Thầy ơi! Hết đát rồi

Trời đã quá trưa. Có lẽ như những giọt nắng vẫn còn đang bận nhảy nhót trên những nhành lá râm. Tiếng chim hoà điệu vào tiếng lá tạo nên một bản nhạc cuộc sống. Thấp thoáng dưới râm, có một người, ngồi trầm tư suy nghĩ về câu nói thoáng quá của ai đó: “Thầy ơi! Hết đát rồi?”

Có lần, ông thầy dòng nhận được lời mời đi uống cà phê với bạn. Quán ở xa không chọn, chỗ gần cũng không. Ông bạn ấy lại chọn một quán nằm lưng lửng đoạn đường đi. Ông thầy muốn cuốc bộ nhưng sợ mất giờ, cưỡi xe máy thì lại thấy phí. Cuối cùng, ông thầy quyết định đi xe đạp. Nắng cuối ngày len lỏi qua dòng người hối hả ngược xuôi giờ tan tầm. Ông thầy đến điểm hẹn. “Anh kia! Xe đạp để đằng này”- anh nhân viên giữ xe nói vọng từ phía sau.

“Để ở đâu anh trai ơi?”- ông thầy đáp

“Để đại ở gốc cây đi, cứ để đó, cái xe này không ai thèm lấy đâu, khỏi vé hen!”

Ừ, khỏi vé xe. Lẽ nào đi vào quán bằng xe đạp hay xe máy nói lên “đẳng cấp” của con người ta sao?

Lần khác, ông thầy chịu trách nhiệm đi mua đồ cho cộng đoàn. Vốn là kẻ không đam mê tốc độ nên ổng đi xe “Cup 50” cà tàng. Vào siêu thị một chặp, ông thầy quay trở ra với đùm đùm túi tui trên tay. Ông thầy lấy xe trong bãi rồi nổ mấy. Cái khổ nằm ở chỗ là xe của ông thầy gởi dưới hầm và khi con “siêu xe” ấy leo dốc một cách mệt mỏi. Đột ngột, xe tắt máy, ông thầy đâm hoảng. Tay bóp thắng, chân đạp phanh và ông thầy cố giữ xe để làm sao không bị trượt xuống dốc. Máy của xe đã yếu còn gặp trúng cái phanh lờn hết cao su và rồi xe tuột từ từ.

Gần chỗ ông thầy, có mấy bạn trẻ thấy thế liền xúm lại giúp đẩy xe lên hết dốc. Không biết cái dốc có cao lắm không nhưng ông thầy nghĩ chắc nó phải dốc lắm. Dốc đến độ nhóm bạn trẻ phải dùng tiếng cười vang trời như để làm “động cơ” cho xe leo dốc. Thoát nạn, ông thầy thở phào nhẹ nhõm. Vừa định quay sang nói tiếng cảm ơn nhóm bạn thì: “Anh gì ơi! Anh làm ơn về mua cái xe ga cho đỡ mệt anh ạ! Xe này hết đát quá rồi anh ơi!”- một bạn trẻ trong nhóm nói lớn. Chưa kịp nói điều gì đáp lễ thì nhóm bạn cười như muốn nổ siêu thị còn ông thầy ngộp thở muốn nổ tim. Bởi vậy, lời cảm ơn của ông thầy dành cho nhóm bạn như bị kẹt cứng giữa thanh quản.

“Thưa anh, xin anh cho chúng em xin số điện thoại để kiểm tra vé khách mời ạ?”- cô nhân viên quầy lễ tân hỏi dịu dàng. Ông thầy ấp úng một hồi rồi đáp: “Xin lỗi chị, tôi không có số điện thoại di động, chị lấy số điện thoại bàn được không ạ?”. Một rồi hai, rồi ba cặp mặt từ quầy lễ tân ném thẳng vào bộ mặt không thể tội nghiệp hơn của ông thầy. Với gương mặt của những nhân viên lúc ấy, ông thầy hiểu họ đang tự hỏi: “Lý do khiến anh xuống hành tinh này?”. Ông thầy lặng lẽ rời quầy trung tâm hội nghị mà vốn dĩ ổng sẽ có một cuộc nói chuyện nhỏ về đề tài chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ vị thành niên. Thế đấy, rõ khổ khi không có cái điện thoại trong người khi ra đường. Ông thầy nghĩ kế khác. Ông lân la đến gần nhóm bác tài xe ôm gần sảnh ra vào để xin một cuộc gọi cho ban tổ chức sự kiện. Sau mọi chuyện, buổi chuyên đề thành công. Đang lúc ông thầy toan ra về thì trưởng ban tổ chức tiến lại gần, vỗ vai và bảo: “Chú em! Kiếm cái quẹt quẹt mà xài chứ vầy thì lạc hậu quá. Thời nào rồi chú em, chẳng hiểu sao chú chịu được!”

Vâng, ngồi trên một chiếc xa ga mấy chục triệu hay cầm trên tay điện thoại “xịn xò”… dường như trở thành tiêu chuẩn để người ta đánh giá người khác trong xã hội ngày nay. Điều này làm ông thầy khó nghĩ lắm lắm. Sao điều mà bao năm nay ông thầy sống trong dòng thấy bình thường mà ra ngoài lại thành ra bất thường quá xá. Ông thầy vẫn sống khoẻ re có sao đâu.

Có lần ông thầy ngồi thẩn thơ trong nhà nguyện, ông tự hỏi lòng: “Sau điện thoại đời thứ 10 thì vừa ra điện thoại đời 11 đó thay. Chắc chắn sẽ được lên đời tiếp”. Hồi còn đi học, “Wave Tàu” đã là thượng hạng thì nay là phải xe tính giá ngàn đô. Ông thầy thấy con người ta không hề bỏ qua một cơ hội nhỏ nhoi nào để phô diễn “Đẳng cấp” cá nhân mình trước công chúng. Tay phải lướt “Táo”, chân phải đi dòng mới nhất của “Nike”, quần áo phải là hàng hiệu thì đó mới được coi là sành điệu. Mà trên báo đài vẫn đâu thiếu những cảnh con người ta ăn mặc rất đẹp, chi tiền triệu, lái xe sang nhưng có lối hành xử đâu có xứng. Rồi cứ thế, giá trị của con người ta có tăng dần không khi họ dùng giá trị đồ sang để thể hiện đẳng cấp?

“Hết đát rồi thầy” khiến ông thầy nhoẻn miệng cười dưới tán cây rậm rạp già nua. Đâu đó, ông thầy vẫn còn nghe tiếng hót vui nhộn của đám chào mào đang căng lửa. Với đời ông thầy thật sự “hết đát” với cái đơn sơ và tự nguyện sống khó nghèo của đời tu. Nhưng với chính mình, ông thầy thấy mình sao lại giàu có quá thể. Ông thầy thấy mình tự do nhiều vô kể vì tránh khỏi những điều không cần thiết trên điện thoại. Băng băng qua những cung đường nhỏ, hẹp và rợp bóng cây trên chiếc xe chậm chạp của mình, ông thầy thấy mình ngày càng giàu cảm xúc khi được nhìn, được đụng chạm đến những mảnh đời còn đang vất vưởng ở góc đường nào đó. Khoác trên mình những thứ tối giản, bình thường để ông thầy thấy thoải mái vô cùng để có thể xông pha vào bất kì chuyện gì đang cần một cánh tay chìa tới. Ông có thể “nối mạng” cho những trái tim giữa những con người với nhau vì có khi con người ta ngồi cùng một bàn , cùng một quán cà phê nhưng mỗi người lại một thế giới riêng.

Vâng, có lẽ ông thầy đã “hết đát” với người thời đại nhưng có khi là “đồ cổ” mà ai đó đang cần. Ông chợt nhớ đến lời của một Soeur tặng ông trước khi vào Nhà Tập: “Giá trị của con người ta là ở vẻ đẹp nơi con tim”. Thế là ông thầy cảm ơn vui lắm. Bởi lẽ, biết đâu đó đời sống tu trì giản đơn và khó nghèo lại trở nên “hàng hiếm, hàng độc lạ” cho bạn trẻ nào đó muốn tìm hiểu giữa vòng xoáy cuộc sống ồn ả và xô bồ.

Hv. Nguyễn Phi Long, S.J.

Kiểm tra tương tự

10 điều người đàn ông nên tìm kiếm nơi một người phụ nữ

Nhan sắc bề ngoài quan trọng như thế nào? Dựa theo Kinh Thánh, đó không …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *