Thầy tôi

 

Điệp khúc mở đầu câu chuyện bằng “Thầy tôi…” được vị giáo sư và các học viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt khóa học. Có lẽ các học viên đã thích cụm từ dễ thương được cất lên từ môi vị giáo sư lớn tuổi, dù đã cao niên nhưng vẫn khỏe mạnh và hài hước. Trong lớp chúng tôi vẫn gọi thầy bằng cụ, vì tiếng gọi ấy còn chất chứa cả sự kính trọng với bậc lớn tuổi. Cụ nói câu ấy dễ thương quá chừng, mà các học viên chúng tôi học theo câu ấy cũng dễ thương không kém. Tự nhiên nói câu gì có nội dung như: “Thầy tôi nói thế này…”, “Thầy tôi là… từng dạy…”, “Thầy tôi…” chợt lũ trò vừa cười tươi vừa gật gù tâm đắc, y như bộ dạng của cụ khi nhắc tới những vị thầy của mình. Đương nhiên, tôi xin loại trừ những kiểu cười châm biếm hay phê phán của một số người ra khỏi những suy tư nghiêm túc này.

 

Ngẫm về tiếng nói “thầy tôi” của cụ, tôi nhận ra ba điều. Thứ nhất, cụ công nhận công ơn những bậc tiền bối có công dạy dỗ và huấn luyện cho cụ có được hôm nay. Sự công nhận cũng là thái độ ghi ơn khi cụ nói: “Sách vở của thầy tôi vẫn còn giữ ở nhà tôi.” Cậu học trò năm xưa vẫn nhớ về công ơn cao lớn ấy dù “thầy tôi” đã ra thiên cổ hết rồi. Vì sao lại cất công giữ lại mớ sách vàng ố và chữ in nhòe nhoẹt với tuổi đời hơn mấy chục năm, xem ra kiến thức ngày nay đã tân tiến hơn nhiều? Có lẽ nơi mỗi tờ giấy và chữ in thô sơ là những kỷ niệm rất đẹp, để mỗi khi thấy sách vở ấy là nhớ đến “thầy tôi”, để mỗi lần nhắc tới “thầy tôi” thì hiểu rằng kiến thức của các vị vẫn hằn sâu không chỉ sách vở còn được lưu giữ, nhưng còn là chính con người và kiến thức của cụ ngày hôm nay.

 

Thứ đến, cụ muốn nói lên cái tâm của những bậc hiền nhân đi trước rằng các vị sẵn sàng mở ngỏ để hậu thế phê bình. Phê bình ở đây được hiểu là nhận ra mặt tích cực lẫn tiêu cực, mặt đầy mặt khuyết, đương thời và lỗi thời…. để từ đó hậu thế bổ túc vào mớ kiến thức mà mỗi thế hệ cần dùng đến. Lối phê bình của cụ vừa sâu sắc nhưng cũng không kém phần vui tươi. Biết rằng cách dẫn tư tưởng sẽ khó hiểu, cụ chọn những mẫu truyện để dẫn ngầm tư tưởng, để sau tràng cười khoái chí là bài học sâu trong lòng mỗi học viên.

 

Như thế, cụ không toàn tập “tâng bốc” các vị thầy của mình, mà thực tế là khen ngợi cũng có và phê bình cũng có. Với lối nói của một tri thức gốc Bắc cựu trào lai chút hóm hỉnh miền Nam, cụ dẫn vào cách nhẹ nhàng: “Thầy tôi nói thế này… tôi đồng ý, nhưng cực chẳng đã tôi mới nói thế này…” đó là câu dẫn vào phê bình của cụ. Nhẹ nhàng nhưng đầy đủ trên nhiều phương diện, vận dụng tư tưởng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có đủ. Như thế, cụ dần cung cấp một bình diện kiến thức tạm thời cho học viên chúng tôi tự nghiên cứu sâu xa.

 

Thứ ba, nghĩ xa hơn thì chính vì cái tâm của các hiền nhân xưa dám để người khác “đạp lên” mà đứng cao hơn. Họ khiêm tốn bởi không dám khẳng định điều họ biết là Chân Lý trọn vẹn, là tất cả của vũ trụ nhân sinh. Họ ý thức một mình họ không lấp đầy được khát vọng tri thức của nhân loại trong mọi thời đại, thành thử họ biến điều họ đóng góp thành mớ tài sản chung cho mọi người thay vì dè sẻn, ki bo cho riêng mình.

 

Kết thúc khóa học cụ nhắn nhủ với lớp: “Xem như chưa học gì cả. Xem như tôi chưa nói gì với các bạn cả!”, “Điều tôi nói không là tất cả và các bạn có quyền phê bình những điều ấy miễn sao nó mưu ích cho kiến thức của các bạn.” Câu kết quá ư là… khó kết luận, nhưng để lại trong đầu và trong tim học trò nhiều điều để suy nghĩ.

 

Chợt thấy các bạn học viên cười hạnh phúc khi nhắc về “thầy tôi”, cũng có bạn nghiêm túc trong tranh luận cũng khởi đầu bằng “thầy tôi nói rằng…”, tôi cũng khao khát mỗi nụ cười lẫn sự nghiêm túc ấy của các bạn tôi cũng có đủ mọi yếu tố hài hước lẫn khiêm tốn để người khác phê bình tư tưởng của mình như cụ. Cũng tự nghĩ rằng ai yêu cầu kể ra một vài mẫu thước cho kiến thức đến lúc này, chắc các học viên sẽ bảo rằng: “Giống thầy tôi!”, mà chắc chắn cụ sẽ chối phăng cái tư tưởng kiêu ngạo ấy, mà dẫn chúng tôi đến với một Thầy khác, đó là vị Thầy, vị mà cụ nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong bài giảng, đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (x. Ga 4,6a)

 

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Nên một với vợ mình

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …