Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (kết)

Chờ tàu

 

            Họ chia nhau đến phục vụ trong các nhà tế bần[99].

            Chúng ta đã biết là theo thỏa thuận giữa Venezia và đế quốc Ottoman, mỗi năm có một chuyến tàu hành hương khứ hồi Venezia-Giêrusalem. Tàu thường khởi hành vào mùa hè. Ít nhất cũng phải đến tháng 6 hay tháng 7 mới có tàu. Trong thời gian chờ đợi, họ chia ra hai giai đoạn: ba tháng đầu đi giúp người nghèo và người bệnh, ba tháng sau đi Rôma xin phép Đức Giáo Hoàng. Hai nhà tế bần được chọn là Santi Giovanni e PaoloNan Y, ngay tại Venezia. Riêng thánh I-nhã tiếp tục tự học thần học một mình, đồng thời đến nhà tế bần thăm anh em hoặc tiếp đón anh em đến thăm. Công việc tại nhà tế bần được cha Rodrigues cho biết là quét dọn, rửa ráy, lau chùi, dọn giường, đổ bình vệ sinh, chôn người chết. Hai cha Favre và Hoces biết tiếng Ý chuyên lo giải tội. Việc phục vụ được thực hiện cả ngày lẫn đêm, một cách chu đáo, nhiệt tình, hân hoan. Một điều khá quan trọng là phải thắng vượt những ghê sợ tự nhiên. Điển hình nhất là chuyện thánh Phanxicô Xavier với một người bệnh phong. Một hôm có người mình đầy mụn nhọt xin ngài gãi lưng cho. Đang khi gãi, ngài rất ghê sợ và muốn ói. Để thắng, ngài đưa tay vào miệng và nuốt hết mủ dính ở tay. Đêm ấy ngài ngủ mơ thấy mình bị bệnh phong ở miệng, ho mãi, khạc mãi vẫn không hết![100]

            Sau hai hay ba tháng, họ đi Rôma để xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho chuyến đi Giêrusalem. Kẻ hành hương không đi, vì ngại gặp tiến sĩ Ortiz và cả vị hồng y Thêatinô. Các bạn cùng chí hướng từ Rôma trở về, mang theo một tín phiếu trị giá khoảng 200 đến 300 escudos là của bố thí để đi Giêrusalem. Họ chỉ nhận tín phiếu. Sau đó, vì không đi Giêrusalem được, họ gởi trả lại những người đã cho. Đi thế nào, các bạn cùng chí hướng về lại Venezia như vậy, nghĩa là đi bộ và xin ăn, nhưng chia thành ba toán, mỗi toán có những người thuộc các quốc tịch khác nhau[101].

Chúng ta đã biết vào thời ấy muốn đi hành hương Giêrusalem phải có phép của Đức Giáo Hoàng. Lẽ ra cả nhóm phải đi, nhưng thánh I-nhã ở lại Venezia vì ngại gặp tiến sĩ Ortiz và hồng y Carafa. Tiến sĩ Pedro Ortiz sinh năm 1501 và nhận học vị tiến sĩ thần học tại Paris năm 1525. Trong thời gian thánh I-nhã ở Paris, ông tích cực vận động để học giả Erasme và giám mục Briçonnet bị kết án. Thánh I-nhã nghi là chính ông đã tố cáo ngài với vị thanh tra giáo lý ở Paris. Từ năm 1530, ông làm sứ thần của hoàng đế Karl V cạnh Tòa Thánh. Hồng y Carafa của dòng Teatino từ lâu cũng không có thiện cảm gì với thánh I-nhã. Vì thế, ngài ở lại để tránh rắc rối có thể xảy đến cho cả nhóm.

Nhóm 9 người chia thành 3 toán, mỗi linh mục một toán, khởi hành từ Venezia[102]. Cha Laínez cho biết là vào giữa mùa chay[103]. Thánh I-nhã nói họ “hoàn toàn không có gì, chỉ hi vọng và tin tưởng nơi Chúa.”[104] Theo cha Rodrigues, chuyến đi là thực nghiệm đầu tiên về thanh bần: ăn xin, chỉ xin đủ ăn trong ngày; ngủ nhờ nhà tế bần và dạy giáo lý cho những người ở đó; không rời khỏi sự thanh bần một móng tay![105] Đây là lúc thi hành lời khấn Montmartre. Có người nghĩ họ là những kẻ đã cướp phá Rôma năm 1527[106], nên bây giờ làm việc đền tội. Trước khi đến Ravenna, suốt mấy ngày không xin được gì ăn, vì vùng ấy không có người ở, đói và mệt tưởng chừng không sao đi tiếp được. Gần đến Ravenna, trời mưa khiến nước sông dâng cao, có lúc phải đi chân không, lội nước ngập đến ngực. Đến Ancona, lại lụt. Cả nhóm không có gì để ăn, trong túi không có đồng nào. Sau khi lên đò qua sông, bị chủ đò giữ sách nguyện, phải vào chợ ăn xin để chuộc lại. Cả nhóm dừng lại một ngày sốt sắng viếng Đức Mẹ Loreto. Theo cha Laínez, nhóm hân hoan lên đường, vừa đi vừa hát thánh vịnh[107]. Nhiều hôm chỉ có bành mì và nước lã, nhưng Chúa thương cho khỏe mạnh. Cuối cùng cả nhóm đến Rôma bình an vào chiều Chúa Nhật Lễ Lá 25 tháng 3.

Toán Tây Ban Nha ở nhà trọ Santiago tại quảng trường Navona. Tiến sĩ Ortiz là cố vấn của nhà trọ: trái với mọi lo ngại, ông gặp họ và ôm hôn thắm thiết, rồi sắp xếp để họ đến gặp Đức Giáo Hoàng tại Lâu Đài Thiên Thần vào thứ ba lễ Phục Sinh ngày 3.4. Hôm ấy, Đức Giáo Hoàng mời một số hồng y, giám mục, và tiến sĩ đến dùng bữa với ngài. Trong bữa ăn, các bạn thảo luận thần học, giải đáp những câu hỏi được nêu lên… Đức Giáo Hoàng rất hài lòng. Thánh I-nhã cho biết kết quả: 1) chẳng những cho phép, Đức Giáo Hoàng còn chúc lành và khích lệ các bạn đi hành hương Giêrusalem; 2) chính Đức Giáo Hoàng tặng các bạn 60 ducado, và các vị khác tặng 200 ducado để các bạn đi đường; 3) cho ai đã là linh mục được quyền giải tội và giải các vạ thuộc quyền giám mục; 4) ai chưa là linh mục được xin bất kỳ giám mục nào phong chức cho[108]. Thật là vượt trên mọi mong chờ.

Sau khi tham dự Tuần Thánh và viếng bảy vương cung thánh đường như khách hành hương thường làm, các bạn từ Rôma về đến Venezia khoảng đầu tháng 5. Ngày lễ Thánh Thể[109] có cuộc rước kiệu truyền thống long trọng, chắc chắn thánh I-nhã và các bạn đã sốt sắng tham dự.

Tại Venezia, ai chưa làm linh mục thì được phong chức, và vị sứ thần, sau này là hồng y Veralla, ban các năng quyền. Họ thụ phong với tư cách thanh bần[110], và mỗi người khấn thanh bần và khiết tịnh[111].

Sau khi tự ý xin tuyên khấn khiết tịnh và thanh bần trong tay vị sứ thần Tòa Thánh, thánh I-nhã và 6 anh em được ban các chức nhỏ ngày 10.6, chức phụ phó tế ngày 15, chức phó tế ngày 17 và cuối cùng chức linh mục ngày 24.6, lễ thánh Gioan Tẩy Giả, do đức cha Vicenzo Negusanti, giám mục Arbe tại nhà nguyện ở tư dinh của ngài tại Venezia. Các bạn được ban toàn quyền giảng thuyết, dạy dỗ, giải thích Kinh Thánh công khai cũng như riêng tư, riêng trong nước cộng hòa Venezia được hưởng đặc ân giải các tội và các vạ dành riêng cho các giám mục, tổng giám mục và thượng phụ[112]. Riêng Salmeron vì chưa đủ 23 tuổi nên phải chờ đến tháng 10 mới thụ phong linh mục.

Bình thường tàu hành hương khởi hành vào tháng 6, cho đến năm ấy là 37 năm liền chưa hề gián đoạn. Nhưng căng thẳng giữa hai liên minh, một bên là Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, bên kia là Venezia, Tây Ban Nha và Tòa Thánh, lên tới đỉnh cao vào năm 1536. Các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ lởn vởn trên Địa Trung Hải và biển Adriatic, trong khi Venezia đang trong tình trạng ứng chiến. Ngày 3.6, Venezia và Thổ Nhĩ Kỳ đoạn giao: hy vọng đi Giêrusalem trở nên rất mong manh. Dầu sao, thánh I-nhã và các bạn vẫn hy vọng sẽ dâng lễ mở tay tại Đất Thánh. Để chuẩn bị, tất cả các bạn quyết định dành ra 40 ngày sống cô tịch để hãm mình và cầu nguyện. Từng hai người đến những nơi gần Venezia để khi có tàu thì đến kịp: thánh Phanxicô Xavier và Salmeron đi Montelise; cha Rodrigues và cha Jay đi Bassano; cha Broet và cha Bobadilla đi Verona; cha Codura và cha Hoces đi Treviso; chỉ có một toán 3 người là thánh I-nhã cùng với chân phước Phêrô Favre và cha Laínez đi Vicenza.

Kẻ hành hương cùng với Favre và Laínez đi Vicenza. Tại đó, họ tìm được một căn nhà ở ngoài thành phố, không có cửa ra vào cũng không có cửa sổ. Họ ở đó và ngủ trên ít rơm họ đem vào. Mỗi ngày hai người vào trong thành phố xin ăn hai lần, nhưng được rất ít, nên chỉ sống cầm hơi. Thường thì họ ăn một chút bánh mì nướng, khi có; ai ở nhà thì lo nướng bánh. Họ sống 40 ngày như vậy, chẳng làm gì khác ngoài cầu nguyện[113].

Cũng thánh I-nhã cho biết đó là đan viện San Pietro in Vivarolo, cách cổng Santa Croce một dặm, đã bị bỏ hoang. Các đan sĩ Santa Maria delle Grazie đồng ý cho thánh I-nhã và các bạn muốn ở đó bao lâu cũng được[114]. Ribadeneira cho biết đó là một căn nhà nhỏ, bên ngoài tường thành, cách cổng Santa Croce một dặm, cửa ra vào cũng như cửa sổ đã bị lấy đi, nên gió và mưa tự do vào. Thánh I-nhã và các bạn lấy rơm trải ngay trên nền nhà để nằm ngủ [115]. Mỗi ngày chân phước Phêrô Favre và cha Laínez vào thành phố xin ăn 2 lần, còn thánh I-nhã ở nhà chuẩn bị bữa ăn. Thánh I-nhã viết: “Càng ngày chúng tôi càng nghiệm thấy rõ hơn câu ‘không có gì nhưng có mọi sự’ (2 Cr 6,10) là đúng.”[116]

Trong thời gian ở Vicenza, trái với thời gian ở Paris, kẻ hành hương có nhiều thị kiến thiêng liêng, còn các an ủi thì vừa nhiều vừa nối tiếp nhau. Trong các chuyến đi, nhất là ở Venezia, khi chuẩn bị thụ phong linh mục và khi chuẩn bị dâng lễ, kẻ ấy có nhiều cuộc thăm viếng siêu nhiên tương tự như thường có khi kẻ ấy ở Manresa[117].

Suốt thời gian từ khi đi Giêrusalem về Tây Ban Nha năm 1524 đến lúc đi Vicenza năm 1537, thánh I-nhã không có những tâm tình sốt sắng hay những thị kiến. Vicenza trở nên như Manresa thứ hai của ngài: ngài thường có thị kiến và được ơn an ủi đến nỗi khóc gần hư cả mắt[118].

Sau 40 ngày, cha Jean Codure tới, và bốn người quyết định bắt đầu giảng. Bốn người đến bốn quảng trường của thành phố, và vào cùng ngày cùng giờ, họ kêu gọi lớn tiếng và dùng mũ để mời người ta tập họp lại nghe giảng. Những bài giảng đó làm đề tài cho người ta chuyện trò với nhau trong thành phố, nhiều người xúc động với lòng sốt sắng và cung cấp cho họ tất cả những điều họ cần về vật chất. [119]

Đề tài giảng thường là tật xấu, tội lỗi, nhân đức, tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Có nhiều người đến nghe. Tuy các nhà giảng thuyết chưa thông thạo tiếng Ý, nhưng qua thái độ sốt sắng người ta thấy được lòng nhiệt thành nên rất cảm phục. Họ nhận được nhiều của bố thí.

 

 

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *