Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VII)

Thật ra, mọi việc ở Barcelona chưa đâu vào đâu. Hoạt động tông đồ không đem lại hiệu quả đáng kể nào. Việc học hình như cũng không có nền tảng vững chắc. Xôi hỏng bỏng trượt!

Tại sao đi Alcalá[27]? Đơn giản nhất: lúc ấy Đại học Barcelona chưa hoạt động. Hơn nữa, Đại Học Alcalá mới khai trương đang thu hút sự chú ý của nhiều người: đó là đại học mới nhất và hứa hẹn nhất của Tây Ban Nha[28].

“Kẻ ấy đi Alcalá một mình… Đến nơi, kẻ ấy bắt đầu xin ăn và sống nhờ của bố thí… Người phụ trách nhà tế bần Antézana mới thành lập[29] đi qua, chạnh lòng thương kẻ ấy [30], nên gọi và dẫn kẻ ấy về nhà tế bần, cho kẻ ấy một phòng và tất cả những điều cần thiết.”[31]

Thánh I-nhã một mình đi bộ hơn 500 km đến Alcalá. Ngài ở Alcalá tối đa trong khoảng từ tháng 3 năm 1526 đến tháng 6 năm 1527[32]. Lúc ấy Alcalá là một thành phố nhỏ trên bờ sông Henares, ngoài trường đại học ra, không có gì là đáng kể: người ta nói Alcalá không có một đại học nhưng là một đại học! Sau 9 năm, thánh I-nhã trở lại xứ Castilla, tưởng chừng mọi sự đều quen thuộc và dễ dàng, nhưng…

            Thực ra, đến Alcalá, thánh I-nhã bước vào một môi trường hoàn toàn mới lạ đối với ngài. Có thể nói lúc ấy Alcalá không phải là một thành phố, nhưng chỉ là một đại học. Đó là một sáng kiến độc đáo của hồng y nhiếp chính Gonzalo Ximenes de Cisneros. Vị tu sĩ dòng Thánh Phanxicô này không muốn để Tây Ban Nha thua kém các nước khác về mặt trí thức. Dòng Đaminh hầu như nắm trọn sức mạnh trí thức ở Tây Ban Nha, nhưng khá bảo thủ. Vì thế, ngài quyết định lập một đại học mới về mọi mặt tại Alcalá. Năm 1503, hoàng tôn Ferdinand (cháu nội hoàng đế Maximiliano, em Karl V, sau này kế vị anh làm hoàng đế), sinh tại Alcalá là một cơ hội thuận tiện. Đề án của ngài được Các Quân Vương Công Giáo và nhiều bậc vị vọng ở Tây Ban Nha ủng hộ cả về tinh thần cũng như vật chất.

Không theo truyền thống thời Trung Cổ, đại học Alcalá tiêu biểu cho thời Phục Hưng. Khác hẳn ở các đại học đương thời, vị sáng lập đại học Alcalá muốn cải tổ các môn học, đó nhận những làn gió mới từ khắp nơi như chủ nghĩa nhân văn, phong trào thần khải, và hơn hết là canh tân thiêng liêng với nền tu đức Devotio Moderna[33]. Từ năm 1514 đến năm 1517, bộ Kinh Thánh Đa Ngữ Complutum[34] vĩ đại bằng các thứ tiếng Hipri, Aramêô, Hy Lạp và Latinh được phát hành đã nâng đại học Alcalá lên hàng trí thức đầu đàn trên thế giới đương thời. Nhà thờ lớn của Alcalá, mặc dầu lúc ấy không phải là nhà thờ Chính Tòa, nhưng được gọi là nhà thờ magisterial: toàn bộ các giáo sĩ ở đó phải là giáo sư đại học. Trong toàn thể Hội Thánh, chỉ có hai nhà thờ được mang danh hiệu ấy! Có thể nói Alcalá là một thiên thạch giữa một nước Tây Ban Nha rất bảo thủ về giáo lý. Trong thời gian bị giữ ở Tây Ban Nha[35], một lần vua François I của Pháp đến thăm định Alcalá đã nói: “Đại học Paris, niềm tự hào của Pháp, là công trình của nhiều thế kỷ; nhưng chỉ một mình Jimenez đã làm được điều tương tự.”[36] Lúc thánh I-nhã đến, đại học Alcalá có gần 40 ghế giáo sư về đủ các khoa như thần học, triết học, y học, giáo luật, toán, văn chương, Latinh… Nhiều dòng tu đã đạt cơ sở tại đó để gởi sinh viên đến học.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *