del Divino Amor). Được thành lập 1497 tại Genova, được phê chuẩn 1513; dần dần hội này lan rộng đến Venezia và khắp nơi. Ngoài đời sống đạo đức, đặc biệt dự lễ và rước lễ, hội cổ võ giúp đỡ trẻ mồ côi và đặc biệt những người bệnh nan y.

            Năm 1522, thánh Gaetano de Thiene lập ở Venezia Nhà tế bần Nan Y. Năm 1524, giám mục Gian Pietro Carafa từ bỏ chức vụ coi sóc giáo phận Chieti, hợp tác với thánh Gaetano biến nhóm anh em ban đầu thành “Hội dòng Teatino” gồm các giáo sĩ sống theo quy luật tu sĩ. Từ năm 1531, thánh Gaetano đi các nơi khác, công việc hội dòng ở Venezia được trao cho giám mục Carafa. Một vị thánh khác người Venezia đồng thời với thánh I-nhã, nhưng ngài cũng không gặp: thánh Giêrônimô Emiliani (1481-1537), vị sáng lập dòng tu giáo sĩ Somasca, cũng ở cùng nhà trọ với ngài nhưng đã rời Venezia ít lâu trước khi ngài đến đó. Đó là hai trong ba dòng tu giáo sĩ được thành lập trước Dòng Tên[76].

            Một khuôn mặt nổi bật khác của Hội Thánh tại Venezia là Gaspar Contarini, được một tác giả đương thời gọi là “một người khôn ngoan và đức hạnh, một người trời hơn là một người đời”. Đó là một giáo dân nhiệt thành, đã học triết học và thần học tại Padova, từng làm sứ thần Venezia bên cạnh hoàng đế Karl V, rồi sứ thần Venezia cạnh Tòa Thánh, nhưng từ năm 1530, trở về Venezia chuyên đọc sách và gặp gỡ bạn bè. Năm 1535, Contarini được chọn làm hồng y, và chủ nhiệm Ủy Ban Canh Tân Hội Thánh.

Tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phaolô III nhậm chức năm 1534 thực lòng muốn canh tân Hội Thánh. Ngài sinh năm 1468 tại Canino hay Rôma, nước Ý, giữa thời Phục Hưng và tại cái nôi của phong trào Phục Hưng. Do đó, ngài được giáo dục rất chu đáo. Năm 23 tuổi, ngài được Đức Giáo Hoàng Innocentê VIII bổ nhiệm làm thư ký và lục sự Tòa Thánh. Ngài được phong hồng y năm 25 tuổi, rồi giám mục hai giáo phận Corneto và Montefiascone năm 31 tuổi[77]. Khi ngài được đặt làm giám mục Parma năm 41 tuổi, ngài vẫn chưa thụ phong linh mục và đã có 3 người con rơi. Mặc dầu mãi đến năm 1513 ngài mới dứt bỏ tình nhân, nhưng ngay từ năm 1509 ngài đã tỏ ý muốn cải tổ Hội Thánh khi bổ nhiệm một linh mục thông thái và đạo đức là Bartholomeo Guidiccioni làm Tổng Đại Diện giáo phận Parma. Năm 1516, ngài kinh lý giáo phận, điều hết sức họa hiếm đối với các giám mục đương thời. Năm 1519, ngài quyết định thụ phong linh mục rồi giám mục và dâng thánh lễ mở tay dịp lễ Giáng Sinh. Ngài cũng triệu tập công đồng giáo phận và quyết định áp dụng các nghị quyết của công đồng chung Laterano. Từ đó, ngài được nhìn nhận là một nhà cải cách, mặc dầu nếp sống của ngài còn mang nhiều nét thế gian của thời Phục Hưng. Ngay từ đầu, ngài đã nghĩ đến việc triệu tập một công đồng chung để cải tổ Hội Thánh. Tuy nhiên, ngài gặp nhiều khó khăn cả nơi người khác cũng như nơi chính bản thân. Ngài muốn cải tổ Hội Thánh, nhưng bản thân chưa thể dứt bỏ hoàn toàn tinh thần thế gian[78]. Việc ngài tin dùng hồng y Contarini là một khởi điểm đáng mừng.

Trong bối cảnh ấy, thánh I-nhã cũng góp phần vào công cuộc canh tân Hội Thánh theo cách thức của ngài. Ngoài việc học hành để về lâu về dài có thể làm việc tông đồ hữu hiệu hơn, ngài cũng nói chuyện thiêng liêng và giúp một số người tập Linh Thao. Về nói chuyện thiêng liêng, qua hai thư gởi nữ tu Rejadell, chúng ta thấy ngài là một bậc thầy về đời sống thiêng liêng[79]. Về Linh Thao, ngài viết cho cha linh hướng của ngài: “Con nghĩ Linh Thao là điều tốt nhất trên đời này để giúp một người thu được lợi ích cho mình cũng như để người ấy đem lại ích lợi cho người khác.”[80] Ngài kể tên bốn người tập Linh Thao tại Venezia. Có hai linh mục người Ý: một là anh em họ của hồng y Contarini và coi sóc Nhà tế bần Nan Y, một là tổng đại diện của Sứ thần Tòa Thánh tại Venezia. Hai người Tây Ban Nha ít nổi tiếng hơn. Một người tên là Rozas, hiện chúng ta không biết là ai. Về người kia, linh mục Hoces, thánh I-nhã cho chúng ta biết khá nhiều điều, qua đó chúng ta hiểu được phần nào những khó khăn ngài đang phải đối diện tại Venezia và sẽ phải đối diện tại Rôma[81].

 

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *