Thánh Inhã – người say mê Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Say mê Giê-su là điều giải thích được mọi chuyện trong cuộc đời I-nhã (I) từ sau khi I trở lại. Say mê Giê-su là lời đáp của I khi thấy Chúa yêu thương mình.

Chúa không bỏ rơi I-nhã dù ông sống có phần bê bối hay ít ra là sống “trần tục”: Cho đến năm ba mươi tuổi, kẻ ấy chỉ mải mê với những chuyện phù phiếm thế gian, đặc biệt là ham mê võ nghệ, với ước ao mãnh liệt và phù phiếm là được nổi tiếng (1). Có thể sau này I mới nhận ra là trái đạn làm gẫy chân mình là trái đạn của tình yêu, trái đạn làm ông dừng chân và đổi hướng. Hai cuốn sách đạo đức, Cuộc đời Đức Ki-tô và Hạnh các Thánh, rơi vào tay ông qua sự tốt bụng của bà chị dâu, đó cũng do sự an bài của Chúa. Chúa đã cho ông cảm thấy an ủi khi nghĩ đến việc bắt chước các thánh, mà cả sau khi thôi không nghĩ đến nữa vẫn thấy vui và thích (8). Chúa vẫn thôi thúc ông bên trong (dù vẫn còn đầy tính ganh đua) khi ông không muốn thua kém lòng quảng đại của các thánh: Thánh Đa-minh đã làm điều này, vậy tôi cũng phải làm; thánh Phanxicô đã làm điều kia, vậy tôi cũng phải làm (7). Ông còn được một thị kiến vào một đêm không ngủ: thấy rõ ràng hình ảnh Đức Mẹ cùng với Chúa Giê-su Hài Đồng (10). Ơn này dẫn tới một ơn khác: kẻ ấy cảm thấy ghê tởm tất cả cuộc sống quá khứ, đặc biệt là những chuyện xác thịt, và có cảm tưởng như tất cả những hình ảnh từng được ghi khắc vào tâm hồn mình đều bị xóa bỏ. Từ hôm ấy cho đến tháng 8 năm 1553, kẻ ấy không bao giờ mảy may ưng thuận với những cám dỗ xác thịt (10). 

Khi I cảm được tình yêu của Chúa Giê-su đang lôi kéo ông, ông đã để cho Ngài dẫn dắt. Ông đã bỏ gia đình, bỏ lâu đài, bỏ trang phục hiệp sĩ của mình, mặc chiếc áo vải thô của khách hành hương, sống nhiệm nhặt để đền tội.

I-nhã say mê Đức Giê-su. Bây giờ Giê-su là vị Vua mà I muốn phụng sự suốt đời, chứ không phải một vị vua Tây-ban-nha nào khác. Quyết định nghiêm túc đầu tiên của I là đi hành hương Đất thánh, một nơi đầy nguy hiểm thời bấy giờ. Mê Giê-su nên I cũng mê quê hương của Giê-su, và ông muốn ở lại đó để thường xuyên viếng các Nơi Thánh (45). Mê Giê-su nên I cũng muốn làm lại những gì Giê-su đã làm ở đó, bây giờ là giúp đỡ các linh hồn (45). Ông tin chắc chắn đây là ý Chúa, nên khi bị từ chối, I khăng khăng trả lời là mình đã nhất quyết rồi, không có điều gì trên đời này ngăn cản được, …chẳng có gì làm cho kẻ ấy sợ mà phải từ bỏ quyết định, trừ khi bị buộc thành tội (46). Khi biết ý Chúa không muốn cho mình ở lại trên Đất thánh, lòng I đã bừng cháy ước nguyện đi viếng núi Ô-liu lần cuối (47). Ông đã trở lại đó hai lần. Lần thứ nhất vì muốn nhìn lại phiến đá mà theo truyền tụng, Chúa Giê-su đã đứng trên đó trước khi về trời. Ông phải đút lót một cái kéo để được lên núi Ô-liu lần thứ hai, hầu xem lại coi bàn chân phải của Chúa quay về hướng nào khi Chúa về trời (47). Rõ ràng I có lòng yêu mến Chúa Giê-su cách đặc biệt. Dù không được ở lại (rời Đất thánh 23-9-1523), nhưng lòng say mê mảnh đất Thầy Giê-su sống ngày xưa vẫn chưa bao giờ nguội lạnh. I đã truyền được lòng say mê này cho nhóm các bạn sinh viên do I quy tụ. Sau này vào ngày 15/8/1534, nhóm bảy người bạn đã khấn sống nghèo khó, khiết tịnh, và kèm theo đó là lời khấn sẽ đi Giêrusalem để xả thân mưu ích cho các linh hồn (85). Một lần nữa, Giêrusalem không phải là lựa chọn của Chúa. I được chịu chức linh mục 24-6-1537, nhưng cha đã hoãn lại việc dâng lễ “mở tay” đến tận đêm Noel 1538, hầu chắc vì cha muốn được dâng thánh lễ đầu tiên tại Đất thánh. Tuy ước mơ không được thực hiện, I vẫn có cách bù đắp cho mình. Cha đến nhà thờ Đức bà Cả, và dâng lễ ở Nhà Nguyện Máng Cỏ, nơi có thánh tích của Be-lem. Dù sao Đất thánh vẫn là nỗi khao khát thầm kín khôn nguôi của I, một khao khát cháy bỏng bắt nguồn từ một tình yêu đối với Thầy Giê-su, Con Thiên Chúa làm người.

I-nhã say mê Giê-su, vị Vua mới. Sau khi trở về từ Đất thánh, I không còn quá bận tâm đến chuyện sống khổ hạnh và ăn chay đánh tội, nhưng bận tâm bây giờ của I là giúp đỡ các linh hồn, theo kiểu nói của I. Nhưng làm thế nào để giúp đỡ các linh hồn vào thế kỷ 16, khi những lạc giáo và ly giáo đang hoành hành trong một Giáo Hội Công giáo bị suy thoái trầm trọng? Muốn được giúp các linh hồn, cần có học để lời dạy dỗ trở nên đáng tin. Thế là I quyết định đi học, sau khi thấy Chúa không muốn mình ở lại Đất thánh phục vụ. Bắt đầu đi học lại ở tuổi ba mươi ba, chỉ ai yêu mới làm được chuyện đó. I đi học vì yêu Giê-su, vì muốn đưa tha nhân đến với Giê-su. Mục tiêu của việc học đơn giản là thế. Bao nhiêu cám dỗ đã xảy ra trong thời gian này. Trong bốn năm học đầu tiên, I đi học từ trường này đến trường khác, từ Barcelona, đến Alcala, rồi đến Salamanca. Rõ ràng I đã muốn bắt cá hai tay: vừa học, vừa đi ăn xin để sống, vừa ở nhà thương thí, vừa hãm mình cầu nguyện, vừa đi giảng dạy giáo lý cho dân chúng, và cho các bạn sinh viên. Người ta bèn đặt câu hỏi: Tại sao một người không học đại học, không phải là linh mục, lại dám dạy người khác về Thiên Chúa? Kết quả là I bị bỏ tù 42 ngày ở Alcala (1527). Giáo quyền không kết tội I vì đã giảng sai hay theo lạc giáo, nhưng cấm I không được đề cập các vấn đề thuộc về đức tin trong vòng bốn năm, cho đến khi học hành đến nơi đến chốn, vì như lúc ấy thì chưa đủ (62). Sau đó I bị tù tại Salamanca 22 ngày. Cha tu viện phó dòng Đa-minh đã nói với I: Các anh không được học mà nói về nhân đức và tật xấu sao? (65). I bị giam với bạn mình, hai người bị buộc vào nhau bằng một sợi xích, mỗi người một chân. Sợi xích này dài chừng hơn ba mét, được buộc vào một cái cột ở giữa phòng. Mỗi khi một người muốn làm gì thì người kia phải đi theo (67). Nhưng I không sợ. I trả lời một bà vào thăm ngài trong tù: Đối với tôi, xin thưa bà rằng ở Salamanca này chưa có đủ gông cùm xiềng xích đâu, tôi còn ước ao chịu hơn nữa vì yêu mến Chúa (69).

Đến năm 37 tuổi I mới nhận ra mình phải học tập nghiêm túc hơn. I đi Paris. Đến 44 tuổi mới học xong. I nhã đã lập hai nhóm bạn trước khi đi Paris, nhưng hai nhóm này không đứng vững được. Nhóm bạn thứ ba ở Paris mới thành công. I đã truyền cho 6 người bạn của mình lòng say mê Đức Giê-su qua việc cho họ tập Linh Thao. Trong nhóm này có thánh Phan-xi-cô Xavie và thánh Phê-rô Favre. Đây là một bằng chứng về tình yêu say mê của họ đối với Chúa Giê-su. Sau khi các tân linh mục, trong đó có I, được thụ phong (1537), họ đi giảng dạy ở các trung tâm đại học như Padua, Sienna, và Bologna. Họ quyết định là nếu có ai hỏi họ là ai, họ sẽ trả lời họ là Compagnía de Jesús (Societas Jesu, Society of Jesus), Dòng Chúa Giê-su.

Đức Giê-su Ki-tô là mẫu gương cho thao viên bắt chước. Trong sách Linh Thao, I-nhã  nhiều lần nhắc đến việc noi gương bắt chước Ngài (LT 98; đi theo hơn và noi gương hơn: 109; 139; 147; noi gương và nên giống hơn: 167; noi gương và phụng sự Chúa hơn: 168; 214; 248). 

Khiêm nhường ở bậc ba trong LT cho thấy tình yêu say mê của I-nhã đối với Đức Giê-su: Nếu sự tán dương Thiên Chúa uy linh và vinh quang của Ngài ngang nhau, để noi gương và nên giống Đức Ki-tô Chúa chúng ta cách hiện thực hơn, tôi muốn và chọn sự nghèo khó với Đức Ki-tô nghèo khó hơn là sự giàu có, những sự nhục nhã với Đức Ki-tô chịu nhục nhã hơn là danh giá, và tôi ước ao bị coi như vô giá trị và điên dại vì Đức Ki-tô, Đấng đã bị coi như thế trước, hơn được coi là thông thái và khôn ngoan ở trong thế gian này (LT 167; x. HP 101).

Tình yêu của I đối với Chúa Giê-su còn được biểu lộ qua việc Dòng mới của I và các Bạn đầu tiên khấn một lời khấn thứ tư, ngoài ba lời khấn thông thường. Đó là lời khấn vâng phục Đức Thánh Cha, vị Đại Diện của Đức Ki-tô trên trần gian, để ngài sử dụng họ ở đâu ngài xét là sẽ tôn vinh Thiên Chúa hơn và mưu ích cho các linh hồn hơn (TT 85). Vì yêu Đức Ki-tô nên I-nhã yêu vị đại diện của Ngài.

Khao khát đem lửa đến trần gian là khao khát suốt đời của Đức Giê-su. Ngày nào điều này chưa thành, ngày đó Ngài còn khắc khoải. Thánh I-nhã đã chia sẻ nỗi khao khát này của Thầy Giê-su, và chính ngài cũng mang nỗi khao khát ấy trong tim. Cùng với thánh I-nhã, chúng ta cũng khao khát đêm lửa yêu thương đến trong gia đình, trường học, xã hội hôm nay. Hãy thắp lên một ngọn lửa, hãy làm ngọn lửa của tôi biến thành nhiều ngọn lửa bùng cháy và làm bừng sáng mặt địa cầu. Hãy làm cho mọi người cảm được tình yêu của Chúa Giê-su đối với họ, từ đó họ sẽ sống cho tình yêu đó.

Kiểm tra tương tự

Cách cầu nguyện dành cho người bận rộn

Khi ngồi tòa giải tội, tôi thường nghe rất nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng: …

Kỷ niệm 40 năm Ngày Giới trẻ Thế giới: Từ 250,000 đến hơn 1 triệu người tham dự

  Đã 40 năm kể từ khoảnh khắc này.   Năm 1984, Đức Thánh Cha …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *