Thiền dưới lăng kính Kitô giáo – 1 (Giác ngộ “Tự Tánh” trong THIỀN Phật Giáo – Phần 5)

Thien duoi lang kinh Kito giao (12) “Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.”

GIÁC NGỘ “TỰ TÁNH”
TRONG THIỀN  PHẬT GIÁO

(Theo Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ Huệ Năng)

PHẦN 1: Thiền Huệ Năng : Thiền là ”Thấy Tánh”

PHẦN 2: Bản chất của Vô Minh & Giác Ngộ

PHẦN 3: Làm sao để Giác ngộ “Tự Tánh” ?

PHẦN 4: Tự độ và Tha độ trong Thiền Phật Giáo.

PHẦN 5: THIỀN DƯỚI LĂNG KÍNH KITÔ GIÁO (1)

(Phản tỉnh cá nhân)

Thien duoi lang kinh Kito giao (6)

Bạn đọc mến,

Khi viết những phản tỉnh này, bản thân người viết chưa thật đi chuyên sâu vào Thần học Công Giáo nên cũng không dám khẳng định gì. Đây chỉ là những phản tỉnh, những cảm nghiệm riêng tư, là cái nhìn Thiền Phật Giáo dưới lăng kính của Kitô Giáo mà người viết rút ra được khi nghiên cứu về Thiền mà thôi. Chắc hẳn sẽ có những điểm có vẻ gán ghép hay chưa am hợp với Giáo Lý Công Giáo và quan điểm đức tin nơi nhiều người nên không buộc ai phải theo cả…!

Do vậy, ước mong bạn đọc khi tham khảo bài này cần vượt qua những câu chữ, không nên chú trọng quá để lấy kiến thức hay để tranh luận. Nhưng cách nào đó là để hiểu hơn và rút tỉa những điều bổ ích liên quan đến đời sống nội tâm cá nhân mỗi người. Những gì đúng sai hay như thế nào thì để Chân lý tự tỏ lộ nơi lòng mỗi người qua các biến cố cuộc sống. Bởi vì, một Đức tin sống động là một Đức tin đã được chứng nghiệm cá vị nơi mỗi người chứ không phải là một Đức tin đã được nghe biết từ người này người khác!

1.      “Tự Tánh” trong Thiền và “Thần Khí” trong Kitô Giáo

Sau khi lượt qua những ý niệm cơ bản của Thiền Phật giáo, chúng ta có thể thấy rằng quan niệm về bản chất của “Tự Tánh” trong Thiền dường như có vẻ tương hợp với bản chất của “Thần Khí” hay “Chúa Thánh Thần”[1] trong Kitô Giáo. Thánh Thần là Ngôi Ba cũng là Thiên Chúa thiêng liêng, thánh thiện, tự do tự tại, đầy sáng tạo… Những từ thường dùng ở nơi khác hay tôn giáo khác là: Thực Tại Thường Hằng, Chân Tâm, Thực Tại Tối Hậu, Phật Tánh, Thiên Chúa, Thượng Đế, Đấng Vô Cùng, Bản Thể Chân Như,… và có lẽ Lão Tử cũng gọi là “Tính” (Tánh)“Đạo”, Khổng Tử gọi là “Minh Đức”, Ấn giáo lại gọi là “Atman và Brahman”… Tên gọi có thể khác nhau nhưng tất cả đều nói đến thuộc tính của cùng một Thực tại vô hình, linh thiêng, vượt trên trí hiểu con người; là thánh thiện, quyền năng, vô cùng siêu việt; là Chân lý, ảnh hưởng sâu sắc và toàn thể đối với con người và vũ trụ…

Nói như trên, nhiều người Công Giáo có vẻ hơi khó chịu vì họ luôn cho Chúa của mình là vượt trên tất cả. Thật ra, Giáo lý Công Giáo muốn phân biệt Đấng Siêu Việt với các thần thánh khác cũng là thụ tạo từ Đấng Siêu Việt mà ra chứ không phải là phủ nhận niềm tin vào thực tại Siêu Việt nơi các tôn giáo khác. Nếu ai có lỡ thờ “những thần với những tên gọi không là Siêu Việt” là vì họ “không biết” và cho đó là Đấng Siêu Việt nhất của họ thì ta vẫn phải tôn trọng. Vấn đề ở chỗ là mỗi người đang tìm gì, “tìm mình” hay “tìm Siêu Việt”, và hoa trái mang lại là gì; nếu “tìm mình” thông qua việc thờ Siêu Việt thì cũng đồng nghĩa là “tự thần tượng chính mình”.

Thien duoi lang kinh Kito giao (17)

Nói như thế để muốn nói rằng nếu đúng thật là Siêu Việt thì chẳng giới hạn vào bất cứ tôn giáo nào cả, Chúa là Chúa thật sự thì chẳng là Chúa của ai cả nhưng là của tất cả. Nếu Siêu Việt mà còn “phân biệt” thì cũng chẳng còn Siêu Việt. Có chăng sự phân biệt là do con người tự giới hạn cho mình về một Siêu Việt trong một “ý niệm” hay “hình tượng” mà mình gọi tên là Siêu Việt mà thôi.

Chẳng hạn như Kitô giáo thường gọi Đấng Siêu Việt là “Thiên Chúa”. Khi gọi tên như thế thì ý niệm và kinh nghiệm trong tâm tư mỗi người nghĩ mỗi khác; hoặc có lúc chỉ đơn thuần nói lên một đặc tính nào đó của Thiên Chúa thôi, mà đặc tính Siêu Việt đó cũng mang tính trừu tượng như “Thiên Chúa là Tình Yêu, Nhân từ…”. Ngay cả Môsê khi hỏi “Tên Thiên Chúa” cũng chỉ được Thiên Chúa trả lời là “Ta là Đấng Ta là”[2] (I am Who am), vì không có gì hữu hạn có thể được gọi tên mà bao hàm được Đấng Vô hạn.

Thien duoi lang kinh Kito giao (8)

Thánh Anselm cũng đã từng quan niệm về Đấng Siêu Việt rằng: Thiên Chúa hay Đấng Siêu Việt là Đấng vượt cao hơn những gì chúng ta nghĩ tới được. Do vậy, các mầu nhiệm của Thiên Chúa Siêu Việt thường chỉ có thể được “chiêm ngắm bằng con mắt tinh tuyền” mà thôi và phải “đi vào” như “hạt muối đi vào đại dương” mới hiểu được chứ không thể diễn tả đơn thuần bằng luận lý. Niềm tin Kitô giáo ngang qua Tin Mừng thánh Gioan còn cho thấy rằng: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.”[3] Có lẽ, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về một Thiên Chúa Siêu Việt khi nhìn ngắm hoạt động của Thần Khí ngang qua “Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người”.

2.      Hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu.

Việc Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa cũng là “hiện thân của Chân lý” xuống thế làm người là một Mầu nhiệm của Kitô Giáo, chúng ta chưa thể bàn nhiều ở đây. Thiên Chúa có thể ở trên cao thẳm mà Ngài cũng có thể ở tận đáy vực sâu của phận người là điều mà nhiều người không hiểu nỗi. Tuy vậy, chúng ta không thể lấy thước để đo cả vũ trụ này, cũng như không thể lấy lý trí hạn hẹp của mình để lý luận hay giới hạn Siêu Việt vào một ý niệm hay không gian nào cả. Trong giới hạn của mình, tôi chỉ xin lượt qua những điểm chính quan trọng về hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu mà thôi.

Thien duoi lang kinh Kito giao (20)

Trước hết, chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, không biết từ bao giờ và cho đến muôn đời, Thần Khí của Thiên Chúa vẫn luôn làm việc, tác sinh mọi sự và ở trong mọi loài. Ngài vẫn hằng dùng mọi cách để nâng đỡ và đưa con người về với Thiên Chúa Siêu Việt [4]. Giáo lý Công giáo có vẻ phân ra công việc của từng Ngôi Vị Thiên Chúa để hiểu như: Chúa Cha (Đấng Tạo Hóa): Sáng tạo, Chúa Con (Đức Giêsu): Cứu chuộc, và Thánh Thần (Thần Khí): Thánh hóa. Nhưng trong thực tế, hoạt động của Ba Ngôi Vị luôn cùng một thể, không thể phân chia rạch ròi cũng như không thể tách Ánh Sáng Hơi Ấm khỏi Mặt Trời, nhưng ta có thể cảm nhận riêng biệt từng chức năng. Chính Thần Khí nối kết Đức Giêsu với Chúa Cha, và nối kết mọi người, mọi loài với Thiên Chúa thành một thể duy nhất mà có lẽ trong Thiền gọi là “Đại Ngã”.[5]

Về nghĩa thể lý và lịch sử, Đức Giêsu chỉ sống 33 năm trên trần thế, còn Thần Khí trong cả Ba Ngôi (Cha, Con và Thánh Thần) đồng một thể thì luôn hoạt động và tác sinh mọi sự trong mọi thời. Những mạc khải của Đức Giêsu về Thần Khí cũng khá am hợp với “Thực Tại Tự Tánh” mà Thiền Phật Giáo nhắm tới [6]. Thánh Phaolô cũng từng nói : “Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.”[7]

Cần phải nói thêm rằng sự hiện diện và công trình cứu độ của Chúa Giêsu trên trần thế cũng dưới sự tác động không ngừng của Thần Khí. Người nào muốn chân nhận Đức Giêsu là Chúa cũng phải nhờ Thần Khí mới tin như vậy được, vì chính Thần Khí trong tâm hồn mỗi người làm chứng cho Đức Giêsu.[8] Vai trò của Thần Khí là không thể thiếu trong việc biết, hiểu, tin và bước theo Đức Giêsu. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.  Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”[9]

Quả thật, người “biết” Đức Giêsu là ai về mặt danh và mặt trí thì nhiều nhưng người “hiểu, tin và bước theo” Đức Giêsu thực sự thì có vẻ không nhiều lắm. Nếu chưa thực sự được tôi luyện và “sinh lại nơi Phép Rửa của Thần Khí” [10] theo nghĩa “Hoán cải nội tâm tận căn” thì chưa thể gọi “bước theo” Đức Giêsu một cách dứt khoát được. Chính các môn đệ khi theo Đức Giêsu trong 3 năm nhưng vẫn còn mù tối với những toan tính trần thế, đến ngày “Lễ Ngũ Tuần” được tràn đầy Thánh Thần mới hiểu được hết những Lời Đức Giêsu rao giảng và sau đó mới can đảm sống chết, làm chứng cho “Tin Mừng Nước Trời”[11].

Quả thế, bước trên Đường Đạo Giêsu không chỉ dừng lại ở cái biết nhưng là từng bước thực sự sống và đi vào “con đường hẹp” mà Đức Giêsu đã loan báo và làm chứng. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”[12] Có lẽ, có những người mặc dù không biết Đức Giêsu là ai nhưng họ đã và đang sống trên đường Đạo theo sự hướng dẫn của Thần Khí nơi tiếng lương tâm thì thật sự họ cũng sẽ và đã ở trong được Nước Trời rồi, vì Thần Khí và Đức Giêsu cũng là một Chân Lý trong Chúa Cha. “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài…”[13]. Do vậy, chẳng phải là ở việc tôi có mang danh là Kitô hữu hay không nhưng ở việc có sống trên đường Đạo của Chân lý không mới quan trọng.

Đức Giêsu cũng từng nói: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời.”[14] Ý Chúa Cha là gì thật không dễ để biết rõ hết. Dầu vậy có thể hiểu “Ý Cha” thể hiện cụ thể hơn hết qua những dao động nơi nội tâm qua những biến cố cuộc sống mà tự mỗi người mới tự hiểu được. Tâm hồn mỗi người phải đủ lắng đọng mới lắng nghe được tiếng Thần Khí nói qua lương tâm mình.

Ý cha còn là thể hiện rõ hơn nơi giáo huấn của các bậc thánh hiền, các ngôn sứ, đặc biệt là của Đức Giêsu. Tuy vậy, Giáo huấn hay Kinh thánh chỉ thật sự hữu ích khi được “vang lên” và sinh hoa kết quả nơi một tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Đức Ái chính là nền tảng của giáo huấn Đức Giêsu thể hiện qua hai điều răn quan trọng nhất là: Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn và yêu người khác như chính mình. [15]

Thật khó để tóm gọn đề tài Tình yêu (Đức Ái) trong vài câu chữ vì Tình yêu (Đức Ái) là một mầu nhiệm chỉ nên được hiểu và chiêm ngắm bằng hành động mà thôi. Tuy vậy, ở đây chỉ có thể đưa ra một nhận định nhỏ liên quan đến tinh thần của Thiền rằng: Tình yêu của Đức Ái đích thực bắt đầu trước hết nơi con tim đã được thanh lọc đến kỳ cùng cái tôi vị kỷ chỉ nghĩ cho mình. Một tình yêu tinh tuyền như thế là tình yêu đến cùng, không còn phân biệt đối tượng và tình trạng của ngoại cảnh hay đối tượng mình yêu ghét.

Dù có bị kẻ thù hay ngay cả những người thân yêu, những người mình làm ơn phản bội, vu oan, giáng họa, sỉ nhục hay giết chết mình… nhưng vẫn tỏ lòng thương xót đến cùng, không hờn không trách, không một lời than van lại còn cầu nguyện cho họ nữa… “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.[16] Hầu như tôn giáo nào cũng hướng con người đến việc yêu thương người khác, nhưng để có thể yêu đến kỳ cùng bằng một tình yêu không tính toán phân biệt tốt xấu thì ít là phải có kinh nghiệm đụng chạm được Tuyệt Đối cách nào đó.

Thien duoi lang kinh Kito giao (15)

Hơn nữa, không biết tự bao giờ tình yêu được gắn liền với đau khổ như một định mệnh. Nhưng có lẽ, chính trong đau khổ mà cái tôi được tôi luyện đến kỳ cùng và khi đó tình yêu đến cùng mới có cơ hội được thể hiện trọn vẹn. Tình yêu trong tương quan giữa con người thường có nhiều mức độ khác nhau, làm sao những con người đầy tham sân si như chúng ta có thể yêu bằng một tình yêu lớn như thế nếu không một lần đụng chạm đến lòng thương xót vô biên của Siêu Việt. Vì thế, dường như khi được hoán cải nội tâm và giác ngộ “Tự Tánh cũng là Thần Khí Tình yêu” người ta mới hiểu rõ “Tình yêu là gì” và mới có can đảm yêu đến cùng như thế!

Nhìn chung, dưới sự hướng dẫn tác động của Thần Khí sứ mệnh quan trọng nhất của Đức Giêsu ở tại thế không gì khác hơn là đến loan báo “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (Nước Trời)” và nhất là làm chứng về Nước đó bằng chính “Tình yêu tự hủy đến cùng” qua hành động, cái chết và sự Phục Sinh của mình ngay trên trần gian này…

Trước tình cảnh “lực bất tòng tâm” khốn cùng của con người, tình yêu và lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu đã trở nên niềm tin, niềm hy vọng và sức mạnh cho những ai tội lỗi, bế tắc, lạc lối, cùng đường… Ngài đã trở nên “cầu nối tuyệt vời” giữa con người và Thiên Chúa. “Chính Thầy là con Đường (Đạo), là Sự thật (Chân lý) và là Sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”[17]. Có lẽ, thông qua sự can thiệp kỳ diệu của Thần Khí “Con Thiên Chúa làm người để con người làm con Thiên Chúa” là có ý như vậy!

Lửa Mới (dongten.net)

 

Thien duoi lang kinh Kito giao (9)

THAY ĐỔI

 Tôi bị căng thẳng thần kinh trong nhiều năm. Tôi lo lắng, xuống tinh thần và trở nên ích kỷ. Mọi người đều lặp đi lặp lại rằng tôi phải thay đổi.

 Và tôi đã oán hận họ, nhưng rồi cũng đồng ý với họ và mong muốn mình phải thay đổi nhưng đành chịu thôi, cho dù cố gắng cách mấy.

 Điều đau đớn nhất là, cũng như bao nhiêu người khác, những bạn bè thân thiết nhất cứ thúc giục tôi thay đổi. Do đó, tôi cảm thấy cùng đường, không lối thoát.

 Ngày kia, anh ấy bảo tôi: “Bạn đừng thay đổi làm chi. Tôi vẫn yêu thương bạn như bạn hiện có.”

 Những lời nói đó vang vọng vào tai tôi như một điệu nhạc êm đềm: “Bạn đừng thay đổi. Đừng thay đổi. Đừng thay đổi…Tôi vẫn yêu thương bạn như bạn hiện có.”

 Tôi cảm thấy thanh thản.  Tôi đã lấy lại sức sống. Và rồi lạ lùng thay, tôi đã thay đổi!

 Bây giờ đây tôi rõ biết tôi không thể thực sự thay đổi được cho tới khi tôi gặp được người nào đó thương yêu tôi cho dù tôi có thay đổi hay không.

 Chúa thương yêu con cách thế đó phải không Chúa? 

Althony de Mello, SJ

Thien duoi lang kinh Kito giao (16)

Xin xem tiếp phần 5-2:

Thiền dưới lăng kính Kitô giáo (2)

“Thực tại Tự Tánh” trong Thiền
và “Thực tại Nước Trời” trong Kitô giáo

CHÚ THÍCH

[1] Chúa Thánh Thần : Thường được lấy biểu tượng là “Chim Bồ Câu, Lửa, Gió…”

[2] Xh 3,13-15.

[3] Ga 1,18.

[4] Rm 8,22-27.

[5] Ga 14,1-12.

[6] Ga 14,16.26 + 15,26 + 16,7-8 + 16,13.

[7] 1 Cr 12, 3b-7. 12-13.

[8] 1Ga 4,2 + 1 Cr 12, 3b-7. 12-13.

[9] Ga 16,12-13.

[10] Ga 3,1-21.

[11] Co 2,1-11.

[12] Mt 7,13-14.

[13] Mt 8,11-12.

[14] Mt 7,21-29.

[15] Mc 12,28b-34.

[16] Lc 23,34.

[17] Ga 14,6.

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

Tài liệu chính:

Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh.

Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận, Quyển Thượng, NXB. TP.HCM.

Tài liệu khác:

Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước.

Thích Thiên Ân, Triết học Zen, Tập I, Đông Phương xuất bản, 1966.

Suzuki, Thiền và Phân tâm học, NXB. Phương Đông, (Như Hạnh dịch).

Shunryu Suzuki, Thiền Tâm – Sơ Tâm, NXB. Phương Đông, (Nguyễn Duy Nhiên dịch).

Đan Minh, Thiền Đến Phiền Đi, NXB. Phương Đông, (Thích Thiện Phước dịch).

Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Hưng Giáo Văn Đông xuất bản, 1970-1974.

Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết học Cương yếu.

Lý Minh Tuấn, Triết lý chữ Hòa (Từ linh đạo Kitô Giáo đến các Linh đạo Đông Phương), NXB. Phương Đông.

Thường Nhân, Thanh Tịnh Tâm – Tu thiền thực tập, NXB. Phương Đông.

Anthony de Mello SJ, Một Phút Khôn Ngoan, NXB. Antôn Đuốc Sáng.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *