Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

               Người Tây Ban Nha nói chung sống rất phóng khoáng nhưng lại rất khắt khe về giáo lý. Phong trào Tin Lành mới nhen nhúm ở Đức đã lan rộng mau chóng khiến giáo quyền Tây Ban Nha rất cảnh giác. Tòa Án Giáo Lý Tây Ban Nha được Các Quân Vương Công Giáo thiết lập từ năm 1478, nổi tiếng là khắt khe, thường xuyên theo dõi các diễn biến bất thường. Ngay tại Alcalá, có hai nhóm chắc được Tòa Án Giáo Lý lưu ý đặc biệt: nhóm Erasmus và nhóm Alumbrados. Năm 1525, Tòa Án đã kết án 48 luận đề của nhóm Alumbrados. Thánh I-nhã luôn luôn rất trung thành với Hội Thánh, nhưng các hoạt động tông đồ của ngài khá gần gũi với cách thức của nhóm Alumbrados: dạy giáo lý ngay trên đường phố, hội họp với các phụ nữ đạo đức, mà đôi khi còn có cả hiện tượng ói mửa, ngất xỉu hay mê sảng nữa.

               “Có những điều khác khiến cho công chúng bình phẩm, nhất là vì rất nhiều người trong thành phố xúm lại nghe kẻ ấy dạy giáo lý”[61]… “Như đã nói trên kia, dân chúng trong vùng bắt đầu bàn tán xôn xao về những điều xảy ra tại Alcalá, người nói thế này, kẻ nói thế kia. Tiếng đồn đến tai Tòa Án Giáo Lý ở Toledo”[62].

               Lúc ấy Alcalá thuộc giáo phận Toledo, chắc chắn Tòa Án Giáo Lý Toledo phải lưu ý đến những gì đang diễn ra tại Alcalá. Cách sống của thánh I-nhã và các bạn cùng chí hướng cũng không thoát khỏi những cặp mắt rất cảnh giác của các thanh tra. Sau chừng 4 tháng ở nhà tế bần, thánh I-nhã đến ở trọ tại một “căn nhà nhỏ”[63]. Ngày 25.4.1526, viên Tổng Thanh Tra Alonso Manrique đã yêu cầu hai viên thanh tra Miguel Carrasco và Alonso Mejía theo dõi các hoạt động của nhóm Alumbrados tại Toledo và một số nơi khác. Ngày 19.11.1526, các thanh tra hỏi linh mục Fernando Rubio, dòng Thánh Phanxicô, về “một số thanh niên người ta thường gặp trong thành phố, mặc áo dân quê màu sáng dài đến gót chân, có người đi chân không, tự xưng là theo nếp sống của các tông đồ”[64].

Người đi chân không chính là thánh I-nhã.

Khi các thanh tra đến Alcalá, người chủ nhà báo tin cho kẻ hành hương, và cho biết các vị ấy gọi họ là bọn áo vải bố, đám thần khải, hình như vậy, và định tra tấn họ. Các vị ấy lập tức mở một cuộc kiểm tra và điều tra về đời sống của họ, nhưng rốt cuộc quay về Toledo mà không triệu tập họ, dù các vị ấy đến cốt để làm điều đó. Các vị ấy giao vụ này cho cha đại diện Figueroa… Mấy hôm sau, cha đại diện triệu tập họ và thông báo các vị thanh tra đã điều tra và kiểm tra về đời sống của họ và thấy không có gì sai lạc trong cách sống cũng như trong giảng dạy, nên họ có thể tiếp tục làm như cũ, không bị hạn chế chi hết. Nhưng vì họ không phải là tu sĩ trong một dòng tu, việc họ mặc quần áo giống nhau là không thích hợp. Vì thế họ nên, và cha ấy ra lệnh cho họ: hai người, cha ấy chỉ kẻ hành hương và Arteaga, nhuộm quần áo màu đen, hai người kia, Calixto và Caceres, màu nâu tươi, còn Juanico, một thanh niên người Pháp, có thể giữ nguyên.[65]Họ nhuộm quần áo theo lệnh trên, và khoảng hai ba tuần sau, cha Figueroa lại bắt kẻ hành hương phải mang giày, cấm đi chân không. Họ tuân lệnh, không thắc mắc gì, như kẻ ấy vẫn luôn luôn làm khi nhận được lệnh như vậy.[66]

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *