II. Phần hai với các cảnh Chúa Giê-su bị bắt, ra toà án và trên đường thương khó cùng chịu đóng đinh (Mc 14,43-15,47).
Trong phần này, Đức cố hồng y Martini đã “vẽ lên 14 bức tranh” diễn tả 14 cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với 14 nhân vật khác nhau có mặt trong con đường khổ nạn của Chúa. Như thế, Martini đã nhìn các trình thuật trong phần thứ hai này như là các cuộc gặp gỡ. Thú vị hơn, khi Martini dựa trên dụ ngôn người gieo giống (x.Mc 4,1-9), để mời gọi chúng ta chiêm ngắm các cuộc gặp gỡ này. Chúa Giê-su chính là hạt giống được gieo vãi vào 14 mảnh đất khác nhau. Chúng ta cùng có 14 cuộc gặp gỡ được chia theo lược đồ sau:
- Chúa Giêsu với Giuđa: 14, 43-45
- Chúa Giêsu với những người bắt bớ: 14, 46-52
- Chúa Giêsu với các thượng tế, kỳ mục và kinh sư: 14, 53-72
- Chúa Giêsu với Phêrô: 14, 53-72
- Chúa Giêsu với Philatô: 15, 1-15
- Chúa Giêsu với Ba-ra-ba dưới sự so sánh của đám đông: 15, 1-15
- Chúa Giêsu với lính tráng:: 15, 16-20
- Chúa Giêsu với ông Si-môn: 15, 21-22
- Chúa Giêsu với các đao phủ: 15, 23-28
- Chúa Giêsu với những kẻ nhạo báng: 15, 29-32
- Chúa Giêsu với Cha mình: 15, 33-38
- Chúa Giêsu với viên đại đội trưởng: 15, 39
- Chúa Giêsu với các phụ nữ dưới chân thập giá: 15, 40-41
- Chúa Giêsu với các bạn của Ngài: 15, 42-47.
Trước khi chúng ta tìm hiểu và suy niệm 14 mảnh đất, 14 cuộc gặp gỡ này, chúng ta đọc lại dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,2-9): “Người nói với họ:3 “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.”9 Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”. Trong dụ ngôn này chúng ta chú ý trước hết đến hạt giống. Theo Martini, trong bài suy niệm liên hệ đến cuộc thương khó, Chúa Giê-su chính là hạt giống. Tiếp đến chúng ta chú ý đến các mảnh đất được nhắc đến trong dụ ngôn mà hạt giống là Chúa Giê-su rơi xuống:
(1) Hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.
(2) Hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu.
(3) Hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.
(4) Cuối cùng là hạt rơi xuống đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.
Chúa Giê-su như hạt giống rơi xuống 04 mảnh đất khác nhau tương hợp với hình ảnh Chúa Giê-su trên đường khổ nạn sẽ gặp gỡ 14 hạng người khác nhau. Mỗi hạng người đón nhận Chúa Giê-su như thế nào sẽ biểu lộ họ là mảnh đất nào trong bốn mảnh đất trên. Giờ đây, chúng ta chiêm ngắm cuộc gặp gỡ đầu tiên.
- Chúa Giêsu với Giuđa: 14, 43-45.
43 Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến.44 Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.”45 Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy! “, rồi hôn Người.
Biến cố này được cả bốn thánh sử ghi lại (x. Mt 26, 47-56; Mc 14,43 -45; Lc 22,47-53; Ga 18,3-11). Khung cảnh của câu truyện vẫn là ở vườn Cây Dầu (vườn Giết-sê-ma-ni). Sau khi Chúa Giê-su cầu nguyện xong ở đó, Chúa bảo các các môn đệ: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”.
Nhân vật Giu-đa đã được nhắc đến trong bữa tiệc ly (x.Mc 14,17-21). Chúa Giê-su đã tiên báo về sự bội phản của ông: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy. Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”. Chúa nói lời đó mạnh mẽ, nhưng cũng mang tính cách răn đe, để Giu-đa có thể “tỉnh người”, sám hối và dừng bước. Nhưng thực ra thì Giu-đa đã không cảnh tỉnh gì cả. Đó là một thái độ theo kiểu “phóng lao rồi thì phải theo lao”, một thái độ ngu xuẩn và mù tối của kẻ đã bị thần dữ chế ngự. Giờ đây, Giu-đa “phóng lao thực sự” và cây lao được phóng đến với một địa chỉ rõ ràng là chính Thầy của ông.
“Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến”. Như thế, âm mưu của các thượng tế và kinh sư tìm cách bắt Đức Giê-su và giết đi (x. Mc 14,1) đang được hiện thực hiện. Người mà họ dùng là Giu-đa, một môn đệ thân tín của Chúa. Chúng ta biết các thánh sử đều kể lại rằng: “Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ” (Mc 14,10). Thánh sử Mát-thêu còn nói rõ ràng số tiền Giu-đa nhận được từ các kinh sư và kỳ mục là 30 đồng (x.Mt 26,15).
Theo cái nhìn chung của các nhà chú giải, lòng tham lam tiền bạc chính là một trong những động lực chính thúc đẩy Giu-đa phản bội và bán đứng Chúa. Tiền bạc như là bụi gai lớn lên trên mảnh đất của Giu-đa và đã làm cho hạt giống đang mọc lên là chính Chúa Giê-su bị chết ngạt.
Cantalamessa suy tư như sau: “Những sách Phúc Âm là các nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giu-đa đều đồng thanh nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giu-đa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bê-ta-ni-a, Giu-đa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo nhưng, như thánh Gioan lưu ý: “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6). Đề nghị của ông với các thượng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15)”.[1]
Con người hay thích nói câu: “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng con người ít khi ý thức rằng, khi con người tôn “đồng tiền” lên làm thượng đế, thì con người càng dễ dàng đánh mất chính bản thân, vì “càng nhiều tiền, tôi càng dễ dàng trở thành kẻ nô lệ và đồi bại của chính đồng tiền”.
Ngoài ra, tiền của là thứ “thần có thể nhìn thấy được” trái ngược với Thiên Chúa là Đấng vô hình.
Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một vũ trụ tinh thần khác; nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền. Một đảo ngược nham hiểm của tất cả các giá trị xảy ra. Kinh Thánh nói: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói: “Có tiền mua tiên cũng được.” Trên một bình diện nhất định, mọi thứ dường như là như thế thật.
Kinh Thánh nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tm 6,10). Đằng sau mọi sự dữ trong xã hội của chúng ta là tiền bạc, hay ít nhất cũng có dính líu đến tiền.[2]
Các thượng tế cho Giu-đa bao nhiêu cho việc ông ta nộp chính Thầy mình? “Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc”. Cái giá 30 đồng này chỉ có thánh sử Mát-thêu nhắc đến, đúng theo giá trị của một tên nô lệ vào thời Cựu Ước. Sách Xuất Hành viết như sau: “Nếu bò húc tôi tớ nam nữ, thì người ta sẽ đưa cho chủ của nạn nhân ba mươi đồng bạc, còn bò thì sẽ bị ném đá cho chết” (Xh 21,32).
Ngoài ra, theo cha Hồ Bặc Xái, Mt 26,15b dùng động từ “quyết định” khi nói tới việc các thượng tế trao 30 đồng cho Giu-đa. Ta có thể suy đoán là họ đã bàn bạc với nhau. Cuối cùng họ nhất trí với số lượng 30 đồng. Lý do: đây là số tiền luật quy định bồi thường sinh mạng cho một người nô lệ lỡ bị giết chết. Vậy các thượng tế muốn dùng số tiền này, để hạ nhục Đức Giê-su, coi Ngài chỉ đáng giá bằng một tên nô lệ bị giết chết mà thôi”[3]
Về sự nô lệ gắn liền với Chúa Giê-su, chúng ta nhớ lại lời thánh Phao-lô nói:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Không ai có thể bắt Chúa “làm nô lệ” được, mà chính Chúa đã tự ý trở nên nô lệ để phục vụ muôn người. Sự tự do hiến thân, sự tự do đi vào con đường đau khổ, sự tự do để trở thành hạt lúa mì chấp nhận rơi xuống đất và chết đi là nét đặc trưng tiêu biểu trên con đường thương khó của Chúa, con đường của người Tôi Tớ hiến mình trong tự do và yêu thương. Đó là con đường của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Rỗi nhân loại, con đường của Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, dù trên con đường bằng phẳng hay trên con đường chông gai.
Ngoài sự tham lam tiền bạc, Giu-đa bán Chúa và dẫn nhóm người đến bắt Chúa, vì có lẽ ông muốn Chúa Kitô tỏ ra mình là Đấng Cứu Thế của Israel, đấng giải phóng, chiến sĩ và chính trị gia. Do đó, tới giai đoạn Chúa chuẩn bị bước vào con đường khổ nạn, Giu-đa nhận ra rằng điều ông ao ước không thể trở thành hiện thực nơi Chúa Giê-su. Chúa không trở thành nhà chính trị, nhà cách mạng nổi tiếng như ông chờ mong, Chúa cũng không để cho người ta ép Chúa trở thành vua của họ theo ý nghĩa trần thế, để họ và Giu-đa có thể “hưởng xái” một chút hương hoa của quyền lực của vinh danh. Cuối cùng, Giu-đa đã chọn một khúc quanh mới chất chứa đầy bất nhân. Ông nộp Thầy và ông dẫn nhóm người với gậy gộc tới bắt Thầy trong đêm đen. Nhưng làm sao để nhóm người đó nhận ra được Chúa trong nhóm các môn đệ? Ám hiệu cần tới là gì? “Nụ hôn”. “Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận. Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy! “, rồi hôn Người”.
Nụ hôn có nghĩa gì? Khi nào người trao tặng nụ hôn cho người khác? Nụ hôn luôn gắn liền với chiều sâu của tình cảm và của tình yêu. Cha Mẹ hôn con, hai người yêu hôn nhau và trong một số nền văn hoá người ta cũng dùng nụ hôn để chào hỏi nhau trong tình thầy trò và tình đồng loại. Như thế, theo lẽ bình thường thì nụ hôn mà người môn đệ dành cho Thầy diễn tả một cử chỉ bày tỏ lòng quý mến và kính trọng. Nhưng hôm nay nụ hôn của Giu-đa thế nào? Nụ hôn của anh ta chân thật hay nụ hôn giả tạo? Cái chân thật thì phát xuất từ tình yêu dành cho bạn mình, dành cho Thầy mình. Cái giả tạo thì luôn luôn chứa đựng các từ ngữ “lợi dụng”, “bất nhân”, “ích kỷ”, “bội phản”. Những từ ngữ này thì không thể “chung xuồng” với nụ hôn được rồi. Cuối cùng chúng ta thấy mảnh đất Giu-đa đầy bụi gai đã dùng chính một cử chỉ thanh cao để thực hiện một hành vi ác nhân và tàn bạo, là trao nộp Chúa Giê-su cho nhóm người mang đầy vũ khí.
Đến đây, chúng ta nhận ra được rõ ràng mảnh đất Giu-đa thực sự mang dáng vẻ gì. Hạt giống là Chúa Giê-su đã rơi vào một mảnh đất Giu-đa có nhiều gai nhọn đang thay nhau mọc. Gai của tham lam tiền của, gai của kiêu ngạo, gai của ước ao quyền lực, gai của bội phản và bán đứng và gai của Giu-đa hiện diện ngay tại mảnh đất mang ý nghĩa thanh cao nhất. Đó là nụ hôn.
Trên mảnh đất đầy gai của Giu-đa, hạt giống Giê-su chỉ mọc lên được một thời gian nhất định, nhưng rồi sẽ bị bụi gai mọc lên làm nó chết nghẹt.
Nhìn lại cuộc đời, mảnh đất Giu-đa có còn tồn tại hay không? Những bụi gai của tham tham tiền của vật chất, bụi gai của kiêu ngạo và ao ước quyền lực, bụi gai của bất trung và bội phản có đang mọc trên những mảnh đất cuộc đời không? Nụ hôn của con người hôm nay vẫn luôn giữ được ý nghĩa và giá trị tinh tuyền hay vẫn vương vấn những vẫn đục làm cho nụ hôn bị biến dạng và làm cho ý nghĩa của nụ hôn trở nên méo mó đi?
- Chúa Giêsu với những người bắt bớ: 14, 46-52
46 Họ liền tra tay bắt Người.47 Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.
48 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?49 Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm.”50 Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.51 Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh.52 Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.
Tiếp nối với nụ hôn của Giu-đa – ám hiệu chỉ ra Chúa Giê-su, những người đi theo Giu-đa tiến đến và tra tay bắt Chúa Giê-su. Đến đây, Mác-cô đưa ra một chi tiết: “Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai”. Người được nhắc đến trong câu này là ai? Đọc trình thuật Chúa bị bắt giữ do thánh sử Gioan viết, chúng ta sẽ nhận ra: “Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô” (Ga 18,10). Phê-rô lần cuối cùng trước khi “tẩu thoát” đã tỏ dáng vẻ anh hùng của mình. Dáng vẻ này như tương hợp với lời tuyên bố mạnh mẽ của ông với Chúa. Nhưng thực ra, ơ nơi Phê-rô lúc đó pha trộn can đảm và hèn nhát, anh hùng và hãi sợ.
Trước hành động bạo lực của Phê-rô, Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Nếu chúng ta đọc trong Tin Mừng Mát-thêu sẽ thấy Chúa nhắc nhớ người môn đệ kia: ““Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy” (Mt 26,52-54). Chúa Giê-su đã mạnh mẽ từ chối dùng bạo lực để đối lại với bạo lực. Điều này tương hợp với chính giáo huấn của Chúa trong bài giảng trên núi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39), và “anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44).
Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta lắng nghe lời Chúa nói với đám người đến bắt Chúa: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm”.
Chúa Giê-su đã diễn tả rõ rệt cách xử sự bất nhân của đám người đi bắt Chúa. Đi bắt Chúa với một đám đông, và họ được chuẩn bị vũ khí gươm giáo gậy gộc đầy đủ. Cách thức này dành cho việc đi bắt một tên cướp. Họ sợ Chúa lắm sao? Họ sợ Chúa sẽ trốn chạy? Họ sợ Chúa sẽ chống trả? Còn khi Chúa giảng dạy trong Đền Thờ hay tại những nơi công cộng, thì họ lại không ra tay bắt Ngài.
Cha Hồ Bắc Xái đã suy tư về lời này của Chúa như sau: “Đức Giê-su đã nói trúng tim đen của họ: nếu họ bắt Đức Giê-su đang khi Ngài giảng dạy, thì dù sau đó Ngài có bị kết án tử, thì dư luận vẫn ngưỡng mộ Ngài, vì coi Ngài là một ngôn sứ chịu tử đạo. Họ cố tình bắt và xử một tên gian ác. Làm như thế, ngay cả cái chết của Ngài cũng bị mất đi ý nghĩa cao đẹp, như tựa đề của một bài viết ‘Người ta đã cướp đi cả cái ý nghĩa cái chết của Ngài – on a volé le sens de sa mort’.”[4].
Ngoài ra, lời của Chúa còn nói cho chúng ta biết rằng, các thượng tế và đám đông kia chỉ có thể bắt Chúa, khi đến giờ nhất định. Đó là thời gian mà Thiên Chúa cho phép xảy ra điều đó và Chúa Giê-su sẵn sàng vâng phục và sống theo thánh ý của Cha trên trời. Về sự vâng phục của Chúa, Karl Rahner suy tư như sau: “Sự vâng phục của Chúa Giê-su, hay ý hướng trở thành sự vâng phục (Phil 2,8), sự phó mình theo Ý Cha là những điều không thể nào mô tả được cách chính xác bằng phương tiện trần gian là ngôn ngữ phạm trù; bởi vì sự vâng phục ấy có bản chất gần như thần bí, và ý nghĩa ấy chỉ có thể đi vào kinh nghiệm của chúng ta từ phía Đức Ki-tô mà thôi, và chúng ta chỉ có thể hiểu sự vâng phục ấy chỉ khi chúng ta thực sự bước theo Người. Đức Giê-su đã rất có thể diệt trừ kẻ thù của Người, những kẻ manh động và thô bạo, bằng mười đạo binh Người sai khiến nếu như ý muốn của Thiên Chúa Cha đã khác đi. Từ giả thiết trên, chúng ta sẽ tìm thấy trong sự vâng phục của Người lời xin vâng lặng thầm mà không ai hiểu được, lời xin vâng trước cái chết, trước sự gục ngã và bi thương, trước điều mà không ai ao ước hay tranh giành“.[5]
Chúa Giê-su sống vâng phục Cha mình và đã để cho người ta bắt Ngài như bắt một tên cướp. Đó là điều sỉ nhục mà chính Ngài đã tự ý gánh chịu. Khi Ngài bị bắt, Mác-cô đưa thêm một yếu tố: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng”. Yếu tố này chỉ có Mác-cô nhắc đến. Có hai điểm chúng ta chú ý đến trong cách diễn tả của Má-cô. Người thanh niên này không có danh tính và khi bỏ chạy trốn, anh ta trút tấm vải bỏ chạy trần truồng. Mác-cô đã gây ra sự thắc mắc về người thanh niên này là ai. Có nhà chú giải cho rằng đó chính là Mác-cô (như Barclay). Nhưng có những nhà chú giải khác thì không đồng thuận về điều này (như Gnilka, Kremer). Như thế, các nhà chú giải đã không thống nhất để đưa ra được câu trả lời cho thắc mắc trên. Khi không chú ý đến danh tính của người thanh niên, Mác-cô muốn người đọc chú ý đến khía cạnh khác trong câu truyện. Yếu tố thứ hai là anh ta trút tấm vải bỏ chạy trần truồng. Một cách nào đó anh ta chậm chân hơn các môn đệ và những người theo Chúa và có mặt trong biến cố này. Vì chậm chân, nên người ta đã túm lấy áo anh. Để thoát thân, anh ta phải trút bỏ tấm áo trên người mình và trần truồng bỏ chạy. Hình ảnh trần truồng đưa chúng ta trở về với câu truyện A-dam. Khi còn ở trong địa đàng, thì dù trần truồng như A-dam và Eva không xấu hổ (x.St 2,25). Nhưng khi sa ngã rồi, thì cả hai xấu hổ khi thấy mình trần truồng (x.St 3,7).
Về nhân vật chàng thanh niên này, cha Nguyễn Công Đoan đã có cái nhìn rất sâu sắc: “Trên đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem, các môn đệ đi theo Chúa, nhưng trong lòng thì mơ ước địa vị chức quyền. Người mù ở Giê-ri-khô bỏ áo choàng lại, “đi theo Chúa trên con đường Chúa đi.” Đến khi Chúa bị bắt thi các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. Có một người thanh niên đi theo Người, khi bị người ta túm thì anh bỏ tấm vải gai lại chạy trốn trần truồng. Nhân vật này là ai ? Chờ lên gặp Chúa mà hỏi thôi. Nhưng trong bản văn của Mác-cô thì chuyện này không phải “kể cho vui” khi ta đọc cho hết.
Nếu bạn vẽ giỏi, xin vẽ hay hình dung trong trí một bức hoạ cảnh Chúa Giê-su bị bắt trong vườn, gồm 3 yếu tố : một bên là lính đã trói Chúa Giê-su và dẫn ra phía cửa vườn, một bên là các môn đệ chạy tứ tán, ở giữa là một người lính cầm tấm vải vừa tuột khỏi vai người thanh niên vọt chạy trần truồng. Rồi bạn tự ngẫm nghĩ xem người thanh niên kia gợi cho bạn nhớ đến nhân vật nào trong Sách Thánh ?
Ngay ở trang đầu sách Tin Mừng, bằng vài nét chấm phá, Mác-cô đã khéo gợi cho chúng ta đối chiếu giữa Chúa Giê-su với A-dong sau khi Chúa chịu phép rửa : Thần Khí liền đẩy Đức Giê-su vào hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người. Mác-cô dùng cùng một động từ Hy-lạp mà bản Cựu ước bằng tiếng Hy-lạp dùng, khi nói về A-dong bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Ra khỏi vườn địa đàng thì chỉ có hoang địa.
Trong câu chuyện của A-dong thì diễn tiến ngược lại : Thiên Chúa đặt A-dong trong vườn, Thiên Chúa dựng nên các loài dã thú đưa đến cho A-dong, A-dong bị cám dỗ và thua, A-dong thấy mình trần truồng, rồi bị đuổi ra khỏi vườn, thiên sứ cầm gươm lửa giữ cửa vườn không cho trở lại.
Mác-cô không kể các chước cám dỗ, nhưng đặt liền chiu cám dỗ với sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ đến hầu nhạ Người. Vậy là Chúa Giê-su đã đảo ngược tình hình, biến hoang địa trở thành vườn địa đàng, các thiên sứ đến hầu hạ Ngưòi, chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa đã chiến thắng Xa-tan.
Bây giờ bạn có thể nhận ra người thanh niên trần truồng kia nhắc bạn nhớ tới ai. Ai làm cho Chúa phải bị bắt, bị đóng đinh thập giá ?
Để bạn thấy không phải ông già này khéo bịa chuyện hay thông minh hơn ai, mời bạn đọc lại bài đọc thứ hai trong giờ Kinh Sách ngày thứ bảy Tuần Thánh. Tôi trích vài câu. Tác giả diển tả cảnh Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông, đánh thức ông A-dong và nói : “Vì ngươi mà Ta vốn là Thiên Chúa của ngươi, đã thành con của ngươi… Hãy nhìn xem tay Ta bị đóng đinh chặt vào cây gỗ, vì có lần ngươi đã đưa tay hướng về cây gỗ mà phạm tội… Vì ngươi đã ra khỏi vườn mà Ta bị nộp cho người Do-thái ở ngoài vườn và bị đóng đinh trong vườn… Kẻ thù đã kéo ngươi ra khỏi vườn địa đàng. Phần Ta, Ta không đặt ngươi trong vườn địa đàng nữa, mà đặt lên ngai trên trời…”[6].
Ngoài ra, hình ảnh người thanh niên này cũng diễn tả sự dũng cảm nào đó khi là người cuối cùng chạy thoát thân. Vâng, dù dũng cảm đến mấy, thì cũng sẽ trần truồng chạy trốn, khi gặp thử thách: “người can đảm nhất trong đám dũng sĩ, sẽ phải mình trần mà chạy trốn” (Am 2,16). Sự trốn chạy của người thanh niên và của tất cả môn đệ được Mác-cô nhấn mạnh, nghĩa là Mác-cô muốn người đọc chú ý đến tình trạng bị bỏ rơi của Chúa Giê-su.
Trong Talmud có câu: “tại cửa của tiệm bán hàng có rất nhiều anh em và bạn bè, nhưng tại cánh cửa của tù ngục thì chẳng có bóng dáng nào của anh em và bạn bè” (bShab 32a)[7]. Thật vậy, ở điểm cuối của con đường, Chúa Giê-su phải đứng đó một mình. Tất cả đều trốn chạy và bỏ rơi Ngài. Đến đây, chúng ta nhớ lại lời Chúa nhắc nhớ trong dụ ngôn người gieo giống. Chúa đã nói: “ Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay” (Mc 4,16-17).
Một mình lẻ loi Ngài rơi vào vòng tay của kẻ thù.
Một mình lẻ loi Chúa bước vào vòng móng ngựa của cuộc đời bất nhân.
Nhìn đến những người bắt bớ Chúa, chúng ta tự hỏi họ là mảnh đất nào đây? Phải chăng họ là vệ đường, hạt giống là Chúa Giê-su rơi xuống sẽ không có cơ hội để thấm đất. Vì đâu có đất mà chỉ có đá. Về đường với đá diễn tả một sự lạnh lẽo. Những người bắt bớ Chúa đâu có quen biết gì Chúa. Họ chỉ ra đi làm theo lệnh của người sai phái họ. Tâm hồn họ lạnh lùng như những thanh gươm và ngọn giáo họ mang toả ra sự lạnh lùng. Chẳng cần xót thương và cũng không tội nghiệp. Hạt giống Giê-su không bao giờ có cơ hội thấm đất để đâm chồi nẩy lộc và lớn lên trên vệ đường khô cứng và lạnh lẽo kia. Hạt giống bên vệ đường nằm đó và sẽ bị chim trời xà xuống và nuốt mất.
3 & 4. Chúa Giêsu với các thượng tế, kỳ mục và kinh sư: 14,53-72 & Chúa Giêsu với Phêrô: 14,53-72.
53 Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ.54 Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ.
55 Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra,56 vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau.57 Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng:58 “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm! “59 Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau.
60 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? “61 Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? “62 Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.”63 Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa?64 Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao? ” Tất cả đều kết án Người đáng chết.
65 Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi! ” Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi.
66 Ông Phê-rô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới;67 thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì! “68 Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì! ” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy.69 Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.”70 Nhưng ông Phê-rô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê! “71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! “72Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc.
Trong đoạn này chúng ta chiêm ngắm hai mảnh đất đã đón nhận hạt giống là Chúa Giê-su như thế nào. Mảnh đất thứ nhất là các thượng tế, kỳ mục và kinh sư và mảnh đất thứ hai là Phê-rô.
Khung cảnh của câu truyện ở tại dinh thượng tế. Khi Chúa Giê-su được đưa tới, ngoài các thượng tế, còn có các kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ. Người đứng đầu các thượng tế là Cai-pha. Mác-cô không nhắc tới nhưng Mát-thêu có nhắc đến (x.Mt 26,57). Theo cha Hồ Bặc Xái, Cai-pha được đặt lên chức thượng tế năm 18 đến năm 36. Ông là người giữ được địa vị này lâu hơn cả các thượng tế khác. Điều này cho thấy ông rất khéo léo lấy lòng chính quyền Rô-ma. Cũng vì muốn lấy lòng chính quyền Rô-ma, nên ông lo lắng lắng khi thấy Đức Giê-su thu hút được một số rất đông dân chúng đi theo Ngài, cụ thể là trong cuộc Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem. Để cho Rô-ma khỏi coi đó là một phong trào nguy hiểm, nên ông muốn dẹp sớm. Cai-pha đã triệu tập ngay giữa ban đêm để xét vụ án Đức Giê-su”[8].
Về việc xử án vào ban đêm, theo truyền thống Do-thái là điều cấm kỵ. Sách Talmud ghi: “Những vụ án nào có liên hệ đến sinh mạng của một người, thì phải diễn ra dưới ánh sáng ban ngày”[9]. Như thế, âm mưu họ và hành động của họ trong việc xử án Chúa rất thâm độc. Họ gấp rút xử vào ban đêm, để không bị ai quấy rầy và khi “đinh đã đóng cột”, thì mọi chuyện đã xong xuôi, không ai có thể thay đổi được nữa.
Như thế, toàn thể thượng hội đồng tập họp lại với 72 nhân vật có thế giá và quyền lực trong xã hội Do-thái thời đó, để xét xử vụ án để lại dấu vết không bao nhờ phai nhoà. Chúng ta có một hình ảnh sống động hạt giống là Chúa Giê-su rơi vào mảnh đất là các thượng tế, còn có các kỳ mục và kinh sư. Đó là phần sắp xếp cảnh phần thứ nhất với các nhân vật trên. Phần sắp xếp cảnh thứ hai là hình ảnh của Phê-rô. Ở đây Mác-cô diễn tả rằng, Phê-rô đi theo Chúa Giê-su nhưng ở đàng xa xa và Phê-rô còn đến tận dinh thượng tế. Thêm vào một chi tiết mà Mác-cô nhắc đến. Phê-rô vào bên trong và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ, những người tra tay bắt Chúa Giê-su. Bên đống lửa gần những kẻ bắt bớ thầy, nhưng lại thật xa thầy?
Việc Phê-rô theo Chúa diễn tả một con đường theo Chúa trong đời ông. Ông đã theo Chúa, khi Ngài gọi ông và giờ đây, khi Ngài bước vào vành móng ngựa, thì ông âm thầm theo Ngài xa xa, dù trước đó ông đã cùng các môn đệ chạy trốn hết.
Với hai cảnh được Mác-cô tài tình sắp xếp, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su bị thượng hội đồng xét xử như thế nào. Tuy vậy, trước khi bước vào “vòng vây của thượng hội đồng”, chúng ta đọc lại một đoạn trong sách Khôn Ngoan, để có được một tâm tình chiêm ngắm Đấng Công Chính bị cuộc đời bất nhân gài bẫy thế nào.
“12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
13 Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa,
xưng mình là con của Đức Chúa.
14 Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,
thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi.
15 Vì nó sống thật chẳng giống ai,
lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.
16 Nó coi ta như bọn lọc lừa,
tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.
Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may,
hậu vận của người công chính.
Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha.
17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2,12-20).
Giờ đây, Chúa Giê-su đứng trước vành móng ngựa. Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Ngay từ đầu, các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng đã tìm những chứng cớ để chống Đức Giêsu. Họ không tìm một cuộc xử công minh, nhưng chỉ nhắm đạt cho được cái chết của Đức Giêsu như họ đã dự tính (x.Mc 14,1). Như thế, án tử thì đã có, giờ đây họ chỉ đi tìm chứng cớ. Khi con người đã rơi vào “vòng gian ác”, thì dù có gian dối, dã man và bất nhân đến mấy, họ đều không ngại để đạt được đích đến là triệt hạ kẻ thù. Vì thế, các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng đã đi tìm chứng gian, nhưng các chứng họ tìm ra đều không ăn khớp với nhau. Về hình ảnh người Công Chính chịu đau khổ và bị chèn ép, các Thánh Vịnh đã diễn tả như sau:
“Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí” (Tv 27,12).
“Bọn chứng nhân giả dối đứng lên,
hạch hỏi tôi những điều tôi chẳng biết” (Tv 35,11).
Vì các chứng đưa ra đều không ăn khớp, nên cuối cùng “có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm! ” Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau”. Mát-thêu thì viết rõ là có hai người đứng ra làm chứng và khai: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại” (Mt 26,61). Hai người bước ra làm chứng đúng với thể thức đòi hỏi, như sách Đệ Nhị Luật viết: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15).
Tìm hiểu lời tố cáo của một số người này: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!” Họ đã nhắc đến hình ảnh Đền Thờ và điều mà Chúa Giê-su đã tuyên bố trong Tin Mừng Gioan, trong biến cố Chúa tẩy uế đền thờ: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Điều này cũng được sách Công Vụ nhắc đến trong biến cố ông Tê-pha-nô bị bắt (x.Cv 6,14). Ngoài ra, chúng ta cũng gặp lại ý tưởng này dưới chân cây Thánh Giá qua lời sỉ nhục của dân chúng đối với Chúa Giê-su: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được,30 có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!” (Mc 15,29-30).
Lời chứng này có giá trị gì? Mác-cô kết luận: “Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau”. Vâng, làm sao ăn khớp được, vì Chúa nói “các ông cứ phá đền thờ …, còn họ thì nói rằng chính Chúa đã nói, ‘Tôi sẽ phá Đền Thờ này…”.
Trước những lời tố cáo không ăn khớp, nghĩa là không đủ tội danh và chứng cớ để kết án tử Chúa, thượng tế Cai-pha và thượng hội đồng phản ứng thế nào? “Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó? ” Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng”.
Chúng ta thấy vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” Vị thượng tế đặt hai câu hỏi và đòi hỏi Chúa Giê-su phản ứng lại trước sự làm chứng của hai người kia. Cụm từ “Ông không nói lại được một lời sao?” như là lời dẫn vào sự thinh lặng của Chúa Giê-su, mà Mác-cô diễn tả sau đó: “Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng”. Ở đây, qua hình ảnh thinh lặng của Chúa Giê-su độc giả có thể nhớ đến hình ảnh mà Thánh Vịnh gia đã diễn tả:
“13 Kẻ tìm giết con bủa giăng cạm bẫy,
đứa mưu hại con buông lời độc địa,
suốt ngày chúng nghĩ kế phỉnh gạt con.
14 Phần con, như kẻ điếc chẳng nghe gì,
tựa người câm, không hề mở miệng,
15 cầm bằng kẻ không nghe chi hết,
chẳng một lời đối đáp ngoài môi.
16 Lạy CHÚA, nơi Ngài con trông cậy;
lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa sẽ đáp lời” (Tv 38,13-16).
Cũng như tiên tri I-sai-a nói về hình ảnh người Tôi Trung (bài thứ tư) bị đem đi giết:
“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7).
Hình ảnh Chúa Giê-su im lặng trên đường thương khó này, cũng nhắc đến hình ảnh Mát-thêu diễn tả Chúa Giê-su là người Tôi Trung của Thiên Chúa:
“Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42,2).
Ngoài ra, Martini lưu ý chúng ta đến yếu tố im lặng của Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn theo Tin Mừng Mác-cô: “Một điều đặc biệt cần chú ý là những cảnh diễn tả sự im lặng của Chúa Giê-su. Lúc đầu Ngài còn nói một vài từ. Ngài nói với Giu-đa, với những người bắt bớ Ngài, với vị thượng tế và với Phi-la-tô. Sau đó Ngài thinh lặng. Tất cả đều bu quanh Chúa Giê-su như là một trò chơi bi thương diễn ra trong vòng tròn, nhưng Chúa Giê-su đã làm chủ trò chơi với sự im lặng của Ngài. Chúng ta chiêm ngắm sự tương phản giữa những con người đang bối rối trong lời nói và hành động với Chúa Giê-su thinh lặng đang hiện diện ở giữa. Chúa làm chủ khung cảnh náo loạn và đầy căng thẳng này. Chính sự hiện diện toàn vẹn của Chúa (trong thinh lặng) là lời nói và toà án rồi (dành cho con người)”[10].
Trước sự im lặng của Chúa Giê-su, vị thượng tế có phản ứng gì? “Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không? ” Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao? ” Tất cả đều kết án Người đáng chết”.
Trước sự yên lặng của Chúa Giê-su, vị thượng tế là Cai-pha đã không thể “ở yên”. Vì những lời chứng của người này người kia kết án Chúa không thành, nên ông phải ra tay và mở miệng: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” . Trong Tin Mừng Mát-thêu còn thêm một yếu tố khác: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26,63). Trước một yêu cầu của một kẻ có thẩm quyền và còn nhân danh Thiên Chúa để đòi buộc, Đức Giê-su không thể không trả lời. Ngài đáp: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.
Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng để chia xẻ quyền năng với Thiên Chúa. Con Người đến trong vinh quang để xét xử muôn người. Con Người viết hoa này được tiên tri Đa-ni-en nhắc tới trong một thị kiến về các con thú:
“Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.
Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện” (Đn 7,13).
Về những gì Chúa mới nói, Chúa đã nói với các môn đệ một vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên Chúa nói cách công khai trước mặt mọi người. Lần đầu tiên Chúa mặc khải cho mọi người Chúa là Con Người viết hoa mà Đa-ni-en đã nhắc tới. Lần đầu tiên, trước mặt mọi người Chúa cho mọi người biết vai trò xét xử của Chúa trong ngày cánh chung. Chúa chính là Đấng xét xử.
Nhưng đối với các tư tế cũng như vị thượng tế trong thượng hội đồng lời nói này của Chúa rất mới mẻ. Họ chẳng thể hiểu được điều Chúa nói. Vì thế, họ vẫn nhìn Chúa là kẻ bị kết án, và sau khi nghe những gì Chúa nói, chắc là họ tức tối.
Trước câu trả lời của Chúa Giê-su, vị thượng tế đã phản ứng lại như thế nào? “Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao? ” Tất cả đều kết án Người đáng chết”.
Chúng ta chú ý đến thái độ và lời nói của vị thượng tế: xé áo, lên tiếng kết án Chúa hầu lôi mọi người theo sự kết án của ông ta. Cách hành xử của vị thượng tế tương hợp với lời tiên tri I-sai-a nhắc đến “Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi bị thủ tiêu” (Is 53,8). Để hiểu được mánh lới của vị thượng tế này, chúng ta đọc lời giải thích của cha Hồ Bặc Xái: “Mặc dù lộng ngôn phạm thánh là tội đáng chết, nhưng cần lưu ý đến các chị tiết sau:
(1) Sách Talmud đã quy định rằng: chỉ khi nào nói đến tên mà Thiên Chsua đã mặc khải cho Mô-sê, tức là tên Yahweh thì mới là phạm thượng; còn nếu nói tới Thiên Chúa bằng những kiểu nói khác, chẳng hạn ‘yah’ hay ‘Đấng Thánh’, ‘Đấng Toàn Năng’…, thì không phải là tội phạm thánh. Trong câu trả lời, Đức Giê-su không hề nói tên Yahweh, mà chỉ nói ‘Đấng Toàn Năng’.
(2) Các thành viên khác trong thượng hội đồng hẳn là đã nhận ra được điểm tế nhị này, cho nên họ không xé áo như vị thượng tế. Nếu họ thực sự thấy Đức Giê-su phạm thánh, thì không chỉ một mình Cai-pha xé áo mình ra, mà tất cả đều phải làm y như thế!
(3) Hơn nữa, nếu muốn kết án ai tội phạm thánh, thì phải theo cả một thủ tục luật định: trước hết phải có hai người chứng đứng núp phía sau một bức màn để nghe; bị cáo được đưa ra đứng trước mặt mọi người; vị xét xử đặt câu hỏi để bị cáo trả lời mà trong câu trả lời có gọi đúng tên cực thánh cấm kỵ; vị xét xử yêu cầu bị cáo rút lại lời nói đó nhưng bị cáo vẫn khăng khăng không rút lại. Chúng ta thấy tất cả những quy định trên đều không được tuân thủ.
(4) Ngoài ra, việc Cai-pha dùng chính lời nói của Đức Giê-su để kết án Ngài cũng là sai luật, vì luật đã quy định rằng, lời tự thú của bị cáo không có giá trị, nếu không được xác nhân bởi ít ra hai người chứng khai ăn khớp nhau. Sở dĩ luật Do-thái quy định như thế là để đề phòng những trường hợp bất công như bị cáo bị áp lực phải tự thú sai sự thật, hay bị cáo nản lòng quá nên muốn khai bừa để được chết cho rồi”[11].
Trở về với bài Tin Mừng, sau khi tất cả mọi người trong thượng hội đồng nhất trí kết án tử Chúa, thì một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi! ” Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi.
Một cuộc chơi bi thương bắt đầu. Chúa Giê-su vẫn đứng ở giữa. Sau cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Ngài và vị thượng tế Cai-pha, Ngài bị kết án tử và giờ đây tử tội trở thành trò chơi cho người thác đàm tiếu, khạc nhổ vào mặt. Thê lương hơn, họ đã bịt mặt Người lại và đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi!” Nói gì? Có lẽ họ đang chơi trò đoán mò với tử tội. Chúa Giê-su có nói gì không? Trở về với thinh lặng và tiếp tục thinh lặng, dù bao nhiêu đòn đánh đấm của người này đến người khác giáng xuống trên Ngài. Đức Ki-tô thinh lặng và đón nhận tất cả. Một thái độ bị động được diễn tả rõ rệt ở đây! Thái độ của Chúa Giê-su tương hợp với lời trong bài ca người tôi trung (bài thứ ba):
“Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6).
Về sự im lặng và bị động của Chúa Giê-su trên hành trình thương khó, Rolheiser đã chia sẻ rất sâu sắc trong bài Cuộc thương khó của Chúa Giê-su được viết ngày 30.3.2015 như sau: “Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta cả đời sống lẫn cái chết của Ngài. Nhưng, chúng ta lại quá thường không phân biệt được giữa hai điều này. Chúa Giêsu trao ban đời sống của Ngài cho chúng ta theo một cách tích cực và chủ động hành động, nhưng Ngài cũng trao ban cái chết của Ngài cho chúng ta theo một cách khác, là qua sự bị động, và thương khó của mình.
Chúng ta thường dễ hiểu lầm ý nghĩa của Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Khi dùng từ Thương khó (Passion) đế nói đến đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta tự nhiên liên kết Thương khó với đau đớn, nỗi đau bị treo trên thập giá, bị hành hạ, bị đánh đòn, bị đóng đinh và bị sỉ nhục trước đám đông. Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu có nói đến những điều này, nhưng chúng ta cần hướng từ ‘Thương khó’ đến một trọng tâm khác nữa. Thương khó (Passion) có gốc La Tinh là passio, nghĩa là bị động, và đây chính là ý nghĩa thực sự. Từ bệnh nhân (patient) cũng từ gốc này mà ra. Do đó, trình thuật Thương khó mô tả lại sự bị động của Chúa Giêsu, mô tả việc Ngài trở nên một ‘bệnh nhân.’ Ngài trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự bị động của Ngài, cũng như trước kia Ngài trao ban đời sống cho chúng ta qua sự chủ động của Ngài.
Thật vậy, Tin mừng theo thánh Matthêu, Máccô, và Luca đều có thể chia thành hai phần riêng biệt: Trong mỗi Tin mừng, chúng ta có thể chia tất cả mọi chuyện trước khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Giết-sê-ma-ni về một bên, và gọi phần Tin mừng này là: Sự chủ động của Chúa Giêsu Kitô. Rồi phần còn lại mà chúng ta gọi là ‘cuộc Thương khó’ có thể gọi là: Sự bị động của Chúa Giêsu Kitô. Điều này thực sự sẽ giúp làm rõ một đặc nét quan trọng là: Chúa Giêsu trao ban đời sống của mình cho chúng ta qua sự chủ động, nhưng lại trao ban cái chết của mình cho chúng ta qua sự bị động. Do đó: Cho đến trước khi bị bắt, Tin mừng mô tả Chúa Giêsu chủ động, làm mọi sự, là người dẫn dầu, rao giảng, dạy dỗ, làm các phép lạ, an ủi dân chúng. Nhưng từ sau khi bị bắt, tất cả mọi động từ đều chuyển sang thể bị động: bị lôi đi, bị giới cầm quyền hành hạ, bị đánh, được vác đỡ thập giá, và cuối cùng là bị đóng đinh vào thập giá. Sau khi bị bắt, như một bệnh nhân trong phòng nan y liệt giường, Chúa không còn làm gì nữa, nhưng là người khác làm cho Ngài và làm với Ngài. Ngài bị động, là một bệnh nhân, và trong sự bị động đó, Chúa Giêsu trao ban cái chết của Ngài cho chúng ta.
Trong chuyện này, có nhiều bài học cho chúng ta, trong đó có một sự thật rằng: sự sống và tình yêu được trao ban không chỉ trong những gì chúng ta làm cho người khác, nhưng có lẽ thâm sâu hơn, còn là trong những gì chúng ta nhận lấy những khi chúng ta bất lực, khi chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài là một bệnh nhân, một người bị động”.
Đến đây, chúng ta tự hỏi, các thượng tế, kỳ mục và kinh sư hay thượng hội đồng này là mảnh đất nào. Họ là vệ đường, sỏi đó hay bụi gai? Họ có biết Chúa không? Có chứ! Hạt giống là Chúa Giê-su đã rơi vào mảnh đất của họ, Chúa cũng mọc lên nơi đó, nhưng vừa mọc lên, vừa xuất hiện để đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, là nhóm người này đã bắt đầu “dị ứng” với Ngài. Là những người có thế giá trong Do-thái giáo, những người rành rẽ Thánh Kinh và luật lệ, những người được gọi là Rabbi, thầy dạy, họ không thể chấp nhận có quá nhiều người rời bỏ hội đường, rời bỏ họ để theo bước Chúa Giê-su, để lắng nghe Ngài giảng dạy ở ven biển hồ, trên những cánh đồng hay trên đồi núi. Hơn nữa, họ cũng không chấp nhận Chúa Giê-su “mọc lên” và vươn cao hơn họ qua việc Chúa làm giúp đỡ những người nghèo khổ, bênh vực những kẻ tội lỗi. Vì thế, hạt giống Giê-su vừa rơi xuống, mọc lên, thì sẽ bị họ bứng lên ngay. Mảnh đất của các thượng tế, kỳ mục và kinh sư hay thượng hội đồng chính là sỏi đá, không có nhiều đất để Chúa mọc lên và vươn cao. Nơi họ, Chúa không có đất sống.
Sau khung cảnh Chúa bị kết án và trở nên một người tàn tạ, để họ chơi trò bi thương, Mác-cô đưa chúng ta trở về với nhân vật Phê-rô mà tác giả đã nhắc đến trước đó: “Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ” (Mc 14,54). Phê-rô theo Thầy dù xa xa nhưng vẫn hiện diện. Thực sự Phê-rô đã đón nhận Chúa Giê-su là hạt giống rơi xuống mảnh đất đời ông như thế nào? Chúng ta đọc lại câu truyện về Phê-rô tại dinh thượng tế: “Ông Phê-rô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới;67 thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì! “68 Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì! ” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy.69 Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.”70 Nhưng ông Phê-rô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê! “71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! “72Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc”.
Mác-cô chúng ta thấy ba lần Phê-rô chối Chúa có ba khung cảnh khác nhau. Lần (1) ở ngoài sân với nhân vật là người đầy tớ gái của thượng tế (câu 66). Lần (2) khi Phê-rô ra đến tiền sảnh và nhân vật tố cáo Phê-rô là một người đầy tớ gái (câu 69). Lần (3) có lẽ cũng ở gần tiền sảnh và lần này một nhóm người đứng ở đó tố cáo Phê-rô (câu 70). Ngoài ra, nếu coi kỹ nội dung câu chuyện với những lời Phê-rô chối Chúa, chúng ta nhận “độ tăng” của việc chối Chúa. Lần chối thứ ba mang tính cách “thề độc địa” (câu 71).
Khung cảnh câu chuyện được diễn tả là Phê-rô đang ngồi ở ngoài sân. Như thế, Phê-rô đang ở ngồi ở phía bên ngoài phòng xử án. Lúc đó, có một người người đầy tớ gái của thượng tế đến bên Phê-rô. Mác-cô diễn tả rất chi tiết và sống động: “thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì!”. Có lẽ Phê-rô rất bất ngờ trước lời nói này, nhưng Phê-rô phản ứng thế nào? Mác-cô viết: “Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!”. Một thái độ chối từ rõ rệt qua hành động không muốn biết những gì cô đầy tớ kia nói. Hơn nữa, việc Phê-rô chối Chúa cách công khai và trước mặt mọi người như vậy làm chúng ta nhớ lại lời Chúa đã khuyến cáo: “Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,33). Về việc Phê-rô chối Chúa Giê-su lần này, bà Anne-Marie Pelletier, người soạn bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Đức Thánh Phanxicô năm 2017 đã viết như sau: “Thật là lạnh xương sống khi dám xưng mình là bạn của một người đang bị kết án tử hình. Cho nên, sự trung thành dũng cảm của Phêrô đã thất bại trước câu hỏi nghi ngờ của một người tớ gái, là người đang đứng giữ cửa”[12].
Câu truyện kể tiếp với việc Phê-rô rời chỗ ông đang ngồi và ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy. Đã thoát nạn chưa hay còn gì xảy ra nữa? Mác-cô vẫn giữ nhân vật người tớ gái trong câu truyện và diễn tả tiếp: “Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.” Nhưng ông Phê-rô lại chối”. Cách nói này gây chú ý hơn, và có sức “lôi” đám đông đang đứng đó vào hùa chung. Lời tố cáo này về nội dung khác lời tố cáo đầu tiên ở chỗ, lời tố cáo thứ hai này không nhắc đến địa danh Na-da-rét, nhưng lại nhấn mạnh đến “thuộc bọn chúng đấy”. Lần này Phê-rô chối như thế nào? “Nhưng ông Phê-rô lại chối”.
Sau khi chối lần thứ hai, Phê-rô tưởng đã thoát, ông vẫn chưa chạy trốn và vẫn còn lảng vảng ở đó thì “một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê! ” Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!”. Lần chối thứ ba này theo Mác-cô có những nét đặc biệt. Trước hết lời tố cáo nhắc đến việc Phê-rô cũng là người Ga-li-lê! Dựa vào đâu mà người ta có thể nhắc đến yếu tố này? Mát-thêu cho chúng ta biết: “Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay” (Mt 26,73). Theo cha Hồ Bặc Xái, “người Ga-li-lê có giọng nói khác các miền khác, đặc biệt là họ thường phát âm sai một số phụ âm (tương tự như một số người Việt cứ lẫn lộn giữa âm L và N)”[13]. Tiếp đến, trong lần chối thứ ba này, Mác-cô diễn tả rằng Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó! Cụm từ “thề độc địa” là cho mức độ của sự chối từ tăng lên. Phê-rô không chỉ nói cho xong chuyện, nhưng ông dùng lời thề để minh chứng cho lời ông chuẩn bị chối Chúa là sự thật: Tôi không biết người ấy. Phê-rô ở trong hoàn cảnh tế nhị. Xung quanh ông không chỉ là cô gái đầy tớ tố cáo mà còn cả một đám đông. Ông bị áp lực và phải tự bảo vệ trước lời tố cáo kia. Ông đã thốt lên với tính cách thề thốt, là ông không biết Chúa Giê-su là ai cả. “Độ tăng” của ba lần chối Chúa đã tới cực điểm với lời thề độc này. Phê-rô bảo vệ chính bản thân mình, bằng cách chối từ mối quan hệ thân thuộc của ông với Chúa, tình thầy trò. Trong chính lúc đó, thì những gì Chúa tiên báo được trở thành hiện thực.
“Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc”. Những giọt nước mắt hổ thẹn và hối hận lăn dài trên khuôn mặt của Phê-rô, khi ông vội vã thoát khỏi sân dinh vị thượng tế, là nơi Chúa Giê-su đang bị giam giữ. Một tiếng nói bên trong nội tâm tra khảo ông: “Làm sao ông lại chối bỏ thầy Giê-su cách công khai như vậy?” Cách đây ít lâu, ông không bao giờ có thể tưởng tượng là mình có thể quay lưng với Chúa Giê-su một cách nhẫn tâm như vậy.
Những lời khẳng định đầy hiên ngang mà ông vừa nói với Chúa Giê-su, nay lại quay về ám ảnh ông: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33); “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14,31).
Thật đau thương thay cho Phê-rô vào đêm hôm ấy, ông đã chối Chúa đến ba lần. Phê-rô thầm nghĩ, mọi sự xảy ra quá nhanh. Ngay khi ông nhớ lại một chuỗi những sự kiện xảy ra quá nhanh, thì lòng ông quặn đau như thắt vì thất bại và ông cảm thấy hết sức chán nản. Sau này, Phê-rô nhận thức rằng khi Chúa Giê-su quay lại nhìn ông (x.Lc 22,61), thì chính cái nhìn ấy – một cái nhìn đầy lòng thương xót – đã lay động tâm hồn ông, để ông nhận ra điều khủng khiếp mình vừa làm, đồng thời ông cũng nhận biết là Chúa đã thông cảm và tha thứ cho ông. Khi ông nhận ra điều đó, ông đã khóc lóc thảm thiết.
Bà Anne-Marie Pelletier đã suy niệm hình ảnh của Phê-rô thật sâu sắc trên hành trình này: “Dám xưng mình là một môn đệ của vị thầy Galilê nghĩa là đặt lòng trung thành với Chúa Giêsu lên trên cả cái mạng của mình! Khi yêu cầu lòng can đảm như thế, chân lý khó tìm được các nhân chứng… Đó là phương cách của chúng con. Nhiều người trong chúng con thích dối trá hơn sự thật. Phêrô là một người như chúng con. Ba lần ông phản bội Chúa. Rồi ông gặp ánh mắt của Chúa Giêsu. Và nước mắt của ông trào ra, cay đắng, như làn nước làm trôi đi một vết bẩn”[14].
Ngoài ra, Sertillanges đã chia sẻ như sau: “Đức Giê-su hướng về Phê-rô, mặc dầu ông ở rất xa, nhưng vẫn cảm được cái nhìn của Thầy, cái nhìn làm tan biến sự yếu đuối của trái tim con người, thâm nhập sâu vào tình yêu của nó và ban sức mạnh cho sự yếu đuối ấy. Tảng đá đã chao đảo. Nhưng chính trên tảng đá này mà nền móng của công trình đời đời được thiết lập. Nơi đâu mà xác thịt loài người tỏ ra yếu đuối, nơi đó quyền năng của Thượng Đế được biểu lộ rõ ràng. Phê-rô vấp ngã, nhưng ông là người thứ nhất tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, rằng Ngài là Đấng Thiên Sai Thượng Đế hứa”.
Câu chuyện Phê-rô chối Thầy được thuật lại trong cả bốn Tin Mừng, chỉ cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã công bố khuyết điểm của vị thủ lãnh đầu tiên của mình, chứ không che đậy. Dù vậy, họ được thêm vững mạnh, chứ không bị vấp phạm. Kinh nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận với họ rằng, thất bại là điều có thể chấp nhận được, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ. Rất có thể là chính thánh Phê-rô đã phổ biến câu chuyện thất bại của mình, khi người không ngừng cố gắng khích lệ anh chị em mình phấn đấu – như Chúa Giê-su đã yêu cầu Phê-rô: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).
“Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông oà lên khóc”. Đọc lại lời trên, chúng ta nhận ra được nước mắt sám hối của Phê-rô. Nếu không có nước mắt sám hối này, thì mảnh đất Phê-rô sẽ là mảnh đất đầy bụi gai tương tự như mảnh đất của Giu-đa. Hạt giống là Chúa Giê-su rơi xuống, mọc lên và phát triển, nhưng sẽ bị bụi gai làm cho “ngạt thở” và “chết”. Như thế, thì thật đau buồn, vì cả Giu-đa lẫn Phê-rô đều lẫm lỡ và đều bị sự dữ chế ngự. Điều đó đúng theo ngôn ngữ nhân gian nói rằng: sự dữ là điều bẩn thỉu mà con người có thể làm cho con người và làm cho Thiên Chúa[15].
Tuy nhiên, may thay Phê-rô không chìm mình trong tội lỗi và sự dữ. Sự sám hối và nước mắt này đã “cày xới” lại mảnh đất đầy bụi gai của Phê-rô. Sự sám hối và nước mắt của Phê-rô cùng ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su đã “nhổ sạch” bụi gai ra khỏi mảnh đất của Phê-rô, để nhờ đó Phê-rô lại có thể trở nên mảnh đất tươi tốt.
Sám hối là điều thật căn bản và quan trọng trên đường khổ nạn, trên hành trình Đức Tin. Tuy vậy, điều khó khăn nhất mà Phê-rô đã làm được là tự nhận ra mình là người tội lỗi. Xã hội càng văn minh, con người càng sống sung sướng và hướng về cái tôi của mình nhiều. Khi con người chú ý đến mình nhiều theo chiều hướng tiêu cực, thì con người sẽ dễ dàng trở nên kiêu hãnh và rất khó nhận ra lầm lỡ tội lỗi của bản thân. Vì thế, khuynh hướng bào chữa biện mình và khuynh hướng sống phớt lờ với tội lỗi và lầm lỡ của mình trở nên rõ rệt hơn.
Cha Latourelle, dòng Tên, trong tác phẩm Con người và các vấn đề của con người trong ánh sáng Đức Ki-tô đã nói rằng: “Ngày nay người ta đã khử trùng đời sống con người bằng cách phủ nhận tội lỗi. Nhưng ta biết rằng tội lỗi vẫn còn đó, và hơn nữa tội lỗi là sự dữ lớn nhất. Con người có thể đau khổ đồng thời cũng cảm thấy mình hạnh phúc, nhưng con người không thể vừa phạm tội vừa cảm thấy hạnh phúc”[16].
Martin Buber đã nhắc đến một tâm tình: “Rabbi Bunan nói với một người Chassidim (thuộc một phong trào đạo đức thuộc Do-thái giáo): ‘tội lỗi lớn của con người không phải là tội mà người ta đã phạm, Cám dỗ luôn luôn rất mạnh mẽ và sức lực của con người thì có hạn. Tội lỗi lớn của con người là tội không chịu sám hối ăn năn và nhận lỗi, khi con người có cơ hội để làm điều đó”[17].
Thánh Tê-rê-sa Avila đã nhìn thấy sự nguy hiểm của khuynh hướng phủ nhận tội lỗi, nên đã khuyến cáo: “Nếu ta nói: Ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1Ga 1,8). Lại nữa, không bao giờ – xét cho đúng – người ta hạch tội chúng ta mà chúng ta không có tội, vì luôn luôn chúng ta đầy tội lỗi. Người công chính một ngày ngã bảy lần (Cn 24,15), nên chúng ta nói mình không có tội là chúng ta nói dối (1Ga 1,8)”[18].
Với thánh nữ Tê-rê-sa Avila, khi chúng ta thật tâm sám hối và cầu xin ơn tha thứ, thì Chúa sẽ nhận lời, vì Chúa rất giàu lòng thương xót: “Lạy Thiên Chúa, Chúa của con, xin Chúa cho chúng con hiểu rằng: chúng con đã chẳng hiểu chính chúng con và chúng con đã đến cùng Chúa với hai bàn tay trống rỗng; lạy Chúa, vì lòng Chúa xót thương chúng con, xin tha thứ cho chúng con.
Lạy Chúa, thật sự con chẳng thấy có gì xứng đáng dâng lên Chúa, để xin Chúa thương ban ơn trọng đại như vậy, ngoài lòng từ bi của chính Đấng cầu xin cho chúng con”[19].
Khi chúng ta thực tâm sám hối, thì như Phê-rô, chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ, vì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn lớn lao hơn tội lỗi của con người. Lòng thương xót của Chúa có thể biến đổi mảnh đất đầy gai của Phê-rô thành mảnh đất thật tốt, để hạt giống là Chúa Giê-su có thể lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng Giáo Hội tiên khởi đã xem sự sa ngã của Adam là một “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà xuất hiện Đấng Cứu Thế, Giáo Hội cũng xem sự trượt ngã của Phê-rô là “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà Giáo Hội có được một vị thủ lãnh vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Phê-rô bị bó buộc phải đối diện với bóng tối của mình, và điều đó đã làm cho ông trở nên con người sám hối, khiêm nhường và đầy lòng thương xót.
[1] Lm Raniero Cantalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot, Bài Giảng Trong Nghi Thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu Kitô – Thứ Sáu Tuần Thánh – Cho Giáo Triều Rôma 18/04/2014.
[2] Lm Raniero Cantalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot.
[3] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.22.
[4] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.45
[5] Rahner K., Cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô trên thập giá. Trong tập sách “Betrachtungen zum ignatianischen Exerzitienbuch, Kösel-Verlag, München, 1965, 235-244.
[6] Nguyễn Công Đoan SJ., Thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô.
[7] Gnilka J., Das Evamngelium nach Markus, 2.Teilband Mc 8,27-16,20, Benziger Verlag, Zuerich 1979. S.271.
[8] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.47.
[9] Trích bởi Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.47.
[10] Martini C.M., Seht diese Menschen, die Leidengeschichte nach den vier Evangelien, Herder Verlag, Freiburg 1995, S.97.
[11] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.49-50.
[12] Anne-Marie Pelletier, Bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Đức Thánh Phanxicô năm 2017, chặng thứ hai: Ông Phê-rô chối Chúa.
[13] Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Từng Bước theo Ngài, t.51.
[14] Anne-Marie Pelletier, Bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Đức Thánh Phanxicô năm 2017, chặng thứ hai: Ông Phê-rô chối Chúa.
[15] Latourelle R. SJ., Con người và các vấn đề của con người trong ánh sáng Đức Ki-tô, Lm. André Trần Hữu Phương chuyển ngữ, NXB. Hồng Đức, Gò-vấp 2016, t.97.
[16] Latourelle R. SJ., Con người và các vấn đề của con người trong ánh sáng Đức Ki-tô, t.97.
[17] Trích trong Sie zogen hinauf nach Jerusalem, Hermine Koenig (Hrgs.), S.85.
[18] Tê-rê-sa Avila, Đường Hoàn Thiện. Chương 15,4.
[19] Tê-rê-sa Avila, Đường Hoàn Thiện. Chương 36,6.