Thiếu…!

 

Có lần các môn đệ đã thưa với Chúa Giê-su rằng: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” (x. Mt 15,33). Qua thái độ phân vân của các môn đệ, tôi nhận ra trên hành trình theo Chúa, trong thân phận là những con người yếu đuối, người môn đệ vẫn còn thiếu nhiều điều.

1.Niềm tin: Nói rằng người môn đệ không có niềm tin có lẽ chưa chính xác, mà nói đúng hơn là đức tin của họ chưa nhạy bén đủ để tin vào Thiên Chúa trước những khó khăn của cuộc đời. Trong tình cảnh dân chúng đói lả, các môn đệ chỉ nghĩ tới chuyện thiếu tiền mua bánh, đường ra chợ rất xa, mà có mua thì liệu bánh người ta sản xuất ra có đủ cung cấp cho mấy ngàn người như thế! Các môn đệ quên đi người đặt ra vấn đề: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (x.Mt 15,32) là Đức Giê-su. Vâng! Cái nhìn vật chất vẫn luôn chiếm ưu thế và ưu tiên trong những tình huống khó xử của con người. Không chỉ riêng các môn đệ, mà con người chúng ta cách chung vẫn thường như vậy. Khi một vấn đề rắc rối xảy đến, phản xạ tự nhiên của chúng ta thường là loay hoay tìm mọi cách để giải quyết nó cách mau lẹ, và phương thế trước mắt luôn là vật chất, cái mà chúng ta có thể bám víu, chạy vạy. Chỉ trừ khi vấn đề đi tới vô phương giải quyết, lúc đó chúng ta mới nhớ tới Thiên Chúa: “Xin Chúa ban cho con điều này, vì chỉ có Người mới làm được!”.

  1. Tri thức: Việc học của những môn đệ khi bước theo Chúa là điều cực kỳ cần thiết. Mục đích của việc giáo dục không hệ ở việc tiến thân, nhưng là hiến thân. Nghĩa là ngang qua việc học, họ có thêm hiểu biết về đời sống đức tin lẫn kiến thức cần thiết trong cuộc sống, hầu mưu ích cho hành trình giới thiệu Chúa cho anh chị em quanh mình. Nhờ được giáo dục cả về đức tin lẫn đời sống, người môn đệ luôn sẵn sàng và dễ dàng đến với mọi người để giúp họ hiểu ý nghĩa thực của đời sống. Tuy vậy, biên giới của việc học là vô hạn, và bản thân người theo Chúa cần phải học tập hết mình mới mong thu hái được thành quả chút ít. Như vậy, trong bể kiến thức bao la, tôi thấy bước chân người môn đệ lắm lúc đuối sức, mệt mỏi khi theo đuổi một hệ thống tri thức cần phải có. Hành trình ba năm theo Đức Giêsu của nhóm mười hai là chưa đủ; cũng như theo học hơn chục năm để trở thành một linh mục, tu sĩ, hoặc lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn thiếu rất nhiều!
  2. Quảng đại, dấn thân và hy sinh: Những cụm từ luôn đẹp và đòi hỏi một cái giá nơi người thực hiện nó. Chúng đòi hỏi người môn đệ thời gian, công sức và thậm chí là mạng sống nữa. Các môn đệ đặt ra câu hỏi: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” (x. Mt 15,33) đang khi các ông nghĩ gì trong đầu? Phải chăng đường xa mà trời đã xế chiều, sức người cũng đã suy giảm, hay tốt nhất thoái thác để đám đông giải tán tự về mà mua lấy. Tấm lòng quảng đại nhằm mở ra với hết tất cả mọi người, tuy nhiên những xu hướng quy kỷ nho nhỏ, ngại khó, ngại khổ vẫn thấp thoáng xuất hiện trong con người yếu đuối, đôi khi chúng mạnh lên và quật ngã chúng ta trên đường theo Chúa. Dấn thân để nhìn thấy nơi mỗi công việc chung là những cơ hội tốt để chúng ta nên thánh, cũng là dịp để thăng tiến chính bản thân mình, đồng thời mưu ích cho tha nhân, nhưng mấy khi chúng ta làm việc bác ái với mục đích tinh ròng cho ích chung, vì vẫn còn đâu đó con người hẹp hòi, nhỏ nhoi và đùn đẩy. Sự quảng đại và dấn thân dù đẹp đẽ và ý nghĩa như thế, mà vẫn còn bị chi phối theo chiều hướng tiêu cực, thì đừng kể tới hy sinh chính mình. Đức Giê-su đã nêu gương quảng đại, dấn thân và hy sinh cách triệt để cho môn đệ; nhưng Người cũng thấy những yếu đuối nơi họ, vì tiến trình ấy không thể đòi hỏi một sớm một chiều được.
  3. Kiên nhẫn: Người môn đệ đôi khi vẫn còn thiếu sự kiên nhẫn trước những chuyện khó. Đây là cản trở thực sự lớn ngăn cản bước tiến của họ trên hành trình theo Chúa. Cách ứng xử của con người luôn có sự nhanh nhẹn, nhưng đôi khi sự nhanh nhẹn ấy lại khiến vấn đề ra tồi tệ hơn. Ở đây, chúng ta không thể trách các môn đệ vì sao khi Đức Giêsu nêu lên vấn đề cung cấp bánh cho đám đông, các ông không kiên nhẫn và suy nghĩ đôi chút về chuyện ấy. Có thể những phút suy nghĩ, dù ngắn ngủi, nhưng vẫn giúp các ông thấy được quyền năng nơi Đức Giêsu và tin tưởng nơi Người. Đôi lúc, trong hành trình khám phá ý Chúa, chúng ta vẫn rơi vào tình trạng thiếu kiên nhẫn như thế. Sự nóng nảy, bộc trực và muốn giải quyết vấn đề cách vội vã khiến vấn đề chỉ yên ở bề mặt, còn những khuấy động ngầm bên trong vẫn còn đấy, mà đó mới chính là điều đáng phải quan tâm hơn hết.
  4. “Lửa” – nhiệt huyết: Hiện trạng thiếu nhiệt huyết vẫn xuất hiện thường xuyên nơi người đặt chân theo Chúa, lý do đơn giản vì con đường ấy đòi hỏi nhiều điều “ngược đời” và chẳng mấy ai dám đi. Tuy vậy, chính Đức Giêsu đã nêu gương đi con đường ấy trước mỗi người chúng ta. Có bao giờ chúng ta dám kéo mình thoát khỏi những ý tưởng về tiền bạc, gia đình, tài chính, làm ăn, quần áo, tiện nghi, giải trí… để hành động chỉ với ngọn “lửa” nhiệt huyết đang cháy bừng trong chúng ta? Có bao giờ chúng ta dám quyết định một điều có tính chất quan trọng cho mọi người mà không mảy may nghĩ tới ích lợi tương lai của bản thân mình sẽ ra sao? Chúng ta cần thừa nhận rằng đã có một Phanxicô Xaviê dám vượt bao nhiêu hải lý từ trời Âu sang trời Á để loan báo Tin Mừng; có một Têrêsa Calcutta dám rời bỏ tu viện ấm êm để gắn bó với những con người nghèo hèn, bị hắt hủi ở lề đường. Dám nghĩ rằng khi thực hiện những chọn lựa như thế, các ngài đã không nghĩ gì cho ích lợi bản thân mình nữa, vì ngọn lửa đang thôi thúc trong tâm hồn các ngài được khởi đi từ Thiên Chúa. Vâng! Ngọn lửa – nhiệt huyết để thực thi một chân lý là hồng ân của Thiên Chúa, vậy mà lắm khi chúng dập tắt chúng chỉ bởi vật chất, tiền bạc, nhà cửa, tính mạng đời này…

Trong tâm tình mùa Vọng, xin được gợi lên đôi điều trong số nhiều điều mà người môn đệ còn “thiếu” trên hành trình bước theo Thầy. Thiếu không đồng nghĩa với việc bỏ mặc, không nỗ lực và chẳng cần cố gắng đạt thêm điều gì nữa. Điều thực tế là sự thiếu thốn là một tình trạng luôn tồn tại nơi con người mọi nơi và mọi thời. Người môn đệ thực thụ là người thấy mình thiếu thốn, nhất là khi nhìn vào giới hạn của bản thân, họ càng thấy mình cần Chúa hơn hết. Thế nên họ luôn cố gắng tiến lên từng bước, đạt được những điều rất nhỏ, hầu khỏa lấp nỗi “thiếu” ấy từng ngày, nhờ ơn Chúa và nỗ lực của bản thân.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng chúng con còn thiếu nhiều điều. Có những thiếu thốn mà chỉ có Chúa mới hiểu và có thể bù đắp được. Nguyện xin Chúa cho chúng con biết phấn đấu vươn lên mỗi ngày, cộng tác với ơn Chúa để lắp đầy những thiếu thốn nơi chúng con. Amen.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Dọn đường cho Chúa

  Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta …

Thánh Lucia – Ánh sáng dẫn lối cho Mùa Vọng

  Ngày 13 tháng 12 là ngày kính thánh Lucia, một trinh nữ tử đạo. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *