Linh Thao

Nếu Linh Thao trước tiên là chính kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Inhaxiô: kinh nghiệm tìm Chúa và gặp Chúa, thì xuyên qua Linh Thao, người đọc có thể phác họa dung mạo thiêng liêng của đấng thánh. Dĩ nhiên, một công việc tương tự đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ở đây, chúng ta chỉ ghi nhận một vài đường nét chính.

  1. Linh Thao, con đường tìm Chúa và gặp Chúa

Ngay từ đầu sách Linh Thao, Thánh Inhaxiô giải thích: “Linh Thao là tất cả những cách chuẩn bị và giúp linh hồn được thoát khỏi những quyến luyến lệch lạc, và sau đó, tìm kiếm ý muốn TC trong việc xếp đặt đời sống trong trật tự, nhằm được ơn cứu rỗi.”(Linh Thao 1). 

Có những người đi tìm Chúa. Nhưng không gặp được Chúa. Linh Thao là kinh nghiệm tìm Chúa và gặp Chúa của chính Thánh Inhaxiô, được đề nghị với mọi người như một con đường dẫn đến Thiên Chúa. Theo chính định nghĩa của sách Linh Thao, lộ trình tìm Chúa của Linh Thao gồm hai giai đoạn: (1) Giải thoát tâm hồn khỏi những quyến luyến vô trật tự. Điều mà Thánh Inhaxiô gọi là “những quyến luyến lệch lạc” hay “vô trật tự” là những ngăn trở cho công việc ân sủng trong tâm hồn. “Những quyến luyến lệch lạc” làm cho linh hồn giao động, áy náy, xao xuyến, nên không thấy được ý Chúa. Linh Thao giúp con người ý thức về những ngăn trở để loại bỏ chúng. (2) Sau khi thoát khỏi những quyến luyến lệch lạc, linh hồn mới có thể gặp Chúa, tức nhận ra ý muốn TC trên cuộc đời mình và can đảm sống theo ý Chúa.

Thực ra, nếu trên lý thuyết việc tìm Chúa trong Linh Thao có hai giai đoạn, nhưng trong thực tế hai giai đoạn này không hoàn toàn tách biệt nhau, không có phân chia trước sau. Đúng hơn, sự giải thoát khỏi những gắn bó vô trật tự là điều kiện để tâm hồn có thể tìm Chúa và gặp Chúa. Hai vận hành của cùng một tiến trình. Đó chính là tiến trình của sự hoán cải (metanoia) theo Tin Mừng. “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”(Mt 4,17).

 Giáo huấn Tin Mừng chỉ dẫn con đường hay điều kiện tìm Chúa là phải có tâm hồn trong sạch. “Phúc cho những tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Linh Thao giúp biến đổi con tim theo nghĩa Kinh Thánh. Tức là nơi sâu thẳm, căn rễ của con người. Con tim là nơi con người cảm nghiệm sự hiện diện và tình yêu Thiên Chúa. Để có được một con tim an bình, cần phải thiết lập hay tái lập trật tự trong đời sống. Bao lâu con tim không thuộc về Chúa thì những hình thức hay nghi lễ tôn giáo không giúp ích cho con người. Đó là tình trạng Pharisêu mà Chúa Giêsu không ngừng lên án. Vì thế, năng động của Linh Thao có mục đích giải phóng con tim khỏi tình trạng mù lòa, chai đá, để nó có thể nhìn thấy Thiên Chúa và yêu mến Thiên Chúa. Vì yêu mến Thiên Chúa và an nghỉ trong Chúa là hạnh phúc duy nhất đích thực của con người.

Sứ điệp Tin Mừng được Thánh Inhaxiô quảng diễn cách cụ thể: muốn tìm ý Chúa, mỗi người phải được tự do khỏi những quyến luyến lệch lạc. Những gắn bó lệch lạc hay những đam mê vô trật tự làm cho con người phải mù quáng không nhìn thấy ánh sáng sự thật. Chúng còn là những gông cùm trói buộc con người, ngăn cản nó hướng đến mục đích cuối cùng là nhẹ nhàng bước theo Chúa Giêsu để tôn vinh Thiên Chúa. Nói cách khác, để nhận biết ý muốn Thiên Chúa, linh hồn phải được tự do. Tự do khỏi những xiềng xích trói buộc con tim, để nó có thể yêu mến, tự do để dâng hiến chính mình. Tự do thiêng liêng được Thánh Inhaxiô đặc biệt nhấn mạnh dưới hình ảnh “an bình nội tâm” hay “bình tâm”.

Linh Thao là một tiến trình biện chứng bao gồm hai thành tố: tự do và ân sủng. Tự do của con người và ân sủng của Thiên Chúa. Chính mối tương quan biện chứng này làm nên năng động thiêng liêng chi phối linh hồn muốn tìm Chúa. Một đàng là sức mạnh của ân sủng mời gọi, thúc đẩy linh hồn đến với Chúa, nhưng đàng khác cũng có sự kháng cự của con người xác thịt, muốn sống theo ý riêng mình, khước từ sự trợ giúp của ân sủng. Chính vì thế mà người tập Linh Thao phải sáng suốt để nhận ra tác động của các loại thần tức là học biết cách “phân định thiêng liêng”.

  1. Linh Thao: “để tự thắng mình” (Linh Thao 21).

Trong lộ trình tìm Chúa của Linh Thao có tác động của ân sủng và sự kháng cự của xác thịt, dưới ảnh hưởng của thần dữ. Nhưng ân sủng không làm “phép lạ”, tức biến đổi linh hồn cách máy móc, bất chấp sự tự do của con người. Vì thế con người phải học cách cộng tác với ân sủng bằng sự tỉnh thức và chiến đấu. Một cuộc chiến đấu lâu dài. Để giải thích rõ hơn về khía cạnh chiến đấu của Linh Thao, ngoài định nghĩa đầu tiên (Linh Thao 1), Thánh Inhaxiô còn nói thêm:  “Linh Thao để tự thắng hay khắc phục bản thân và xếp đặt đời mình mà không quyết định dưới ảnh hưởng của một gắn bó vô trật tự nào”(Linh Thao 21).

Ngay từ đầu, sách Linh Thao xác định mục tiêu của cuộc hành trình thiêng liêng dưới quan điểm của Thánh Inhaxiô: đó là đi vào một cuộc chiến. Để loại bỏ những gắn bó lệch lạc, con người phải kiên trì chiến đấu. Chiến đấu suốt đời như chiến sĩ dũng cảm của Chúa Kitô. Chiến đấu chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt. Hay nói cách khác: chiến đấu chống lại những tác nhân làm phương hại đến sự cứu rỗi linh hồn, tức đời sống mới trong Chúa Thánh Thần. Cách chung, con người -nhất là con người thời nay- không muốn nói đến chiến đấu và nếu có chiến đấu thì, muốn thắng kẻ khác, muốn thống trị hoàn cầu. Chính Inhaxiô, khi còn là một hiệp sĩ theo tinh thần thế tục, luôn muốn vượt trội, không hề muốn thua ai. Nhưng sau khi được ơn hoán cải, ngài hiểu rằng: điều quan trọng nhất và khó nhất là thắng mình. Trước khi chinh phục thế giới phải chiến thắng bản thân mình. Đó là một cuộc chiến gay go, trường kỳ, mà có nhiều người,-cả những người thực hành Linh Thao- tìm cách lẩn tránh. Nhưng mọi linh đạo Kitô giáo đích thực đều được khắc ghi bởi dấu Thánh Giá. Muốn bước theo Chúa Giêsu vác Thánh giá và chịu đóng đinh, mỗi người phải từ bỏ chính mình.

Nhiều người đi vào Linh Thao với cao vọng: để nên thánh, để làm tông đồ, để “cứu nhân độ thế”. Hay nói cách nôm na là để “dạy đời”. Vì đặt mục tiêu quá lớn ở bên ngoài, và ở bên trên, họ quên điều cốt yếu trong tiến trình hoán cải đích thực là phải bắt đầu với việc khắc phục bản thân: biết mình và thắng mình.

Những nhà hiền triết luôn coi trọng việc hiểu biết chính mình và khắc phục chính mình. Như Lão Tử dạy:  “tri nhân giả trí, tự tri giả minh” (Đạo Đức Kinh, ch.33, câu 1). Biết người khác thì chỉ cần trí khôn, biết về chính mình mới là sáng suốt, nghĩa là có cái tâm trong sáng. Bậc thánh hiền còn dạy: “thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” (Đạo Đức Kinh, ch.33, câu 2). Muốn thắng người khác thì cần có sức mạnh cơ bắp. Muốn thắng mình phải có sức mạnh tâm hồn, tức ý chí kiên cường. Có những người muốn làm anh hùng trước cái nhìn của kẻ khác, nhưng trong đời sống bản thân, không thắng được tính hư nết xấu, không làm chủ các đam mê, dục vọng. Thánh Inhaxiô muốn những người đi Linh Thao phải bắt đầu từ việc biết mình dưới ánh sáng Lời Chúa, để rồi nhờ ơn Chúa, biết sửa đổi bản thân. Thánh Inhaxio Antiokia, trong Thư gửi giáo đoàn Magnesia (XII), trích một câu Sách Châm ngôn: “người công chính là kẻ tự tố cáo mình”.

Không có gì tệ hại hơn một con người mù quáng về chính mình. Nhưng tệ hơn nữa là những kẻ mù quáng ấy- mà Thánh Augustinô gọi là “những người không hy vọng”- luôn lên án kẻ khác. “Những kẻ không có hy vọng, càng ít chú ý đến đến tội lỗi của riêng mình, càng tò mò về tội lỗi của kẻ khác. Họ không tìm điều làm họ phải sửa đổi, nhưng tìm điều để chỉ trích. Và bởi vì họ không thể chữa lỗi mình, nên họ sẵn sàng tố cáo kẻ khác” (Thánh Augustinô, Bài giảng về Cựu Ước,19, 2-3).

Thánh Inhaxiô là một con người đã làm nên lịch sử và ảnh hưởng trên đời sống của nhiều người. Nhưng ngài không đưa ra lý thuyết. Linh Thao là một thủ bản hướng dẫn thực hành.  Xuyên qua lộ trình các thao luyện thiêng liêng, ngài cho thấy một cuộc cách mạng nhân bản đúng nghĩa luôn bắt đầu với chính mình. Hay nói cách khác: Biến đổi thế giới bằng cách biến đổi chính mình. Chinh phục thế giới bằng cách khắc phục chính mình.

Sufi Bayazid nói về chính mình như sau: “tôi là một người cách mạng khi còn trẻ và tất cả lời cầu xin của tôi dâng lên Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới”.

Khi đến tuổi trung niên, tôi ý thức rằng một nửa quảng đời của tôi đã qua đi mà tôi chẳng biến đổi được ai cả. Tôi thay đổi lời cầu xin của tôi thành: “Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng để biến đổi những người con tiếp xúc và ở gần con. Chỉ là gia đình và bạn hữu của con và con sẽ hài lòng.”

Bây giờ tôi đã về già. Ngày sống của tôi đã được đếm trên ngón tay, lời cầu xin duy nhất của tôi là: “Lạy Chúa xin ban cho con ân sủng để biến đổi chính bản thân con.” Nếu tôi đã cầu xin điều này ngay từ khởi đầu, thì tôi đã không lãng phí cuộc đời tôi.” (x. Anthony de Mello, sj. The Song of the Bird, Gujarat Sahitya Prakash, Anand, India, 1989, pp. 174-175)

  1. “Xếp đặt cuộc đời trong trật tự, mà không quyết định vì những gắn bó lệch lạc” (Linh Thao 21).

Thánh Inhaxiô là một con người yêu thich trật tự: trật tự trong đời sống và trật tự trong công việc. Do kinh nghiệm, ngài hiểu rằng: nếu không có trật tự, người ta mất nhiều thời giờ và công sức mà không làm được điều gì đáng kể. Một lối sống vô trật tự là một thất bại nghiêm trọng. Người vô trật tự sống trong cái vòng lẩn quẩn, lấy mục đích làm phương tiện, lấy điều thứ yếu làm chính yếu. Người ấy không thể phát huy nhân cách theo hướng tích cực và cũng mất cơ hội triển nở đời sống thiêng liêng. Vô trật tự ngăn cản những khát vọng lớn lao được hiện thực, nó làm cho con tim ra chai đá, không có khả năng yêu thương, và trở nên vô cảm trước những lời mời gọi của Thánh Thần.

Linh Thao nhắm mục đích “tìm kiếm ý Chúa” (Linh Thao 1), vì tìm kiếm và thi hành ý Chúa là lẽ sống của Kitô hữu. Nhưng trong vận hành tìm Chúa, có một lộ trình bắt buộc là phải đi qua giai đoạn hoán cải, chỉnh đốn nội tâm, xếp đặt cuộc đời trong trật tự. Xếp đặt cuộc đời trong trật tự, theo Thánh Inhaxiô có nghĩa là sống theo ý muốn Thiên Chúa, được ghi khắc trong Thập Giới, trong sứ điệp Tin Mừng và các giáo huấn của Hội Thánh. Trong Linh Thao, ý Chúa được Thánh Inhaxiô tóm lược và nêu lên trong “Nguyên Lý và Nền Tảng”: “Con người được dựng nên để chúc tụng, tôn thờ, phụng sự Thiên Chúa…Mọi thụ tạo khác, được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích” (Linh Thao 23). Vắn tắt, Thiên Chúa là mục đích mọi người phải nhắm đến để được cứu rỗi, để được hạnh phúc đời đời. Mọi thụ tạo khác là phương tiện cho mục đích tối hậu. Linh Thao đề nghị thao viên xếp đặt mọi sự trong trật tự: Thiên Chúa, con người (tôi và kẻ khác), thế giới (thiên nhiên, xã hội) phải được đặt vào đúng chỗ, như Thánh Phaolô dạy: “Mọi sự thuộc về anh em. Anh em thuộc về Chúa Kitô. Chúa Kitô thuộc về Chúa Cha” (1 Cr 3:22-23)

Trật tự theo Linh Thao là: “con người được tạo dựng để phụng thờ Thiên Chúa”. Các thụ tạo khác phải giúp con người đạt đến mục đích.  Vô trật tự là, thay vì phụng thờ Thiên Chúa, con người nô lệ các thụ tạo, như: Mammon, quyền lực, sắc dục. Tắt một lời: nô lệ các tà thần, ngẫu tượng. Người vô trật tự đặt thụ tạo vào vị trí của Đấng Tạo dựng, không thể nhận ra ý Chúa, bởi lẽ, “không ai làm tôi hai chủ”. Trong các tà thần ngẫu tượng, có một loại rất tinh vi, khó nhận biết và bởi thế, làm thệt hại lớn lao cho linh hồn, đó là tôn thờ cái “Tôi” ích kỷ, ngạo mạng, muốn cai quản, muốn thống trị. Người tôn thờ cái “Tôi” không làm sao nhận biết Thiên Chúa, vì họ lấy ý mình làm ý Chúa. Biết được nguy cơ của loại ngẫu tượng này, Thánh Inhaxiô lưu ý : “mỗi người phải nghĩ rằng mình càng thoát ra khỏi lòng yêu riêng mình, ý riêng, tìm kiếm tư lợi, thì càng tiến tới trong đời sống thiêng liêng” (Linh Thao 189).  .

  1. « En todo amar y servir »  (Trong mọi sự yêu mến và phụng sự Chúa chí tôn) (Linh Thao 233).      

Khi con tim được giải phóng khỏi những quyến luyến lệch lạc, thì nó trở nên trong sáng, có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Khi con người được hoán cải sâu xa -theo nghĩa “chuyển hướng”- thì nó không còn tìm kiếm thụ tạo và nương tựa nơi tà thần, nhưng luôn hướng về Chúa và được an nghỉ trong Chúa. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, linh hồn được thanh luyện có khả năng nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi sự, mọi nơi, mọi lúc. Đó là đích điểm của Linh Thao, như Thánh Inhaxiô viết: “Trong mọi sự yêu mến và phụng sự Chúa chí tôn” (Linh Thao 233).

Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên một khi gặp được Chúa, linh hồn sống trong tình yêu, và tăng trưởng trong tình yêu, mỗi ngày một hơn, theo tinh thần “magis” của Thánh Inhaxiô. Tình yêu luôn gia tăng vì Thiên Chúa muôn trùng cao cả (Deus semper major). Ý thức được sự cao cả khôn cùng của Thiên Chúa, Inhaxiô cũng nhận biết rằng tội là điều quái gở, khủng khiếp nhất trên trần gian. Đó là sự dữ trên hết mọi sự dữ. Bởi đó, không ai sẽ ngạc nhiên khi thấy những bài suy niệm về tội được thánh nhân quảng diễn cách chi tiết. Khi nhận ra ác tính của tội, chúng ta mới hiểu được tình yêu bao dung tha thứ của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Để giải cứu loài người, Thiên Chúa ủy phái Ngôi Lời vào trần gian và chết trên Thập Giá. Vì Ngôi Lời Thiên Chúa đã Nhập Thể để loan báo Tình Yêu Thiên Chúa, nên con đường gặp gỡ Thiên Chúa trong Linh Thao mang tên Giêsu. Hành trình tìm kiếm Thiên Chúa được thực hiện qua việc bước theo Chúa Giêsu.

Bước theo Chúa Giêsu vác Thập giá, khiêm tốn, khó nghèo, chịu sỉ nhục.

Tiến trình Linh Thao quy về Đức Kitô như tâm điểm. Ngay trong Tuần thứ nhất, khi suy niệm về tội, Thánh Inhaxiô đặt “thao viên” trước Đức Kitô chết trên Thập giá và tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho Đức Kitô ? Tôi đang làm gì cho Đức Kitô? Tôi phải làm gì cho Đức Kitô?”(Linh Thao 53). Khi xác định được mối tương quan độc nhất với Đức Kitô trong đời sống mới, “thao viên” bắt đầu giai đoạn bước theo Đức Kitô, và tha thiết khẩn xin trong mỗi giờ cầu nguyện: “được biết Đức Kitô nhiều hơn, để yêu mến hơn và theo sát Đức Kitô hơn”. Từ đây, “thao viên” ước ao trở nên giống Đức Kitô mọi đàng, nhất là Đức Kitô vác Thập giá và chịu sỉ nhục. Khi Linh Thao nói đến khiêm nhường bậc ba (Linh Thao 167) thì phải hiểu đó là dấu chứng của một tình yêu quảng đại, muốn đồng hóa với Đấng mình yêu mến. Nếu không đặt trong bối cảnh tình yêu muốn đồng hóa, thì có thể gây nhiều hiểu lầm tai hại. Chung cuộc, người môn đệ biết rằng: bước theo Chúa Giêsu trong gian khổ, thì sẽ được theo Người trong vinh quang (Linh Thao 95). Tình yêu đối với Chúa Giêsu không dừng lại ở những tâm tình tốt đẹp, nhưng sẽ thúc đẩy người môn đệ dấn thân vào việc phụng sự Chúa Giêsu trong Hội Thánh của Người. Tiến trình Linh Thao như vậy sẽ kết thúc trong bầu khí ân sủng. Thiên Chúa trao ban tình yêu và ân sủng, người môn đệ đón nhận tình yêu với lòng tri ân cảm mến, được thể hiện bằng lời kinh Dâng Hiến:  “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do…của con”(Linh Thao 234).

(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)

Kiểm tra tương tự

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

2 Bình luận

  1. Phạm Công Quang Minh

    Có thể cho con xin bài đọc riêng của nhà dòng trong ngày bổn mạng được không

  2. Thưa Cha, phần tiếp của bài này ở đâu ạ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *